Nghiên cứu lý luận

ỨNG DỤNG HÌNH KHỐI VÀ MÀU SẮC TRONG CÁC BÀI TẬP TẠO HÌNH CHO TRẺ TỰ KỶ

02 Tháng Năm 2024

                                                                                        Khuất Thị Hòa

                                                                            K16B – Khoa Sư phạm Mĩ thuật

                                                    Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

 

Đối với trẻ tự kỷ, các môn nghệ thuật nói chung đều mang tính tích cực giúp trẻ tiếp nhận thông tin, cải thiện trí nhớ, tăng khả năng quan sát; nâng cao khả năng vận động thô, vận động tinh, điều hoà cảm giác - cảm xúc; rèn luyện khả năng tập trung chú ý, làm chủ các hành vi một cách có ý thức. Trong đó “Hội hoạ” được xem như một công cụ hỗ trợ “giao tiếp” của trẻ, giúp giảm bớt các rào cản về ngôn ngữ, trẻ tự tin thể hiện bản thân và giao tiếp với thế giới xung quanh tốt hơn. Việc tiếp cận màu sắc và ngôn ngữ của hình khối sẽ góp phần giúp trẻ giải tỏa căng thẳng để có tinh thần thoải mái hơn cho những giờ học khác.

1. Khái quát chung về vai trò của nghệ thuật tạo hình trong dạy học tích cực cho trẻ tự kỷ

Trên thế giới, “Art therapy”- “Nghệ thuật trị liệu nói cách khác là Trị liệu bằng nghệ thuật” là một phương thức có tác động hiệu quả và tích cực đến các đối tượng trẻ đặc biệt như phổ tự kỷ, khó khăn trong giao tiếp, sang chấn tâm lý... Thực tế, đã có nhiều nghiên cứu về tác động của liệu pháp nghệ thuật đối với người tự kỷ. Trong một số trường hợp, liệu pháp nghệ thuật đã mở ra cả thế giới cơ hội đáng kể cho một cá nhân bị chứng tự kỷ có tài năng nghệ thuật. Các kết quả khác có thể bao gồm: Cải thiện khả năng tưởng tượng và suy nghĩ một cách tượng trưng; cải thiện khả năng nhận biết và đáp ứng các biểu hiện trên khuôn mặt; cải thiện khả năng về cảm giác; nâng cao kỹ năng vận động tốt.

Dạy trẻ tự kỷ không chỉ đơn thuần là dạy các con kiến thức mà điều cốt yếu nhất chính là dạy trẻ cách cân bằng tâm lý, cân bằng thị giác và chủ động tiếp nhận âm thanh và hình ảnh qua giao lưu tương tác giữa bản thân trẻ với người khác trong môi trường thân thiện.

2. Ứng dụng hình khối và màu sắc trong dạy học tích cực cho trẻ tự kỷ

Phương pháp dạy học (PPDH) tích cực là cách gọi tắt của các phương pháp dạy học theo quan điểm chủ động, phát huy năng lực người học: "Dạy học phải phát huy tinh thần học tập tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh". PPDH tích cực hướng tới nhiều hoạt động khác nhau trong học tập, tích cực hóa hoạt động của người học. Phương pháp này tập trung vào phát huy tính tích cực của người học chứ không phải người dạy thông qua các kỹ thuật dạy học tích cực. Tuy nhiên, để dạy học theo phương pháp tích cực thì người dạy phải nỗ lực nhiều so với dạy theo phương pháp thụ động. Thầy cô giáo cần phải có bản lĩnh, chuyên môn tốt và cả sự nhiệt thành, hoạt động hết công suất trong quá trình giảng dạy.

Ý nghĩa của phương pháp dạy học tích cực:

Nói đến phương pháp dạy học tích cực chính là nói đến cách dạy học mà ở đó giáo viên là người đưa ra những gợi mở cho học sinh cùng bàn luận, tìm ra mấu chốt chủ đề cũng như những vấn đề liên quan. Phương pháp này lấy sự chủ động tìm tòi, sáng tạo, tư duy của học sinh làm nền tảng, giáo viên chỉ là người dẫn dắt và gợi mở. Cụ thể, lợi ích mà phương pháp dạy học tích cực mang lại cho học sinh là:

Phát triển kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm: giúp học sinh được rèn luyện kỹ năng này một cách thường xuyên từ đó có được sức mạnh của tập thể và dễ dàng giir quyết các khó khăn để khắc phục.

Tăng mức độ tương tác: nhiều hoạt động đồng nghĩa với tăng mức độ tương tác sẽ tạo không khí lớp học sôi động và hứng khởi.

