Tin tức – Sự kiện

Tiếp cận văn học các nước châu Á bằng lý thuyết phương Tây hiện đại

10 Tháng Sáu 2011
 

 

Hội thảo quốc tế "Tiếp cận văn học các nước châu Á
bằng lý thuyết phương Tây hiện đại
Ảnh: Viện KHXH Việt Nam cung cấp.

"Mới đây, tại Hà Nội vừa tổ chức một Hội thảo quốc tế với chủ đề: "Tiếp cận văn học các nước châu Á bằng lý thuyết phương Tây hiện đại : Vận dụng, tương thích, thách thức và cơ hội". Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học, học giả, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà thơ, nhà báo trong nước và quốc tế tới dự. Sau đây Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin trích giới thiệu Báo cáo đề dẫn Hội thảo của PGS.TS, Nhà văn Phan Trọng Thưởng.

 

Từ cuối thế kỷ XIX trở đi khi châu Âu và phương Tây tiến sang châu Á và phương Đông bằng các cuộc thập tự chinh thì một cuộc tiếp xúc và giao lưu mang màu sắc cưỡng bức đã diễn ở hầu hết các nước. Nhiều quốc gia châu Á xem đây là tiền đề lịch sử dẫn đến cuộc hội nhập lần thứ nhất với phương Tây, trong đó quốc gia đầu tiên phải kể đến là Nhật Bản rồi đến các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và các quốc gia Nam Á. Qua Tân thư và qua hệ thống giáo dục đào tạo, hệ thống lý thuyết, trước hết là hệ thống tư tưởng triết học, đạo đức pháp quyền phương Tây đã thâm nhập vào các nước châu Á, tác động đến thiết chế chính trị, đến tư tưởng học thuật, tạo ra một bước phát triển đột biến trong lịch sử các nước này.

Trong tình hình đó, văn học nghệ thuật tuy là một lĩnh vực hết sức đặc thù, chịu sự chi phối của các yếu tố truyền thống bản địa rất nhiều, nhưng dưới tác động của phương Tây, tại nhiều quốc gia châu Á, một diện mạo văn học mới đã hình thành. Hiện tượng thơ mới, kịch mới xuất hiện ở hầu hết các nước châu Á. Sự ra đời của tiểu thuyết phương Tây, kịch đã khiến cho cấu trúc của nền văn học dân tộc ở các quốc gia này thay đổi. Quan niệm và thị hiếu văn học cũng nảy sinh những yếu tố khác biệt so với truyền thống. Văn học phương Tây qua nhiều con đường đã tác động mạnh mẽ để tạo ra "một cuộc cách mạng trong thi ca" như Hoài Thanh đã mô tả khi tổng kết phong trào thơ mới ở Việt Nam.

Ngay từ những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ XX, bên cạnh các ảnh hưởng trên lĩnh vực sáng tác, ở lĩnh vực nghiên cứu lý luận phê bình văn học, các trường phái lý thuyết từ châu Âu trong đó bao gồm cả Tây Âu, trực tiếp là Pháp và Đông Âu, Nga (Liên Xô cũ) đã được giới thiệu, vận dụng ở Việt Nam.

Thành tựu của những nhà nghiên cứu tiên phong như trường hợp Trương Tửu vận dụng học thuyết Phân tâm học của S.Freud vào nghiên cứu Truyện Kiều; hay học thuyết Macxit vào nghiên cứu Nguyễn Công Trứ chẳng hạn, cho thấy lý thuyết châu Âu không những tìm được đường đến Việt Nam mà còn tỏ ra có sự tương thích nhất định với các hiện tượng văn học dân tộc. Nếu có biểu hiện khiên cưỡng hoặc cực đoan thì đó chưa chắc đã là do bản thân lý thuyết mà rất có thể là do trường hợp vận dụng hoặc do thao tác nghiên cứu.

Do những hoàn cảnh lịch sử qui định, từ những năm bốn mươi của thế kỷ XX trở về trước, trên bình diện tư tưởng học thuật và văn chương nghệ thuật, Việt Nam hướng theo phương Tây và hòa nhập với phương Tây mạnh mẽ hơn. Có thế nói phần lớn các lý thuyết nghệ thuật tiền hiện đại và hiện đại đều đã được giới thức giả ưu tú của Việt Nam biết đến và vận dụng. Thành tựu tuy mới chỉ mang ý nghĩa bước đầu, nhưng đã ít nhiều cho thấy sự cởi mở, năng động của tư duy lý thuyết ở một nền văn học vốn không có truyền thống lý thuyết.

