Nghiên cứu lý luận

NGUYÊN TẮC DẠY HỌC MĨ THUẬT Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

17 Tháng Tư 2021

ThS. Trần Thị Vân

                                    Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

Tóm tắt: Nguyên tắc dạy học mĩ thuật là hệ thống nhiều luận điểm liên kết và hỗ trợ lẫn nhau tạo nên một thể thống nhất và hoàn chỉnh có tác dụng chỉ đạo toàn bộ quá trình dạy học. Để đạt hiệu quả cao trong quá trình dạy học mĩ thuật, nhất định phải thực hiện tốt các nguyên tắc dạy học.

Từ khoá: nguyên tắc; dạy học; mĩ thuật

 

Principles teaching in schools arts

 

Abstract: Arts teaching principles as many points system linked and support each other to create a unified and complete effect to direct the whole teaching process. To achieve high efficiency in the process of teaching arts, given to implement the principles of teaching.

Keywords: principles; teaching; arts

 

1. Đặt vấn đề

Trong quá trình dạy học (DH) nói chung và dạy học mĩ thuật (MT) nói riêng, muốn thực hiện thành công và đạt hiệu quả thì việc tuân thủ một số nguyên tắc dạy học có tính khách quan là điều cần thiết. Những nguyên tắc dạy học này được đúc kết qua nhiều thế hệ có tính qui luật của quá trình DH, những nguyên tắc đó chỉ đạo định hướng cho quá trình DH đi đến kết quả mong muốn. Thực tiễn cho thấy, khi giáo viên (GV) nắm vững hệ thống các nguyên tắc DH, lựa chọn và vận dụng linh hoạt, mềm dẻo trong các tình huống DH phù hợp với đặc điểm đối tượng thì sẽ đạt hiệu quả cao trong dạy học.

Nguyên tắc DH là hệ thống nhiều luận điểm, mỗi nguyên tắc nhấn mạnh một khía cạnh của quá trình DH [1]. Tuy nhiên, hiện nay các nhà nghiên cứu lí luận DH đã nêu lên nhiều nguyên tắc DH khác nhau, nhưng việc lựa chọn và sắp xếp thành hệ thống chung nhất cho toàn bộ các môn học thì chưa đạt được sự thống nhất, mỗi môn học lại có một số nguyên tắc DH phù hợp với đặc thù riêng của nó. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đề cập đến một số nguyên tắc DH quan trọng và tiêu biểu trong thực tiễn vận dụng vào DH mĩ thuật cho học sinh phổ thông.

2. Một số nguyên tắc trong dạy học mĩ thuật

2.1. Khái niệm

2.1.1. Khái niệm nguyên tắc

Theo Hoàng Phê, nguyên tắc là “điều cơ bản định ra, nhất thiết phải tuân theo” (Từ điển Tiếng Việt thông dụng, Nxb Đà Nẵng, tr.549).

Ví dụ: Nguyên tắc sử dụng máy móc; nguyên tắc sống; nguyên tắc cư xử của con người trong các mối quan hệ xã hội,… Nguyên tắc là những tư tưởng chung được đúc kết thành luận điểm cơ bản chỉ đạo việc thực hiện hoạt động cho đúng hướng. Theo đó, nguyên tắc là điều cơ bản định ra, nhất thiết phải tuân theo trong một loạt các việc làm.

2.1.2. Nguyên tắc dạy học

Về bản chất, quá trình DH là quá trình nhận thức độc đáo của HS nhằm chiếm lĩnh nội dung học vấn. Quá trình đó luôn vận động và phát triển theo những quy luật phổ biến và đặc thù nhất định. Những quy luật và tính quy luật của quá trình DH được thể hiện qua các luận điểm cơ bản, đó là những nguyên tắc DH.