Cải thiện tư duy phản biện: khi học sinh trở thành tâm điểm thì việc tiếp thu kiến thức thụ động không còn nữa. Các em sẽ tich cực và chủ động trong các tình huống giáo dục.

Khả năng ghi nhớ và tiếp thu kiến thức: học sinh nhớ khoảng 10% những gì đã đọc, 20% những gì được nghe, nhưng các em nhớ đến 90% những gì đã làm. 

Tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ giáo dục: trái ngược với các giảng đường, nơi thường có màn hình hiển thị mà học sinh không thể sử dụng và hệ thống âm thanh chỉ thu được giọng nói của người thuyết trình, nhiều lớp học tích cực chứa đầy các công cụ và hệ thống lấy người học làm trung tâm.

Khơi nguồn tư duy sáng tạo: sáng tạo là một trong những kỹ năng khó dạy nhất khi sử dụng các phương pháp truyền thống. Học tập tích cực giúp học sinh hiểu rằng sự sáng tạo nó ắt phát triển bằng sự nỗ lực và làm việc chăm chỉ.

Rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế: khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp trở thành kỹ năng quan trọng nhất cần thiết cho các công việc trong tương lai. Học sinh trong các lớp học tích cực hiểu rằng không ai có tất cả các câu trả lời, vì vậy họ phải tìm ra câu trả lời.

Ứng dụng mỹ thuật trong dạy học tích cực cho trẻ tự kỷ

Vẽ tự bản thân nó đã là một hoạt động quan trọng, nó vừa tạo nền tảng cho kỹ năng viết sau này vừa có thể bổ trợ cho các kỹ năng khác. Thời gian đầu, các bạn nhỏ sẽ học vẽ nguệch ngoạc, rồi chuỗi này sẽ dẫn tiếp đến sự bắt chước vẽ các đường thẳng và hình dạng có điều chỉnh hơn. Trong khi dạy các kỹ năng tiến bộ hơn này, người dạy vẫn tiếp tục tạo cho các con cơ hội vẽ nguệch ngoạc tự do và vẫn cần khích lệ để các con cảm thấy tự hào khi tạo ra các mẫu vẽ có vẻ như cẩu thả ấy.

Nếu học sinh thể hiện nhiều cố gắng có cân nhắc hơn trong tác phẩm tự do của mình thì đó là dấu hiệu tốt, khi các con chơi với bút chì và tìm tòi các khả năng sáng tạo, giáo viên không nên ngăn cản các con vẽ các đường thẳng và đường tròn. Vì trong mỗi cấu tạo vật thể và các dạng thức cơ bản của hình giúp trẻ dễ dàng liên tưởng, hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo liên quan đến phát triển kỹ năng của trẻ cần phát triển toàn diện cho trẻ thông qua cả công việc lẫn trò chơi có tổ chức. Có khá nhiểu chủ đề có thể dạy trẻ từ các dạng hình cơ bản như vậy, ví dụ “Bài học Vẽ con bọ rùa từ hình tròn”. Với bài này, người dạy cần tiến hành qua các bước sau:

Bước 1: Quan sát tranh vẽ con bọ rùa

Cô giới thiệu cho trẻ hình ảnh con bọ rùa được cấu tạo từ các hình tròn.

Cô nói: “Con bọ rùa hình tròn” tay chỉ vòng quanh hình con bọ rùa, đồng thời gợi ý cho trẻ liên tưởng:

“Cái đầu hình tròn” tay chỉ cái đầu con bọ rùa

“Đôi mắt hình tròn” tay chỉ mắt con bọ rùa

“Chấm tròn trên cánh bọ rùa” tay chỉ chấm tròn

Cô hỏi lại trẻ: “Con bọ rùa hình gì nhỉ?” và chờ trẻ trả lời “hình tròn”

Trẻ vừa tiếp nhận hai thông tin, một là tên của sự vật, hai là hình dạng của sự vật. Vậy là trong một hoạt động chúng ta có thể phát triển cả về khả năng ngôn ngữ và nhận thức của trẻ.

Bước 2: Vẽ hình tròn trên giấy

Kỹ năng vẽ đường tròn thành thạo là biểu hiện cho một bước tiến lớn trong khả năng điều khiển bút viết của cháu. Trẻ phải biết trước chỗ mình sắp vẽ và dừng lại tại một điểm chính xác. Bàn tay cầm bút viết phải di chuyển suôn sẻ không được ngập ngừng. Về cơ bản, trẻ tự kỷ khó có kahr năng vận động nhanh nhạy như những bạn nhỏ khác đồng trang lứa, bởi vậy thông qua hoạt động tạo hình và giáo dục sớm giáo viên có thể phát hiện được sự bất thưởng ở trẻ, từ đó tìm ra các giải pháp hiệu quả trong trị liệu nghệ thuật.

