Học viên: Nguyễn Thị Nhàn
Lớp: K12-LL&PPDH bộ môn Mỹ thuật
1. Đặt vấn đề
Nhóm người dân tộc Vân Kiều sống chủ yếu tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, họ cư trú ở các vùng núi cao theo lối sống tự cung tự cấp. Chính vì vậy, các dụng cụ sinh hoạt cũng như trang phục của họ được sản xuất từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên. Từ xa xưa, người Vân Kiều đã biết đến trồng bông để dệt vải, khâu vá, thêu thùa.
Với sự cần cù chịu khó trong lao động sản xuất, kết hợp trí tưởng tượng phong phú cùng đôi bàn tay khéo léo, người Vân Kiều đã tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và thể hiện rõ qua các hoa văn trang trí trên trang phục dân tộc mang đậm bản sắc riêng. Những hoa văn này tạo ra sự tinh tế, có bố cục hài hòa, chứa đựng yếu tố tạo hình cao, tạo nên sức hút lớn đối với người dân đồng thời phát huy sự bảo tồn và phát triển nghệ thuật trang trí dân gian của dân tộc Vân Kiều.
2. Tạo hình hoa văn trên trang phục truyền thống của người Vân Kiều tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị
2.1. Khái quát chung về trang phục của người Vân Kiều
Trang phục của người Vân Kiều là một dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu tại tỉnh Quảng Trị, mang đậm những dấu ấn văn hóa truyền thống và đặc trưng của vùng miền. Được làm từ các nguyên liệu từ tự nhiên như bông vải họ tự trồng và dệt, trang phục Vân Kiều thường có thiết kế tuy đơn giản nhưng vẫn nổi bật nhờ những hoa văn tinh tế. Hoa văn trên trang phục không chỉ là những chi tiết để trang trí mà nó còn phản ánh giá trị thẩm mỹ cũng như quan niệm văn hóa và đời sống tinh thần của dân tộc này.
Đàn ông người Vân Kiều thường mặc khố và áo ngắn, còn phụ nữ mặc váy dài cùng với áo truyền thống. Các họa tiết thêu trên trang phục mô phỏng về thiên nhiên, hoa lá, chim thú cùng các biểu tượng mang tính tâm linh. Màu sắc chủ đạo trên trang phục Vân Kiều là những gam màu đậm như đen, đỏ và trắng, thể hiện được sự mạnh mẽ, giản dị và không kém phần nổi bật.
Trang phục truyền thống của người Vân Kiều là biểu tượng của thẩm mỹ và còn là biểu hiện của tinh thần lao động cần cù, sự khéo léo trong nghệ thuật dệt vải thêu thùa đã góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc qua nhiều thế hệ.
Phụ nữ và đàn ông dân tộc Vân Kiều trong trang phục truyền thống
Nguồn: Nhà bảo tàng tỉnh Quảng Trị.
2.2. Thủ pháp tạo hình hoa văn
Hoa văn trên trang phục của người Vân Kiều chính là kết quả của kỹ thuật thủ công tinh tế, nghệ thuật tạo hình độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các thủ pháp tạo hình hoa văn sẽ thường sử dụng phương pháp dệt, thêu thùa và ghép vải thủ công đã tạo nên những họa tiết đa dạng và phong phú.
Dệt thủ công: Đây là kỹ thuật cơ bản nhất của việc tạo nên hoa văn trên trang phục Vân Kiều. Người Vân Kiều dùng khung dệt thủ công, tạo ra các sợi vải từ bông sau đó dệt thành những mảnh vải cùng với các hoa văn được các nghệ nhân lồng ghép khéo léo. Các họa tiết thường là hoa văn hình học như hình tam giác, hình vuông, đường kẻ hoặc các họa tiết mô phỏng đời sống thiên nhiên như lá cây, hoa, và chim thú. Những họa tiết này có ý nghĩa biểu trưng về thiên nhiên và về vũ trụ với ý nghĩa thể hiện sự hòa hợp giữa con người và tự nhiên.
