Nội san

W-dat coc nha dat vietnamnet.png ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC HÁT XẨM CHO THIẾU NHI TẠI TRUNG TÂM VĂN HOÁ TỈNH NINH BÌNH

09 Tháng Bảy 2024

Nguyễn Hương Mai

Học viên K16 – LL&PPDH Âm nhạc

Hát Xẩm là thể loại âm nhạc giàu tính nhân văn và sở hữu nhiều giá trị độc đáo cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Tuy nhiên hát Xẩm đang đối mặt với nhiều thách thức và có nguy cơ bị thất truyền. Vì vậy hát Xẩm đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và có những chính sách để giữ gìn và bảo vệ nghệ thuật hát Xẩm. Tại trung tâm Văn hoá tỉnh Ninh Bình đã thành lập các Câu lạc bộ (CLB) hát Xẩm và mở các lớp dạy học hát Xẩm tại các huyện trên địa bàn tỉnh nhằm truyền dạy hát Xẩm đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là lứa tuổi từ 10-15 tuổi. Tại đây học hát Xẩm chủ yếu theo phương pháp truyền dạy bằng cách thức truyền dạy. Phương pháp này được đem lại hiểu quả không thể phủ nhận. Nhưng cần tránh sự nhàm chán đồng thời nên kết hợp với các phương pháp khác một cách nhuần nhuyễn để đem lại hiệu quả cao và tạo hứng thú cho học sinh.

1. Đổi mới quy trình dạy học hát Xẩm

Bước 1: Tìm hiểu, khám phá

Tìm hiểu qua tài liệu và phương tiện truyền thông: cho HS xem tranh ảnh, sách báo, video liên quan đến bài hát Xẩm. Từ đó HS hiểu thêm về nguồn gốc, làn điệu của bài.

Trải nghiệm thực tế: Giáo viên (GV) tổ chức cho HS tham gia các hoạt động biểu diễn hát Xẩm, gặp gỡ các nghệ nhân. HS được tự mình biểu diễn hát Xẩm, từ đó phát triển khả năng sáng tạo và gắn kết với cộng đồng.

Bước 2: Khởi động giọng

Theo tác giả luận văn tìm hiểu các giờ dạy hát Xẩm chưa có bước khởi động giọng rõ ràng. Giống như luyện thanh bước khởi động giọng vô cùng quan trọng giúp HS luyện tập, khẩu hình, lấy hơi, nhả hơi…

Có thể khởi động giọng bằng cách cho HS ôn hát lại các bài hát đã học từ 2-3 lần và luyện giọng theo mẫu âm như sau bằng âm la:

 

Và cứ như vậy GV có thể dịch giọng dần điệu thức đó dần cao lên cho HS thực hiện để khai thông giọng.

Bước 3: Đọc lời và gạch nhịp

GV hướng dẫn gạch nhịp, cách ngắt nghỉ, nhấn phách. Cách gạch nhịp như thế nào đối với HS 10 - 15 tuổi, việc học thuộc lời vẫn rất quan trọng để giúp các em nắm được kiến thức của bài hát. Việc chép lời và nhớ lời cũng như gạch nhịp nội, nhịp ngoại và đánh dấu những chỗ lấy hơi, ngân nghỉ, luyến láy, nảy hạt là rất cần thiết.

Việc gạch nhịp của bài hát giúp học sinh biết đâu là phách mạnh, phách nhẹ, đầu là ngắt nghỉ đúng chỗ. Sau khi gạch nhịp xong HS được GV hướng dẫn đọc lời ca, chú ý về các dấu câu, những từ khó, đọc đi đọc lại cho trôi chảy sao cho khi hát “tròn vành rõ chữ”.

Bước 4: GV dạy hát từng câu, tững chữ cho HS

Khi dạy hát GV chia câu cho HS tập hát từng câu đến khi trôi chảy, hát đúng mới chuyển sang câu khác. Hát Xẩm có những chỗ luyến láy hay câu từ khó GV cần cho HS tập kĩ, sửa sai nhiều lần để hát cho đúng tính chất của bài.Trong hát Xẩm có khi hát lại tách từng chữ vì tiếng Việt có các dấu câu, luyến láy nhiều và khó nên cần phải tách từng chữ để HS hát cho đúng cao độ sau đó mới ghép trường độ. Bên cạnh đó GV dạy hát cần kết hợp dạy các kĩ thuật như lấy hơi, luyến láy, khẩu hình, nảy hạt…

Bước 5: Gõ phách

* Hướng dẫn HS thực hành gõ phách

GV cho HS gõ một số mẫu phách cơ bản để làm quen với cách gõ phách của hát Xẩm. GV thực hiện mẫu trước sau đó cho HS làm theo. Trong phần này GV cho cả lớp gõ tập thể sau đó chia thành các nhóm nhỏ luyện tập với nhau. Hoặc trình bày cá nhân để GV nắm được HS có làm tốt hay không.

