Năm 2009, qua giới thiệu của bè bạn, tôi gặp ông Tira người Thái. Ông có một bộ sưu tập nhiều ký họa của các họa sĩ Việt Nam và muốn nhờ tôi làm một cuốn sách có tính chất nghiên cứu, viết kỹ cho từng bức tranh. Tôi rất ngạc nhiên vì bộ tư liệu này, nó bao gồm hơn hai trăm bức ký họa bút chì, thuốc nước, bút sắt, in khắc gỗ của nhiều họa sĩ có tên tuổi vẽ chủ yếu trong những năm 1947 – 1967. Tôi cùng Nguyễn Anh Tuấn đã hoàn thành cho ông Tira cuốn sách vào đầu năm 2010, cũng vất vả, vì nhiều tư liệu phải mất công tìm tòi.
Bác Hồ- Mai Văn Hiến vẽ bằng bột màu trên giấy (1969)
|
Cuốn sách đã được xuất bản trong năm nay, lúc đầu tôi định đặt tên là Những năm tháng đã qua theo tên bài viết tổng quan trong sách. Nhưng sau đó, nhà lịch sử mỹ thuật Mỹ Nora Taylor và ông Tira quyết định lấy tên là Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam hiện đại. Ông Tira cũng muốn có một triển lãm giới thiệu bộ sưu tập của mình nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và 85 năm trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nay là đại học Mỹ thuật Việt Nam. Cảm động trước thịnh tình đối với văn hoá nước nhà của ông, Vietart Center quyết định mượn ông 78 bức tranh và hai bộ truyện tranh, tổ chức trưng bày từ 1 – 10.10.
Trong thời gian kháng chiến, đặc biệt là kháng chiến chống Pháp, ký hoạ là một phần quan trọng, dường như là duy nhất ghi lại những hình ảnh kháng chiến. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong ký hoạ bút sắt của Mai Văn Hiến và những bức vẽ nhỏ của Tôn Đức Lượng. Trong tranh Tôn Đức Lượng có rất nhiều hình ảnh người Hà Nội đi tản cư và mở hàng bán đồ tạp phẩm ngay trong chiến khu. Phan Thông thì đi vẽ cổ động cho cải cách ruộng đất và bộ tranh của ông dường như là độc nhất vô nhị về sự kiện đó. Bên cạnh đó các hoạ sĩ còn vẽ nhiều truyện tranh tuyên truyền về cuộc kháng chiến và đấu tranh giai cấp lúc bấy giờ. Đầu hoà bình, các hoạ sĩ tiếp tục đi thực tế ở nhiều bản làng xa xôi cũng như vẽ trong chiến tranh chống Mỹ. Hình ảnh các nước xã hội chủ nghĩa mà các hoạ sĩ được đi tham quan cũng là đề tài quan trọng, đặc biệt trong sáng tác của Nguyễn Như Huân và Mai Văn Hiến. Trong bộ sưu tập của Tira nổi bật là các tác giả Mai Văn Nam, Phan Thông, Tôn Đức Lượng, Nguyễn Như Huân và Mai Văn Hiến. Tranh của họ chiếm hầu hết sưu tập và tương đối hệ thống. Ngoài ra là nhiều hoạ sĩ như Lương Xuân Nhị, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái… mỗi người vài ba bức.
Bút pháp hiện thực bao trùm lên mọi bức tranh, phong cách cá nhân không quá rõ nét, thậm chí, họ đi vẽ cùng nhau, để lẫn tranh vào cặp nhau, đến bây giờ không phân biệt được là ai vẽ, nếu không có chữ ký. Đó cũng là những khó khăn và tồn nghi cho việc biên soạn cuốn sách của chúng tôi.
Bản làng - Mai văn Nam, vẽ bằng mực nho và màu nước trên giấy (1963)
|
Tình cảm chân thành và trong sáng đối với đất nước và tay nghề hội họa vững vàng của các hoạ sĩ đã tạo nên giá trị của những bức ký hoạ, dù vẽ kỹ hay vẽ thoáng qua. Từng bản làng miền núi, ngõ xóm đồng bằng được Phan Thông và Mai Văn Nam vẽ như kiểu ghi nhật ký. Họ dịch chuyển từng góc cảnh vật và từng địa điểm chậm chạp trong nhiều tháng liền, để lại những tư liệu sinh động về phong tục tập quán của từng vùng, miền. Mai Văn Hiến thì dành cả một loạt tranh vẽ có tính hồi ức về Hồ Chủ tịch thời Việt Bắc, nhưng vẽ đúng vào năm Bác mất, 1969. Dù đại bộ phận những ký hoạ chưa được chuyển thành tác phẩm nhưng cho thấy tầm cỡ của người vẽ và nó cũng nhất quán với sáng tác chính của họ trong hội hoạ.
Đây cũng là lần đầu tiên có người yêu cầu chúng tôi viết cho từng bức tranh, mà đó lại là một người Thái. Trong các sách mỹ thuật Việt Nam đã xuất bản, công việc này chưa được chú trọng, chưa bao giờ có phê bình cho từng bức hoạ trong một cuốn sách. Xin ghi nhận sự nhìn xa trông rộng và có lòng với nghệ thuật Việt Nam của một người nước ngoài như ông Tira – một kỹ sư điện và truyền thông.
Theo sgtt.vn