BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐHSP NGHỆ THUẬT TW
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
|
Số: 1913/QĐ-ĐHSPNTTW Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2017
QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành quy định công tác cố vấn học tập
tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TW
Căn cứ Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 26 tháng 05 năm 2006 về việc thành lập Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 953/QĐ-ĐHSPNTTW ngày 30/6/2017 về việc Quy định về Tổ chức và Quản lý của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương của Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương;
Căn cứ Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/08/2007 của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT;
Căn cứ Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT ngày 27/12/2012 của Bộ GD và ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ GD và ĐT;
Theo đề nghị của Trưởng phòng Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định công tác cố vấn học tập tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương”.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông (bà) Trưởng Phòng Đào tạo, cố vấn học tập, lãnh đạo các khoa, đơn vị trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Ban biên tập Website;
- Lưu: VT, ĐT.
|
HIỆU TRƯỞNG
(Đã ký)
TS. Đào Đăng Phượng
|
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐHSP NGHỆ THUẬT TW
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
|
Hà Nội, ngày tháng năm 2017
QUY ĐỊNH
Vv Công tác cố vấn học tập trong đào tạo theo học chế tín chỉ của
Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1913/QĐ-ĐHSPNTTW ngày 29 tháng 11 năm 2017 của Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này qui định về công tác cố vấn học tập (CVHT) trong đào tạo hệ đại học, cao đẳng hệ chính quy theo hình thức tín chỉ của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
2. Qui định này áp dụng với các cố vấn học tập được Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương ký Quyết định bổ nhiệm (cử) theo từng năm học, theo ngành học.
Điều 2. Mục đích
1. Hỗ trợ công tác triển khai đào tạo theo tín chỉ theo Quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Qui định về quản lý đào tạo của Trường,
2. Tăng cường phối hợp giữa Phòng Đào tạo, Phòng CTHSSV, các Khoa và các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý đào tạo và quản lý sinh viên.
3. Hỗ trợ, tư vấn giúp sinh viên thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện trong suốt quá trình đào tạo tại Trường.
4. Là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại cán bộ, giảng viên, sinh viên hàng năm.
Điều 3. Cố vấn học tập
1. Cố vấn học tập (CVHT) là người tư vấn và hỗ trợ sinh viên phát huy tối đa khả năng học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, lựa chọn đăng ký học phần phù hợp để đáp ứng mục tiêu tốt nghiệp và khả năng tìm được việc làm sau khi ra trường; Theo dõi quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên nhằm giúp sinh viên điều chỉnh kịp thời hoặc đưa ra lựa chọn đúng trong quá trình học tập, đồng thời quản lý, hướng dẫn và chỉ đạo lớp được phân công phụ trách.
2. Cố vấn học tập phụ trách theo lớp, ngành đào tạo và được cử theo năm học.
3. Cố vấn học tập do Hiệu trưởng ký quyết định trên cơ sở đề xuất của lãnh đạo Khoa.
Điều 4. Tiêu chuẩn cố vấn học tập
Cố vấn học tập được đề xuất từ đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
1. Tốt nghiệp đại học thuộc khối ngành đào tạo của Khoa;
2. Có ít nhất 02 năm tham gia giảng dạy hoặc hoạt động quản lý đào tạo tại trường;
3. Có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, nhiệt tình đối với nhiệm vụ được giao;
4. Nắm vững các Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng theo hệ thống tín chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định về tổ chức và quản lý đào tạo đại học, Kế hoạch, chương trình đào tạo của Trường;
5. Nắm vững Quy chế học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
6. Nắm rõ quy định về công tác cố vấn học tập của Nhà trường; Hiểu biết về chương trình đào tạo của lớp cố vấn; Đã tham gia tập huấn về chương trình đào tạo, thực hiện quy chế, quy định liên quan đến đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tập huấn về quản lý công tác sinh viên.
1. Hiệu trưởng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm cố vấn học tập của trên cơ sở đề xuất của Trưởng khoa và đề nghị của Trưởng Phòng Đào tạo, Phòng Công tác học sinh sinh viên.
2. Hiệu trưởng quyết định miễn nhiệm cố vấn học tập trong các trường hợp sau:
a. Cố vấn học tập bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;
b. Thường xuyên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nhiệm vụ của cố vấn học tập trong Qui định này;
c. Theo nguyện vọng và lý do chính đáng của cố vấn học tập.
3. Trong trường hợp cố vấn học tập thuộc các trường hợp miễn nhiệm, lãnh đạo Khoa đề xuất cán bộ thay thế. Phòng Đào tạo trình Hiệu trưởng ký Quyết định thay thế cố vấn học tập. Việc thay thế cố vấn học tập phải được thông báo bằng văn bản cho lớp sinh viên và các đơn vị có liên quan trong Trường.
Chương II
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI CỦA CỐ VẤN HỌC TẬP
Điều 6. Trách nhiệm của cố vấn học tập
1. Hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên tìm hiểu, thực hiện các quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và qui định về đào tạo của Trường.
