Tin tức

NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN TÀI LIỆU GIẢNG DẠY HỌC PHẦN THIẾT BỊ MAY CHO SINH VIÊN NGÀNH CÔNG NGHỆ MAY

24 Tháng Chín 2021

 Nguyễn Kiều Oanh

Giảng viên Khoa TKTT và CNM

Thiết b may là môn học mang tính đặc thù của ngành may công nghiệp giai đoạn đào tạo chuyên ngành, là thành phần quan trọng nhất trong sản xuất may mặc. Máy móc có đầy đủ và hiện đại thì khi sản xuất mới đảm bảo chất lượng và năng suất cao, hạn chế tình trạng sai sót trong thành phẩm, mang lại một chất lượng đồng đều, từ đó có thể tiết kiệm chi phí thuê nhân công, giảm sức lao động chân tay của con người. Xã hội càng phát triển thì máy móc thiết bị được đưa vào sử dụng càng hiện đại, chính vì vậy, việc nghiên cứu biên soạn tài liệu giảng dạy học phần thiết bị may là cần thiết và cấp bách để đào tạo đội ngũ kỹ thuật chuyên sâu, tay nghề vững chắc phục vụ cho sản xuất và sự phát triển của ngành công ngh may.

Ngành công nghiệp dệt may - thời trang là một ngành công nghiệp toàn cầu, nơi các nhà thiết kể thời trang, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ trên khắp thế giới hợp tác để thiết kế sản xuất và bán quần áo, giày dép, phụ kiện. Tại Việt Nam, dệt may và thời trang hàng năm đóng góp kim ngạch xuất khẩu hàng đầu trong các ngành kinh tế. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam ước đạt 35,29 tỷ USD. Ở thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm gần 4% thị phần. Với hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, dự báo xuất khẩu dệt may tăng 67% vào 2025. Các doanh nghiệp đã bắt đầu một số điều chỉnh mang tính chiến lược trong thời gian 1-3 năm tới. Có tới 55,7% doanh nghiệp dự định thúc đẩy tự động hóa, 49,8% sẽ phát triển sản phẩm mới, 39,9% sẽ đa dạng hơn nữa sản phẩm và 41,5% sẽ đầu tư nâng cao kĩ năng lao động. Như vậy, về dài hạn cơ hội mở rộng thị trường cho hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, sự cạnh tranh mạnh mẽ yêu cầu các công ty phải liên tục nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, giảm giá thành.

Công nghiệp hỗ trợ là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp. Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Thời gian qua, ngành Công nghiệp dệt may và thời trang Việt Nam chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chủ yếu là gia công lắp ráp, hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm. Sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến cho hoạt động sản xuất còn manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao, giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may thời trang Việt Nam chưa cao. Để nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm dệt may thời trang, doanh nghiệp cần nhanh chóng phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Máy móc thiết bị đóng vai trò cực kì quan trọng và thiết yếu trong bất kỳ nhà máy, xí nghiệp và phân xưởng nào, là thành phần quan trọng nhất trong sản xuất may mặc, giúp dây chuyền sản xuất hoạt động một cách hiệu quả các quy trình làm việc liên tục và không bị ngắt quãng. Nếu có bất kỳ một sai sót nhỏ nào của thiết bị không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, thiệt hại không những về mặt kinh tế của xí nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín của xí nghiệp.

