TSKH. Phạm Lê Hoà
Trong số các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới nửa đầu thế kỷ XVIII có một nhà soạn nhạc mà tên tuổi có thể sánh ngang cùng Johann Sebastian Bach vĩ đại, đó là George Frederic Handel (1685 - 1759). Cả hai ông cùng sinh ra và lớn lên trong môi trường văn hoá âm nhạc truyền thống Đức và đều là những nhạc sĩ âm nhạc phức điệu vĩ đại không chỉ trong thời đại của mình. Hai ông cũng là những người đã đưa âm nhạc truyền thống đến những bước phát triển mới cao hơn và mở ra cơ sở/nền móng của những viễn cảnh sáng tác âm nhạc cho các thế hệ nhạc sĩ sau này. Nhưng bên cạnh đó, số phận của hai nhà soạn nhạc này cũng có nhiều điểm khác nhau. Nếu như cả cuộc đời Bach không ra khỏi nước Đức, thì Handel lại sống ở nước ngoài phần lớn cuộc đời của mình. Ông đã từng nhiều năm sống ở Italia, Pháp và ông coi Thủ đô London (Anh) như Tổ quốc thứ hai của mình. Những năm tháng bôn ba nơi hải ngoại đã mang đến cho ông nhiều ấn tượng mạnh bởi những sự kiện nóng bỏng tinh thần đấu tranh cách mạng của châu Âu thời bấy giờ. Những ấn tượng đó ông khó có thể có được ở một nước Đức còn mang nặng tính chất bảo thủ của chế độ phong kiến thời bấy giờ.
Nhà soạn nhạc nổi tiếng George Frederic Handel
Trong sáng tác của George Frederic Handel, chúng ta thường gặp những âm hưởng mang trong nó nguồn chất liệu sáng tác của âm nhạc dân gian nhiều vùng miền/nhiều nước trên thế giới: Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Anh. Âm nhạc của ông ca ngợi cái vĩ đại và sự hoàn mỹ của con người; ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của công lý. Và cũng như nhiều nhà soạn nhạc lỗi lạc của lịch sử âm nhạc thế giới các thời đại, linh cảm thiên tài của người nghệ sĩ trong ông đã mách bảo George Frederic Handel lựa chọn thể loại âm nhạc mà ở đó ông có thể tạo dựng hình tượng nghệ thuật một cách đầy đủ/trọn vẹn nhất: thể loại Ôratôriô.
George Frederic Handel sinh ngày 23 tháng 2 năm 1685 tại Halle, một thành phố nhỏ ở phía nam nước Đức. Năng khiếu âm nhạc của Handel xuất hiện từ rất sớm và tình yêu âm nhạc trong cậu luôn bùng lên mãnh liệt, nhưng cho đến năm 10 tuổi cậu vẫn chưa được học âm nhạc một cách nghiêm túc. Sinh trưởng trong một gia đình ở tầng lớp những người thợ, ngay cha ông cũng không coi âm nhạc có thể là một nghề nghiệp nghiêm túc đối với con trai mình và luôn mong con trai sẽ học một nghề thủ công theo truyền thống gia đình.
Ngôi nhà ở Halle, nơi sinh Handel.
Nhưng năng khiếu âm nhạc đặc biệt ngay từ thuở thiếu thời của ông đã được một người đồng hương đánh giá cao và đứng ra bảo trợ cho ông được học âm nhạc một cách nghiêm túc. Ông học âm nhạc một cách rất say mê và nhanh chóng đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp. Không chỉ có thể biểu diễn trên đàn organ mà ông cũng có thể biểu diễn đàn violon và kèn oboe. Cho đến năm 12 tuổi Handel đã có buổi công diễn đầu tiên tại Berlin. Tài năng biểu diễn của ông đã được đánh giá cao và lôi cuốn được sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội tới mức nhà vua Phổ khi đó đã có ý định gửi Handel đi đào tạo tại nước ngoài (Italia) để sau đó về phục vụ cung đình. Nhưng ý định này của vua Phổ đã gặp phải sự phản đối của cha Handel – người mong muốn ông vào học tại trường Đại học và trở thành luật sư. Nghe theo lời cha ông trở về Halle, nhưng chàng nhạc sĩ trẻ tuổi đã không gặp được cha của mình khi người đã mất ít ngày trước khi ông trở về.