Từ 1945 trở đi, trong một bối cảnh thế giới mới và một bối cảnh lịch sử mới, ở Việt Nam, hệ thống lý thuyết Macxit chiếm vị trí độc tôn trong lịch sử văn học. Không thể phủ nhận được rằng, trước khi đến Việt Nam, hệ thống này đã từng có ảnh hưởng khá mạnh ở các nước châu Âu và phương Tây, làm thành hệ thống tư tưởng mỹ học Macxit phương Tây hiện đại. Với tư cách là hệ thống lý thuyết độc tôn, từ tư duy lý luận đến thực tiễn sáng tác phê bình và tiếp nhận văn học đều chịu sự chi phối của nó. Trong nhiều thập kỷ, từ những năm năm mươi đến cuối những năm bảy mươi của thế kỷ XX, giới nghiên cứu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây dựa trên thực tiễn nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa đã nổ lực chứng minh sự phù hợp và duy nhất đúng của hệ thống lý thuyết này, ít nhất là với các hiện tượng văn học được tạo ra từ chính lý thuyết đó. Mặc dù cho đến nay, đã có thể quan sát được số phận của nó, nhưng vẫn cần phải khách quan xem đây là một hiện tượng lịch sử trong văn học thế giới. Căn cứ là ở chỗ lý thuyết nghệ thuật này đã tồn tại trong một thời kỳ lịch sử khá dài, đã tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật bao gồm trong đó nhiều nhà văn, nhiều nghệ sỹ ưu tú của nhiều quốc gia, khu vực khác nhau trên thế giới với nhiều tác phẩm tiêu biểu tôn vinh các giá trị nghệ thuật vì con người. Thành tựu đó mang tính lịch sử và là thành tựu có thật.

Nhưng chính trong thời kỳ này, do sự độc tôn của lý thuyết nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, các lý thuyết ngoài hệ thống, trong đó bao gồm cả Âu

Mỹ hiện đại đã không có được chỗ đứng cần thiết trong đời sống tư tưởng học thuật của Việt Nam cũng như một số nước khác trong khu vực. Trong một thời kỳ dài, Việt Nam tiếp xúc với các hệ thống lý thuyết phương Tây với thái độ kỳ thị và quan điểm phiến diện.

Nhưng cho đến nay quan điểm và thái độ đó cũng đã đi vào lịch sử.

Bắt đầu từ 1986, một thực tại lý thuyết mới đã hiện hữu ở Việt Nam. Đó không chỉ là kết quả trực tiếp của công cuộc đổi mới mà, còn là kết quả của ý thức tự chiếm lĩnh, tự trang bị những đều kiện cần thiết để giao lưu, hội nhập và đối thoại với thế giới. Tư tưởng đa phương, đa diện không chỉ đóng vai trò quan trọng trong kinh tế, chính trị, ngoại giao mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn chương, nghệ thuật. Có thể xem đó là bước khởi đầu cho một sự chấn hưng lý thuyết ở Việt Nam.

Bên cạnh yêu cầu nhận thức lại hệ thống lý luận văn học và mỹ học mác-xít

một cách đẩy đủ, khách quan. khoa học hơn, với tư cách là hệ thống lý luận nền tảng ở Việt Nam hiện nay, những thành tựu bước đầu trong công tác dịch thuật, phổ biến và vận dụng các lý thuyết phương Tây và châu Âu hiện đại và tiền hiện đại như: Phân tâm học, Tự sự học, Thi pháp học, Ký hiệu học, Xã hội học nghệ thuật, Tâm lý học nghệ thuật, Lý thuyết tiếp nhận, Cấu trúc luận, Văn học So sánh, Lý thuyết loại hình học, v.v... đã bước đầu cho thấy một sự cộng sinh tư tưởng, một cơ hội phát triển tự do các lý thuyết. Thực tế cho thấy nhiều công trình vận dụng các lý thuyết này vào nghiên cứu văn học dân tộc đã mang lại kết quả khả quan, làm thay đổi tư duy lý luận, thay đổi tập quán nghiên cứu, tác động tích cực tới thực tiễn sáng tác, khiếu cảm thụ nghệ thuật và tâm lý tiếp nhận của công chúng.