Có thể hiểu: Nguyên tắc dạy học là những luận điểm cơ bản có tính quy luật của lý luận dạy học có tác dụng chỉ đạo toàn bộ tiến trình giảng dạy của GV và học tập của HS nhằm thực hiện tốt mục đích và nhiệm vụ dạy học

Theo đó, nguyên tắc DH được coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình DH, đảm bảo cho quá trình DH đi đúng mục tiêu. Tuy vậy, việc vận dụng các nguyên tắc DH để mang lại hiệu quả mong đợi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan như: năng lực của GV, khả năng của HS, thiết bị và phương tiện DH, tài liệu học tập…

2.2. Hệ thống các nguyên tắc dạy học

Mỗi nguyên tắc dạy học nhấn mạnh một khía cạnh của quá trình dạy học. Các nhà nghiên cứu lý luận đã đưa ra nhiều nguyên tắc dạy học khác nhau, tuy nhiên chưa có sự thống nhất việc lựa chọn các nguyên tắc thành hệ thống cho toàn bộ các môn học. Do đó, mỗi môn học lại có những nguyên tắc dạy học phù hợp với đặc thù của nó. Trong dạy học MT ở trường phổ thông, có những nguyên tắc cơ bản như sau:

2.2.1. Nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất giữa tính khoa học và tính giáo dục

+ Nội dung nguyên tắc: Đây là nguyên tắc có ý nghĩa quan trọng trong dạy học nói chung và dạy học MT ở trường phổ thông nói riêng. Bởi nguyên tắc này đòi hỏi trong qúa trình DH, GV và HS phải tuân thủ tính khoa học và tính giáo dục, đây là hai phạm trù luôn thể hiện sự thống nhất, biện chứng với nhau.

- Tính khoa học: Tính khoa học thể hiện ở nội dung tri thức trong DH phải chính xác và đúng với bản chất của sự vật, hiện tượng mà HS cần nghiên cứu. Nguyên tắc này yêu cầu HS phải nắm vững những kiến thức cơ bản và hiện đại về các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội thông qua việc hướng dẫn của GV trong quá trình DH. GV cần lựa chọn các phương pháp dạy học phát huy năng lực HS và lựa chọn các hình thức tổ chức DH linh hoạt tạo hứng thú, sử dụng các phương tiện DH để hỗ trợ cho quá trình nhận thức và thực hành, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS. Thông qua đó hình thành thế giới quan, nhân sinh quan khoa học; rèn luyện những kỹ năng và các PP học tập; đồng thời dần làm quen với PP nghiên cứu, thói quen suy nghĩ và làm việc một cách khoa học.

- Tính giáo dục: Thông qua nội dung và PPDH theo hướng phát triển năng lực tư duy nhằm hình thành cho HS những phẩm chất nhân cách phù hợp với yêu cầu của xã hội, bồi dưỡng những tình cảm trong sáng, phẩm chất đạo đức và ý thức lao động cho các em,… Có thể nói, việc dạy học có tác dụng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách toàn diện ở mỗi con người. Diễn đạt ngắn gọn nguyên tắc này đó là thông qua dạy chữ để dạy người. Đó cũng là sự thống nhất giữa tính khoa học và tính giáo dục trong quá trình dạy học.

+ Biện pháp thực hiện: Trong dạy học MT ở trường phổ thông, GV cần lựa chọn những kiến thức cơ bản, hiện đại và phù hợp. Sử dụng những PP và hình thức tổ chức DH mới phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Luôn lồng ghép hiệu quả nhiệm vụ giáo dục và giáo dưỡng trong từng tiết dạy học MT. Ví dụ: HS vẽ tranh về phong cảnh thiên nhiên; cảnh đẹp đất nước,… bên cạnh việc các em biết sáng tạo cái đẹp trong nghệ thuật còn là giáo dục HS về tình cảm yêu thương quê hương, đất nước. Cụ thể, GV giúp các em nắm được những quy luật của tự nhiên, xã hội để có thái độ, hành động đúng đắn đối với hiện thực; đồng thời có cách nhìn, cách thể hiện sáng tạo trong nghệ thuật. Thông qua các nội dung và PPDH, giúp HS hiểu được thiên nhiên, xã hội, con người Việt Nam với truyền thống đấu tranh bất khuất cũng như truyền thống xây dựng đất nước, từ đó xây dựng tình cảm và HS có trách nhiệm hơn trong học tập, có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giúp cho HS tiếp xúc và làm quen với cách làm việc khoa học ở mức độ đơn giản, phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả học tập và rèn luyện phẩm chất của người làm nghiên cứu. Luôn vận dụng các PP và hình thức tổ chức dạy học MT theo hướng phát triển năng lực cá nhân; luôn tôn trọng, khuyến khích và thúc đẩy tính tích cực, sáng tạo của mỗi HS trong lao động và học tập MT.

