Nguyễn Mạnh Cường
Học viên K14 – LL&PP dạy học Âm nhạc
Âm nhạc là loại hình nghệ thuật sử dụng âm thanh để diễn tả cảm xúc, thái độ, nhận thức và tư tưởng của con người. Trong giai đoạn hiện nay hoạt động âm nhạc và giáo dục âm nhạc đang phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nhạc cụ piano có sức hút và những lợi ích thiết thực mang lại cho người học như: khả năng tư duy nhạy bén, rèn tính kiên trì, tự tin, cơ thể phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt, đặc biệt là đôi tay. Đối với học sinh Trung học cơ sở (THCS) trong độ tuổi từ 11-15, các em mong muốn được học một môn học năng khiếu là nguyện vọng chính đáng. Việc học piano giúp cho đời sống tinh thần của các em thêm phong phú, giúp các em tự tin, mạnh dạn thể hiện bản thân trong cuộc sống. Để việc dạy piano phổ thông tại CLB của trường THCS Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội đạt hiệu quả chúng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dạy và học piano. Từ cải tiến chương trình dạy học đến thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, phân chia giai đoạn một cách chi tiết, cụ thể nhằm phù hợp với mục tiêu môn học và nâng cao chất lượng giảng dạy piano phổ thông tại trường.
1. Hướng dẫn tư thế học đàn
Ngay từ khi bắt đầu học piano, thì tập luyện tư thế ngồi chơi đàn đúng, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên hiệu quả của quá trình tập luyện. Ngồi đúng tư thế giúp người học đảm bảo được sức khỏe cũng như tránh những căn bệnh liên quan đến cột sống hay lưng. Chính vì vậy cần phải có tư thế chơi piano chuẩn ngay từ đầu, để giúp người học đạt hiệu quả cao nhất trong học tập.
Học sinh ngồi ngay ngắn ở chính giữa đàn, khoảng cách từ HS đến đàn vừa bằng độ dài cánh tay dưới cộng với bàn tay được để trên phím đàn một cách thoải mái. Chú ý ngồi thẳng lưng thoải mái, không so vai rụt cổ, không gồng người. Chân thả lỏng tự nhiên, đầu gối gập lại tạo thành 1 góc 90 độ.
Khi bắt đầu tập, giáo viên hướng dẫn cho học sinh xòe lòng bàn ép vào mặt đàn rồi từ từ kéo ra và khum tròn lại sao cho ngón 1 và ngón 5 vừa đủ tiếp xúc với phím đàn. Lưu ý cho HS, các ngón tay số 2,3,4,5 khi chạm vào đàn là bằng đầu của ngón tay, ngón tay khi nhấn xuống hay nhấc lên đều ở tư thế khum tròn, riêng ngón 1 tiếp xúc ở tư thế nghiêng tự nhiên. Ở mỗi nội dung GV đều phải có tranh ảnh, hoặc máy chiếu để minh họa cho học sinh quan sát ghi nhớ và thực hiện. GV cần hướng dẫn và thị phạm, uốn nắn kĩ hơn cho đối tượng HS có năng khiếu trung bình để các em thực hiện đúng động tác.
