Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức bởi Interkultur (CHLB Đức), Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, UBND tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An diễn ra từ ngày 16 đến 20 tháng 3 năm 2011 tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) với hơn 30 đoàn của 8 quốc gia tham gia tranh tài. Trong đó, Việt Nam có một huy chương vàng thuộc về đoàn hợp xướng trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Cho tới nay, đây là Huy chương vàng đầu tiên của hợp xướng Việt Nam trong các sự kiện hợp xướng quốc tế. Để chia sẻ với công chúng những quan điểm, suy nghĩ về thực trạng, cũng như bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo hợp xướng của nhà trường, Tạp chí Âm nhạc Việt Nam Panorama số 18 năm 2011 đã có bài phỏng vấn với PGS. TSKH Phạm Lê Hòa, nhan đề: “Đào tạo hợp xướng không thể là chuyện ăn đong…”.
Nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày Thủ tướng chính phủ ký quyết định thành lập Trường ĐHSP Nghệ thuật TW (26/5/2006 – 26/5/2011), bài phỏng vấn này sẽ giúp chúng ta nhìn lại một phần nào đó những nỗ lực vượt bậc để đưa trường ĐHSP Nghệ thuật đến với những thành công, khẳng định được vị thế xứng đáng của một trường Đại học sư phạm nghệ thuật duy nhất của đất nước.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Đào tạo hợp xướng không thể là chuyện ăn đong...
* Chào ông! Trước hết xin chúc mừng thành công lớn của Đoàn Hợp xướng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tại Hội An vừa qua. Nhân đây, ông có thể chia sẻ với độc giả của Sóng Nhạc đôi điều về Đoàn hợp xướng của nhà trường!
Đoàn hợp xướng trường ĐHSP Nghệ thuật TW là một trong sáu đoàn hợp xướng của Việt Nam tham gia liên hoan lần này. Đoàn gồm 40 thành viên là giảng viên và sinh viên khoa Sư phạm âm nhạc, Thanh nhạc - Nhạc cụ. Với bốn tiết mục: Áng mây vàng đã ngủ đêm (P.I. Tchaikovsky), Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (Nguyễn Tài Tuệ), Lý ngựa ô (Dân ca Nam Bộ, Phối âm: Vinh Hưng), My heart will go on... Kết thúc cuộc thi, Đoàn đã giành được Huy chương vàng ở hạng A1với số điểm 23, 83 - đó là một số điểm cao nhất của Hạng thi A1. Đây cũng là Huy chương vàng duy nhất mà nước chủ nhà Việt Nam có được trong Liên hoan và Hội thi Hợp xướng thế giới Việt Nam tại Hội An lần này.
* Với ông, sự kiện Liên hoan – Hội thi Hợp xướng quốc tế tại Hội An chắc hẳn có nhiều điều đáng nhớ?
Với chúng tôi, Hội An không chỉ là một “nơi gặp gỡ bình yên” mà ở ở đó, mọi người còn được sống trong một bầu không khí đặc biệt của đời sống âm nhạc. Đoàn chúng tôi đã tham gia những hoạt động đầy ý nghĩa của Liên hoan như: biểu diễn khai mạc, diễu hành cổ động, biểu diễn tại quảng trường Hội An .… Cùng với các đoàn bạn, chúng tôi đã đi bộ khắp những con phố của Hội An, vừa đi vừa hát. Có lẽ, đó chính là lúc các nền văn hóa khác nhau tìm thấy sự hòa hợp một cách mạnh mẽ, âm nhạc thực sự là ngôn ngữ chung của các dân tộc. Đứng ở góc độ tổ chức, phải nói rằng Quảng Nam đã có rất nhiều nỗ lực làm tốt vai trò của mình.
Tôi đã có cơ hội quan sát những bạn diễn viên từ các đoàn khác nhau. Bên ngoài hành lang, tôi gặp họ - những chàng trai, cô gái hết sức bình dị nhưng khi đứng dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ và âm nhạc vang lên dường như có một vầng hào quang đã tỏa sáng xung quanh họ khiến họ khác hẳn, đẹp, rực rỡ lạ thường. Tôi thật sự xúc động trước sự kỳ diệu đó của âm nhạc.
Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là khoảnh khắc khi mà nhiều nghìn khán giả ở Quảng trường sông Hoài cùng hát vang Quốc ca Việt Nam và lá cờ Tổ quốc được kéo lên trong lễ trao huy chương. Những giọt nước mắt xúc động đã lăn trên gương mặt của nhiều bạn diễn viên trẻ trong đoàn. Giây phút này chắc hẳn đã và sẽ là những ấn tượng mạnh còn mãi trong mỗi chúng tôi suốt những năm sau này.
* Theo nhiều nhận định trước thềm Liên hoan lần này, Việt Nam chưa có khả năng giành nhiều giải cao trong Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế, vậy tấm huy chương vàng mà Đoàn đạt được có phải là một điều ngoài sức tưởng tượng?
Có một thực tế rằng, chúng ta không có truyền thống hát hợp xướng lâu đời như ở các nước bạn. Ngoài ra còn nhiều sự chênh lệch khác như vấn đề tác phẩm dành cho hợp xướng, người chỉ huy…v.v. Các đoàn được coi là ứng cử viên nặng ký giành nhiều giải thưởng cao tại Liên hoan lần này có thể kể đến là Estonia, Học viện hợp xướng Malaysia, Hợp xướng của HongKong hay Hợp xướng của Singapore.
Tuy nhiên, nhận thức được thế mạnh của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là hợp xướng, chúng tôi đã khắc phục tất cả những khó khăn để tham dự liên hoan bởi các sinh viên khoa Sư phạm Âm nhạc của chúng tôi đều được học thanh nhạc một cách bài bản.
Và nếu nhìn vào quá trình tập luyện, chuẩn bị của chúng tôi, bạn sẽ thấy tấm huy chương vàng tại một Liên hoan, Hội thi hợp xướng quốc tế là thành tích chưa từng có song không phải là một điều nằm ngoài sức tưởng tượng.
* Để có được thành tích như ngày hôm nay, chắc hẳn đoàn đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn
Không chỉ đối mặt với những khó khăn chung của nền hợp xướng Việt Nam chúng tôi còn có những khó khăn riêng của một nhà trường Đại học sư phạm Nghệ thuật khá mới mẻ với biết bao công việc bộn bề. Do phần kinh phí hạn hẹp cho ăn ở, đi lại, trang phục… cho gần năm chục con người. Thêm nữa, đang trong thời gian của năm học các em sinh viên phải lên lớp, việc sắp xếp lịch học cũng gặp nhiều ảnh hưởng. Quả thật, chỉ hơn một tháng trước đây chúng tôi mới chính thức quyết định tham gia. Mọi người có nói vui với nhau rằng nếu Liên hoan lần này tổ chức ở một nước khác, chắc hẳn Đoàn khó lòng có thể tham gia được….
*Mất bao nhiêu thời gian để có thể tổ chức một Đoàn hợp xướng tham gia vào những cuộc thi mang tầm cỡ thế giới như Liên hoan lần này?
Chúng ta phải xác định, hợp xướng không thể là chuyện ăn đong thời vụ mà là việc làm có ý nghĩa và kết quả lâu dài mặc dù phải mất nhiều thời gian, công sức. Thành công của ngày hôm nay của Đội hợp xướng trường ĐHSP Nghệ thuật TW là kết quả của quá trình tập luyện thường xuyên trong nhiều năm trời, với một lịch tập cụ thể có bài bản.
Chúng tôi cũng đã rất tích cực học hỏi từ việc tham gia các liên hoan, hội thi Hợp xướng với quy mô thành phố và quốc gia. Coi đó là những cơ hội tốt để thử thách, đánh giá khả năng của mình. Năm 2010 có thể coi là năm hoạt động rất tích cực của Đội hợp xướng trường ĐHSP nghệ thuật TW, chúng tôi đã tham gia rất nhiều liên hoan, có thể kể đến các chương trình Liên hoan Hợp xướng Những bài ca dâng Đảng, Hòa nhạc Phật giáo Diệu Pháp Âm, Hòa nhạc Quốc tế Gustav Mahler, Hòa nhạc “Điều còn mãi”, Ngày âm nhạc Việt Nam… Điều đó cho chúng tôi sự tự tin, vững vàng để đi đến thắng lợi tại Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế lần này tại Hội An.
* Là người đã tham gia lâu năm trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật, vậy theo ông, đâu là yếu tố cơ bản làm nên thành công của nghệ thuật hợp xướng?