2. Giúp sinh viên tìm hiểu và thực hiện chương trình đào tạo của ngành đang theo học, hướng dẫn sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khoá, giải quyết những vướng mắc trong học tập.
3. Chỉ đạo Ban cán sự lớp điều hành các buổi sinh hoạt lớp, phối hợp với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội sinh viên trong các hoạt động của lớp.
4. Nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, nguyện vọng của sinh viên; hướng dẫn sinh viên thực hiện quyền và nghĩa vụ của sinh viên; trực tiếp giải quyết, hoặc kịp thời phản ánh với lãnh đạo Khoa, Phòng chức năng để giải quyết những vấn đề liên quan đến sinh viên trong lớp, khóa đào tạo.
5. Phối hợp với giảng viên, cố vấn học tập khác và các bộ phận chức năng liên quan giúp lãnh đạo Khoa nắm rõ tình hình học tập, rèn luyện của sinh viên, kịp thời đề xuất với khoa, Phòng Đào tạo về cách xử lý đối với những tình huống phát sinh trong quá trình đào tạo.
6. Thiết lập mối quan hệ thân thiện và hiểu biết lẫn nhau giữa sinh viên, tập thể, giảng viên và nhà trường.
7. Báo cáo định kỳ với lãnh đạo Khoa, Phòng Đào tạo về công tác cố vấn học tập.
8. Hướng dẫn, tư vấn cho sinh viên xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với điều kiện của cá nhân và mục tiêu, yêu cầu của môn học, của khóa đào tạo.
9. Tư vấn cho sinh viên thực hiện và xử lý các vấn đề học vụ:
- Thời gian, thủ tục, cách thức đăng ký khối lượng (số tín chỉ) học tập từng học kỳ: số tín chỉ tối thiểu, tối đa, điều kiện tiên quyết, xếp hạng học kỳ/năm học, xếp hạng học lực của sinh viên…
- Thủ tục, cách thức rút bớt số tín chỉ môn học đã đăng ký; đăng ký học lại; thi cải thiện điểm; cảnh báo kết quả học tập, ngừng học tạm thời, thôi học và các vấn đề liên quan đến khen thưởng, kỷ luật sinh viên, chế độ, chính sách xã hội và học bổng;
- Kế hoạch và hình thức thi, kiểm tra, cách tính điểm học phần, điểm trung bình chung học kỳ, trung bình chung tích lũy, học cải thiện điểm, học vượt, học hai chương trình đồng thời;
- Kế hoạch, hình thức, điều kiện xét và bảo vệ khóa luận, đồ án, thi tốt nghiệp, điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp;
- Các vấn đề khác như nghiên cứu khoa học, chế độ học bổng, các chế độ chính sách…
10. Hướng dẫn, tư vấn cho sinh viên về phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học và theo dõi quá trình học tập của sinh viên.
11. Phối hợp với các khoa, Phòng Công tác sinh viên, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên Trường để theo dõi đánh giá toàn diện về học tập và rèn luyện của sinh viên; kết hợp với Ban cán sự và Chi đoàn lớp chấm điểm rèn luyện của sinh viên.
12. Tham gia phát hiện năng lực, sở trường của người học để định hướng nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học, xây dựng kế hoạch học tập; hỗ trợ điều kiện để phát triển năng lực, sở trường đó.
13. Tiếp thu ý kiến phản hồi của sinh viên và phản ánh kịp thời với lãnh đạo Khoa, Phòng Đào tạo hoặc các đơn vị liên quan đến nội dung phản hồi của sinh viên. Tổ chức lấy ý kiến phản hồi của lớp sinh viên ít nhất 01lần/học kỳ (thu thập ý kiến bằng văn bản hoặc họp lớp trực tiếp, trong Phiếu lấy ý kiến phản hồi của sinh viên có phần nhận xét về cố vấn học tập) sau đó cố vấn học tập báo cáo lại lãnh đạo khoa và Phòng Đào tạo bằng văn bản.
14. Tham gia các khóa tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến công tác CVHT do Nhà trường tổ chức, tham gia họp kiểm điểm tổng kết, đánh giá hoạt động công tác CVHT của Trường.
15. Cố vấn học tập có Sổ tay cố vấn học tập (theo mẫu) ghi chép đầy đủ các công việc đã thực hiện trong tuần, tháng, lưu trữ các minh chứng làm việc với sinh viên.
16. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến công tác sinh viên do lãnh đạo khoa, Phòng Đào tạo, Phòng Công tác học sinh sinh viên đề nghị phối hợp.