2.2.2. Đảm bảo sự thống nhất giữa tính trực quan và tính khái quát

- Nguyên tắc này đòi hỏi GV tạo điều kiện cho HS tiếp xúc trực tiếp với các sự vật, hiện tượng, hay những hình tượng, mô hình của chúng, tức là các phương tiện trực quan, từ đó đi đến chỗ nắm được các khái niệm, quy luật,.. Ngược lại, GV có thể giúp HS nắm những cái trừu tượng, khái quát, sau đó xem xét những sự vật, hiện tượng cụ thể [4]. Trong quá trình DH, GV cần đảm bảo sự liên hệ qua lại giữa tư duy cụ thể và tư duy trừu tượng, đó là:

+ Về lí thuyết: Học tập là quá trình nhận thức. Vì vậy, việc học của HS chỉ có hiệu quả khi diễn ra theo đúng quy luật nhận thức từ cụ thể, trực quan đến tư duy khái quát, trừu tượng

+ Về mặt thực tiễn: Hiệu quả của quá trình dạy học phụ thuộc nhiều vào phương pháp dạy học của GV. Khi so sánh ba cách dạy như: bằng lời; bằng hình ảnh và bằng hành động, chúng ta thấy, cách dạy bằng lời – xét ở một góc độ nào đó có thể là kém hiệu quả hơn so với hai cách dạy kia. Cách dạy bằng lời là mô tả, giải thích, phân tích vấn đề/ sự kiện bằng ngôn ngữ (có thể là dễ hiểu), song lối dạy đó là thông tin một chiều, áp đặt, làm cho HS dễ quên và không bền vững. Ở hai cách dạy sau (bằng hình ảnh và bằng hành động) mang tính trực quan cụ thể (trực quan hình ảnh và trực quan hành động), HS được quan sát, hoạt động trực tiếp với đối tượng sẽ nắm bắt được các chi tiết của vấn đề cần nhận thức; với cách dạy đó HS không chỉ dễ hiểu, dễ nhớ mà còn có thể ứng dụng được ngay.

Tuỳ theo nội dung từng bài, GV nên sử dụng kết hợp các phương tiện trực quan khác nhau (tranh, ảnh với các phương tiện kĩ thuật dạy học). Có thể sử dụng chúng khi trình bày tri thức mới (như treo tranh, treo bài vẽ của HS các khoá học trước); khi hướng dẫn thực hành, củng cố tri thức (như tổ chức trò chơi đoán tên tác giả, tác phẩm; tìm đoán địa danh tranh dân gian,...) hoặc khi kiểm tra tri thức, kĩ năng, kĩ xảo của HS.

2.2.3. Đảm bảo sự thống nhất giữa tính vừa sức chung và vừa sức riêng

+ Nội dung nguyên tắc: Mỗi HS là một cá thể riêng biệt, theo đó hoạt động nhận thức, khả năng học tập, tiếp thu kiến thức cũng như năng lực hành động của mỗi HS là không giống nhau. Trong quá trình DH, khi lựa chọn nội dung, PP và hình thức tổ chức DH phải phù hợp và vừa sức với nhu cầu và khả năng của HS, nhằm phát huy tối đa khả năng của người học. Đây là nguyên tắc về tính vừa sức. Đối tượng dạy học của GV trong nhà trường là tập thể và cá nhân HS, do đó DH phải vừa có tính vừa sức chung lại vừa có tính vừa sức riêng.

DH vừa sức tức là đề ra những yêu cầu, nhiệm vụ học tập mà HS có thể hoàn thành được với sự nỗ lực cao nhất về trí tuệ và sức khỏe. Nguyên tắc này đảm bảo cho quá trình DH MT đáp ứng được với thực trạng phát triển không đồng đều về tâm sinh lý của HS diễn ra trong quá trình DH. Từ đó kích thích sự phát triển chung của cả tập thể cũng như sự phát triển của từng HS riêng biệt. Việc thực hiện nguyên tắc này được thực hiện trong DH theo hướng phân hóa. Đó là DH trong đó chú ý đến sự khác biệt HS để dạy cho phù hợp. 