Có nhiều sinh viên của tôi khi tham gia phỏng vấn du học thường băn khoăn vì những câu hỏi: Bạn đi picnic bao nhiêu lần trong tháng? Bạn có hay tham gia các hoạt động phong trào của trường, của địa phương nơi bạn sống? … Tôi nói với họ mục đích ở đây chính là kiểm tra khả năng làm việc theo nhóm của các bạn, xem bạn có thể đáp ứng được với phương pháp làm việc hiện đại hay không?
Càng ngày, người ta càng đánh giá cao vai trò của năng lực làm việc theo nhóm và coi đó là cơ sở quan trọng cho thành công. Riêng đối với nghệ thuật hợp xướng, tinh thần làm việc tập thể đòi hỏi rất cao. Nghệ thuật này không đòi hỏi những cá nhân xuất sắc mà đề cao sự hòa hợp/kết hợp của các thành viên tham gia. Vậy vấn đề cốt lõi ở đây là mỗi cá nhân tự hiểu mình để có thể hòa hợp được với tập thể.
Nói như ông Walter Scheel, nguyên Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Đức, Chủ tịch danh dự Đại hội hợp xướng thế giới: “Tinh thần làm việc cùng nhau là một trong những nội dung đẹp đẽ nhất của nghệ thuật hợp xướng”.
* Thực tế trong đời sống âm nhạc của chúng ta hiện nay, hợp xướng còn khá xa lạ với công chúng vậy có cách nào để nghệ thuật hợp xướng của Việt Nam tới gần hơn với công chúng?
Có nhiều vấn đề cần phải triển khai cùng lúc. Trong đó, theo tôi, đa dạng hóa loại hình hợp xướng: hoặc toàn nam, hoặc toàn nữ, hoặc cũng có thể tổ chức những hợp xướng với biên chế ít người. Đoàn Hồng Kong chẳng hạn, chỉ có 9 người nhưng họ diễn vẫn rất hay…. Với việc đa dạng loại hình hợp xướng như vậy, chắc chắn nghệ thuật hợp xướng sẽ có nhiều con đường để dễ dàng đến với đông đảo công chúng.
* Còn vai trò của giới chuyên môn với việc phát triển nghệ thuật hợp xướng tại Việt Nam?
Từ nhiều năm nay và qua đặc biệt, Liên hoan và Hội thi lần này tại Hội An, chúng ta nhận thấy một thực tế rõ ràng ở Việt Nam, còn thiếu những tác phẩm viết riêng cho hợp xướng có giá trị nghệ thuật cao. Trong khi đó, ở nhiều nước, có một khu vực riêng các sáng tác dành cho hợp xướng. Vấn đề này, chúng tôi kỳ vọng nhiều vào sự chung tay của các nhạc sĩ chúng ta trong thời gian tới đây.
* Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, người hay nhắc tới vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc. Đối với việc phát triển nghệ thuật hợp xướng, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Âm nhạc dân gian bao giờ cũng là một mảnh đất tốt để nuôi dưỡng nghệ thuật. Nghệ thuật hợp xướng cũng vậy. Điều có thể dễ dàng nhận thấy qua liên hoan là âm nhạc dân gian cho các sáng tác hợp xướng đã được các đoàn khai thác rất hiệu quả. Đây chính là một phương thức biểu hiện quan điểm về việc khẳng định bản sắc âm nhạc dân gian của mỗi nền văn hóa nói riêng của mỗi dân tộc nói chung. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa như hiện nay đó là vấn đề đặc biệt cần thiết.
* Xin cảm ơn ông và chúc cho Đoàn hợp xướng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tiếp tục gặt hái được nhiều thành công!
Đoàn hợp xướng của trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã từng tham gia nhiều sự kiện hợp xướng quan trọng với quy mô trong nước và quốc tế như: Liên hoan Hợp xướng Những bài ca dâng Đảng, Hòa nhạc Phật giáo Diệu Pháp Âm, Hòa nhạc “Điều còn mãi”, Hòa nhạc Quốc tế Gustav Mahler, ….
“Tháng 7 năm nay, khi bản đồ hợp xướng thế giới được Interkultur phát ra, Việt Nam đã chính thức được đánh dấu bằng một Huy chương vàng trong Liên hoan và Hội thi Hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ nhất – đó là một thành tích chưa từng có…” (Ông Phạm Hồng Hải – Phó Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Giám đốc nghệ thuật Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế lần thứ nhất cho biết).