Để đi tìm xuất xứ của luận đề cảm thán nêu trên, xin được bắt đầu từ những mẩu chuyện thực tế. Năm 2010, chúng tôi đến Bình Sơn-Quảng Ngãi để nắm tình hình thực hiện phân cấp trong quản lý giáo dục. Khác với một vài địa phương mà tôi đến trước đó, hệ thống GD nơi đây phát triển khá mạnh, đặc biệt là sự đầu tư cho chất lượng. Một người dân Bình Sơn đã đột ngột thốt lên câu nói: “Cán bộ Đảng ủy, UBND Bình Sơn toàn những người từ GD mà ra thì làm chi không mạnh!”. Mới đây, tôi lại có dịp đi thực tế ở huyện miền núi Đakrông-Quảng Trị, tình cờ cũng lại bắt gặp một trường hợp tương tự khi người dân nhận định về vị bí thư nhiệm kỳ mới của Đảng bộ Đakrông: “ Ông ấy là người mấy mươi năm trong ngành giáo dục, có trình độ hiểu biết thì tất yếu sẽ làm được nhiều việc”.
Sự trùng hợp khá ngẫu nhiên ở hai địa phương khác nhau, một ở địa phận Bắc Trung bộ, một ở Nam Trung Bộ, đã gieo trong tôi nhiều suy tưởng…Trước hết là cảm giác vui mừng khi nhận ra đã có sự hoán đổi vị trí của GD trong nhận thức của người dân so với vài thập niên trước. Ngày ấy, cách đây khoảng trên dưới 15 năm, tôi có người chị họ vừa đi dạy học vừa buôn bán thêm ngoài chợ. Một hôm có người hỏi chị làm nghề gì, thì chị bảo: làm thương nhân. Tôi thắc mắc vì sao chị lại không nói mình là một cô giáo? Thay vì trả lời tôi, chị cười chua chát: “ Em tưởng xã hội bây giờ coi trọng nghề dạy học lắm hay sao?”. Sau này, khi đất nước thoát khỏi giai đoạn khó khăn của chuyển đổi cơ chế, nghề dạy học được trả lại đúng vị trí, tôi mới hiểu nỗi niềm của chị. Và cũng chính người chị họ ấy của tôi, bây giờ đã về nghỉ hưu nhưng luôn tự hào trước đây từng làm một cô giáo “gõ đầu trẻ”, và cho rằng không có nghề nào sáng trong, đẹp đẽ hơn là nghề dạy học.
|
Ảnh minh họa (Internet) |
Để giáo dục có được vị thế xứng đáng giữa bao nhiêu thăng trầm, biến đổi của xã hội quả là không đơn giản. Lời khuyên của Lê- nin: “ Học, học nữa, học mãi” đã chứng tỏ sự học là mênh mông, vô tận. Chèo lái sự nghiệp giáo dục và đào tạo giữa biển tri thức mênh mông của nhân loại là nhận lãnh sứ mệnh vinh quang, cao cả song cũng là chèo lái gian nan, thử thách không ngừng nghỉ. Chặng đường nhiều gian nan hơn cả vẫn là khi GD bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập. “ Chỉ có giáo dục mới giúp Việt Nam trở thành một nước dân giàu nước mạnh”, lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là chân lý đúc kết từ thực tiễn của quá trình phát triển kinh tế –văn hóa -xã hội của các quốc gia và ở Việt Nam. Xin được lấy một ví dụ làm sự minh chứng cho sự phát triển của nền GD Việt Nam theo đà phát triển của đất nước. Trong bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi cho ngành giáo dục và đào tạo cách đây gần 43 năm (ngày 15 tháng 10 năm 1968), có sự ghi nhận như sau: Bác vui lòng biết mặc dù hoàn cảnh đất nước có khó khăn , hiện nay đất nước chúng ta đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, mỗi xã đều có trường cấp I, nhiều xã đã có trường cấp II, các huyện đều có ít nhất một trường cấp III. Số người đi học đã hơn sáu triệu, trong đó có hơn một triệu cán bộ và công nông đang học bổ túc văn hoá. Số người vào học các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tăng gấp ba lần so với trước chiến tranh chống Mỹ. Hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức”.