Để đạt tối ưu cách vận hành áp dụng kỹ thuật hiện đại đối với mọi thiết bị thì phải kể tới công tác đào tạo, giảng dạy trong lĩnh vực này. Bồi dưỡng luôn phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống bài giảng, tài liệu được đưa vào sử dụng trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Do đó, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu luôn được các cơ sở đào tạo coi là một công việc giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Biên soạn chính là đi thu thập và chọn  lọc những tài liệu theo chủ đề và tổng hợp lại để viết thành bài giảng hoặc một bài viết. Kiến thức là vô biên nhưng khả năng con người thì có hạn, đề phát triển thì con người luôn luôn phải trau dồi thêm kiến thức để phát triển từng ngày, kiến thức có thể lấy từ thực tế, bạn bè, đặc biệt là tài liệu mang tính chuyên môn đã được biên soạn dựa trên sự nghiên cứu và chắt lọc thông tin một cách kỹ lưỡng. Việc  nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy môn thiết bị may đảm bảo tính khoa học sẽ góp phần:

Một là, nâng cao chất lượng bồi dưỡng. Nhờ có nghiên cứu tài liệu giảng dạy người học sẽ có thêm tài liệu để phục vụ việc học, có cái nhìn đa chiều hơn, nâng cao tư duy và khả năng phân tích, so sánh, đối chiếu, nghiên cứu, biện luận trong từng thiết bị ngành may, tổng hợp và cập nhật  những kiến thức nền tảng máy móc thiết bị  cũ và mới. Hiểu sâu và biết rộng chính là một trong những việc mà sinh viên cần phải làm ngay từ khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc nghiên cứu và rèn luyện dựa trên những kiến thức có trong giáo trình, bài giảng để theo sát chương trình học sẽ giúp cho sinh viên đạt được kết quả học tập tốt hơn cả về lý thuyết và thực hành.

Hai là, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên. Thông qua việc biên soạn, nghiên cứu tài liệu giảng dạy bồi dưỡng sẽ giúp từng bước nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên, đổi mới phương thức hình thức tổ chức giảng dạy, truyền đạt kiến thức thực tế  bắp kịp với sự phát triển của máy móc hiện đại, đáp ứng nhu cầu kỹ thuật viên đủ năng lực, tay nghề cho doanh nghiệp May trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường. Thậm chí, có thể thúc đẩy hình thành các nhóm chuyên gia gắn với từng chuyên môn cụ thể.

Ba là, quảng bá, khẳng định thương hiệu của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Việc chủ động biên soạn, nghiên cứu tài liệu giảng dạy đảm bảo tính khoa học, phù hợp với đặc thù chuyên môn của nhà trường không chỉ giúp cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chủ động được nguồn giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, bồi dưỡng mà còn góp phần quảng bá, khẳng định chất lượng, thương hiệu, hình ảnh của nhà trường trước sinh viên và xã hội.

Trong chương trình đào tạo đại học ngành Công nghệ may học phần Thiết bị may giới thiệu những loại máy móc cơ bản và các thiết bị phụ trợ công nghiệp hỗ trợ sử dụng trong ngành may. Đây là một trong những nội dung quan trọng hỗ trợ về ngành công nghiệp phụ trợ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ngành may mặc đang đòi hỏi phát triển với tốc độ cao về năng suất và chất lượng  để đáp ứng cho xuất khẩu và thị trường tiêu dùng trong nước . Muốn vậy phải ứng dụng công nghệ và trang thiết bị hiện đại vào trong quá trình sản xuất. Thiết bị may công nghiệp sẽ một phần nào giải quyết các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực này. Với mục đích nghiên cứu, biên soạn tài liệu phục vụ cho giảng dạy về học phần thiết bị may là bồi dưỡng hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo gắn với nghề nghiệp tương lai của sinh viên, làm phát triển ở sinh viên năng lực và phẩm chất trí tuệ, để làm được điều đó trong quá trình dạy các thầy cô giảng viên lên lớp cũng không ngừng nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy sao cho phù hợp nhất với đối với sinh viên và sự phát triển của ngành May. Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan về biên soạn tài liệu bài giảng học phần thiết bị may tác giả có hướng nghiên cứu , biên soạn tài liệu giảng dạy học phần Thiết bị may sao cho xúc tích, dễ hiểu, sát thực với thực tế nhất tạo sự hứng thú học tập cho sinh viên đồng thời cũng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cho giảng viên và học tập cho sinh viên ngành Công nghệ May. Nội dung chính của học phần thiết bị may bao gồm ba nội dung:

Nội dung thứ nhất giới thiệu các thiết bị dùng trong may công nghiệp: Phần này giúp người học biết được khái niệm thiết bị ngành may là thiết bị dùng để may các sản phẩm may như quần áo, sản phẩm dệt kim, đồ da, làm giầy, dép, túi… và có thể dùng trong ngành công nghiệp nhẹ khác và cách phân loại thiết bị theo công đoạn sản xuất và theo dạng mũi may.