Với các dụng cụ: Bút màu và giấy cùng các học liệu đơn giản, giáo viên hướng dẫn trẻ vẽ đường tròn Đặt lệnh hoạt động để gây sự chú ý cho trẻ “Con vẽ một đường tròn”. Với hoạt động đơn giản này, có thể thử ba lần, mỗi lần thử giáo viên có thể làm lại làm cho trẻ xem.

Sử dụng phương pháp dùng lời để gây sự tập trung ở trẻ, giáo viên nói với trẻ trước khi thực hiện “Cô sẽ vẽ một đường tròn”. Sau đó đưa chì màu cho trẻ, nói Đánh dấu + nếu con vẽ được một hình tròn bao quanh với hai điểm đầu và cuối gối lên nhau.

Cách dạy:

Bắt chước vẽ một đường tròn từ một dấu chấm nhắc nhở, cộng thêm lời nhắc. Chấm một dấu chấm lớn trên giấy của trẻ. Dùng một dấu hiệu đặc trưng và nói với trẻ “Cô sẽ vẽ một đường tròn. Cô đặt bút trên dấu chấm, cô kéo vòng tròn... trở lại dấu chấm... DỪNG LẠI chỗ dấu chấm.” Giúp con làm giống vậy, lặp lại lời hướng dẫn. Khi trẻ đã hiểu, dần dần giảm trợ giúp thể chất cho đến khi trẻ tự vẽ được đường tròn.

Bắt chước vẽ đường tròn như trong mục tiêu chính. Sau đó, giáo viên có thể rút lui dần dần các dấu chấm. Tạo các dấu chấm nhỏ hơn và mờ nhạt hơn, đến khi chúng hoàn toàn biến mất. Tiếp tục làm mẫu một lần mỗi lần dạy trẻ. Khi trẻ chỉ cần xem giáo viên làm mẫu và cũng vẽ được một đường tròn, tức là trẻ đã thông thạo kỹ năng.

Bước 3: Vẽ con bọ rùa từ hình tròn

Sau khi trẻ đã vẽ được một hình tròn trên bìa, giáo viên sẽ tiếp tục hướng dẫn trẻ vẽ thêm các hình tròn để hoàn thiện các bộ phận của con bọ rùa.

“Cô vẽ đầu con bọ rùa” cô vẽ hình đầu lên phía trên hình tròn vừa vẽ ban đầu, cô chờ trẻ thực hiện lặp lại.

“Cô vẽ mắt con bọ rùa” cô vẽ hình tròn nhỏ làm mắt, cô chờ trẻ thực hiện lặp lại.

“Cô vẽ cánh con bọ rùa” cô vẽ nét thẳng trên hình tròn vừa vẽ ban đầu, cô chờ trẻ thực hiện lặp lại.

“Cô vẽ chấm tròn trang trí” cô vẽ hình chấm tròn trên cánh, cô chờ trẻ thực hiện lặp lại. Đặt câu hỏi cho tter xem hoạt động tạo hình này đã hoàn thiện chưa, cô chờ trẻ trả lời đúng đối tượng vừa tạo hình “Con bọ rùa”. Lúc đó, giờ học được coi là thành công.

Vẽ tranh là một trong những bài học có khả năng giúp trẻ và bản thân giáo viên dạy mỹ thuật có cách tiếp cận phong phú về cuộc sống. Có nhiều giải pháp hiệu quả tác động đến hoạt động vẽ tranh đối với trẻ tự kỷ với các hoạt động theo phương pháp dạy học tích cực đem lại cho học sinh cái nhìn, cách nhìn và sự hiểu thực sự lý thú bằng lối vẽ cảm xúc với phản xạ tự thân của người vẽ.

Kết luận

Giờ học mỹ thuật đối với trẻ tự kỷ được coi là giờ học mà hầu hết trẻ đều hứng thú. Khi cô giáo hướng dẫn các con vẽ con lợn nhưng con cứ thích tạo hình con ếch vì con thích, chỉ đơn giản thế thôi, điều đó không có gì quá quan trọng, không qúa nặng nề về đối tượng tạo hình là ai là cái gì mà điều cốt yếu nhất là các con tạo hình như thế nào.

Khi trẻ thực sự hứng thú khi ấy trẻ mới thể hiện cái nhìn và cách cảm đầy màu sắc về thế giới xung quanh (không gò ép, khuôn mẫu, không chặt chẽ các quy ước mà quá trình để trẻ tự do bộc lộ là quá trình tạo nên mối dây kết nối không gian sáng tạo của nhịp điệu vũ trụ với tâm hồn của trẻ).