Phan Đăng Dương
Học viên K16 - LL & PPDH Âm nhạc
Học viện Âm nhạc Huế là cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp lâu đời, với bề dày lịch sử hơn 60 năm. Trong số các ngành đào tạo của trường hiện nay, có ngành Nhạc cụ đàn phím điện tử. Ngành nhạc cụ đàn phím điện tử do Khoa Giao hưởng - Nhạc nhẹ - Công nghệ Âm nhạc đảm nhiệm. Từ hệ trung cấp, học sinh (HS) theo học ngành nhạc cụ đàn phím điện tử sẽ được học đệm ca khúc và soạn đệm trên đàn phím điện tử.
Trong chương trình đào tạo hệ Trung cấp đàn phím điện tử tại Học viện, việc sử dụng thành thạo đàn phím điện tử là kỹ năng cốt lõi. Đây là kỹ năng cần thiết để HS có thể phát huy tối đa khả năng của mình trong việc biểu diễn, sáng tác và giảng dạy âm nhạc. Kỹ năng sử dụng thành thạo đàn phím điện tử được rèn luyện thông qua các môn học và hoạt động học tập, thực hành tại Học viện.
Là Giảng viên (GV) ngành Đàn phím điện tử, giảng dạy các lớp nhạc cụ hệ Trung cấp tại Học viện, qua thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy HS hệ Trung cấp có khả năng sử dụng nhạc cụ đàn phím điện tử ở mức cơ bản, tuy nhiên kỹ thuật còn yếu, kỹ năng thể hiện tác phẩm hay việc đệm hát còn gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu dạy học soạn đệm ca khúc nói chung và ca khúc mang âm hưởng dân ca Huế nói riêng trên đàn phím điện tử có vai trò rất quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức, hỗ trợ HS trong quá trình học tập và sáng tạo, cung cấp nguồn tư liệu và hướng dẫn HS về kỹ thuật, phong cách biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca Huế trên đàn phím điện tử. Đối với quá trình soạn đệm hát, việc soạn câu đoạn nhạc dạo đầu, nhạc nối, câu nối, câu kết phù hợp cho tác phẩm, đây được coi là khâu khó nhất cũng là khâu quyết định sự thành công của quá trình soạn đệm hát.
Trong bài viết này tôi xin trình bày biện pháp soạn nhạc dạo đầu, nhạc nối và nhạc kết vào dạy học soạn đệm ca khúc mang âm hưởng dân ca Huế trên đàn phím điện tử cho HS hệ Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Huế như sau:
1. Nhạc dạo đầu
Thứ nhất, dựa vào câu nhạc mở đầu và câu kết thúc
Cách dạo đầu này có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện và giúp dẫn dắt vào giọng điệu cho người hát.
Ví dụ bài hát Huế tình yêu của tôi (Nhạc và lời: Trần Đại Mỹ) có phần dạo được xử lý khá độc đáo. Người viết đã biến đổi câu đầu tiên của bài hát kết hợp với câu cuối của bài để tạo ra một nét giai điệu mới.
HUẾ TÌNH YÊU CỦA TÔI
(Trích)
Nhạc: TRƯƠNG TUYẾT MAI
Phỏng thơ: ĐỖ THỊ THANH BÌNH
Soạn đệm: PHAN ĐĂNG DƯƠNG
Thứ hai, dựa vào điệp khúc
Cách dạo này có ưu điểm là vừa thay đổi được tiết tấu, vừa có thể phát triển tốt về mặt cao độ, tạo cao trào nhưng vẫn có tính đồng nhất với ca khúc, dễ vào nhịp và giọng cho người hát.