Thêu thùa: Kỹ thuật thêu này được sử dụng để nhấn mạnh những chi tiết riêng quan trọng trên trang phục Vân Kiều. Thêu tay là phương pháp tinh xảo và mất rất nhiều công sức, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Những hoa văn này được thêu bằng sợi chỉ màu sắc tươi sáng, nổi bật trên nền vải. Các họa tiết thêu thường mang tính tâm linh, biểu thị cho niềm tin, sự may mắn, và phồn thịnh, đồng thời nó thể hiện những biểu tượng truyền thống họ như mặt trời, mặt trăng, các loài động vật và cây cối trong thiên nhiên.
Ở trang phục của dân tộc người Bru - Vân Kiều mô típ hoa văn được hình thành bởi kỷ thuật chèn các sợi chỉ màu trong quá trình dệt, kỷ thuật khâu, dệt chỉ màu hay kỷ thuật chèn hạt chì, cườm. Tất cả những mô típ hoa văn đó đều sẽ chứa đựng nhiều hình ảnh, biểu tượng phong phú, phản ánh sự cảm nhận của con người một cách mộc mạc, bình dị đối với môi trường tự nhiên cũng như trong đời sống xã hội của mình bao gồm 26 hoa văn trong 4 nhóm hoa văn tiêu biểu.
Các thủ pháp tạo hình hoa văn trên trang phục dân tộc không chỉ mang những giá trị nghệ thuật mà còn ẩn chứa các thông điệp văn hóa, tinh thần của người Vân Kiều chỉ những người tâm huyết, yêu nghề mới giữ gìn và lưu truyền được nghề thêu dệt thổ cẩm này. Đây là những di sản văn hóa quý giá, đã góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc lưu truyền từ đời trước đến đời sau.
Hoa văn thêu dân tộc Vân Kiều
Nguồn: Tác giả
2.3. Yếu tố tạo hình của hoa văn
Hoa văn trang trí trên trang phục của người Vân Kiều huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, một nhóm dân tộc mang nhiều yếu tố đặc trưng và biểu trưng mang một số yếu tố tạo hình chính làm nên hình dáng và phong cách riêng của hoa văn trên trang phục người Vân Kiều:
Hình khối và đường nét: Các hoa văn thường được sử dụng các dạng hình khối cơ bản như hình vuông, hình tam giác, hình tròn và các đường nét chạy ngang, dọc hoặc chéo. Các hình khối này được sắp xếp và kết hợp lại với nhau một cách đối xứng hoặc không đối xứng nhằm tạo ra sự hài hòa và cân đối. Màu sắc: Màu sắc trên hoa văn trang phục người Vân Kiều thường dùng là các màu cơ bản nhưng lại có độ tương phản cao, như đỏ, đen, trắng và vàng. Mỗi màu sắc sẽ mang một ý nghĩa riêng và liên quan đến các yếu tố tự nhiên cũng như đời sống tinh thần của người dân. Sự kết hợp các cặp màu tương đồng và tương đã tạo nên sự hài hòa, nổi bật cho trang phục, đồng thời thể hiện được tính cách thẳng thắn, mạnh mẽ, phóng khoáng của người Vân Kiều. Bố cục hoa văn có thể phản ánh vị trí, địa vị xã hội của người mặc hoặc là sự khéo léo trong kỹ thuật thêu dệt.
Bố cục hoa văn có dạng hình tròn, hình vuông, chữ nhật thường biểu hiện cho sự kết nối, hoàn hảo và vĩnh cửu tạo ra sự liên kết và cân đối trong các hoa văn phức tạp. Với kiểu thức đăng đối xoay, đăng đối trượt, đăng đối tịnh tiến tạo ra dịch chuyển, linh hoạt sáng tạo, sự cân đối và đồng đều, làm nổi bật điểm trọng tâm của hoa văn.
