Nguyễn Thị Lan Hương
Học viên K17 thạc sĩ chuyên ngành Quản lý văn hóa
Tại Hà Nội, nơi tập trung nhiều các hoạt động giải trí và các hoạt động thương mại thì lĩnh vực trình diễn thời trang lại được quan tâm hơn bao giờ hết. Các hoạt động phổ biến nhất trong lĩnh vực trình diễn thời trang có thể kể đến như các cuộc thi sắc đẹp, trình diễn các bộ sưu tập, các buổi ra mắt sản phẩm của nhãn hàng, trình diễn trang phục trong các dịp lễ hội. Nhìn chung đây là các hoạt động thường xuyên được diễn ra dưới nhiều hình thức tổ chức chuyên nghiệp lẫn không chuyên và diễn ra ở nhiều địa bàn khác nhau. Những chương trình được tổ chức thường bao gồm các chương trình do nhà nước cấp phép, hoặc các chương trình do các tổ chức cá nhân đứng ra tổ chức. Từ nhu cầu thưởng thức thời trang ngày một tăng cao thì các trung tâm đào tạo người mẫu cũng được mở ra và hoạt động rất sôi nổi trong những năm gần đây. Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, mỗi năm Việt Nam cấp phép cho gần 100 cuộc thi sắc đẹp, tìm kiếm người mẫu, hoa khôi, hoa hậu và gương mặt đại diện cấp tỉnh trở lên. Ước tính mỗi năm có 500-1.000 người mẫu mới tham gia các hoạt động như diễn thời trang, quảng cáo, trình diễn. Lĩnh vực trình diễn thời trang trong tương lai hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển và có tầm ảnh hưởng đến
1. Lịch sử hình thành và phát triển hoạt động trình diễn thời trang trên địa bàn thành phố Hà Nội
Trước năm 1990, tại Hà Nội thiết kế thời trang chỉ là công việc thủ công và những người sáng tạo ra những bộ trang phục chỉ là những người thợ có địa vị thấp kém trong xã hội. Nghệ thuật trong suốt một thời gian rất dài chỉ bao gồm những gì thuộc về hàn lâm như âm nhạc, hội họa… Cho đến tận khi cuộc cách mạng nghệ thuật diễn ra vào những năm 1880 thành công, đã minh chứng rằng thiết kế cũng là nghệ thuật, thậm chí có tầm ảnh hưởng sâu sắc hơn cả nghệ thuật hàn lâm, vì thiết kế ứng dụng cung cấp những sản phẩm có ích và thẩm mỹ đến tận tay của từng người dân, ai cũng có quyền tận hưởng những giá trị thẩm mỹ, hiển nhiên người tạo ra những sản phẩm đó cũng được tôn vinh là nghệ sĩ. Ngành thời trang cũng ra đời vào thời điểm đó và chính thức bước lên bục vinh quang của nghệ thuật thời thượng và giành được nhiều mối quan tâm nhất của xã hội. phần lớn trang phục chỉ được may bởi những thợ may vô danh và không được biết đến. Giá trị thành công của ông chính là người sáng tạo trang phục không chỉ chạy theo đòi hỏi và yêu cầu của khách hàng, mà còn khiến khách hàng phải mua và săn đón những sản phẩm mà một nhà thiết kế tạo ra.
Bước vào thế kỷ 21, Hà Nội – trung tâm về văn hoá của cả nước được xem là một trong những nơi đầu tiên tổ chức các sự kiện thời trang, khi mà tất cả các show diễn lớn nhất đều được diễn ra tại đây, những tạp chí thời trang hàng đầu cả nước đều gửi những biên tập viên giỏi nhất của mình để dự những show diễn này. Những năm 2000, cục diện thiết kế thời trang đã bước sang một giai thoại khác, không còn bóng dáng của những trang phục thời phong kiến mà đó là của sự hòa trộn thời trang may sẵn và thời trang cao cấp, hiện đại và cổ điển, phóng khoáng. Dòng thời trang phức tạp và cuốn hút này đã hấp dẫn mọi tín đồ thời trang cho đến tận ngày nay. Trải qua hơn một trăm năm, những gì còn đọng lại của thời trang chính là định nghĩa đã trở thành biểu tượng của công nghệ làm đẹp bằng vải vóc cho con người. Thời trang chính là nghệ thuật, là giá trị thẩm mỹ kết hợp với vẻ đẹp tự nhiên trên trang phục. Chính điều này giữ cho ngành thời trang và những nhà thiết kế tách biệt khỏi những người thợ hay trang phục thông thường. Thời trang là thời thượng, là đẳng cấp và là cái đẹp khiến tín đồ phải chạy theo đam mê và ngưỡng mộ. Những nhà thiết kế Việt Nam nổi tiếng trong giai đoạn này có thể kể đến như Minh Hạnh, Cao Minh Tiến, Hoàng Hải,.v..v..
