Song Hà
Mới lạ, cuốn hút,…là những ấn tượng mà khán giả có thể cảm nhận được trong khán phòng, nơi nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy biểu diễn tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW vào ngày 19 tháng 12 vừa qua. Buổi biểu diễn với tên gọi “Độc thoại đàn tranh” nằm trong chương trình học tập của học viên cao học khóa 4 - chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc.
Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy độc tấu đàn tranh
Trong chương trình, Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy đã trình diễn một tác phẩm mới nhất của mình, tác phẩm này là một trong chuỗi các tác phẩm kết hợp giữa Âm nhạc và Chuyển động, một dự án nghiên cứu quốc tế do nhà nước Thụy Điển tài trợ. Tác phẩm này cô đã trình diễn tại nhiều quốc gia như: Anh, Thụy Điển. Đông đảo học viên cao học khóa 4 chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc đã quan tâm theo dõi và trao đổi với nghệ sĩ xung quanh nội dung tác phẩm cũng như những chia sẻ bên lề về hoạt động biểu diễn nghệ thuật của cô.
Một tác phẩm kết hợp giữa Âm thanh và Chuyển động của Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy (Ảnh do Nghệ sĩ cung cấp)
Từ cách nhìn của một Nghệ sĩ đàn tranh dày dạn kinh nghiệm, Nguyễn Thanh Thủy quan tâm tới cử chỉ trong trình diễn. Cô mong muốn giải mã những mật mã văn hóa hàm chứa trong đó. Bằng các tác phẩm của mình, Nguyễn Thanh Thủy đưa vào những thể nghiệm mới với cây đàn tranh quen thuộc. Cô cũng mong muốn xây dựng một hình ảnh và vai trò mới cho mình như là một Nghệ sĩ dám thách thức và thay đổi những giá trị cũ về người phụ nữ.
Vượt ra ngoài ý nghĩa của buổi học thông thường, chương trình biểu diễn Độc tấu đàn tranh của Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy thực sự là một hoạt động giao lưu đầy cuốn hút giữa Nghệ sĩ và các học viên cao học Trường ĐHSP Nghệ thuật TW; theo đúng định hướng đào tạo của Nhà trường trong nhiều năm qua: Học tập, nghiên cứu kết hợp với thực tiễn.
Nữ Nghệ sĩ trao đổi chuyên môn cùng các học viên
Dưới đây một số nội dung trao đổi giữa học viên cao học của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW với Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy trong buổi biểu diễn, giao lưu do phóng viên ghi lại:
- Thưa nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy, cây đàn tranh vốn không xa lạ với đông đảo khán giả Việt Nam. Nhưng những gì chúng tôi được xem hôm nay: thấy cô chơi đàn, trình diễn những động tác hình thể như: bò, trườn trên sàn diễn hay hình ảnh đôi bàn tay uốn lượn trên nền tường..... quả thực ấn tượng. Lý do nào khiến cô lựa chọn cách thể hiện mới lạ này?
+ Từ năm 2012, tôi làm việc trong dự án nghiên cứu Âm nhạc và Chuyển động, đây là một dự án nghiên cứu có sự tham gia của rất nhiều quốc gia. Chúng tôi đã có rất nhiều các tác phẩm kết hợp hai yếu tố này, những người chơi đàn cũng làm chuyển động, múa, do các biên đạo múa hướng dẫn. Đồng thời đề tài nghiên cứu tiến sĩ của cá nhân tôi là về cử chỉ và giới trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, vì vậy làm việc cùng hình thể, nghiên cứu những chuyển động trong khi trình diễn cũng là một phần trong công việc. Đó là lý do vì sao có tác phẩm này.
Tôi nghĩ rằng nghệ thuật cũng như đời sống vậy, phức tạp và muôn vẻ. Tác phẩm của tôi chứa đựng rất nhiều thông tin, và tôi có thể sử dụng rất nhiều phương tiện để truyền tải các thông tin đó: Âm thanh thu sẵn, âm thanh đàn trực tiếp, hình ảnh động từ nhiều video, hình ảnh tĩnh từ các bức tranh, chuyển động hình thể của nghệ sỹ, giọng nói v.v.
- Nghệ sĩ nhấn mạnh tới điều gì trong phần trình diễn của mình: Âm nhạc hay chuyển động?