 

Trong hát Xẩm không chỉ có một nhạc cụ mà có 2 hay 3 nhạc cụ đánh cùng lúc. Vậy GV cho học sinh làm quen với việc ghép các nhạc cụ với nhau nhất là hai nhạc cụ phổ biến và dễ tiếp cận trong hát Xẩm là sênh và trống mảnh. Vẫn với hình thức thực hành theo nhóm GV cho các nhóm tự tập sau đó ghép lại với nhau và đổi ngược lại.

Bước 6:  Hát kết hợp với gõ phách

* Giới thiệu về hát Xẩm kết hợp với nhạc cụ gõ

GV giới thiệu cho HS về hát Xẩm kết hợp với nhạc cụ gõ. GV có thể sử dụng tranh ảnh, video,... để minh họa cho HS dễ hình dung.

Ví dụ: GV cho HS xem một đoạn video hát Xẩm kết hợp với nhạc cụ gõ. Trong đoạn video, người hát Xẩm sử dụng nhạc cụ gõ để tạo nên nhịp điệu và sắc thái cho bài hát. GV giải thích cho HS rằng nhạc cụ gõ đóng vai trò quan trọng trong việc hát Xẩm.

* Hướng dẫn HS cách sử dụng nhạc cụ gõ

GV hướng dẫn HS cách sử dụng nhạc cụ gõ theo nhịp điệu của bài hát. GV có thể sử dụng các ví dụ cụ thể để minh họa cho HS dễ hiểu.

* Cho HS thực hành hát kết hợp với nhạc cụ gõ

GV cho HS thực hành hát kết hợp với nhạc cụ gõ theo nhiều bài hát Xẩm khác nhau. GV có thể cho HS thực hành hát kết hợp với nhạc cụ gõ theo nhóm, hoặc theo cá nhân.GV chia HS thành hai nhóm. Một nhóm hát kết hợp với nhạc cụ gõ theo bài hát Xẩm Thập ân, GV yêu cầu HS hát kết hợp với nhạc cụ gõ sao cho nhịp nhàng đúng giai điệu của bài hát.

 * Đánh giá kết quả

GV đánh giá kết quả thực hành của HS. GV có thể cho HS biểu diễn hát kết hợp với nhạc cụ gõ trước lớp, hoặc cho HS ghi âm lại giọng hát và cách gõ nhạc cụ của mình.

Bước 7: Hát kết hợp diễn xướng

Trang phục: Trang phục của người hát Xẩm thường là quần áo truyền thống của người Việt Nam, như áo dài, khăn đóng, nón lá,... Trang phục của người hát Xẩm thường được trang trí bằng những họa tiết rực rỡ, mang đậm nét dân gian.

Không gian biểu diễn: Không gian biểu diễn hát Xẩm thường là những nơi đông người qua lại, như chợ, đình làng,... Không gian biểu diễn hát Xẩm thường mang đậm nét dân gian, mộc mạc.

Tóm lại, phương pháp truyền dạy hát Xẩm kết hợp với các yếu tố như tìm hiểu, khám phá, kỹ thuật lấy hơi, cách phân câu và ngắt nghỉ, hát kết hợp với nhạc cụ gõ và hát kết hợp diễn xướng trên với hình thể, nét mặt, đi, đứng mang lại nhiều lợi ích cho HS. Nhờ vào việc sâu sắc hiểu về bài hát Xẩm cũng như phát triển các kỹ năng biểu diễn, HS sẽ có khả năng thể hiện một cách sáng tạo, tự tin, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển nền văn hóa âm nhạc truyền thống này.

2. Truyền dạy kết hợp phương pháp phân tích

Để nâng cao hiệu quả dạy học hát Xẩm cho HS cần thêm bước phân tích bài hát Xẩm kĩ càng càng hơn.

Phân tích về nội dung bài hát: GV giải thích cho HS về nội dung của bài nói về điều gì bằng cách trình bày, thuyết trình hoặc cho HS xem hình ảnh, video về bài hát Xẩm.

Phân tích về cấu trúc và nhịp điệu của bài hát: GV giới thiệu HS bài này ở làn điệu Xẩm nào, có mấy trổ sự giống và khác nhau của các trổ hát để HS cảm nhận được nhịp điệu của bài hát.