Nét có nét cong, nét thẳng, nét rời thường có trong các hoa văn hình dạng tự nhiên như hoa lá hay động vật. Nét cong tạo ra sự uyển chuyển và mềm mại cho hoa văn. Nét thẳng thường tạo ra cảm giác trật tự và chắc chắn, thường được dùng trong các hoa văn hình khối hay các dải dọc ngang, nhằm tạo ra sự ổn định cùng cấu trúc rõ ràng. Nét đứt được dùng để tạo hiệu ứng chuyển động hay tạo ra sự khác biệt của hoa văn, tạo ra sự trang trí phong phú và tinh tế. Nét rời thường được dùng để tạo sự tự do và phóng khoáng cho hoa văn, làm cho hoa văn trở nên nhẹ nhàng mà không bị gò bó.
Hoa văn trang trí trên trang phục của người Vân Kiều tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã được phân tích qua các yếu tố tạo hình như bố cục hình học, các kiểu sắp xếp hoa văn, màu sắc và nét vẽ. Bố cục hình tròn, hình vuông, và chữ nhật nhằm tạo ra sự ổn định và cân đối. Các kiểu sắp xếp khác nhau như đăng đối xoay, đăng đối trượt và tịnh tiến đã tạo ra sự đa dạng cho hoa văn. Màu sắc chủ đạo là các gam màu mạnh, sự phối hợp của các cặp màu tương phản hoặc tương đồng. Các nét vẽ là nét cong, nét thẳng, nét đứt và nét rời đóng vai trò quan trọng, tạo ra sự mềm mại, tinh tế và cấu trúc cho hoa văn.
Có thể khẳng định, hoa văn trên trang phục của người Vân Kiều cũng là một trong những nguồn sử liệu quý giúp ích cho các nhà khoa học khi nghiên cứu về lịch văn hóa tộc người.
3. Kết luận
Cùng với Hoa tiết trên trang phục người Vân kiều, Pako, Tà Ôi và một vài trang phục người dân tộc thiểu số nhỏ khác ở các nơi trong tỉnh, họa tiết trên trang phục người Vân Kiều đã góp phần rất lớn tạo nên nét độc đáo, sự đa dạng, sâu sắc cùng với vẻ đẹp rực rỡ của họa tiết trên trang phục người Vân Kiều, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển duy trì và bảo tồn các thành tựu về giá trị văn hóa trên trang phục người Vân Kiều.
Tạo hình hoa văn trên trang phục truyền thống của người Vân Kiều tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, đã khẳng định rằng hoa văn trên trang phục không chỉ là một biểu tượng nghệ thuật độc đáo của dân tộc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các họa tiết trang trí thể hiện rõ sự sáng tạo, tinh tế và vô cùng phong phú của dân tộc Vân Kiều, cùng với sự kết hợp các yếu tố tạo hình, giữa hình khối, màu sắc và bố cục, đường nét đa dạng đã tạo nên bản sắc riêng biệt.
Dù gặp phải những thách thức từ sự thay đổi, phát triển của xã hội hiện đại, việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật hoa văn trên trang phục truyền thống người Vân Kiều vẫn được duy trì. Hoa văn trên trang phục người Vân Kiều không chỉ là di sản văn hóa quý báu mà còn là nguồn cảm hứng vô tận cho việc giáo dục và kết nối thế hệ trẻ với các giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời góp phần bảo vệ và lan tỏa hoa văn trên trang phục Vân Kiều nói riêng và nghệ thuật trang phục truyền thống nói chung trong cộng đồng dân tộc./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Bình (Chủ biên) (2022), Dư địa chí Quảng Trị, Nxb Thuận Hóa.
2. Nguyễn Bảo Cương (2017), Người Bru Vân Kiều ở Việt Nam, Nxb Thông Tấn.
3. Đỗ Thị Hòa (Chủ biên), Nguyễn Thị Ngân, Lê Mai Oanh, Nguyễn Cảnh Phương (2008), Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Trang phục các tộc người nhóm ngôn ngữ Môn Khmer.
4. Nguyễn Văn Mạnh (Chủ biên), Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Hữu Thông (2001), Luật tục của người Tà Ôi, Cơ Tu Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa.
5. Y Thi, Hồ Chư, Kô Kăn Sương, Kray Sưk, Hồ Sương, Anh Thi, Trương Quang Hiệp (2021), Những giá trị văn hóa đặc sắc của người Bru-Vân Kiều và Pako (Tập 1), Nxb Thuận Hóa.