Tin tức – Sự kiện

Nghệ thuật trình diễn phản cảm : Đến lúc phải bị… tuýt còi

06 Tháng Bảy 2011

Thiếu một hành lang pháp lý cần thiết trong việc quản lý, cấp phép đối với những xu hướng nghệ thuật mới ở Việt Nam như: sắp đặt, trình diễn, video art...,hệ luỵ là việc xuất hiện không ít màn trình diễn phản cảm, dị hợm khiến công chúng bất bình.

Nghệ thuật kiểu... khác người (!)

Công chúng hẳn chưa quên những màn trình diễn ấn tượng đến… rợn người của một nghệ sĩ trẻ: Lại Thị Diệu Hà. Nude 100% rồi phủ lông chim khắp người để “bay lên” (tên gọi của màn trình diễn- PV), Diệu Hà khiến người xem ngại ngùng bởi cách trình diễn sống sượng được khoác danh nghệ thuật.

Sử dụng bàn là nóng là lên những miếng da lợn, và cả da thịt của chính mình, nghệ sĩ này lại khiến công chúng dựng tóc gáy vì… sợ. “Nghệ thuật là thế này ư?!” . Ranh giới mong manh giữa nghệ thuật và sự phản cảm càng lúc càng khiến công chúng hoang mang, và nhà quản lý cũng không khỏi lắc đầu ngao ngán.

Không đồng tình với khái niệm nghệ thuật mới có thể được tạo nên từ những hiệu ứng về cảm giác, bất kể bằng phương thức tích cực hay tiêu cực, nhiều hoạ sĩ cho rằng, khiến người xem sợ hãi bằng những chiêu thức lập dị, chả giống ai thì không thể gọi là nghệ thuật. Có chăng, đó là sự nguỵ biện.

Bên cạnh Lại Thị Diệu Hà, còn có nhiều màn trình diễn phản cảm khác. Quằn quại, la hét, quấn dây chun chằng chịt quanh người, cởi quần để… ngồi đọc báo trong WC, người hoá thành… cột điện để một đứa trẻ tè cả vào chân cột… Càng ngày càng có nhiều những màn trình diễn quái gở, không giống ai xuất hiện.

“Ở nhiều nước trên thế giới, nghệ thuật trình diễn đã có từ lâu, thậm chí còn xuất hiện với những hình thức kỳ dị hơn nhiều. Tuy nhiên, quan niệm thẩm mỹ cũng như khả năng thẩm thấu trong đời sống xã hội đều khác xa so với bối cảnh hiện tại ở Việt Nam. Vì thế, cái cách “xông thẳng” vào đời sống nghệ thuật vốn luôn khép kín và ngại ngùng trước những phá cách đã dẫn tới bức xúc, phản đối của người xem”- một nhà quản lý trong lĩnh vực này nhận định. Điều đáng nói, dẫu phản cảm và không phù hợp với truyền thống cũng như bối cảnh của đời sống nghệ thuật Việt Nam, nhưng từ bấy đến nay vẫn chưa thấy màn trình diễn kiểu khác người nào bị tuýt còi, huỷ bỏ.

Phải tuýt còi, xử phạt!

Hoạ sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) cho biết, đã đến lúc không thể tiếp tục thả nổi các màn trình diễn phản cảm này trong đời sống nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, việc thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ đang là lỗ hổng lớn, cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự ra đời của nhiều chương trình không hợp truyền thống, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Ngay cả việc phân định loại hình trình diễn, sắp đặt này thuộc phạm vi quản lý của ngành nào, mỹ thuật hay nghệ thuật biểu diễn cũng chưa rõ ràng. Tại hội thảo về những chính sách cấp bách do Bộ VHTTDL vừa tổ chức, trong phần chính sách về Nghệ thuật biểu diễn có nêu: Quy chế hoạt động và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ban hành hiện hành chưa đề cập đến các loại hình nghệ thuật biểu diễn mới đang phát triển hiện nay (trong đó bao gồm nghệ thuật sắp đặt, trình diễn nghệ thuật vẽ trên thân thể, video art kết hợp trình diễn...). Trong khi đó, lâu nay nhiều người vẫn cho rằng, trình diễn, sắp đặt là một loại hình hoạt động của mỹ thuật.

Tuy nhiên, điều căn cốt vẫn là, khi hệ thống văn bản quản lý còn thiếu thì các nghệ sĩ vẫn đang tự tung tự tác, đánh bóng tên tuổi của mình bằng những màn biểu diễn xa lạ, phi thẩm mỹ, ít nhất là theo cảm thụ truyền thống của người Việt.

Hơn nữa, một khó khăn khác là tại các địa phương hiện nay, đội ngũ cán bộ chuyên sâu về mỹ thuật, có khả năng thẩm định chất lượng, nội dung trong giới hạn cho phép đang hoàn toàn khuyết vắng. Chỉ riêng chuyện phân định giữa yếu tố nghệ thuật và sự phản cảm, nghệ thuật và sự kỳ dị… cũng đã là vấn đề không dễ đối với lực lượng quản lý lĩnh vực nghệ thuật này ở các địa phương.

Ông Vi Kiến Thành cho biết, hầu hết các Sở VHTTDL hiện nay đều gần như không có cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý các lĩnh vực vốn có đặc thù chuyên môn sâu như mỹ thuật. Bởi thế, chỉ cần lấp đầy khoảng trống về nguồn nhân lực đã là nan giải, nói gì đến những đòi hỏi khắt khe trong khâu kiểm duyệt.

Ông Vi Kiến Thành bức xúc,“chương trình diễn ra không có ai tuýt còi, xử phạt thì hỏi rằng, vai trò của các cơ quan quản lý ở đâu khi để lọt những màn trình diễn đầy phản cảm đó?”. Theo ông, đáng ra các nhà quản lý văn hóa ở địa phương phải có người kiểm tra khi sự việc đang diễn ra, nhưng thực tế thì chỉ khi dư luận lên tiếng thì sự việc mới được biết đến. “Chưa kể, sự thiếu vắng đội ngũ và hành lang pháp lý cũng là nguyên nhân khiến những chương trình kiểu này cứ diễn ra mà không xin phép, đương nhiên cũng không qua thẩm định.”.

 

Theo nhandan.org.vn