Từ năm 2012, hoạt động trình diễn thời trang xuất hiện dưới hình thức các cuộc thi sắc đẹp. Rất nhiều cuộc thi như hoa hậu, hoa khôi, người đẹp khác có nội dung và hình thức tương tự cũng được cấp phép tổ chức ở Việt Nam (từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh/thành phố) với rất nhiều người đạt danh hiệu "hoa hậu, hoa khôi, người đẹp" khiến cuộc thi Hoa hậu Việt Nam bị giảm hẳn sức hút. Công chúng trở nên nhàm chán và ít quan tâm vì có quá nhiều cuộc thi người đẹp được tổ chức (Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu biển, Hoa hậu đại dương, Hoa hậu bản sắc Việt, Hoa hậu các dân tộc, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu quý bà, Hoa khôi Thời trang, Hoa khôi Du lịch...). Hà Nội luôn được chọn làm địa điểm tổ chức các vòng thi sơ khảo, nơi tập trung các thí sinh dự thi ở các tỉnh phía Bắc tham dự. Hoạt động trình diễn thời trang được diễn ra dưới dạng trình diễn trang phục tự chọn hoặc trình diễn áo dài tại các địa điểm như nhà văn hoá hoặc các trường đại học nổi tiếng.
Từ năm 2013 đến 2016, các sân khấu thời trang lớn của các hãng thời trang lớn như Elle, Eva de Eva, Đỗ Mạnh Cường và nhiều hang thời trang khác nữa xuất hiện vô cùng mạnh mẽ và phổ biến tại Hà Nội, địa điểm diễn ra rất đa dạng có thể kể đến như khách sạn Metropole, cung văn hoá hữu nghị Việt Xô, trung tâm hội nghị quốc gia. Với quy mô và cách tổ chức vô cùng chuyên nghiệp, các sự kiện thời trang này đều thu hút được sự chú ý của đông đảo dư luận, các tạp chí và các trang mạng xã hội.
Trong những năm gần đây, các hoạt động trình diễn thời trang Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và trở thành một trong những ngành công nghiệp phát triển của đất nước. Thời trang Việt Nam đã có những bước tiến nhanh chóng, vấn đề ăn mặc ngày càng được quan tâm nhiều hơn, người Việt Nam bắt đầu lựa chọn trang phục theo phong cách và không ngừng cập nhật xu hướng thời trang thế giới. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những nhà thiết kế tài năng, sự ra đời của vô số thương hiệu, cửa hàng, trung tâm mua sắm… cho thấy bức tranh nhộn nhịp của ngành công nghiệp thời trang ở Việt Nam.
2. Đặc điểm của hoạt động trình diễn thời trang trên địa bàn thành phố Hà Nội
Hoạt động trình diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang là hoạt động đưa chương trình, tiết mục, vở diễn, mẫu thiết kế thời trang đến với công chúng qua sự trình diễn của diễn viên và người mẫu chuyên nghiệp thể hiện hình tượng nghệ thuật phản ánh cuộc sống thông qua tác phẩm nghệ thuật nhằm giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống, nâng cao dân trí, thẩm mỹ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Pháp luật nhà nước ta không có văn bản quy định cụ thể hoạt động trình diễn thời trang riêng mà coi các hoạt động trình diễn thời trang là một trong những hoạt động trình diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang thường kết hợp với trình diễn nghệ thuật khác.