Dù theo học luật ở Đại học tổng hợp Halle (University of Halle) theo ý muốn của người cha quá cố, song Handel vẫn tiếp tục học và sáng tác âm nhạc. Nhiều Cantat và Oratorio được sáng tác trong giai đoạn này đã đạt được những thành công nhất định. Và chính điều đó đã khích lệ ông tới Hamburg vào năm 1703 để có điều kiện nghiên cứu trường phái nhạc kịch nổi tiếng nơi đây. Tại đây ông chơi violon và harpsichord tại Nhà hát opera (The opera house) nơi mà vào đầu năm 1705 đã biểu diễn vở “Almira” và tiếp ngay sau đó là vở “Nero” của ông. Sau đó Handel đã đến Italia để học tập trong khoảng thời gian hơn 2 năm (1707 – 1709). Ông đã ở các thành phố: Florence, Rome, Naples và Venice. Không chỉ quan tâm đến việc tìm hiểu và nghiên cứu nghệ thuật opera nổi tiếng thế giới của Italia, Handel còn sáng tác rất nhiều trong khoảng thời gian này: các opera, oratorio, cantat v.v…
Vào đầu năm 1710 ông trở về Hanover (Đức). Nhưng ngay lúc đó ông nhận được lời mời tới London dự buổi biểu diễn vở opera “Rinaldo” của ông vào đầu năm 1711. Sau khi dự buổi biểu diễn ông lại trở về Hanover để lại sang London lần thứ hai ngay sau đó vào mùa thu năm 1712. Đây cũng là thời kỳ các sáng tác của Handel được công chúng London đánh giá cao và nhiệt liệt hoan nghênh. Đó cũng là một từ những nhân tố quan trọng tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời lao động sáng tạo nghệ thuật của người nhạc sĩ sinh ra ở nước Đức này. Từ đó, cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của Handel được gắn kết với đất nước Anh một cách vô cùng chặt chẽ. Người dân Anh hiểu, luôn đánh giá cao và trân trọng những giá trị nghệ thuật được sáng tạo bởi Handel. Họ luôn coi ông như công dân của chính Tổ quốc mình bởi những hoạt động mang tính công dân cao cả của chính Handel. Âm nhạc của Handel là người bạn đồng hành đáng tin cậy của những người yêu nước Anh trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Thậm chí, trong nhiều tài liệu chúng ta có thể thấy: nhiều nhà viết lịch sử nghệ thuật âm nhạc thế giới gọi George Frederic Handel là nhạc sĩ người Anh sinh tại Đức (German-born British Baroque music composer).
Năm 1720 George Frederic Handel được cử làm Giám đốc âm nhạc của Nhà hát âm nhạc Hoàng gia. Trong thời gian làm việc tại Nhà hát, ông đã có rất nhiều đóng góp cho việc phục hồi lại nền nghệ thuật opera của nước Anh.
Năm 1728 George Frederic Handel thôi làm giám đốc âm nhạc Nhà hát Hoàng gia. Ông đi biểu diễn đàn organ và clavecin tại Italia và Hà Lan.
George Frideric Handel, 1733
Năm 1741 ông sáng tác bản oratorio “Đấng cứu thế” (Messiah) nổi tiếng. Ngay từ khi ra đời, tác phẩm đã được công chúng và giới âm nhạc Anh nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao. Đó cũng là một từ những nguyên nhân khi Handel chọn oratorio làm thể loại âm nhạc mà ông cống hiến hầu như toàn bộ sức lực trong phần đời còn lại của mình.