Thứ ba, dựa vào vòng hòa âm
Cách dạo này dựa trên vòng hòa âm của bài hát, có thể là vòng hòa âm trưởng, vòng hòa âm thứ hoặc vòng hòa âm hỗn hợp. Cách dạo này có tính chất ngẫu hứng, mang lại cảm giác mới mẻ và hấp dẫn cho người nghe. Cách dạo đầu dựa trên vòng hòa âm là một cách dạo đầu hiệu quả, mang lại cảm giác mới mẻ và hấp dẫn cho người nghe. Đối với các bài hát dân ca và ca khúc có mang âm hưởng dân ca, người đệm nên sử dụng các chồng âm, hợp âm liên quan đến điệu thức của bài.
Trong dân ca, chồng âm thường được sử dụng để đệm cho giai điệu. Một số chồng âm trong dân ca có cấu tạo giống các hợp âm trong nhạc nhẹ, chẳng hạn như chồng âm sus2, sus4, add2, add4. Trong trường hợp này, có thể mượn kí hiệu của nhạc nhẹ cho các chồng âm đó để dễ dàng ghi nhớ và sử dụng.
Ví dụ, bài hát viết ở điệu thức 5 âm C - D - F - G - A:
Âm nhạc dân gian Việt Nam chủ yếu được viết ở điệu thức 5 âm. Các chồng âm là những hợp âm đơn giản, được xây dựng dựa trên các bậc của điệu thức. Khi kết hợp các chồng âm với các hợp âm phương Tây, chúng ta có thể tạo ra những âm hưởng dân gian đặc trưng, nhưng vẫn đảm bảo tính hiện đại và dễ nghe. Ngoài ra, Khi xây dựng vòng hòa thanh cho các ca khúc mang âm hưởng dân gian, cần chú ý đến sức hút của điệu thức.
Bước 1: Xác định các hợp âm thường được dùng trong mỗi giọng
Có thể sử dụng các hợp âm T - S - D (I - IV - V) của giọng chính và giọng song song với nó.
Bước 2: Dựa vào giai điệu để đặt hợp âm sao cho hợp lý
Để xác định hợp âm, ta cần xem xét các nốt của giai điệu đó. Những nốt này có thể thuộc vào hợp âm chính hoặc có thể còn thuộc vào các âm ngoài hợp âm. Tuy nhiên, dựa vào các nốt thuộc hợp âm, ta có thể xác định được các hợp âm phù hợp mà có thể sử dụng cho giai điệu đó.
Bước 3: Thay đổi trật tự các bậc để soạn hợp âm, thêm hoặc bớt bậc âm và thực hiện sáng tạo các mẫu dạo đệm theo vòng hòa thanh công năng.
Để cách dạo phong phú hơn, người soạn đệm có thể thay đổi vị trí, thứ tự của các bậc để soạn hợp âm, thêm hoặc bớt bậc âm rồi từ đó sáng tạo các mẫu dạo đệm theo vòng hào thanh công năng.
Bước 4: Sử dụng âm hình chủ đề hoặc nét đặc trưng của bài
Soạn nhạc dạo đầu dựa theo âm hình chủ đề và âm hình giai điệu đặc trưng của ca khúc là cách thông dụng trong soạn đệm, âm hình chủ đề hoặc nét giai điệu đặc trưng của bài được phát triển, nhân lên bằng các thủ pháp khác nhau.
Ví dụ:
NGƯỢC DÒNG HƯƠNG GIANG
(Trích)
Nhạc và lời: ĐỨC TRỊNH
Soạn đệm: PHAN ĐĂNG DƯƠNG
Ca khúc Ngược dòng Hương Giang có cấu trúc hai đoạn đơn, nhịp 4/4 tạo nên sự giản dị, dễ nhớ, dễ hát. Phần dạo được xử lý theo thủ pháp mô phỏng môtíp đầu tiên của âm hình chủ đạo bài hát, tạo nên sự thống nhất và liền mạch cho toàn bài. Ca từ mang âm điệu tiếng nói Huế, thể hiện rõ nét bản sắc của vùng đất cố đô. Giai điệu có lối tiến hành theo lối đi ngang kết hợp với quãng hẹp đan xen với những bước nhảy đột ngột đi xuống quãng rộng, tạo nên sự mới lạ và hấp dẫn.