+ Biện pháp thực hiện: Xác định mức độ, tính chất khó khăn trong quá trình DH để thiết lập những cách thức chủ yếu tạo nên động lực học tập, mở rộng khả năng độc lập nhận thức của HS, suy nghĩ những biện pháp tiến hành chung cho cả lớp và từng HS. Phối hợp các PP và hình thức tổ chức DH, hình thức độc lập hoạt động của HS và hình thức học tập nhóm…

Trong dạy học MT, GV cần tìm hiểu đối tượng HS để nắm được đặc điểm chung và đặc điểm riêng của từng HS ở trình độ nhận thức, khả năng học tập,… Từ đó, lựa chọn nội dung, PP, kỹ thuật và hình thức tổ chức DH phù hợp với sự phát triển chung của các thành viên trong lớp đồng thời phù hợp với khả năng nhận thức của từng HS.

2.2.4. Nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất giữa vai trò chủ đạo của người thầy và tính tự giác, tích cực độc lập của HS trong học tập

+ Nội dung nguyên tắc: Nguyên tắc này đòi hỏi trong quá trình DH, hoạt động dạy của GV phải giữ vai trò chủ đạo. GV là những người đã được chuẩn bị về chuyên môn, nghiệp vụ. Với kinh nghiệm DH được trang bị, GV phải là người lãnh đạo, tổ chức và điều khiển hoạt động nhận thức của HS, có như vậy quá trình DH mới đạt hiệu quả. Tuy nhiên, trong qúa trình DH, GV phải phát huy cao độ tính tự giác, tính tích cực, tính độc lập, sáng tạo của HS và vai trò chủ đạo của GV, tạo nên sự cộng hưởng của hoạt động dạy và học. Nguyên tắc này phản ánh quy luật cơ bản của quá trình DH: quy luật đảm bảo sự thống nhất biện chứng giữa hoạt động dạy và hoạt động học, giữa thầy và trò. Việc học của HS chỉ đạt kết quả khi chính người học có ý thức, chủ động, tích cực và sáng tạo trong quá trình học tập, đó là: Học để biết, học để hiểu, học để làm là mục tiêu học tập của HS.

+ Biện pháp thực hiện: Nguyên tắc này yêu cầu GV luôn tạo cho HS có tâm thế tích cực hoạt động để phát huy tối đa khả năng sáng tạo của bản thân thông qua các hoạt động học tập MT phong phú, đa dạng; khéo léo lôi cuốn HS tìm tòi, giải đáp, tự khám phá kiến thức. Bởi, kiến thức tự tìm tòi, khám phá sẽ là tri thức bền vững, sâu sắc và có ý nghĩa lớn đối với từng cá nhân HS. 

Trong quá trình dạy học MT, GV cần phối hợp linh hoạt các PP và KTDH; phương tiện trực quan cần phong phú, phù hợp; hình thức tổ chức hoạt động đa dạng, hấp dẫn,... nhằm tạo hứng thú cho HS trong học tập MT. Bởi, có hứng thú HS mới tự giác trải nghiệm và thu nhận kiến thức dưới sự hướng dẫn của GV. Kiến thức do HS tự tìm tòi, khám phá sẽ là kiến thức bền vững, sâu sắc và có ý nghĩa lớn với từng cá nhân HS. GV cần tổ chức các hình thức học tập MT đa dạng, trong đó đặc biệt chú ý đến hình thức thảo luận, học tập hợp tác, tự học, tham quan học tập, ngoại khóa,... nhằm phát huy tính tự giác, tích cực, độc lập sáng tạo của HS. Đồng thời GV luôn tạo cơ hội và điều kiện để HS thể hiện được những ý tưởng, sáng kiến, quan điểm của mình về các vấn đề trong học tập và thực tiễn cuộc sống. Giáo dục cho HS ý thức đầy đủ và sâu sắc mục đích, nhiệm vụ học tập nói chung và môn học MT nói riêng để từ đó xác định đúng đắn động cơ và thái độ học tập. Khuyến khích, tạo điều kiện để HS mạnh dạn trình bày ý kiến, ý tưởng và những thắc mắc.

