Hình tượng nhân vật Lão Tạ trong vở Tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn

15 Tháng Mười Hai 2008

 Sân khấu truyền thống dân tộc, hoạt động văn hoá tinh thần của nhân dân đã tồn tại và phát triển rất mạnh trong thời kỳ phong kiến. Thế kỷ 21 với sự du nhập của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí mới lạ, hấp dẫn đã ảnh hưởng đến sự tồn tại phát triển của nghệ thuật sân khấu truyền thống. Đảng, nhà nước chủ trương khuyến khích bảo tồn và phát triển vốn quý của dân tộc với mục đích tạo ra thành trì chống lại sự áp đảo văn hoá nghệ thuật ngoại lai từng giờ, từng phút xâm nhập vào đời sống tinh thần nhân dân.

 

 

Tác phẩm nghệ thuật sân khấu truyền thống chứa đựng rất nhiều khía cạnh để nghiên cứu. Tìm hiểu hình tượng nhân vật trong tác phẩm là việc làm cần thiết giúp người thưởng thức tiếp cận với nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo của dân tộc. Nghệ thuật sân khấu Tuồng cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nghiên cứu Hình tượng nhân vật  trong vở Tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn phần nào giải đáp được quan niệm về lý tưởng của cha ông ta khi xưa.

Hình tượng nhân vật đẹp có tác dụng thẩm thấu vào vô thức, làm cho tâm hồn người thưởng thức thăng hoa cùng tác phẩm nghệ thuật. Đi tìm hình tượng nhân vật lý tưởng trong nghệ thuật Tuồng truyền thống thông qua quan niệm Triết học phương Đông (Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo), nền móng tư tưởng có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến sự sáng tạo nghệ thuật của những người nghệ sỹ năm xưa.

 

 

Tam nữ đồ vương đã được nhà soạn Tuồng Đào Tấn đổi tên thành Khuê các anh hùng. Năm 1960, Hoàng Châu Ký và Tống Phước Phổ chỉnh lý đổi tên thành Ngọn lửa Hồng Sơn. Nếu như Tam nữ đồ vương nêu bật chí khí của ba người nữ anh hùng, thì Ngọn lửa Hồng Sơn, với Đạo Trung quân tuyệt đối của người quân tử đã được thể hiện qua nhân vật Lão Tạ, viên quan già đã từng đánh Đông, dẹp Bắc có rất nhiều công lao đóng góp với triều đình giờ bất mãn với lũ gian nịnh trong triều. Thật trớ trêu khi dao sắc không gọt được chuôi, con trai Lão Tạ là gian thần nguy hiểm. Hai phương diện trên tạo ra nỗi uất hận trong ông: Gian thần thì lộng hành và lũng đoạn triều đình; Tình cảm bị đứa con trai vào hùa với lũ phản nghịch chà đạp lên lý tưởng của người cha. “Cha những tưởng lo an việc chúa; con nỡ nào theo lũ quyền gian”. Nhưng Lão Tạ không hề đơn độc, gần gũi bên ông vẫn có đứa con gái Tạ Phương Cơ. Triều đình còn những vị quan trung thần như Khắc Minh (Người đã lập kế cứu chúa), đại diện cho xã hội có Tư Cung (con trai Thái sư Triệu Văn Hoán)… Đối lập với phe phản nghịch là Triệu Văn Hoán, Tạ Kim Hùng…Cuộc đấu trí diễn ra quyết liệt thể hiện ở những cung bậc khác nhau trong vở diễn. Nghệ thuật Tuồng đã thành công khi xây dựng Hình tượng nhân vật lý tưởng. Cụ thể là lý tưởng Trung quân đã chi phối mọi hành động của các nhân vật. Tạo nên những hành động phi thường. Nhân vật Lão Tạ đã được Huyền thoại hoá .

