Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội cho biết, đó là một trong những nội dung quan trọng đưa ra bàn bạc triển khai trong Đại hội lần thứ 11 Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, diễn ra trong hai ngày 6 và 7-7 tại Hà Nội.
Việc chuyển đổi mô hình mang đến điểm khác biệt so với trước: Liên hiệp Hội sẽ không còn là cơ quan cấp trên trực tiếp của mỗi hội chuyên ngành mà chỉ là cơ quan điều phối và phối hợp hoạt động, kiến nghị và đề xuất với cấp quản lý những vấn đề cần thiết. Nhiệm vụ chính là tập trung xây dựng chế độ chính sách đãi ngộ, khuyến khích bồi dưỡng sáng tạo đối với hội viên, đồng thời ưu tiên nâng cấp cải tiến toàn diện các cơ quan ngôn luận trực thuộc như báo Người Hà Nội, tạp chí Tản Viên Sơn.... Các hoạt động chuyên môn như tổ chức thực tế sáng tác, hội thảo, tọa đàm… sẽ giao phó cho các hội chuyên ngành trực thuộc. Với mô hình này, mỗi Hội thành viên sẽ có tư cách pháp nhân đầy đủ để có thể hoạt động độc lập, tự chủ, phát huy tính năng động. Các Hội có văn phòng riêng, bộ máy làm việc gọn nhẹ, tự quyết các vấn đề chuyên môn lẫn tài chính.
Việc chuyển đổi này, theo nhà thơ Bằng Việt là cần thiết và phù hợp hơn với quy luật phát triển và cũng đáp ứng mong muốn của các hội viên.
Đại hội lần thứ 11 sẽ thông qua báo cáo chính, trong đó đặc biệt chú trọng đến phương hướng của nhiệm kỳ tới, gồm 10 điểm quan trọng, trong đó có công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ kế cận. Hiện tại, Hội có khoảng 2800 hội viên, nhưng sáng tác thực sự có dấu ấn và hiệu quả chủ yếu vẫn trông chờ ở các hội viên cao tuổi. Nhà thơ Bằng Việt cho biết, kể cả việc lựa chọn nhân sự để bầu vào BCH cũng rất khó khăn để tìm ra gương mặt trẻ có đủ năng lực nắm quyền lãnh đạo.
Dự kiến, Đại hội sẽ bầu BCH mới khoảng từ 23 đến 29 người, chiếm 1% tổng số hội viên. BCH cũng sẽ bầu ra một Chủ tịch và bốn đến sáu Phó Chủ tịch.