Tin tức

Ðông Ngạc - Làng tiến sĩ

06 Tháng Bảy 2011
Cập nhật lúc 03:25, Thứ hai, 04/07/2011 (GMT+7)

Di tích cổng xóm ở làng cổ Ðông Ngạc.  
 
Ðông Ngạc là làng khoa bảng đã có ngót nghìn năm tuổi ở phía tây bắc kinh thành Thăng Long xưa. Ðến nay, làng cổ Ðông Ngạc vẫn còn lưu giữ được những dấu xưa, những nếp sống và truyền thống được trao truyền, trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội.

 

Ngôi làng cổ và truyền thống khoa bảng

Lý giải cho cái tên Ðông Ngạc, những người cao tuổi trong làng thường bảo: Xưa, học sinh của làng nổi tiếng chăm học, đua nhau học như tiếng ếch kêu, bởi thế, thời Lý có tên là Ðống Ếch, sang thời Trần đổi là Ðống Ngách và đến thời Lê Trung Hưng làng mới được đổi tên thành Ðông Ngạc. Tính từ khi cụ Phan Phu Tiên khai khoa cho làng, đỗ tiến sĩ năm 1396 dưới triều Vua Trần Thuận Tông, đến thời Nguyễn, làng Ðông Ngạc đã có 25 người đỗ đại khoa (tiến sĩ trở lên) và được gọi là làng khoa bảng là vì thế.

Hiện ở Ðông Ngạc vẫn còn hơn 100 ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi, 30 nhà thờ họ với kiến trúc truyền thống đặc sắc được lưu giữ. Bốn dòng họ lớn từ xa xưa đã được coi là 'tiếng tộc' của làng: Phan, Phạm, Ðỗ, Nguyễn cùng nhân dân trong làng luôn nhắc nhở, giáo dục con cháu giữ gìn và phát huy truyền thống khoa bảng. Trong đó, họ Phan được coi là dòng họ lớn nhất, vừa là họ khai khoa cũng là dòng họ có nhiều người đỗ đạt. Cụ Phan Trắc Thuật, trưởng tộc họ Phan, hậu duệ đời thứ 18 của cụ Phan Phu Tiên tự hào nói: 'Từ xa xưa, triều đình đã ban khen làng bốn chữ: Mỹ tục khả phong, đến nay, truyền thống đó vẫn được giữ'.

Một điểm độc đáo đặc trưng khác với các làng khác là làng có 13 ngõ, mỗi ngõ, xóm đều có một cổng riêng và đều hướng ra phía sông Hồng. Ðường làng vẫn là những con đường được lát gạch nghiêng hàng trăm năm tuổi chạy thẳng tắp với những dãy nhà hai bên giống như cấu trúc của 36 phố phường Hà Nội xưa. Những cánh cổng gỗ, những nếp nhà rêu phong, những con đường gạch trong một không gian yên bình chống chọi cùng tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt để lưu giữ lại những cổ kính, những xưa cũ, để cho những giá trị được tiếp nối.

Quay mặt ra phía sông Hồng, đình Ðông Ngạc (Ðình Vẽ) là một trong những ngôi đình lớn và đẹp nổi tiếng. Ðược xây dựng từ thời Hậu Lê, đến nay đã ngót 400 năm tuổi. Trải qua bốn lần trùng tu lớn nhưng ngôi đình vẫn giữ lại được những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo và đặc sắc. Toàn bộ khuôn viên của đình được kiến trúc theo hình chữ Quốc, tượng trưng cho đầu rồng. Từ cổng vào qua hai tam quan đồ sộ, tam quan ngoại có nền cao ngang mặt đê sông Hồng, tượng trưng cho mũi rồng. Giữa hai tam quan là hai ao nhỏ hai bên, tượng trưng cho mắt rồng. Hai bái đường nội và ngoại được nối liền với nhau, mỗi tòa gồm chín gian, tượng trưng cho đỉnh đầu rồng. Trong cùng là trung cung và hậu cung, mỗi tòa ba gian, tượng trưng cho cổ rồng. Tất cả được sắp xếp trong một không gian tĩnh mịch với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Khác với những đình khác chỉ thờ một vị thành hoàng, đình Ðông Ngạc phối thờ cả ba vị thiên thần, nhân thần và địa thần, đều là những người đỗ đạt và có công với làng. Bên cạnh đó là văn chỉ thờ Khổng Tử và nhà đọc sách. Ðiều đó đã phản ánh đặc sắc nét văn hóa tốt đẹp cũng như truyền thống khoa bảng lâu đời của người Ðông Ngạc.

Tiếp nối truyền thống thi thư văn hiến

Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện làng Ðông Ngạc có tới hơn một nghìn người có học vị từ cử nhân đến tiến sĩ. Nhiều người được phong hàm giáo sư và các danh hiệu cao quý, nhiều người đã và đang đảm đương các chức vụ quan trọng của Ðảng và Nhà nước. Cụ Thuật là một trong hai người cao tuổi nhất làng, cụ cũng là người chuyên nghiên cứu về lịch sử và các dòng họ của Ðông Ngạc, cho biết: 'Những người đỗ đạt của làng từ xưa đến nay nhiều không kể hết. Bây giờ thì hầu như nhà nào cũng có con em học đại học'.

Lý giải cho sự hưng thịnh của con đường học vấn của làng, cụ Thuật giở cho xem cuốn gia phả họ Phan nổi tiếng nhất vùng về truyền thống thi thư có ghi về phong thủy tốt đẹp của vùng đất này: 'Phong cảnh làng sơn thủy rất lạ. Ðại cục phía đông có Nùng Sơn, phía tây có Tản Lĩnh, trước mặt có sông Nhị Hà làm minh đường, sau lưng có các thổ sơn của làng: Làng Giản, làng Noi, làng Chèm làm hậu chẩm'. Có lẽ, bởi thế mà sự học của làng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cụ Thuật cũng cho biết, đó chỉ là quan niệm của các cụ xưa, xét về khoa học phong thủy cũng chỉ đúng phần nào. Ðiều quan trọng là bởi nhân dân Ðông Ngạc luôn gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, luôn quan tâm và chăm lo tới sự học của thế hệ trẻ.

Hằng năm, từ mồng 8 đến 11-2 (âm lịch) tại đình Ðông Ngạc, nhân dân tổ chức lễ hội với phần lễ tưởng nhớ công đức các vị tiền hiền của làng và phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: Hát chèo, ca trù, cờ tướng, chọi gà... nhằm gìn giữ những nét văn hóa cổ truyền, phát huy tinh thần hiếu học, trọng lễ. Cho đến tận bây giờ, đình làng vẫn là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là nơi hội họp mỗi dịp tuần, tiết, nơi con cháu trong làng thắp hương tế cáo mỗi dịp đỗ đạt, đi xa, mỗi dịp thành công trở về làng. Nét xưa vẫn tiếp tục được lưu giữ, trân trọng.

Ðông Ngạc với một bề dày văn hóa và truyền thống thi thư văn hiến lâu đời của mình trở thành một bộ phận quan trọng của văn hóa, văn hiến Thăng Long. Sự tiếp nối truyền thống và lưu giữ những giá trị tốt đẹp trở thành minh chứng cho mạch chảy liên tục và sức sống bền lâu của văn hóa dân tộc.

 
                                                                                                                                                           Theo nhandan.org.vn