Nghiên cứu lý luận

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đền thờ Nguyễn Trãi, phường Cộng Hòa thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương

11 Tháng Mười Hai 2019

 Vũ Đại Dương [*]

 

Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 tại kinh thành Thăng Long; cha là Nguyễn Phi Khanh, nguyên quán ở làng Chi Ngại, nay thuộc phường Cộng Hoà, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương; sau dời đến làng Ngọc Ổi, tức làng Nhị Khê, nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội; mẹ là Trần Thị Thái, con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.

Tuổi thơ, Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long; từ năm 1385 theo ông ngoại về ở Côn Sơn. Năm 1390, sau khi Trần Nguyên Đán qua đời, Nguyễn Trãi trở về Nhị Khê. Được ông ngoại và cha trực tiếp dạy dỗ, rèn luyện, Nguyễn Trãi nổi tiếng tài đức và có chí lớn. Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ), ra nhậm chức Ngự sử đài Chánh trưởng, dưới triều Hồ.

Năm 1437, Nguyễn Trãi về ở Côn Sơn, viết bài Côn Sơn ca để tỏ chí mình. Năm 1439, vua Lê Thái Tông trị kẻ lộng quyền, trọng dụng người tài đức, vời Nguyễn Trãi trở lại triều, phục hồi chức cũ, gia phong chức Vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển Môn hạ sảnh Tả ty Hữu gián nghị đại phu kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ, tri Tam quán sự, Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự, Á đại trí tự, tứ quốc tính Lê Trãi, nhưng Nguyễn Trãi vẫn ở Côn Sơn, khi có việc mới về triều.

Bên cạnh sự nghiệp dựng nước, Nguyễn Trãi để lại cho dân tộc nhiều thành tựu văn hoá có giá trị trên các lĩnh vực: Khoa học, giáo dục, văn học, địa lý, lịch sử, quân sự… Với các tác phẩm tiêu biểu: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Văn bia Vĩnh Lăng, Dư địa chí, Quốc âm thi tập, Ức Trai di tập… Các trước tác của Nguyễn Trãi kết tinh những tư tưởng tiến bộ nhất của thời đại, tinh hoa và khí phách của dân tộc Việt Nam. Ngày 14/12/2000, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định khởi công xây dựng đền thờ Nguyễn Trãi tại Côn Sơn với tên gọi Ức Trai linh từ.

Đền thờ Nguyễn Trãi được xây dựng trên địa thế đắc địa về phong thủy. hậu chẩm thuộc cung Càn (dương), tựa và tổ sơn Ngũ Nhạc, tiền án thuộc cung Chấn (dương) là dãy núi Cửu trùng tinh An Lạc, tả thanh long là dãy núi Ngũ Nhạc, hữu bạch hổ là núi Kỳ Lân như hai tay ngai. Bên phải đền là dòng suối Côn Sơn róc rách, mang dòng nước mát từ tổ sơn Ngũ Nhạc chảy ra hồ Côn Sơn - minh đường của Ức Trai linh từ, nơi tụ linh, tụ thủy, tụ phúc. Trước minh đường có núi Phượng Hoàng (hình con chim phượng), núi Hồ Phóng (hình con rùa) đăng đối chầu vào. Tất cả tạo cho Ức Trai linh địa thế linh thiêng, nơi hội tụ sinh lực vũ trụ.

Đền thờ quay hướng Nam, xây dựng trên khuôn viên rộng 15.000m2 gồm các công trình kiến trúc: Nghi môn ngoại, cầu đá, nghi môn nội, sân vườn, nhà bia, tả hữu vu, đền chính, cầu Thấu Ngọc.

  1. Thực trạng công tác quản lý đền thờ Nguyễn Trãi

Năm 2002, đền thờ Nguyễn Trãi được khánh thành đưa vào sử dụng, đội ngũ cán bộ của đền cũng đã hết sức năng động, sáng tạo trong quá trình vận động để tranh thủ cao nhất sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, ngành và nhân dân thập phương nhằm tạo ra nguồn lực vật chất, tinh thần ngày một dồi dào, đa dạng, phục vụ có hiệu quả cho việc triển khai các dự án bảo vệ và phát huy giá trị  di tích.

Lễ hội mùa Thu tưởng niệm ngày mất của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi, diễn ra từ ngày 16 dến 20 tháng 8 âm lịch. Sau các năm triển khai đã tổ chức nghiên cứu, bổ sung thêm các nghi lễ: lễ tưởng niệm, lễ tế và các hoạt động văn hóa như cờ tướng, viết thư pháp, hát chèo trong lễ hội mùa Thu tại đền thờ Nguyễn Trãi. Các nghi lễ này làm phong phú thêm nội dung lễ hội, góp phần tuyên truyền, quảng bá các giá trị di tích. Đến nay lễ hội tại đền thờ Nguyễn Trãi đã khẳng định được tầm vóc, quy mô, sức ảnh hưởng, sự lan tỏa trong cả nước, thu hút sự quan tâm, ủng hộ, khen ngợi của đồng bào cả nước.

Ý thức của mỗi người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ di tích được chuyển biến rõ rệt, các hộ bán hàng đã chấp hành sự sắp xếp và địa phương di chuyển hàng quán ra khỏi khu vực 1 của di tích. Nhân dân tự nguyện và hăng hái tham gia vào các hoạt động quản lý di tích như công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất cho công tác quản lý di tích thật sự xác đáng và hiệu quả.