2. Luyện Gamme
Luyện tập Gamme là 1 trong những bước đầu tiên mà HS được học thực hành trên đàn. Nó rất cần thiết để phát triển ngón tay linh hoạt, làm ngón tay khỏe hơn, đáp ứng việc học và hoàn thiện kĩ thuật để áp dụng vào những tác phẩm sau này. Việc luyện Gamme thường xuyên sẽ giúp cho HS được khởi động trước khi vào tác phẩm, tránh cho các em không bị căng cơ, giãn dây chằng ngón tay và cổ tay, cánh tay… Qua việc luyện tập Gamme sẽ giúp HS có được những bước học piano bài bản, vững chắc cho kỹ thuật ngón bấm, nâng cao chất lượng âm thanh, trường độ, tiết tấu, nhịp, sắc thái. Ngay từ những bước đầu tiên HS làm quen với phím đàn, GV cần dạy thật chậm chắc và và bài bản để các em thực hiện được đúng yêu cầu bài học. Ở giai đoạn “Gieo hạt” GV cho HS làm quen dần với phím đàn, luyện thuần thục cơ bản với 5 ngón tay, rồi dần phát triển dần các kĩ thuật Legato, Non legato luồn ngón ở 1 quãng 8. Sau khi HS đã thuần thục Gamme ở 1 quãng 8, lúc này GV cho HS tập ghép với 2 quãng 8 đảm bảo nguyên tắc; từ chậm đến nhanh và tăng độ khó sao cho vừa sức HS. Đến giai đoạn “Chăm sóc” GV đưa thêm phần luyện Gamme với hóa biểu có 1 dấu thăng, 1 dấu giáng để học sinh luyện tập và yêu cầu HS thực hành với 3 quãng 8 với các kĩ thuật Legato, Non legato và Sacato. Chuyển sang giai đoạn “Thu hoạch” GV yêu cầu HS luyện tập và hoàn thành Gamme với 4 quãng 8 và hóa biểu 2 dấu thăng, 2 dấu giáng và kĩ thuật Marcato. Trong quá trình dạy Gamm echo HS giáo viên cũng cần chú ý phương pháp dạy cho từng đối tượng cụ thể sao cho phù hợp với năng khiếu của HS. Đối với HS có năng khiếu tốt, khá, GV có thể hướng đẫn để HS nắm được những kĩ thuật cơ bản rồi tự luyện tập được rồi GV kiểm tra và chỉnh sửa cho HS. Còn với HS có năng khiếu bình thường đòi hỏi GV phải kiên nhẫn hướng dẫn và thị phạm nhiều lần, cũng như uốn nắn các em thật tỉ mỉ để HS có thể dần làm đúng được kĩ thuật trong luyện Gamme.
Ví dụ 1:
Ở ví dụ trên, GV hướng dẫn cho HS làm quen với 5 nốt nhạc từng tay một sau khi thuần thúc mới giáp 2 tay lại với nhau. Chú ý sửa và nhắc HS tạo ra lực đều nhau ở tất cả các ngón tay với. Yêu cầu HS nhấc ngón tay khum tròn lên cao và bổ sâu từng ngón xuống phím đàn và luyện tập với tempo từ chậm đến nhanh. Sau khi học sinh đã học tốt và thuần thục với 5 nốt nhạc tương ứng với 5 ngón tay giáo viên mới bắt đầu cho HS thực hiện kĩ thuật luồn, vắt ngón trên phạm vi 1 quãng tám với kĩ thuật Legato với trường độ là nốt đen.
3. Hướng dẫn các kĩ thuật cơ bản
Chơi đàn là sự phối hợp của toàn cơ thể. Đặc biệt đôi tay giữ vị trí số 1. Nó đòi hỏi người chơi phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cánh tay, cổ tay, các ngón tay để tạo các âm thanh biểu cảm, sắc thái theo đúng yêu cầu của tác phẩm. Trong giảng dạy piano có nhiều dạng kỹ thuật khác nhau. Trong khuôn luận văn này tôi chú trọng tới phát triển kỹ thuật tạo âm thanh cơ bản nhất là: Legato,Non legato, Staccato và Maccato. Đối với từng đối tượng cụ thể GV cũng cần có cách hướng dẫn và quan tâm khác nhau để đạt hiệu quả trong học tập. HS có năng khiếu tốt và khá sẽ học nhanh hơn HS có năng khiếu bình thường vì vậy GV hướng dẫn những đối tượng này cần tốn ít thời gian nhưng vẫn đạt hiệu quả của bài học để HS nắm được những kĩ thuật và thực hành luyện tập chuẩn xác. Với HS có năng khiếu bình thường đòi hỏi người GV phải kiên nhẫn, dành nhiều thời gian hướng dẫn chi tiết, cụ thể, tỉ mỉ và thị phạm cho HS nhiều lần để các em nắm được bài học. Động viên, khích lệ kịp thời khi các em có những bước tiến dù là nhỏ trong học tập. Giúp các em dần tự tin và chủ động trong việc học tập piano, tạo niềm vui và sự phấn khởi cho các em.
Legato
Đây là kỹ thuật cơ bản thường gặp trong quá trình học tập của HS. Legato là cách chơi liền tiếng, ký hiệu legato là một nét vòng cung nối các nốt nhạc không cùng cao độ với nhau. Muốn thực hiện được kỹ thuật này, học sinh cần thực hành luyện tập thật chậm, nhấn phím sau rồi mới thả phím trước một cách nhịp nhàng, làm cho tiếng đàn phát ra liền mạch. Tránh trường hợp nhấn đồng thời hai phím đàn cùng một lúc hoặc chưa ấn phím sau đã nhả phím trước ra quá sớm. Chơi đúng được kĩ thuật này sẽ làm cho giai điệu được mềm mại và uyển chuyển.
