Tin tức – Sự kiện

Đề Lịch sử dài và “đánh đố” thí sinh

11 Tháng Bảy 2011

Kết thúc môn thi Lịch sử chiều nay (9.7), nhiều thí sinh nhận định: Đề khá dài và có một câu “đánh đố” thí sinh. Nhiều em không làm hết đề vì thiếu thời gian.

Đề thi môn Lịch sử khối C năm nay chia làm hai phần: phần chung (Lịch sử Việt Nam) dành cho tất cả thí sinh gồm 3 câu hỏi, hai câu 2 điểm và một câu 3 điểm, phần tự chọn (Lịch sử thế giới) gồm 1 câu 3 điểm.

 

Kiểm tra lại bài làm sau giờ thi Lịch sử. Ảnh: Hải Nguyễn
Kiểm tra lại bài làm sau giờ thi Lịch sử. Ảnh: Hải Nguyễn

 

Theo đánh giá của phần đông thí sinh, các em cho rằng đề thi Lịch sử dài nhưng không quá khó, bám sát vào chương trình học, không có câu hỏi gây khó hiểu. Với môn thi thứ hai này, nếu các thí sinh nắm vững kiến thức thì hoàn toàn có thể làm được bài.

Trong số 4 câu hỏi chỉ duy nhất câu IV a là được hỏi “đố” để thử khả năng phân tích và suy luận của các thí sinh. Với nội dung câu hỏi: “Khái quát quá trình hình thành và phát triển của tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh từ năm 1951 đến năm 2000?”, nếu như thí sinh học “vẹt” và không tìm hiểu kỹ câu hỏi thì sẽ gặp khó khăn trong việc làm bài vì không xác định được tên tổ chức đó là gì. Nhưng chỉ cần để ý và so sánh một chút, những học sinh nắm vững bài sẽ dễ dàng đưa ra được câu trả lời.

Khác với môn thi Văn buổi sáng, vì đề môn Lịch sử dài nên hầu hết các thí sinh đều tận dụng đến mức tối đa thời gian làm bài. Theo ghi nhận của PV, tại các điểm thi khu vực Quận Cầu Giấy, chỉ có lác đác vài thí sinh ra sớm hơn thời gian 3 giờ làm bài.

Đăng Dương, thí sinh thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền tỏ ra không hài lòng về bài làm của mình: “Đề thi môn sử năm nay khó và dài, em chỉ làm được những câu hỏi về lịch sử Việt Nam, còn lịch sử quốc tế em không làm được. Em ra trước đến 1/3 thời gian, bài thi của em còn chưa kín 1 tờ giấy thi”.

Vì đề thi có một câu hỏi “đố” nên rất nhiều học sinh cảm thấy không tự tin với suy luận của mình và bàn bài với các thí sinh khác khiến không ít sĩ tử bị giám thị nhắc nhở và lập biên bản ngay tại phòng thi, Duy Đạt (quê Hải Phòng) cho hay: “Tại phòng thi của em, có một bạn thí sinh hỏi bài các bạn xung quanh, sau khi giám thị nhắc nhở đã bị đánh dấu bài. Em thì chỉ làm được khoảng 2/3 bài làm, còn mức độ chắc chắc thì em cũng không biết thế nào”.

Trong các câu hỏi về phần lịch sử Việt Nam, thí sinh Thu Hoà (Hà Nội) cảm thấy câu hỏi số II về so sánh Luận cương chính trị tháng 10.1930 với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam là quá dài trong khi chỉ được 2 điểm. Hoà nói: “Vì tập trung làm xong câu hỏi II chiếm nhiều thời gian khiến câu trả lời của các câu hỏi khác trong bài thi của em hơi “đuối”. Ra khỏi phòng thi em cũng hỏi các bạn khác thì mới biết hầu như ai cũng ở trong tình trạng tương tự”.

Nhiều thí sinh khác tâm sự, với đề thi dài như môn Lịch sử, rất ít người có thể làm hoàn thành bài thi trước thời gian quy định cũng như làm trọn vẹn tất cả các câu hỏi trong đề.

 

Theo laodong.com.vn