Ngày nay, con số 6 triệu ấy ở miền Bắc đã được tăng lên gần 24 triệu, tức là gấp 4 lần. Hệ thống, quy mô, mạng lưới giáo dục đào tạo mở rộng với tốc độ nhanh mạnh. Số người vào học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp không chỉ “ tăng gấp 3 lần so với trước chiến tranh chống Mỹ” mà tăng gấp hàng chục lần. Năm 2000, nước ta đã phổ cập giáo dục tiểu học, hiện đã hoàn thành phổ cập GD trung học cơ sở khắp các địa phương và tiếp tục phổ cập THPT…Tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc kiểm điểm 10 năm thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ( MDG) ở New York tháng 9/2010, Việt Nam được đánh giá là một điển hình, hoàn thành sớm 5/8 MDG, trong đó hai mục tiêu được thực hiện thành công nhất là xóa đói giảm nghèo và phổ cập giáo dục. Trước đó, ngày 19.8.2010, tại Hyderabad, Ấn Độ, GS Ngô Bảo Châu đã vinh dự là một trong 4 nhà toán học giành giải Fields. GS Ngô Bảo Châu là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng danh giá này. Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ hai sau Nhật có nhà toán học đoạt giải Fields. Còn rất nhiều giải ở hàng quán quân khác mà học sinh Việt Nam đoạt được trong những kỳ thi Quốc tế. Và ở vào những thời điểm “ bước lên đài vinh quang” như vậy, dư luận trong nước và thế giới mới có cái nhìn công bằng đối với giáo dục Việt Nam. Hơn ba mươi lăm năm đất nước không còn chiến tranh, nhưng khái niệm về sự hi sinh vẫn còn trên “ mặt trận” giáo dục. Có nhiều cán bộ quản lý, nhà giáo hầu như gắn bó suốt cả cuộc đời đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; trong số họ, nhiều người đã hi sinh cả hạnh phúc riêng tư của mình vì nghề dạy học. Công lao to lớn ấy ai cũng có thể nhận thấy. Nhưng những lao tâm, khổ tứ để tìm một hướng đi tốt nhất cho tương lai của cả thế hệ thì khó có thể đo lường ngày một ngày hai. Đột phá quan trọng để đổi mới tư duy, phương pháp giáo dục có thể nói là cuộc vận “ Hai không” do nguyên Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng được chính thức triển khai vào năm học 2006-2007. Với triết lý: dạy thật, -học thật, thi thật, đánh giá thật để có năng lực làm người, năng lực vào đời, cuộc vận động “ Hai không” đã làm thay đổi nhận thức, hành vi của hàng triệu học sinh, hàng triệu phụ huynh, hàng vạn giáo viên và của toàn xã hội. Sau 4 năm thực hiện cuộc vận động, chất lượng hiệu quả giáo dục đã có chuyển biến rõ rệt, bằng chứng cứ cụ thể chứ không còn là trên lý thuyết sách vở. Sự chuyển biến về “chất” của GD không chỉ ở phần ngọn mà đi từ gốc rễ. Liên tục những năm qua, nhiều dự án đào tạo và bồi dưỡng CBQL, GV được triển khai, hướng đến đổi mới suy nghĩ, hành động, phát huy tối đa năng lực của bản thân, giá trị của giáo dục. Việc thực hiện kiểm định chất lượng được thực hiện ở các cơ sở GD trong cả nước đã giải quyết được vấn đề gay cấn nhất mà dư luận quan tâm nhiều năm nay là sự khó kiểm soát của chất lượng. Yêu cầu cấp bách là phải có một cơ chế quản lý chất lượng thích hợp, nhằm làm rõ chất lượng đào tạo của từng trường và toàn bộ hệ thống để tiến tới nâng cao chất lượng thường xuyên. Vì vậy mà liên tục trong 2 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra nhiệm vụ mà toàn ngành phải hướng đến là “ Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục”. Niềm tin của xã hội vào GD ngày càng được củng cố vững chắc, không chỉ đặt vào vốn tri thức hiện đại từ ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, mà vào chính những hành vi đẹp đẽ trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày của thế hệ trẻ; khi mà hiện tại, kỹ năng sống cũng quan trọng không kém cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực sau 3 năm đã chứng minh cho hiệu quả về tính nhân văn, khoa học, làm cho các em học sinh cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” để giảm đáng kể tỷ lệ bỏ học do bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài. Tôi đã được chứng nhận có những ngôi trường không chỉ xanh, sạch, đẹp mà còn ấm cúng và thân thiện đến mức, phụ huynh dù ở rất xa địa bàn, dù khó khăn bao nhiêu cũng muốn đưa con em đến trường. Từ chốn phồn hoa đô thị đến những vùng hẻo lánh, xa xôi, ở đâu cũng có những ngôi trường thân thiện, những ngôi trường làm nên diện mạo đáng tự hào cho giáo dục, cũng như những con người đã không hề do dự khi khẳng định rằng: Chúng ta được sinh ra từ giáo dục!
Theo gdtd.vn