 

Soi sáng và đối trọng với nhân vật Huyền thoại không ai khác chính là nhân vật Tạ Kim Hùng, đứa con trai ngỗ nghịch từ bé, ham chơi lười học. Khi trưởng thành thì tham quyền lực…Nhân vật phản diện đã được hoạ sỹ thể hiện qua hình ảnh con ngựa bất kham. Tạ Kim Hùng có tính cách phong phú đã gây được ấn tượng với người thưởng thức. Nhìn ở góc độ xã hội thì Kim Hùng, kẻ phản nghịch, với gia đình là kẻ bất nhân, bất hiếu…Điều đó quá rõ. Tuy trong Kim Hùng vẫn còn những điều khiến chúng ta phải nhìn nhận lại. Đó là tình cảm huynh đệ, hắn vẫn làm tròn bổn phận người anh khi đón nhận đứa em mồ côi về nuôi. Chính điều này đã bị Tạ Phương Cơ,  em gái ở bên kia trận tuyến lợi dụng. Vì tình anh em Kim Hùng đã để lọt lưới viên quan Khắc Minh. Lợi dụng lòng tốt của anh, Phương Cơ đã nói những lời dối trá như cha chết, không nơi nương tựa…Qua đó Kim Hùng bộc bạch thật tâm trạng qua một câu nói dù lời lẽ khó chấp nhận: “ Cơ! Chớ ông già nghẻo rồi sao mày”. Câu thoại ngắn Kim Hùng gọi cha là ông già, cha mất thì dùng từ nghẻo, em gái hắn xưng mày; Bất nhân hơn khi Kim Hùng nói em gái hãy cởi bỏ tang phục của cha cho quân lính làm giẻ lau bàn, đó là hành động vô liêm sỉ hết mức. Câu nói “Để tang cho cha à? Tang chế chi mày? Hiếu tại tâm, chứ hiếu chi cái khăn trắng áo chế nớ mày. Thôi cởi ra, đưa cho quân tao nó lau bàn, rồi tao truyền cho quân nó đem hàng nhiễu cho mà may mặc- Chứ mày mặc như vậy. Chỗ quân nó ra vào nó nói: Cái ông quan làm vậy mà để em nó lôi thôi lếch thếch thế kia. Úi chà chà nó sỉ cái danh tao đi mày”…Tình Phụ tử đã bị Kim Hùng dày xéo.

 

 

Chữ Trung trong xã hội phong kiến luôn được đề cao. Khi chế độ phong kiến suy vong, nội bộ triều đình mâu thuẫn, khởi nghĩa nổ ra khắp nơi chống lại triều đình. Lẽ tất yếu chữ Trung được sẽ được đề cao. Người quân tử luôn thể hiện ý chí, hành động với tinh thần Trung quân, ái quốc. Nghệ thuật sân khấu Tuồng đã thể hiện tinh thần Trung quân xuất sắc. Đây chính là vũ khí sắc bén để tuyên truyền tư tưởng Trung quân trong đời sống xã hội. Tinh hoa, độc đáo của nghệ thuật Tuồng đã toả sáng trong đề tài Quân Quốc. Cốt truyện trong các vở Tuồng truyền thống thường là những câu chuyện diễn tả bối cảnh ngai vàng của vua có nguy cơ bị lật đổ, soán đoạt…Hình tượng nhân vật Trung quân đã toả sáng rực rỡ và gây ấn tượng đậm nét trong lòng người thưởng thức. Hình tượng Lão Tạ đã quy tụ được đức tính quý báu của người quân tử  như: Hành động quyết đoán; Không thiên kiến; tinh tường khi nhìn nhận người tài; không tham danh lợi; dũng cảm trong đấu tranh và luôn đặt lợi ích muôn dân trên. Đến với vở Tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn ta thấy hình tượng nhân vật Tạ Ngọc Lân sừng sững ôm ghì đứa con trai cùng chết chung trong ngọn lửa nghĩa khí cao ngút trời. Dường như quan điểm của tác giả thông qua tác phẩm để khẳng định: Khi tài năng kẻ sĩ không được trọng dụng,  khi đám nguỵ quân tử nắm quyền hành, chắc chắn luân thường đạo lý sẽ bị chà đạp. Đây là điều không thể chấp nhận được. Hành động giết con của Tạ Ngọc Lân thật tàn bạo. Bởi ông không còn con đường nào khác, đứa con ông đã trở thành con ngựa bất kham. Nếu tình cảm cha con lấn lướt, để rồi giữ chặt chữ tình. Chắc chắn hậu quả con ngựa bất kham kia mang đến sẽ nghiêm trọng. Tránh cảnh máu đổ, đầu rơi…ông đã ra tay. “Trong lửa hồng một lão có thiêu xương, thì ngoài trời thẳm nước ngàn năm mới rạng vẻ”. Nhìn góc độ quốc gia đây là hành động đại nhân, đại nghĩa. Góc độ gia đình, huyết thống đó là nỗi niềm đau xót khôn nguôi. Hành động giết con,  trong tiếng kêu gào thảm thiết van xin, cầu mong tha thứ…đã ám ảnh những người cha, người mẹ mọi thời đại. Cảnh diễn đậm đặc chất bi hùng.