Non legato
Nếu kĩ thuật Legato là liền thì non legato là chơi không liền tiếng. Muốn học đúng được kỹ thuật này, giáo viên cần hướng dẫn chi tiết và thị phạm cho HS hiểu rõ để bắt trước lại sao cho đúng động tác và kĩ thuật của Non legato. Yêu cầu học sinh chơi từng nốt nhạc một. Đánh nốt trước nhấc lên rồi mới chuyển sang nốt sau. Đây là 1 dạng kỹ thuật cơ bản mà bất cứ học sinh nào khi học piano đều cần phải được luyện tập thường xuyên. Để thực hiện được kĩ thuật này đòi hỏi người chơi phải thả lỏng toàn bộ thân, vai, cánh tay và đặc biệt chú ý đến kỹ thuật cổ tay và ngón tay. Nâng cao cổ tay, thả lỏng bổ rơi từng ngón xuống phím đàn, cường vừa phải, đều, âm thanh phải đủ số phách nhưng không liền tiếng. Nguyên tắc cơ bản khi tập bất kì kỹ thuật nào đó là; phải tập từ từ, chậm, thuần thục rồi mới tăng tốc độ dần lên.
Staccato
So với hai kỹ thuật trên, đây là cách đàn khó hơn. Kỹ thuật yêu cầu người chơi đánh nảy, tạo ra âm thanh sắc gọn. Kỹ thuật này thường được sử dụng trong các bản nhạc mang giai điệu vui tươi, rộn ràng, tạo sự nhí nhảnh hoặc dí dỏm ... Đây là 1 kỹ thuật tương đối khó với HS. Học sinh cần thực hành vững các kỹ thuật legato và non legato trước, ở giai đoạn sau, giáo viên mới cho học sinh học về kỹ thuật staccato.
4. Luyện Etude
Giáo viên cần lựa chọn những bài Etude một cách khéo léo để đưa vào giảng dạy, đảm bảo nguyên tắc từ dễ đến khó và phù hợp với khả năng của từng học sinh. Đối với học sinh THCS giáo viên có thể chọn lựa và đưa vào những bài Etude liền bậc đơn giản khi mới học.
Ví dụ 2: Trích đoạn Etude số 61, op.599, tác giả Czerny
Ở Ví dụ trên ta thấy, tay phải thực hiện những nét liền bậc nối tiếp nhau tay trái bấm chồng âm của hợp âm. Các nốt được sắp xếp khá đơn giản, dễ tập, phù hợp với học sinh trung học cơ sở. Bài này chủ yếu tập luyện kĩ thuật lướt và luồn ngón nhanh cho tay phải trên phím đàn. Để tập được bài này, HS cần tập chậm, tập riêng từng tay thuần thục rồi ghép 2 tay. Để chơi được nhanh theo đúng tốc độ như trong bài HS cần tăng tốc độ dần dần, thả lỏng cổ tay, chú ý âm thanh tạo ra đều đặc biệt những nốt có luồn ngón cái.
5. Áp dụng vào dạy một số tác phẩm.
Quy trình dạy một tác phẩm piano cho HS thường gồm các bước; Vỡ bài; tiếp cận văn bản, tìm hiểu về nhịp, phách, các kí hiệu có trong tác phẩm; đọc nốt nhạc, tập chậm từng tay; ghép 2 tay; hoàn thiện tác phẩm. Đối với các tác phẩm nước ngoài, giai điệu không quen thuộc với HS, có độ dài từ 2 mặt giấy A4 trở lên, chúng tôi thường chia tác phẩm thành từng đoạn nhỏ độc lập để HS học đỡ bị nhàm chán và áp lực về độ dài của tác phẩm.
Ví dụ 3: Trích Bụi phấn, tác giả Vũ Hoàng
Ở ví dụ trên chúng ta thấy; tác phẩm khá phù hợp để đưa vào giảng dạy ở giữa giai đoạn “Gieo hạt” bài hát Bụi phấn với giai điệu hay, quen thuộc với HS và được biên soạn khá đơn giản cho piano để giúp HS mới học có thể tập luyện được.