Hoạt động trình diễn thời trang trên trên địa bàn thành phố Hà Nội là một trong những hoạt động trình diễn nghệ thuật được các đơn vị, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức. Giống như trình diễn thời trang nói chung, hoạt động trình diễn thời trang trên địa bàn thành phố Hà Nội thường là một buổi trình diễn thời trang, hay lễ ra mắt những sản phẩm thời trang của các nhà thiết kế danh tiếng hoặc mới bước chân vào làng thời trang, hoặc một cuộc thi về sắc đẹp trong đó có trình diễn những trang phục mới lạ, độc đáo và bắt mắt người xem được gọi chung là trình diễn thời trang. Hay còn có một tên gọi khác theo tiếng anh là Fashion Show ” Trình diễn thời trang ”. Hoạt động trình diễn thời trang trên địa bàn thành phố Hà Nội có những đặc điểm như sau:
Thứ nhất, hoạt động trình diễn thời trang thường được tổ chức với các chương trình nhằm quảng bá sản phẩm cho các thương hiệu thời trang hoặc ra mặt bộ sưu tập của các nhà thiết kế trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đối với loại hình trình diễn thời trang này, quy mô tổ chức thường lớn và có sự đầu tư về quy mô cũng như sản phẩm của các thương hiệu. Thông qua những buổi trình diễn thời trang các nhà thiết kế, doanh nghiệp thời trang có thể quảng bá thiết kế và tay nghề của mình. Từ đó, họ có thể thu hút nhiều khách hàng hoặc đối tác kinh doanh nhất có thể và thiết lập các mối quan hệ hợp tác.
Bên cạnh đó, hoạt động trình diễn thời trang trên địa bàn Thủ đô không chỉ thu hút sự chú ý từ những người làm trong lĩnh vực thời trang mà còn nhận được sự quan tâm từ những khách hàng để nắm bắt được xu hướng thời trang của các thương hiệu, các mùa và mua cho mình những bộ trang phục thời thượng nhất. Bởi Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, do đó, tổ chức các hoạt động trình diễn thời trang trên địa bàn Hà Nội sẽ thu hút đông đảo quần chúng tham gia và thu hút được sự quan tâm của truyền thông, của bạn bè, du khách quốc tế, sự quan tâm của các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực thời trang.
Thứ hai, các hoạt động trình diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trên địa bàn thành phố Hà Nội thường được tổ chức nhằm quảng bá các sự kiện mang tính chất truyền thông gắn với các vấn đề xã hội như: Vấn đề bảo vệ môi trường, tiết kiệm nước, biến đổi khí hậu… qua đó giúp lan tỏa trách nhiệm cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường, tái chế rác thải, kích thích khả năng sáng tạo của các nhà thiết kế.
Các hoạt động trình diễn thời trang gắn với các sự kiện quảng bá thương hiệu, sản phẩm còn giúp những doanh nghiệp, nhà thiết kế thể được tài năng, mang hình ảnh đẹp tới công chúng và sự nổi tiếng của những người mẫu và nhà thiết kế cũng sẽ được tăng lên nhanh chóng. Thông qua các hoạt động trình diễn thời trang người tiêu dùng, doanh nghiệp… sẽ có cơ hội tiếp xúc với những xu hướng thời trang và những bộ sưu tập gần đây của các nhà thiết kế khác nhau. Từ đó doanh nghiệp có thể sẽ tìm được thêm những hạng mục đầu tư mới, người tiêu dùng có thêm kiến thức về thời trang cũng như cập nhật được những xu hướng thời trang mới, những bộ sưu tập, sản phẩm thời trang mới, thời thượng nhất cho bản thân.
Thứ ba, các hoạt động trình diễn thời trang trên địa bàn thành phố Hà Nội thường thông qua các cuộc thi sắc đẹp, các chương trình trình diễn nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện quan trọng … nhằm quảng bá các sự kiện văn hóa và du lịch của Thủ đô.