Nghệ thuật Tuồng đã xây dựng lên hình tượng nhân vật, một hình ảnh khó phai mờ trong tâm trí người thưởng thức. Tư tưởng chủ đạo của Tuồng với đề tài Quân, Quốc luôn nêu cao tinh thần Trung quân. Vì lý tưởng Trung quân người ta sẵn sàng hi sinh và mất hết tất cả không ngoại trừ điều thiêng liêng nhất như: Tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa cha con, tình nghĩa anh em…kể cả mạng sống để phò vua, cứu chúa. Tinh thần hi sinh của nhân vật trong tác phẩm đã tác động mạnh mẽ đến người thưởng thức. Bởi ngoài sự thể hiện dục vọng lớn lao mà họ coi là chính nghĩa cao đẹp. Nhân vật Trung quân tác động tới người thưởng thức bằng hành động quyết liệt, đáng sợ đến rợn người, không phải ai cũng có thể làm được.

Cảnh Tế sống Lão Tạ (theo cách gọi của PGS Tất Thắng) được hoạ sĩ thể hiện đơn thuần là rừng cây mùa đông trơ trụi, vài bông hoa hiếm hoi trên thân cây già nua. Khán giả dường như bị cuốn hút vào diễn xuất tài tình của các nghệ sĩ. Cao trào vở diễn  được đẩy lên đỉnh điểm khi Lão Tạ uống ly rượu tiễn biệt. Âm nhạc, ánh sáng, đạo cụ, trang trí và không khí vở diễn… hoà quyện vào nhau tạo hiệu quả nghệ thuật tuyệt vời khi rừng cây cằn cỗi, gốc rễ sần sùi bỗng nhiên hoà với hình ảnh Lão Tạ  thành một bức tranh hoành tráng gợi tả hình ảnh người anh hùng của dân tộc Việt đã mãi trường tồn với non sông đất nước.

 

 

Vở Tuồng Ngọn Hồng Sơn kết thúc như một bản hùng ca bi tráng. Kẻ ác phải trả giá là lẽ tất nhiên, nhưng nhân vật tôi Trung như Lão Tạ cũng không còn; Cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa với gian tà, tốt xấu, trắng đen, trung nghịch… Để đề cao hình ảnh người quân tử nên thiếu vắng hẳn hình ảnh người mẹ trong tác phẩm. Dường như thiếu đi tình cảm, sự chăm sóc từ mẹ là lí do ảnh hưởng đến bản chất và tính cách của Kim Hùng.

            Ngọn lửa Hồng Sơn được những người nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Tuồng Trung ương thể hiện xuất sắc, đặc biệt khán giả khá ấn tượng với vai Kim Hùng - do nghệ sĩ trẻ Văn Cường thể hiện. Đêm diễn tại rạp Hồng Hà đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của sinh viên chuyên ngành Quản lý Văn hóa trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương và Sinh viên trường Đại Học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cũng như tất cả khán giả. Đây chính là tín hiệu vui với Nghệ thuật sân khấu Tuồng truyền thống. Thành công của vở diễn đã mang niềm vui không gì sánh được cho NSND Đàm Liên - đạo diễn vở Ngọn lửa Hồng Sơn, người nghệ sỹ sống hết mình với nghệ thuật Tuồng truyền thống.

 

                                                     Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2008

                                                            Ths. Nghệ thuật sân khấu

                                                                        Đỗ Anh Tuấn