Đảm bảo nguyên tắc này trong quá trình dạy học môn MT là một vấn đề mang tính thực tiễn và tính lí luận, đó là: GV cần luôn tự rút kinh nghiệm sau từng giờ dạy; sự khiêm tốn học hỏi qua các giờ dạy của đồng nghiệp giúp GV thấm nhuần đầy đủ ý nghĩa của nguyên tắc dạy học trên.

2.2.5. Nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn

+ Nội dung nguyên tắc: Nguyên tắc này phản ánh mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn trong dạy học. Hai phạm trù thống nhất biện chứng trong nguyên tắc là lý luận và thực tiễn. Thực hiện nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là sự kết hợp một cách hữu cơ giữa một bên là việc nghiên cứu kiến thức một cách có hệ thống và việc nắm vững những kỹ năng, kỹ xảo và một bên là ứng dụng các kết quả đó vào đời sống để giải quyết những vấn đề có tính chất thực tiễn. Học đi đôi với hành, quá trình học lý thuyết gắn với dạy thực hành làm cho lý thuyết trở nên hữu ích. HS học lý thuyết tốt để thực hành tốt, thông qua thực hành làm cho lý thuyết trở nên vững chắc. Trong quá trình DH MT, GV cần tổ chức cho HS nắm vững kiến thức về mặt lý thuyết, thông qua đó giúp HS ý thức được tác dụng của kiến thức lý thuyết đối với đời sống, với thực tiễn, hình thành kỹ năng vận dụng ở các mức độ khác nhau

+ Biện pháp thực hiện: GV tổ chức cho HS nắm vững những kiến thức lý thuyết, hiểu được tác dụng của kiến thức đối với thực tiễn học tập và đời sống. Giúp HS biết liên hệ lý thuyết với thực tiễn, có kỹ năng vận dụng kiến thức lý thuyết để giải quyết bài tập trong thực tiễn các phân môn MT và các vấn đề trong cuộc sống đề ra theo khả năng của HS. Nhờ thực hiện nguyên tắc này mới có thể đào tạo được những con người có sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa ý thức và hành động. MT là môn học thực hành, do đó việc trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động ngoại khóa MT như tham quan dã ngoại tại các làng nghề, tại các danh lam thắng cảnh; tự giải quyết bài tập theo phương pháp dự án,… là tạo điều kiện thuận lợi cho HS liên hệ kiến thức với thực tiễn, kết hợp học với hành. Trong quá trình DH, GV chú ý luôn liên hệ thực tiễn vào nội dung bài dạy kết hợp khai thác vốn sống của HS bằng cách lựa chọn những PP và cách tổ chức giờ dạy phù hợp, thúc đẩy HS vận dụng linh hoạt kiến thức lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống.

2.2.6. Nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất giữa học tập cá nhân với tập thể

+ Nội dung nguyên tắc: Tổ chức dạy học trong một lớp bao gồm nhiều HS cùng lứa tuổi đòi hỏi GV phải chú ý đến tập thể lớp với những yêu cầu chung đồng thời lại cần chú ý đến từng cá nhân HS để phát triển tiềm năng của các em.

Trong DH tập thể truyền thống, GV thực hiện bài dạy ở mức độ đảm bảo tất cả các em đều có thể tiếp thu được kiến thức, kể cả một bộ phận HS trung bình nếu cố gắng cũng có thể tiếp thu được bài. Do vậy, kết quả học tập thường ở mức độ đạt yêu cầu. Tuy nhiên, cách tổ chức DH đó sẽ không tạo điều kiện cho một bộ phận HS giỏi được phát huy tối đa khả năng học tập. DH hiện đại với rất nhiều các PP và KTDH mới đã đáp ứng được điều đó. Nhiều PPDH mới đã chú ý đến vai trò của tập thể lớp như một môi trường thuận lợi để HS chiếm lĩnh tri thức một cách tích cực, hiệu quả. GV DH tập thể thông qua tổ chức nhóm học tập, cá nhân HS có cơ hội trao đổi, thảo luận, chia sẻ, đưa ra cách giải quyết vấn đề,... đã tạo ra môi trường học tập tích cực.  Kết hợp DH cá nhân và tập thể không những đảm bảo việc nắm vững kiến thức mà còn tạo điều kiện để HS rèn các kỹ năng như: kỹ năng học tập hợp tác, kỹ năng diễn đạt, giải quyết vấn đề,… Thông qua đó, HS chủ động, linh hoạt và sáng tạo hơn, tiếp thu nội dung bài học hiệu quả hơn.