+ Tôi coi trọng cả hai yếu tố này. Chúng bổ trợ cho nhau và làm nên chỉnh thể của một tác phẩm.
- Thông điệp mà Nghệ sĩ thể hiện qua tác phẩm của mình là gì?
+ Có thể nói một cách tổng quát, tác phẩm chứa đựng rất nhiều những suy nghĩ về người phụ nữ. Đây là một tác phẩm chung giữa tôi và một biên đạo múa người Thụy Điển, cô Marie Fahlin. Trong suốt thời gian dàn dựng tác phẩm, bắt đầu từ tháng 2 năm 2014, chúng tôi - một phụ nữ phương Đông và một phụ nữ phương Tây, đã trao đổi với nhau rất nhiều, chia sẻ những sự khác nhau trong đời sống nội tâm của hai người phụ nữ đến từ hai nền văn hoá khác biệt. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng tìm được rất nhiều những suy nghĩ hay những trải nghiệm giống nhau, như mọi người phụ nữ không kể quốc tịch hay văn hoá.
- Vậy người phụ nữ trong tác phẩm của Nghệ sĩ được thể hiện như thế nào?
+ Tôi muốn dành câu hỏi này cho khán giả, những người xem tác phẩm. Tôi muốn tác phẩm đưa ra được những tưởng tượng, những cảm xúc, hơn là đưa ra một thông điệp cụ thể. Tôi muốn khán giả cùng khám phá tìm hiểu về người phụ nữ trong tác phẩm, hơn là nghe tôi nói về điều đó.
- Nghệ sĩ có e ngại về việc tác phẩm của mình quá trừu tượng và khán giả sẽ từ chối nó?
+ Theo tôi thì tác phẩm nghệ thuật cũng giống như đời sống vậy, không dễ dàng để hiểu được. Tôi muốn một tác phẩm nghệ thuật trước tiên phải mang tới những tưởng tượng và mang tới những cảm xúc. Việc hiểu được tác phẩm có thể đến ngay sau khi xem, cũng có thể không thể hiểu được ngay, nhưng những ám ảnh về tác phẩm, sự suy tư, sự MUỐN tìm hiểu nó, cũng là những trải nghiệm rất có ích cho suy nghĩ, làm giàu có đời sống tinh thần. Những tác phẩm âm nhạc giải trí đơn thuần đem đến sự thoải mái trong chốc lát có thể không có tác dụng nuôi dưỡng tư duy theo cách này. Tất nhiên, đây không phải là một cách hưởng thụ nghệ thuật đơn giản, chính vì vậy nó cũng có thể kén khán giả. Nhưng tôi tin là ở Việt Nam, tôi vẫn tìm được những khán giả muốn có những trải nghiệm mới khi xem nghệ thuật, cho dù số lượng khán giả đó có thể chưa nhiều. Chẳng hạn như buổi gặp gỡ với các sinh viên hôm nay, tôi rất hạnh phúc vì được chia sẻ rất nhiều với các bạn về công việc của mình. Các bạn là những khán giả tuyệt vời của tôi.
Nguyễn Thanh Thủy sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Là một nghệ sĩ đàn tranh có tiếng trong nước và quốc tế, đã từng đạt giải Nhất và giải Diễn tấu Nhạc Cổ truyền hay nhất Cuộc thi Tài năng Trẻ đàn tranh toàn quốc 1998. Cô theo đuổi một hướng biểu diễn mới, hiện đại với cây đàn tranh – một nhạc cụ truyền thống quen thuộc của Việt Nam, bằng cách làm việc cùng nhiều nghệ sĩ quốc tế và đặt họ viết tác phẩm cho đàn tranh và trình diễn tại nhiều thính phòng lớn. Cô là giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, là thành viên cố vấn Ban châu Á tại đại học Goldsmiths (Anh). Từ năm 2012 đến nay, cô đang là nghiên cứu sinh tại Học viên Âm nhac Malmo (Thụy Điển), tập trung nghiên cứu về cử chỉ trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Cô đã trình bày công việc của mình tại nhiều trường đại học lớn trên thế giới như Đại học Cambridge (Anh), Đại học Washington (Hoa Kỳ), Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Oslo (Nauy)….