2. Nhạc nối
Nhạc nối là phần âm nhạc được chèn giữa hai đoạn hát trong một ca khúc, có tác dụng kết nối hai đoạn hát lại với nhau, tạo sự liền mạch và hấp dẫn cho tác phẩm. Cách soạn nhạc nối tương tự như dạo đầu, có thể tái hiện hoàn toàn câu dạo đầu hoặc mở rộng phát triển. Tuy nhiên, nhạc nối có thể phóng khoáng hơn dạo đầu về nhiều mặt như: Mở rộng hơn về cấu trúc; Đi xa hơn về mặt điệu thức; Đưa ra những chất liệu mới, tư duy âm nhạc mới. Phương án tạo ra tính chất âm nhạc dần lắng dịu được áp dụng cho cách trình bày lần hát thứ hai quay lại từ đầu tác phẩm, nhằm tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái cho người nghe.
Dạo giữa là phần nhạc được xen giữa hai lần hát điệp khúc trong một bài hát. Dạo giữa thường có tính chất âm nhạc dần đến cao trào, tạo nên sự hấp dẫn và lôi cuốn cho người nghe. Dạo giữa thường áp dụng khi lần hai bắt đầu từ đoạn b, phần phát triển hoặc tương phản. Điều này nhằm tạo nên sự khác biệt và mới lạ cho bài hát. Dạo giữa thường bằng nửa cuối hoặc cả đoạn b. Trong trường hợp dạo giữa bằng nửa cuối đoạn b, đoạn b sẽ được chia thành hai phần: nửa đầu là đoạn b chính, nửa sau là dạo giữa. Trong trường hợp dạo giữa bằng cả đoạn b, đoạn b sẽ được coi là dạo giữa.
3. Nhạc kết
Trong soạn đệm ca khúc mang âm hưởng dân ca Huế, phần kết có vai trò quan trọng như dạo đầu và dạo giữa. Giúp người nghe có cái nhìn tổng quan, sâu sắc hơn về tác phẩm. Để có được một phần kết ấn tượng và mang lại giá trị thành công của tác phẩm, người soạn đệm cần có khả năng sáng tạo, biến tấu giai điệu và âm sắc sao cho phù hợp với nội dung tác phẩm và gây được ấn tượng với người nghe.
Một số cách soạn nhạc kết bao gồm:
Sử dụng Ending của đàn.
Nhắc lại một câu nhạc nào đó của bài.
Ví dụ:
MƯA TRÊN PHỐ HUẾ
(Trích)
Nhạc: MINH KỲ
Phỏng thơ: TÔN NỮ THỤY KHƯƠNG
Soạn đệm: PHAN ĐĂNG DƯƠNG
Phần kết là sự nhắc lại dạo đầu.
Phần kết kiểu tăng hoặc giảm tempo kết hợp với một nét nhạc.
Phần kết to dần, nhỏ dần kết hợp một nét nhạc hoặc hợp âm.
Phần kết bằng một đoạn nhạc mới theo hướng mở.
Ví dụ:
NGƯỢC DÒNG HƯƠNG GIANG
(Trích)
Nhạc và lời: ĐỨC TRỊNH
Soạn đệm: PHAN ĐĂNG DƯƠNG
Phần kết bằng phối hợp một số cách trên, trừ Ending.
Tóm lại, phần đệm cho bài hát bao gồm nhiều phần khác nhau, trong đó phần dạo đầu, nhạc nối và nhạc kết có vai trò trọng yếu và là một phần quan trọng trong việc dạy học soạn đệm ca khúc. Do đó, khi soạn đệm, người soạn cần tư duy, sáng tạo và cân nhắc đến từng nốt nhạc. Việc học tập và rèn luyện kỹ năng này sẽ giúp HS nâng cao khả năng âm nhạc và có thể thể hiện ca khúc một cách trọn vẹn và có tính nghệ thuật cao hơn.