Nội dung thứ 2 là các loại máy may công nghiệp bao gồm các loại máy một kim thắt nút, máy thùa khuyết, máy đính cúc, máy vắt sổ, máy chần diễu. Mỗi loại máy tiến hành nghiên cứu cụ thể cấu tạo, nguyên lý hoạt động, thao tác sử dụng, phương pháp vận hành và bảo dưỡng máy may công nghiệp rất rõ ràng, cụ thể, người học hiểu rõ được nguyên lý hoạt động và cách vận hành các thiết bị đó.

Nội dung thứ 3: Thiết bị phụ trợ, tìm hiểu nghiên cứu các thiết bị phụ trợ hiện đại khác của ngành may để đưa vào bài giảng giúp người học được mở rộng kiến thức hơn, đó là thiết bị xả vải, trải vải, cắt vải, nhiệt ẩm, in thêu.

Sau khi nghiên cứu nội dung giảng dạy cũng cần phải đánh giá mức độ hợp lý của nội dung này qua giảng dạy trên lớp và đánh giá nhận xét của sinh viên cùng với đáp ứng được nhu cầu của xã hội từ đó có hướng nghiên cứu tối ưu và đạt hiệu quả nhất. Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, xuất hiện hàng loạt các thiết bị hiện đại đòi hỏi cán bộ kỹ thuật và nhân công lành nghề, chuyên sâu để hấp thụ các kiến thức, kỹ năng tiên tiến từ các nhà đầu tư nước ngoài, muốn vậy phải nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy bám sát thực tế, nội dung thích hợp để người học có thể tiếp thu tốt nhất từ lý thuyết đến thực hành đạt hiệu quả cao.

Tóm lại, nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy học phần Thiết bị may là hữu ích, thiết thực sẽ hỗ trợ cho công việc giảng dạy của giảng viên cũng như học tập của sinh viên giúp các em không chỉ củng cố kiến thức mà còn tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu các thiết bị ngành May và cũng làm tài liệu tham khảo cho cán bộ kỹ thuật ngành dệt may và những người có quan tâm trong lĩnh vực này.Từ những đánh giá về tình hình thực tế sử dụng các thiết bị của ngành may và trình độ nhận thức, hiểu biết về máy móc thiết bị của sinh viên ngành Công nghệ May của các trường Cao đẳng và Đại học nói chung và của sinh viên Ngành Công nghệ May của trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nói riêng cho thấy việc “ Nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy học phần Thiết bị may” là rất cần thiết và có tính ứng dụng thực tế cao, giúp sinh viên  không chỉ củng cố kiến thức mà còn tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu các thiết bị ngành May.

 

   TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nguyễn Trọng Hùng, Nguyễn Phương Hoa (2001), “ Thiết bị trong may công nghiệp”, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

[2]. Võ Phước Tấn (2006), “ Thiết bị may công nghiệp và bảo trì”,  NXB Khoa

học và Kỹ thuật.

[3]. Nguyễn Thị Kim Chi (2007), “ May công nghiệp”, Nxb ĐH Sư phạm.

[4]. Nguyễn Hữu Trí (2015), “ Bài giảng môn Thiết bị may công nghiệp”, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.

[5]. Nguyễn Thanh Tùng – Dương Văn Trình (2017) “Giáo trình Thiết bị may công nghiệp”,  Nxb Giáo dục Việt Nam.