Nghiên cứu lý luận

Một số phương pháp dạy học tích cực áp dụng trong dạy học các môn mỹ thuật cơ sở tại Khoa Công nghệ thông tin Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội

08 Tháng Mười Một 2019

Nguyễn Thái Học[*]

 

Bài báo giới thiệu một số phương pháp dạy học (PPDH) tích cực áp dụng trong dạy học các môn mỹ thuật cơ sở (MTCS) cho sinh viên (SV) nghề Thiết kế đồ họa tại (TKĐH), Khoa Công nghệ thông tin (CNTT) - Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội (CĐNBKHN) như: Phương pháp công đoạn, phương pháp tình huống,Phương pháp dạy học cầm tay chỉ việc, phương pháp dạy học trực quan hóa, phương pháp từng bước, phương pháp dạy học theo hợp đồng.

 Không giống với các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp về đào tạo mỹ thuật, SV theo học nghề TKĐH tại Khoa CNTT - Trường CĐNBKHN có điểm xét tuyển đầu vào chưa cao, biên độ điểm xét tuyển rộng nên trình độ nhận thức của SV cũng không cao và chưa đồng đều. Đặc biệt, đa số các SV chưa được học vẽ, rất ít SV có năng khiếu mỹ thuật. Họ thấy thích thú nghề TKĐH thì đăng ký theo học, …

Chính vì vậy, dạy học các môn MTCS cho SV ở hệ cao đẳng nghề rất cần người giáo viên (GV) phải có sự lựa chọn, vận dụng những PPDH phù hợp với đặc điểm của SV. Nếu áp dụng những PPDH của các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp về đào tạo mỹ thuật thì chắc chắn sẽ thiếu hiệu quả, không phát huy được tính tích cực của người học.

Trong những năm học gần đây, đối với các môn MTCS, tác giả cùng đồng nghiệp đã triển khai dạy học thực nghiệm nhiều lần bằng nhiều PPDH tích cực khác nhau. Qua tổng kết rút kinh nghiệm, tác giả xin lựa chọn, giới thiệu một PPDH tích cực được cho là phù hợp với đặc điểm cụ thể của SV, với điều kiện thực tiễn của Khoa CNTT - Trường CĐNBKHN như dưới đây:

1. Phương pháp công đoạn

Áp dụng trong trường hợp cần truyền đạt một khối lượng nội dung lớn. Các GV thường phàn nàn rằng họ phải đảm bảo tiến độ giảng dạy của chương trình với khối lượng nội dung lớn, trong khi thời gian lại eo hẹp. PPDH này là sự lựa chọn tốt để tránh việc thuyết trình quá dài.

1.1. Các bước thực hiện

Bước 1: Chia nhỏ nội dung bài giảng;

Bước 2: Chia nhóm, hướng dẫn người học cách học theo công đoạn;

Bước 3: Người học làm việc tại mỗi công đoạn;

Bước 4: Hỏi - Đáp;

Bước 5: GV hệ thống nội dung bài giảng.

1.2. Ưu điểm

Trong một thời gian ngắn, người học có thể luân phiên, cùng nhau tiếp thu một lượng kiến thức lớn.

1.3. Vận dụng

            Có thể áp dụng PPDH này cho tất cả các môn MTCS. Đặc biệt, có hiệu quả tốt đối với thực hành những bài tập lớn, bài kiểm tra kết thúc môn học.

2. Phương pháp tình huống

Là một PPDH tích cực: GV sử dụng một tình huống trong thực tế hoặc hư cấu để truyền tải, minh họa cho một chủ đề, một nội dung hoặc để rút ra các bài học kinh nghiệm. Đây là cách thức tốt nhất để liên hệ lý luận với thực tiễn: Học đi đôi với hành.

2.1. Các bước thực hiện

Bước 1: Giới thiệu tình huống;

Bước 2: Người học nghiên cứu tình huống;

Bước 3: Người học tìm giải pháp cho tình huống;

Bước 4: Người học giới thiệu và bảo vệ giải pháp;

Bước 5: GV tổng kết, rút ra bài học từ tình huống.

2.2. Ưu điểm

            - Giúp người học tiếp cận vấn đề một cách cụ thể, có tính thực tiễn.