Điều 7. Chế độ báo cáo
1. Hàng tháng định kỳ (ngày làm việc trước họp giao ban) hoặc đột xuất Cố vấn học tập báo cáo Trưởng Khoa bằng email các nội dung sau:
- Báo cáo tình hình sinh viên lớp phụ trách;
- Nội dung và kết luận tại các cuộc họp với lớp phụ trách;
- Các trường hợp sinh viên gặp khó khăn cần được giúp đỡ;
- Các đề nghị khen thưởng, kỉ luật sinh viên lớp phụ trách (nếu có).
2. Báo cáo và phối hợp với Phòng Công tác học sinh sinh viên giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động sinh viên: chế độ, chính sách, học bổng…
Điều 8. Quyền lợi của cố vấn học tập
1. Cố vấn học tập có thể được mời tham gia các cuộc họp xét khen thưởng, kỷ luật, xét tốt nghiệp, xét chọn học bổng, tài trợ… có liên quan đến sinh viên của lớp/khóa đào tạo được giao phụ trách.
2. Được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về CVHT do Khoa, Nhà trường tổ chức, được cung cấp các điều kiện để làm việc theo qui định của Trường, Khoa.
3. Quyền lợi được hưởng:
- Cố vấn học tập được tính số giờ dạy theo năm học (đối với cố vấn là giảng viên) là 40 giờ tín chỉ/năm học, hoặc được tính và thanh toán chế độ làm việc (đối với cố vấn không thuộc ngạch giảng viên) là 40 giờ tín chỉ đối với lớp/khóa đào tạo/ năm học. Kinh phí hỗ trợ cho cố vấn học tập là 40.000đ/tín chỉ.
- Số lượng sinh viên được cố vấn tối thiểu từ 70 đến 100/01 cố vấn học tập, được nhân hệ số tính thanh toán như sau khi số lượng sinh viên lớn hơn:
+ Hệ số 1,2 nếu lớp/khóa đào tạo được giao phụ trách có số lượng sinh viên từ trên 100 đến 200;
+ Hệ số 1,4 nếu lớp/khóa đào tạo được giao phụ trách có số lượng sinh viên từ trên 200 đến 250;
Số sinh viên/01 cố vấn học tập không vượt quá 250 sinh viên;
- Cố vấn học tập được ưu tiên trong xét các danh hiệu thi đua, lên lương, xét chọn đi học tập, bồi dưỡng hoặc bổ nhiệm cán bộ, nếu thực hiện tốt nhiệm vụ theo qui định về công tác cố vấn học tập.
5. Cố vấn học tập chỉ được hỗ trợ kinh phí cố vấn khi hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành các thủ tục vào cuối học kỳ, năm học gồm có:
- Sổ tay cố vấn học tập, ghi chép đầy đủ các buổi làm việc với sinh viên và họp lớp sinh viên theo quy định, phụ lục 04;
- Phiếu xác nhận công việc của cố vấn học tập khi kết thúc học kỳ (02 Phiếu/năm học), phụ lục 05;
- Căn cứ kết quả của Phiếu nhận xét cố vấn học tập của sinh viên do sinh viên nhận xét gửi về Phòng Đào tạo, phụ lục 06.
Điều 9: Tổ chức thực hiện
1. Trưởng khoa trực tiếp quản lý, theo dõi hoạt động của CVHT, chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về các hoạt động của đội ngũ CVHT của Khoa.
2. Kết thúc học kỳ, Trưởng khoa nhận xét đánh giá, xác nhận khối lượng công việc cho cố vấn học tập bằng văn bản, báo cáo Hiệu trưởng (qua Phòng Đào tạo).
2. Phòng Đào tạo, Phòng Công tác học sinh sinh viên, Phòng Khảo thí, Đảm bảo chất lượng & Thanh tra giáo dục phối hợp chặt chẽ với các Khoa để hỗ trợ hoạt động cho các CVHT về các mặt như:
- Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ;
- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng CVHT;
- Tổ chức lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về hoạt động đào tạo, hoạt động của CVHT để kịp thời rút kinh nghiệm;
- Thông báo danh sách và kế hoạch làm việc của CVHT trên website, bản tin của khoa và của Nhà trường.
3. Phòng Tài chính- Kế toán phối hợp với Phòng Đào tạo và các khoa để hướng dẫn và thực hiện việc thanh toán kinh phí công tác CVHT.
4. Phòng Quản trị thiết bị đảm bảo về cơ sở vật chất (Bàn làm việc riêng, đặt tại văn phòng các khoa, Biển chức danh cố vấn…) để phục vụ tốt nhất cho các hoạt động của CVHT và sinh viên.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực
1. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký và được áp dụng cho các khóa học đào tạo theo tín chỉ.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì phát sinh hoặc vướng mắc, khó khăn, các đơn vị phản ánh về trường (thông qua Phòng Đào tạo) để Hiệu trưởng điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành quy định
Phòng Đào tạo, các khoa, tổ bộ môn, CVHT, các đơn vị có liên quan, toàn thể giảng viên trong Trường chịu trách nhiệm thi hành quy định này./.
Phụ lục hướng dẫn: Xem chi tiết