Tin tức – Sự kiện

Một mô hình sống chưa hay của người Việt

05 Tháng Sáu 2011

Văn minh vật chất của người Việt - 700 trang sách với gần 1.500 hình ảnh minh họa của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng vừa ra mắt đã gây quan tâm lớn trong giới thức giả.

 

Độc giả xin chữ ký tác giả “Văn minh vật chất của người Việt”	Ảnh: N.M.Hà
Độc giả xin chữ ký tác giả “Văn minh vật chất của người Việt” Ảnh: N.M.Hà.

 

Hình như chưa từng có công trình nào ở Việt Nam nghiên cứu lịch sử văn minh qua nhãn quan đồ vật.

Lý do nào khiến anh thực hiện công trình này?

Sau khi nghiên cứu rất nhiều đình chùa, tượng Phật, các đồ nghệ thuật dân gian, tôi thấy một kho tàng vật chất khác. Đơn giản như nông cụ, đồ dùng của nông dân xưa dần dần biến mất, đồng ruộng và lũy tre cũng thu hẹp dần. Không giữ lại thì về sau không ai trông thấy nữa.

Có cuốn sách của tác giả Pháp Fernand Braudel tên là Văn minh vật chất, kinh tế và chủ nghĩa Tư bản thế kỷ 15-18, tên tiếng Việt là Cấu trúc vật chất trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Cuốn đó gợi ý cho tôi một phương pháp luận để viết về đời sống bình thường.

Trong cuốn này có viết về mô hình sống của người Việt. Không phải lý thuyết theo kiểu gia đình, xã hội hay cá nhân, tư bản hay phong kiến, mà đây là ở kiểu nhà nào, dùng đồ gì… Nó thành những xu hướng quyết định đời sống kinh tế. Chẳng hạn xu hướng trọc phú phát triển rất mạnh ở ta, từ thời cổ. Người Việt Nam một khi có cơ hội, ai cũng thích làm cho sang, đẹp thì không đẹp, tốn thì rất tốn. Có những gia đình đập nhà đi mấy lần trong độ mươi năm. Xây mất nhiều thời gian, ở chả được mấy. Đó là sự lãng phí ghê gớm.

Chính những người như thế đang góp phần giữ một mô hình sống không mấy hay ho của người Việt?

Đi nhiều nơi tôi thấy, một là người ta xây cho bền, đến mức hoàn hảo hàng trăm năm không phải thay đổi; hai là người ta chỉ làm đơn giản, theo kiểu công nghiệp. Vì đã không được hoàn hảo thì tiết kiệm, thay đổi cho dễ, cùng lắm đi thuê. Có những cái có thể thay vì giá trị vật chất nhỏ. Có những cái phải tính chuyện lâu bền. Đấy là xu hướng của nhân loại. Mình thì không thế. Thay ô tô, thay nhà cứ như thay quần áo. Nó là xu hướng không hay ho gì. Do trình độ văn hóa chưa cao, không hiểu thế nào là sang trọng. Chỉ nghĩ đắt tiền là sang trọng.

Anh làm một phép suy luận đại ý: Sự chậm phát triển của Việt Nam có phần do người Việt có tính thích nịnh, thích biếu xén. Họa sĩ Phan Bảo trong bài phản biện đăng kèm sách có phản đối rằng đó không phải tính cách phổ biến của người Việt?

Thực tế đa số người mình hay thích được việc, làm gì cũng không chịu chấp hành sự phát triển của đời sống dân chủ hay luật pháp mà cứ tiện làm cho nhanh. Muốn nhanh mà không muốn học thì phải mua bằng, muốn chữa bệnh trước thì phải đóng tiền cho bác sĩ, muốn xin dấu sớm thì phải nộp tiền. Đó chính là hình thức bợ đỡ. Người phương Tây sang Việt Nam từ thế kỷ 17, 18 đã ghi lại: Gặp quan chức Việt Nam không thể không có quà biếu. Người dân cũng thích quà biếu, làm việc gì cũng không thích giải quyết theo con đường hành chính thông thường, mà chỉ thích đi tắt. Anh cứ cho con đi học, thử vào bệnh viện thì sẽ biết. (cười)

Có khi anh nhìn cái gì cũng khó chịu, bức xúc?

Không hề. Tôi thấy cái gì cũng vui. Tôi coi như đang xem như bức tranh. Chỉ suy nghĩ thế thôi. Bức xúc có mà bức xúc cả đời.

Có thời gian anh hay ở chùa, để hoàn thành cuốn sách?

Muốn làm cuốn này phải sống ở nông thôn. Tôi sống nhiều năm ở nông thôn. Thời gian ở chùa là kiếm một nơi sáng tác, nghiên cứu nghệ thuật, và trông nom luôn cái chùa đấy.

Tác phẩm của anh đề cập nhiều vấn đề về dân tộc học, nhân học, lịch sử… Anh tự tin về những gì mình viết ra?

Những cái đấy phải đọc, tìm hiểu. Nói chung tư liệu trong sách đảm bảo. Ví dụ riêng về cái cày, tôi phải sang Trung Quốc tìm bằng được cái cày Trung Quốc. Ở với nông dân Trung Quốc. Rồi tôi sang Nhật. Bên Nhật có hẳn những bảo tàng của từng vùng, nông dân lập ra giữ nông cụ. Họ nghiên cứu rất kỹ, cho mình tư liệu, họ học cái gì ở người Việt Nam… Rồi tôi vào bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội xem cày của người Mường, người Chăm. Duy nhất cày của Chăm lưỡi như mỏ chim, hóa ra để cày trên đồi.

Tôi tìm thấy cái cày của Mỹ trong bảo tàng nước Mỹ vứt ở một cái tủ bình thường, chả có chú thích. Vì họ quan niệm cái cày chả là cái gì. Phát minh ra điện mới làm nên nước Mỹ. Cái phòng nói về điện của họ thì kinh khủng, đủ các thứ. Nền văn minh của mình lâu, nông nghiệp thì tiêu biểu là cái cày. Mỹ là nước mới, vai trò nông nghiệp không lớn. Từ đó suy ra, đối với dân tộc này cái này là quan trọng, với dân tộc kia cái kia mới là quan trọng.

Ngoài việc mô tả sự bất cập của việc đô thị hóa nông thôn quá nhanh, anh có thể đưa ra một mô hình phát triển nào áp dụng cho thực tế, nhằm cứu vãn văn minh nông nghiệp?

Tôi không phải nhà hoạch định hay nhà quản lý để phát biểu thành ý kiến chính thức. Tôi chỉ lấy ví dụ, một tỉnh muốn phát triển công nghiệp chỉ nên chọn một vùng, không nên chọn tất cả các huyện. Như thế giống như rải thuốc độc cho cả tỉnh.

Bây giờ nhà máy đi đến đâu mà chả có tiệm massage, nhà nghỉ. Làm thay đổi hết cả làng. Bao nhiêu tập tục, tập quán bị vỡ đi. Môi trường thay đổi. Tâm tính con người thay đổi. Đó là những điều người nông dân không được chuẩn bị trước. Lợi chưa thấy đâu, việc thì vẫn không có, ruộng thì vẫn mất. Những người còn lại thì cũng trong tình trạng thấp thỏm, bao giờ đến lượt mình mất ruộng. Giờ nhiều nơi, những thế hệ tới sẽ không biết tí gì về nông nghiệp. Tức là nông dân đã chuẩn bị cho con cái họ sang một ngành khác. Đó cũng là cái gay, khi nông dân từ bỏ nghề nông, thì sản lượng lúa là một vấn đề.

Theo tienphong.vn