            - Người học được rèn luyện khả năng tư duy, kỹ năng phân tích, lập luận, đánh giá vấn đề.

            - Người học được phát triển kỹ năng năng nói, lắng nghe, quản lý, làm việc theo nhóm, …

            - Lôi cuốn được người học tham gia sâu vào nội dung bài học.

2.3. Vận dụng

            Đây là PPDH phù hợp với cả 3 môn MTCS: Hình họa, Trang trí, Cơ sở tạo hình. Ta có thể đưa ra rất nhiều tình huống (thực tế, giả định) để SV tích cực, chủ động giải quyết vấn đề. Đặc biệt, có thể sử dụng làm công cụ sửa lỗi cho các bài thực hành của SV sẽ phát huy được triệt để thế mạnh.

3. Phương pháp dạy học cầm tay chỉ việc

- Đây là PPDH chỉ nên áp dụng trong nhóm nhỏ, sao cho cả nhóm đều thực hành được và GV quan sát, giúp đỡ được tất cả mọi người học.

3.1. Các bước thực hiện

Bước 1: GV làm mẫu (hoặc đưa ra mẫu) cho người học quan sát;

Bước 2: Người học thực hành theo mẫu;

Bước 3: GV kiểm tra và trợ giúp;

3.2. Ưu điểm

Người học được thực hành ngay sau khi xem mẫu, được so sánh kết quả học tập của bản thân với mẫu của GV.

3.3. Vận dụng

            PPDH này rất phù hợp với dạy học môn Hình họa. Đối với một số bài tập trong môn Trang trí như ký họa, cách điệu, kỹ năng vẽ màu, … thì PPDH này cũng có thể phát huy tác dụng khá tốt.

4. Phương pháp dạy học trực quan hóa

Để tiếp thu kiến thức trên lớp có hiệu quả, người học không chỉ đọc, nghe, quan sát mà còn phải tham gia vào bài giảng. Việc quan sát thông qua các giáo cụ trực quan (học bằng mắt) là một PPDH hấp dẫn, thu hút, lôi cuốn người học, giúp người học hiểu bài, nhớ bài tốt hơn. Theo các nhà nghiên cứu về PPDH, nếu chỉ đọc thì mức độ ghi nhớ đạt 10%, chỉ nghe đạt 20%, nhưng nếu cộng thêm nhìn thì mức độ ghi nhớ đạt tới 50 - 60%.

PPDH trực quan hóa nghĩa là sử dụng chữ viết, tranh, ảnh, hình vẽ, sơ đồ, bảng biểu,... để truyền tải hoặc minh họa cho một chủ đề hay một nội dung của bài giảng.

4.1. Các bước thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị phương tiện, hình ảnh trực quan: Chữ viết, tranh, ảnh, hình vẽ, sơ đồ, bảng biểu,... ; (sắp xếp thông tin phù hợp, rành mạch, có trình tự).

Bước 2: Nêu vấn đề bằng cách giới thiệu hình ảnh trực quan; (Lưu ý: hạn chế sử dụng ngôn ngữ, không giải thích dài dòng);

Bước 3: Khuyến khích người học quan sát, nghiên cứu, khai thác nội dung hình ảnh trực quan;

Bước 4: Đặt câu hỏi, khơi gợi người học thảo luận;

Bước 5: Kết luận nội dung vấn đề sau khi thảo luận.

4.2. Ưu điểm

- Có thể thực hiện liên tục trong toàn buổi học.

- GV không cần phải thuyết giảng nhiều.

- Người học hứng thú, dễ tiếp thu, dễ hiểu và nhớ lâu hơn.

4.3. Vận dụng

            PPDH này có thể áp dụng cho tất cả các môn học, đặc biệt với các môn học mỹ thuật thì rất thu hút người học, kích thích người học tìm tòi, sáng tạo, chủ động hơn trong học tập bởi đây là lĩnh vực mà sản phẩm của người học chủ yếu là hình ảnh.

5. Phương pháp từng bước

            PPDH này thực chất là việc chia nhỏ nội dung dạy học thành từng bước đơn giản. GV làm mẫu các bước, giải thích, chốt lại để người học dễ nhớ, sau đó mới bắt đầu luyện tập (thực hành bằng “Cầm tay chỉ việc”).