Oratorio của George Frederic Handel thường thông qua đề tài kinh thánh vốn quen thuộc và gần gũi với người dân Anh để phản ánh những tư tưởng mang tầm thời đại. Không những thế, Handel còn “nhạc kịch hoá” oratorio, mang đến cho thể loại âm nhạc này những khả năng biểu hiện mới, phong phú hơn, to lớn hơn so với trước đây.
George Frederic Handel mất ngày 14 tháng 4 năm 1759 tại London trong lòng tiếc thương vô hạn của đông đảo công chúng yêu âm nhạc Anh. Người Anh coi ông như người nhạc sĩ của dân tộc mình và an táng ông tại Westminster Abbey.
MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA G.F. HANDEL
I. Opera (Nhạc kịch):
1. Almira (1705)
2. Rodrigo (1707)
3. Agrippina (1710)
4. Il pastor fido (1712)
5. Teseo (1713)
6. Amadigi di Gaula (1715)
7. Radamisto (1720)
8. Floridante (1721)
9. Flavio (1723)
10. Giulio Cesare (1724)
11. Rodelinda (1725)
12. Scipione (1726)
13. Riccardo Primo (1727)
14. Tolomeo (1728)
15. Lotario (1729)
16. Partenope (1730)
17. Poro (1731)
18. Sosarme (1732)
19. Orlando (1733)
20. Arianna (1734)
21. Alcina (1735)
22. Atalanta (1736)
23. Giustino (1737)
24. Imeneo (1740)
25. Deidamia (1741)
II. Oratorio:
1. Il trionfo del Tempo e del Disinganno (1707)
2. La resurrezione (1708)
3. Acis and Galatea, masque (1718)
4. Athalia (1733)
5. Il trionfo del Tempo e della Verità (1737)
6. Người Do Thái ở Ai-cập (Israel in Egypt) (1739)
7. Tụng ca Ngày của Thánh Cecilia (Ode for St Cecilia's Day) (1739)
8. LAllegro, il Penseroso ed il Moderato (1740)
9. Đấng cứu thế (Messiah) (1742)
10. Samson (1743)
11. Semele (1744)
12. Hercules (1745)
13. Belshazzar (1745)
14. Occasional Oratorio (1746)
15. Judas Maccabaeus (1747)
16. Alexander Balus (1748)
17. Solomon (1749)
18. Theodora (1750)
19. Quyền lựa chọn của Hercules (The Choice of Hercules) (1751)
20. Jephtha (1752)
21. Chiến thắng của thời gian và Chân lý (The Triumph of Time and Truth) (1757)
III. Âm nhạc tôn giáo (Sacred music):
1. Dixit Dominus (1707), Laudate pueri Dominum (1707), Nisi Dominus(1707)
2. 11 'Chandos' anthems
3. 4 Bài thánh ca của Lễ lên ngôi (Coronation anthems) (1727)
4. Chapel Royal anthems
5. Foundling Hospital Anthem (1749)
6. Funeral Anthem (1737)
7. ''Dettingen' Te Deum (1743)
IV. Nhạc có lời thế tục (Secular vocal music):
1. 7 dramatic cantatas
2. 25 solo and duo cantatas with inst(s)s c.70 solo cantatas with bc
3. 20 duets and trios
V. Nhạc hoà tấu (Orchestral music):
1. 6 concerti grossi op.3
2. 12 Grand Concertos, op.6 (1739)
3. 3 concerti a due cori, (c.1747)
4. 2 org concs., (1740)
5. Water Music (1717)
6. Âm nhạc cho Lễ bắn pháo hoa của hoàng cung (Music for the Royal Fireworks) (1749)
VI. Nhạc thính phòng (Chamber music):
1. 6 trio sonatas op.2
2. 7 trio sonatas op.5
3. solo sonatas
VII. Nhạc cho đàn phím (Keyboard music):
1. 2 suites (1720, 1733)
2. 6 fugues (1735)
3. preludes, sonatinas.