Thông qua các bộ sưu tập, các thiết kế của các nhà thiết kế thời trang được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của những danh thắng nổi tiếng cùng các công trình kiến trúc lịch sử nghìn năm văn hiến, các nhân vật huyền thoại gắn liền với vùng đất Thủ đô và những đặc sản ẩm thực truyền thống tinh tế…được thể hiện bởi các người mẫu, các hoa hậu, Á hậu được nhiều người biết đến và yêu mến… hoặc các các ca sĩ nổi tiếng đã góp phần tạo nên trải nghiệm thời trang, thưởng ngoạn du lịch, âm nhạc trọn vẹn và thăng hoa cho khán giả…Đồng thời, qua những bộ sưu tập thời trang giàu ý nghĩa không chỉ tôn vinh sự sáng tạo của các nhà thiết kế mà còn góp phần gửi đi thông điệp chung tay đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới, từ đó truyền cảm hứng tới đông đảo du khách thập phương đến và trải nghiệm văn hóa, du lịch vùng đất Thủ đô giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.
3. Vai trò của hoạt động trình diễn thời trang đối với đời sống văn hóa xã hội ở thành phố Hà Nội
Như chúng ta đã biết, thời trang không chỉ là phong cách mặc quần áo, mà còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại của con người. Vai trò của thời trang trong cuộc sống hiện đại đến nay đã trở thành một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến cách mà mọi người tự thể hiện bản thân, tương tác với nhau và thể hiện cái tôi của họ.
Thông qua hoạt động trình diễn thời trang (Fashion show), thứ nhất sẽ giúp cho con người có thêm kiến thức về thời trang, về mặc trang phục để họ tự tin thể hiện bản thân. Qua cách mặc quần áo, phụ kiện và cách trang điểm, mọi người có thể biểu đạt phong cách, cá tính, sở thích và quan điểm của họ. Thời trang là một phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ, giúp cho mỗi người có thể tạo dựng hình ảnh của bản thân, thể hiện cá tính riêng của mình và thu hút sự chú ý của những người xung quanh.
Thứ hai, thời trang là một yếu tố quan trọng trong tương tác xã hội. Qua cách mặc quần áo và phụ kiện, người con Thủ đô có thể định vị mình, xây dựng văn hóa riêng, nét thanh lịch của người Tràng An. Đồng thời, là căn cứ đồng nhất hoặc phân biệt với công dân của các địa phương, vùng miền khác. Thông qua thời trang, con người thể hiện địa vị, tầng lớp, sự giàu có hay nghề nghiệp của mình. Thời trang cũng là một công cụ để tạo ra mối quan hệ xã hội, bởi vì nó có thể gây ấn tượng, tạo điểm chung hoặc là đề tài để khởi đầu một cuộc trò chuyện và tăng cường giao tiếp giữa mọi người.
Thứ ba, hoạt động trình diễn thời trang còn đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp và kinh tế. Ngành công nghiệp thời trang là một ngành kinh doanh lớn, cung cấp việc làm cho hàng triệu người trên toàn thế giới, đóng góp vào nguồn thu nhập, ngân sách của Thủ đô cũng như quốc gia.
Thứ tư, thông qua các hoạt động trình diễn thời trang góp phần quảng bá du lịch, văn hóa, di sản của Thủ đô đến với cộng đồng, bởi khi tổ chức các buổi trình diễn thời trang sẽ thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân đến xem, các mẫu thiết kế, các bộ sưu tập do các người mẫu thể hiện đều được lấy ý tưởng, cảm hứng về các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Hà Nội, thông qua trang phục thể hiện dấu ấn đặc trưng và nét văn hóa của từng điểm đến của Thủ đô.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (2016), Nghị định số 15/2016/NĐ-CP, ngày 15/3/2016, về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về trình diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, Hà Nội.
2. Bùi Chí Công (2013), “Nghệ thuật công cộng- Thước đo sự trưởng thành của đô thị”, Tạp chí Kiến trúc, (1, 2), Hà Nội.
3. Denis Diderot, Phùng Văn Tửu dịch (2013), Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật, Nxb Tri thức, Hà Nội.
4. Nguyễn Văn Dương (2008), “Mỹ thuật môi trường trong không gian đô thị”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (286), tr 68- 71, Hà Nội.
5. Ngô Duy Đông (2013), Quản lý hoạt động trình diễn nghệ thuật không chuyên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.
6. Cynthia Freeland, Như Huy dịch (2010), Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật, Nxb Tri thức, Hà Nội.