5.1. Các bước thực hiện

Bước 1: Giáo viên vừa làm mẫu, vừa giới thiệu các bước;

Bước 2: Người học thực hành lại các bước;

Bước 3: GV nhận xét và tổng hợp lại các bước.

5.2. Ưu điểm

- Phù hợp với hình thức dạy học tích hợp và đào tạo kỹ năng nghề.

- Người học được thực hành nhiều, được rèn luyện kỹ năng liên tục.

- Hiệu quả được thể hiện ngay, người học thấy hứng thú, hăng say.

5.3. Vận dụng

            PPDH này có thể áp dụng cho tất cả các môn học MTCS. Đặc biệt với thực hành các bài tập, để rèn luyện kỹ năng từ đơn giản đến phức tạp, từ thực hiện các bài tập nhỏ đến giải quyết một bài tập lớn.

6. Phương pháp dạy học theo hợp đồng

Đây là một PPDH tích cực, theo đó mỗi người học làm việc với một gói các nhiệm vụ khác nhau, trong một khoảng thời gian nhất định.

Người học được quyền chủ động xác định thời gian và thứ tự thực hiện các bài tập, nhiệm vụ học tập dựa trên năng lực và nhịp độ học tập của mình. GV có thể chắc chắn rằng mỗi người học đã ký hợp đồng tức là đã nhận một trách nhiệm rõ ràng và sẽ hoàn thành các nhiệm vụ vào thời gian xác định.

6.1. Các bước thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị nội dung, nhiệm vụ của hợp đồng;

Bước 2: Xây dựng hợp đồng;

Bước 3: Tổ chức cho người học ký hợp đồng học tập;

Bước 4: Đánh giá hợp đồng;

6.2. Ưu điểm

- Cho phép phân hóa nhịp độ và trình độ của người học.

- Phát huy tinh thần làm việc độc lập, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người học;

- Tăng cường sự giao lưu, thấu hiểu của người học với GV và của người học với nhau.

- Người học được dấn thân vào hợp đồng của mình làm cho họ thoải mái hơn, tăng tính tự giác, tự lực của người học.

- Hoạt động dạy học phong phú và đa dạng hơn, tránh việc chờ đợi lẫn nhau trong học tập.

6.3. Vận dụng

            Đây là PPDH có thể áp dụng cho nhiều môn học MTCS. Chúng ta nên áp dụng với những bài tập ngoại khóa, bài tìm hiểu, mở rộng. Cần hợp đồng với người học trong một thời gian cụ thể. Cần đánh giá khách quan và rút ra những bài học kinh nghiệm cho người học sau mỗi hợp đồng.

Có thể khẳng định rằng không có PPDH nào là duy nhất và là vạn năng cho tất cả các môn học. Những PPDH thường được sử dụng phối hợp để giải quyết tốt các nhiệm vụ dạy học khác nhau.

Khi áp dụng những PPDH đã nêu trên đây vào dạy học các môn MTCS cho SV nghề TKĐH tại Khoa CNTT - Trường CĐNBKHN, tác giả nhận thấy kết quả học tập của SV có nhiều chuyển biến tốt, SV hiểu bài hơn, chủ động, tích cực chiếm lĩnh kiến thức bài học. Đồng thời, thái độ học tập của SV cũng thay đổi rõ rệt, SV hứng thú và sáng tạo hơn trong học tập.

 

                                                   Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự án Việt - Bỉ (2010), Dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  2. Bộ Lao động Thương binh Xã hội - Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội (2017), Báo cáo tổng kết năm học 2016 - 2017, Tài liệu của Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội.
  3. Đặng Vũ Hoạt - Hà Thị Đức (2004), Lý luận dạy học đại học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  4. Mai Quốc Khánh (2016), Lý luận dạy học hiện đại, Tài liệu giảng dạy chuyên nghành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thị Minh Phương - Phạm Thị Thúy - Lê Viết Chung (2016), Cẩm nang phương pháp sư phạm, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Tổng cục dạy nghề - Dự án DT05A (2017), Kỹ năng sư phạm chung, Tài liệu dạy học của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

 

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K4 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Mĩ thuật