Phân tích về cách diễn xướng của bài: GV cho HS tìm hiểu về nội dung bài hát ví dụ như bài hát Xẩm Thập Ân về tình yêu thương gia đình; GV hướng dẫn HS cách diễn xướng thể hiện các động tác thể hình sao cho phù hợp với nội dung bài hát. GV có thể cho HS tập diễn xướng trước lớp theo hình thức cá nhân, nhóm.

3. Truyền dạy kết hợp phương pháp trực quan

Sử dụng phương pháp truyền dạy kết hợp phương pháp trực quan rất cần thiết. Sử dụng những công cụ, phương tiện trực quan băng đĩa, tranh ảnh video, đồ họa, sử dụng đàn phím điện tử… để dạy học. Các tác dụng mang lại khi sử dụng phương pháp này là:

- Giúp học sinh được mắt thấy, tai nghe, dễ hình dung ra hình ảnh, bối cảnh của bài từ đó đào sâu kiến thức cho HS.

- Tạo sự hứng thú cho HS, tăng cường tương tác trong quá trình học tập. HS nhìn tranh ảnh hoặc video để tự nhận xét và tập phân tích từ hình ảnh, âm thanh, lời ca của bài.

- Trong lứa tuổi này các em đang rất tò mò về mọi thứ xung quanh, muốn khám phá nên áp dụng dạy học trực quan huy động các giác quan như thị giác, xúc giác, thính giác… giúp trẻ hứng thú lĩnh hội tri thức.

4. Truyền dạy kết hợp trải nghiệm thực tiễn

* Trải nghiệm tiếp cận với các nghệ nhân, nghệ sĩ và biểu diễn

Khi được tiếp cận các NN và NS hát Xẩm là một trải nghiệm thực tế giúp HS tận hưởng và học hỏi từ những người giàu kinh nghiệm tài năng. Nên đây là cơ hội để HS trải nghiệm các kiến thức và đặc điểm của âm nhạc trong hát Xẩm một cách sống động.

HS có thể được nghe câu chuyện về lịch sử, ý nghĩa của nghệ thuật hát Xẩm. HS có thể hỏi và trò chuyện và biểu diễn giao lưu với các NN để các em vui hơn, lý thú và tự tin hơn, nhất là hiểu rõ hơn về các bài hát Xẩm, nội dung và ý nghĩa từ ngữ và cách biểu diễn, giao lưu, trang phục…

* Trải nghiệm ở không gian lễ hội

Trải nghiệm thực tế ở không gian lễ hội sẽ giúp HS hiểu sâu hơn về nghệ thuật Xẩm và tận hưởng không khí sôi động của lễ hội, cái nhìn trực quan, cảm nhận được sức sống và cảm xúc của nghệ thuật Xẩm, từ đó nảy sinh sự yêu thích và hiểu biết sâu sắc hơn về nó. Kết hợp trải nghiệm thực tế ở không gian lễ hội đem lại nhiều lợi ích quan trọng. HS không chỉ rèn luyện kỹ năng biểu diễn và diễn xướng, mà còn nắm vững kiến thức về nghệ thuật Xẩm và văn hóa Việt Nam.

Kết Luận

Qua việc đổi mới quy trình dạy học hát Xẩm cũng như kết hợp phương pháp truyền dạy với các phương pháp như trực quan, phân tích, trải nhiệm thực tiễn…đã đem lại hiệu quả, tăng thêm hứng thú cho HS trong quá trình học. Lứa tuổi từ 10 – 15 tuổi đang trong giai đoạn phát triển cả về tâm sinh lý, luôn tò mò muốn tìm hiểu, khám phá về mọi thứ nên cách sử dụng phương pháp truyền thống kết hợp với hiện đại không những giúp HS hiểu sâu hơn về kiến thức mà còn được mắt thấy, tai nghe, trực tiếp biểu diễn, giao lưu cùng các nghệ nhân. HS cũng cần có ý thức tham gia học tập và tìm tòi học hỏi để góp phần gìn giữ và phát huy nghệ thuật hát Xẩm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Khương Văn Cường (2009), Nghệ thuật Hát Xẩm, NXB Nghệ thuật.

2. Bùi Trọng Hiền (2013), Hát Xẩm, 1000 năm Thăng Long Hà Nội, quyển 2, nhạc cổ truyền, NXB Âm nhạc.

3. Hà Hoa (2014), Nhập môn âm nhạc cổ truyền, NXB Trường Đại Học Sư Phạm Nghệ Thuật Trung Ương.

4. Trần Việt Ngữ (2002), Hát Xẩm, NXB Âm nhạc.