+ Biện pháp thực hiện: GV cần chú ý đến nhu cầu, đặc điểm của từng nhóm bên cạnh chú ý tới năng lực của từng HS. MT là môn học sáng tạo, GV cần phát huy những năng lực cá nhân của từng HS bởi cùng một nội dung bài vẽ, nhưng mỗi HS lại có những cảm nhận và thể hiện riêng. Đồng thời luôn đảm bảo sự thống nhất giữa học tập tập thể với học tập của từng cá nhân. Hiện nay, việc DH MT tập trung chủ yếu vào HS thông qua quá trình mở. HS thực hiện tự nghiên cứu, tự học với các bài thực hành Vẽ theo mẫu; Vẽ tranh; Vẽ trang trí và tăng cường tìm hiểu, thảo luận, chia sẻ trong tập thể đối với bài Thường thức MT dưới sự hướng dẫn của GV.

Do đặc thù của dạy – học môn MT, nguyên tắc cá thể (hay còn được gọi là cá biệt hoá dạy học) yêu cầu GV phải chú ý đến nhu cầu, hứng thú và khả năng học tập của từng nhóm, từng HS (bởi vì, cho dù cả lớp cùng vẽ về một đề tài song mỗi HS lại có cách thể hiện khác nhau trong bài vẽ). Do đó, GV cần đảm bảo có sự thống nhất giữa học tập tập thể với học tập của từng cá nhân.

Dạy học mĩ thuật theo tiếp cận năng lực học sinh hiện nay, yêu cầu HS tăng cường tự học, tự nghiên cứu; GV giảm thuyết trình, tăng thời gian thực hành; tổ chức cho HS tăng cường thảo luận bằng các hoạt động phong phú khác nhau nhằm tạo môi trường hợp tác trong lớp học.

3. Kết luận

Nguyên tắc DH là hệ thống nhiều luận điểm liên kết và hỗ trợ lẫn nhau tạo nên một thể thống nhất và hoàn chỉnh có tác dụng chỉ đạo toàn bộ quá trình DH. Mỗi nguyên tắc đề cập và nhấn mạnh một khía cạnh của quá trình DH. Chúng làm thành một hệ thống có liên quan chặt chẽ, chỉ đạo toàn bộ tiến trình DH với tinh thần phát huy vai trò chủ thể của HS dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của GV. Nội dung của các nguyên tắc đan kết, hỗ trợ nhau giúp chỉ đạo thực hiện quá trình DH đạt hiệu quả.

Để đạt hiệu quả cao trong quá trình DH, GV nhất định phải thực hiện tốt các nguyên tắc DH. Việc quán triệt các nguyên tắc DH thể hiện nghiệp vụ sư phạm của người GV. Mỗi GV cần lựa chọn và sử dụng nội dung, PP, phương tiện và hình thức tổ chức DH phù hợp, và trong một số nội dung và điều kiện DH nhất định, GV có thể nhấn mạnh một nguyên tắc nào đó, nhưng không được xem nhẹ các nguyên tắc còn lại.   

 

                                            TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Ngọc Bảo (chủ biên), Trần Kiểm (2008), Lí luận dạy học ở trường THCS, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2. Nguyễn Văn Cường, Bernd Meier (2010), Dự án phát triển giáo dục Trung học phổ thông, Một số vấn đề chung về đổi mới phương pháp dạy học ở trường Trung học phổ thông, Berlin - Hà Nội, NXB Giáo dục, Hà Nội

3. Nguyễn Thu Tuấn (2011), Phương pháp dạy học mĩ thuật, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4. Nguyễn Thu Tuấn (2016), Lí luận dạy học Mĩ thuật ở trường THCS, NXB Đại học Quốc Gia, Hà Nội.

5. Phạm Viết Vượng (2008), Giáo dục học, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.