Vỡ bài: Đầu tiên HS sẽ được tiếp cận toàn bộ văn bản, tìm hiểu và học những kiến thức nhạc lí, các kí hiệu âm nhạc có trong tác phẩm; nhịp, phách, dấu luyến, trường độ nốt nhạc…bằng cách chỉ trực tiếp và nhắc lại các khái niệm về nhạc lí. Cách học như vậy sẽ giúp HS sinh vừa nắm được cấu trúc tác phẩm vừa hình thành kiến thức nhạc lí một cách trực quan, sinh động, tự nhiên. Sau khi đã nắm được toàn bộ kiến thức nhạc lí có trong bài GV cho HS tiến hành đọc nốt nhạc; với bài có giai điệu quen thuộc như bài Bụi phấn HS đọc nốt nhạc 1 đến 2 lần là có thể xướng âm được đúng cao độ bè giai điệu có trong bài học. Để học sinh có thể rèn luyện kĩ năng xướng âm; trong quá trình học piano GV nên chia thành các câu nhạc nhỏ để học sinh học giống như quá trình dạy “Tập đọc nhạc” trong sách giáo khoa âm nhạc phổ thông để HS dễ học, dễ thuộc và dễ nhớ rồi mới ghép cả bài. Sau khi đọc nốt nhạc HS tiến hành tập luyện chậm từng câu nhạc, từng tay một, GV chú ý nhắc HS sắp xếp ngón tay cho đúng với số ngón ghi trong bản nhạc. Trong quá trình học GV nhắc và lưu ý cho HS về tính của nhịp ¾ nhắc HS chú ý nhấn vào phách 1, ngân nghỉ đúng trường độ nốt nhạc để đúng với tính chất của tác phẩm. Sau khi HS đã hoàn thiện phần vỡ bài thuần thục từng tay một GV cho HS chuyển sang giai đoạn ghép bài.
Ghép bài: Có thể nói đây là quá trình khó nhất trong quá trình học tập piano, bởi lúc này đòi hỏi 2 tay phải phối hợp được với nhau một cách vừa nhuần nhuyễn vừa tương đối độc lập với từng tay. Trong giai đoạn ghép bài đòi hỏi HS phải tập trung cao độ để xử lí từng tay sao không nhầm nốt và kiểm soát được lực ngón tay đúng với tinh chất của tác phẩm. Ở giai đoạn HS bắt đầu ghép 2 tay GV hướng dẫn tập luyện thật chậm và yêu cầu HS ghép đúng được các nốt nhạc của 2 tay trước đã mà chưa cần yêu cầu HS về sắc thái của tác phẩm. Khi HS đã dần quen với sự phối hợp của 2 tay GV cho HS bắt đầu xử lí sắc thái và tăng dần tốc độ để đạt được hiệu quả âm nhạc và đúng với tính chất của tác phẩm. Phối hợp được 2 tay là yêu cầu cơ bản, quan trọng nhất để học tốt bộ môn piano, chính vì vậy GV nên hướng dẫn cho HS phương pháp ghép 2 tay thật tỉ mỉ, chi tiết ở giai đoạn đầu khi học sinh mới học để hình thành cho HS thói quen cẩn thận, cần thiết khi tập luyện piano.
Những biện pháp mà chúng tôi đưa ra trên đây nhằm hướng tới những tiêu chí và tác dụng to lớn mà việc học Piano mang lại cho các em: hỗ trợ phát triển trí thông minh, rèn luyện tính kiên nhẫn, đặc biệt là nuôi dưỡng tính thẩm mĩ cho tâm hồn... Hiểu được tác dụng của việc học Piano đối với sự hoàn thiện nhân cách của trẻ, hiểu được đặc điểm tâm sinh lí của học sinh THCS tại CLB của trường THCS Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội, chúng ta sẽ là những người thầy, người bạn gần gũi với chúng, giúp chúng luôn vui vẻ và có niềm hứng khởi học tập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lê Dũng (2001), Piano cho thiếu nhi phần 1, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
- Lê Dũng (2005), Piano cổ điển được yêu thích nhất phần 1,2, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
- Sách giáo trình Methode Rose có tên đầy đủ là Methode Rose – Premiere Anne de Piano được biên dịch từ Hà Vân – Lê Dũng
- Hoàng Dũng và Ngô Ngọc Thắng (2008) (dịch và chú giải), Methode rose Nxb Đà Nẵng.