Nhưng cũng có những sự vận dụng mới chỉ mang lại hiệu quả ở phạm vi khoa học văn học như những thử nghiệm lý thuyết. Trong tình hình xếp xúc và lưu hành cùng lúc nhiều hệ thống lý thuyết như hiện nay, nếu việc tiếp thu vận dụng không thật nhuần nhuyễn, thấu đáo dễ dẫn đến tình trạng sống sít xô bồ, không đủ tỉnh táo để nhận ra một cách khách quan những điểm khả thủ và những điều bất cập của mỗi hệ thống.

Thực tiễn văn học Việt Nam và các nước châu Á cho thấy các lý thuyết phương Tây không chỉ có khả năng giải mã được các hiện tượng văn học nảy sinh dưới tác động, ảnh hưởng của phương Tây trong quá trình giao lưu và tiếp nhận, mà còn có khả năng giải mã được cả các hiện tượng văn học truyền thống mang đậm bản sắc riêng biệt và đặc thù của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, trong khi thừa nhận khả năng của lý thuyết phương Tây, cũng phải đồng thời thừa nhận những ngoại lệ, những điểm mù mà lý thuyết không thể soi chiếu tới được. Cho dù mọi lý thuyết đều được khái quát nên từ những hiện tượng, những quá trình lịch sử và quá trình văn học cụ thể khác nhau, và do vậy, nó có khả năng làm sáng tỏ, giải thích được nhiều hiện tượng, nhưng không phải là tất cả toàn bộ. Liệu lý thuyết phương Tây - vốn được hình thành từ một thực tiễn văn học khác. một truyền thống nghệ thuật khác, một hệ thống thi pháp thể loại khác - có trở nên đắc dụng đối với mọi trường hợp, mọi loại hình văn học vốn mang đậm đặc thù phương Đông và dân tộc hay lại rơi vào tình thế "bất khả tri" trước thơ Haikư của Nhật Bản hay thơ Thiền của Việt Nam? Văn chương thế giới không phải là nhất thể, mà trái lại hết sức phong phú, đa dạng. Lý thuyết Âu - Mỹ hiện đại liệu có thể sử dụng để tiếp nhận văn bản diễn ngôn văn chương mang đặc thù châu Á từ hệ thống chữ viết đến các phương tiện biểu đạt, quan niệm và tư duy nghệ thuật được không? Nhất là đối với các kiểu tổ chức văn bản văn chương nghệ thuật mang đậm dấu ấn truyền thống phương Đông, liệu có thể được giải mã bằng một lý thuyết ngoài hệ thống, chẳng hạn lý thuyết Tự sự của G.Genette, Cấu trúc luận của R.Jakobson, Thi pháp học của M.Bakhtin . . . được hay không? Đặc biệt là trước các tác phẩm văn học châu Á mà sự tiếp nhận nó gắn liền với tập quán thưởng thức, với truyền thống văn hóa - thẩm mĩ đặc thù thì Lý thuyết tiếp nhận của H.R.Jauss, của R.lngarden, v.v... liệu có trở thành bộ cẩm nang, thành công cụ vạn năng để mở ra các khả năng tiếp nhận, qua đó làm phong phú thêm ý nghĩa tác phẩm như cao vọng của lý thuyết được hay không? v.v...

Từ thực tiễn thế giới hiện đại, xu thế hội nhập đang được các quốc gia nhận thức là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược được. Tuy nhiên, văn học với tư cách là một thành tố quan trọng của cấu trúc văn hóa dân tộc, để tồn tại và phát triển, luôn phải tự khẳng định bằng một quy luật khác, đó là nỗ lực gặp gỡ với thế giới ở những giá trị cơ bản, giá trị chung và phải luôn giữ được nét độc đáo riêng, đặc trưng riêng của dân tộc.

Ánh sáng lý thuyết, cho dù là lý thuyết phương Tây hay lý thuyết phương Đông chỉ trở nên đắc dụng hay hữu dụng khi nó là công cụ khám phá, khai mở được các bí ẩn nghệ thuật, giúp người ta phát hiện được các quy luật nghệ thuật nội tại, những giá trị tiềm tàng của văn chương. Mặt khác, diệu năng của lý thuyết không làm tan biến thực thể văn chương mỗi dân tộc, biến tất cả những giá trị ấy chỉ còn là một hỗn hợp giống nhau, mà trái lại nó càng phải làm cho những độc đáo dân tộc của mỗi nền văn học trở nên rõ nét hơn, hấp dẫn hơn.

Theo cpv.gov.vn