Công tác tổ chức lễ hội và xã hội hoá cũng mang lại kết quả lớn nhất là huy động được nguồn lực, tiềm năng thực hành lễ hội của dân, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, bước đầu phục dựng, phát huy những nghi lễ, diễn xướng dân gian và phong tục tập quán tốt đẹp trong kho tàng văn hoá phi vật thể ở khu di tích Côn Sơn. Công tác đón tiếp, phục vụ du khách; tiếp nhận và vận động công đức, cải tạo cảnh quan môi trường, chăm sóc cây xanh, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cơ bản được thực hiện tốt.

Công tác trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp cụm di tích bằng các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp đạt hiệu quả. Công tác an ninh trật tự, quản lý và bảo vệ di tích được đảm bảo. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường và có nhiều biện pháp xử lý kịp thời, góp phần thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác quản lý đền Nguyễn Trãi còn tồn tại một số mặt hạn chế như: Hạ tầng cơ sở như bến xe, đường giao thông, không đáp ứng được nhu cầu của khu di tích gây ùn tắc rất nghiêm trọng trong các kỳ lễ hội. Hệ thống điện, đèn chiếu sáng, cấp thoát nước, xử lý rác thải quá lạc hậu, thiếu nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động của khu di tích; Công tác nghiên cứu về di tích bước đầu được thực hiện nhưng chưa đáp ứng và xứng tầm với tiềm năng và trữ lượng khoa học tại di tích; Cảnh quan, môi trường một số điểm du lịch bị xâm hại….

Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn phát huy giá trị di tích, phòng quản lý di tích đền thờ Nguyễn Trãi cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình của khu di tích, cũng như phù hợp với sự phát triển của xã hội. Những tồn tại này do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan tạo nên, do đó vấn đề đặt ra hiện nay là hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị của đền thờ Nguyễn Trãi phải được thực hiện một cách đồng bộ ở nhiều cấp độ, quy mô khác nhau. Quá trình tổ chức và quản lý tại di tích này được thực hiện tốt, sẽ góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích Côn Sơn ở hiện tại cũng như trong tương lai.

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đền thờ Nguyễn Trãi

2.1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng về việc bảo vệ di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Trãi

Cần nâng cao nhận thức cho người dân về mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn, phát huy di sản với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của mối quan hệ hai chiều nói trên, thực hiện tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội mà vẫn bảo tồn, xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhận thức của của người dân, của cán bộ trong và ngoài ngành văn hóa đóng vai trò quan trọng, khi có nhận thức đúng đắn thì cộng đồng sẽ có hành động đúng.

2.2. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý

Công tác tổ chức bộ máy quản lý tại đền thờ Nguyễn Trãi có ý nghĩa then chốt, chi phối toàn bộ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị vốn có của di tích đặc biệt quốc gia này. Đây là việc làm không đơn giản, nhất là việc quản lý đền thờ Nguyễn Trãi, ẩn chứa các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Chính vì vậy, đòi hỏi bộ máy quản lý tại đền thờ Nguyễn Trãi phải có sự chuyên nghiệp hóa cao, các cán bộ trong bộ máy có trình độ nghiệp vụ và chuyên môn sâu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sự hiểu biết xã hội và ứng xử khéo léo trong mọi tình huống đặt ra.

2.3. Đào tạo nguồn nhân lực

Phương hướng đào tạo cán bộ trước kia chủ yếu là vừa làm, vừa học, đào tạo qua công việc. Nhiều cán bộ đã trưởng thành trong công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội nhờ có tinh thần say mê công việc, vượt mọi khó khăn, chịu khó lăn lộn trong thực tế công tác.

Những năm gần đây phòng quản lý đền thờ Nguyễn Trãi đã có nhieuef cán bộ, nhân viên đi học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý đền thờ Nguyễn Trãi có 03 thạc sỹ, còn lại đều có trình độ đại học.

2.4. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Làm tốt công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích. Đồng thời tiến hành nhiều biện pháp triển khai thực hiện công tác này nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân tham gia đóng góp xây dựng di tích; xây dựng mối quan hệ mật thiết với các tổ chức xã hội, các "cơ cánh" (đoàn lễ) của nhân dân ở các địa phương trong và ngoài nước để vận động công đức...

2.5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Thường xuyên xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các hoạt động lễ hội, kinh doanh dịch vụ, phương tiện bến bãi, phối hợp với Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh tổ chức kiểm tra theo định kỳ phương tiện phòng cháy chữa cháy tại di tích. Thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành nội quy hoạt động, công tác an ninh trật tự, quản lý tài chính tại phòng quản lý đền thờ Nguyễn Trãi, và có các hình thức xử phạt thích đáng, nhằm chấm dứt hiện tượng và hành vi gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tại khu di tích.

Để thực hiện được các giải pháp này thực sự có hiệu quả đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các ngành và của toàn thể nhân dân. Với chính sách của Đảng và Nhà nước ta đang coi trọng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển trong giai đoạn hiện nay. Chắc chắn đền thờ Nguyễn Trãi sẽ được Nhà nước và nhân dân quan tâm, tạo mọi điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị được tốt nhất. Trong một thời gian không xa đền thờ Nguyễn Trãi sẽ trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa có uy tín, hiệu triệu du khách muôn phương tìm về.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Trung ương (1998), Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
  2. Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (2010), Côn Sơn - Kiếp Bạc di tích và danh thắng, In tại Công ty cổ phần In báo và Thương mại Hải Dương.
  3. Nguyễn Khắc Minh (2010), Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc những giá trị lịch sử văn hóa, Luận án tiến sĩ Sử học, tài liệu lưu tại Thư viện Học viện Khoa học xã hội.
  4. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Dương (2012), Hồ sơ khoa học lễ hội chùa Côn Sơn,
  5. Ủy ban nhân tỉnh Hải Dương (2012), Đề án phát triển khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thành khu du lịch quốc gia đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

 

 ----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa