CHRISTOPH WILLIBALD GLUCK
(1714 - 1787)
Trong lịch sử âm nhạc thế giới Christoph Willibald Gluck được ghi nhận như người đã hoàn thành những cải cách lớn trong nghệ thuật opera truyền thống những năm 60 - 70 thế kỷ XIIX. Những cải cách của ông đã làm cho nhạc kịch gần gũi hơn, chân thật hơn với cuộc sống đương đại. Ông luôn mong muốn và chứng minh qua sáng tác nhạc kịch sự khẳng định vai trò quan trọng của nội dung kịch bản và hình tượng nghệ thuật âm nhạc. Âm nhạc trong các opera của ông gắn bó chặt chẽ với nội dung của vở nhạc kịch, làm sâu sắc tình huống kịch. Ông là một trong những đại diện xuất sắc nhất của chủ nghĩa âm nhạc cổ điển với một sự nghiệp sáng tác đồ sộ gồm 107 vở opera.
Christoph Willibald Gluck sinh ngày 2 tháng 7 năm 1714 ở Erasbach, Bavaria (nay thuộc CHLB Đức). Ngay từ nhỏ, cậu bé C.W. Gluck đã phải trải qua cuộc sống nay đây mai đó cùng gia đình. Cha cậu là nhân viên lâm nghiệp ở Upper Palatinate (nay thuộc phía tây của nước Cộng hoà Sec). Tiếng Sec là ngôn ngữ chính của gia đình nhà soạn nhạc. Ngay từ nhỏ cậu đã bộc lộ một năng khiếu âm nhạc khác thường khi có thể tự học một cách thành công trên cây đàn violon. Thậm chí cậu có thể kiếm tiền với tư cách một nghệ sĩ biểu diễn đàn violon và ca sĩ. Năm 17 tuổi C.W. Gluck được gia đình cho đi học âm nhạc tại Trường Đại học tổng hợp Praha (Prague). Người thầy của cậu là nghệ sĩ biểu diễn đàn organ kiêm nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng người Séc Boguxlav Matea Trernogorxky. Sau 3 năm, C.W. Gluck đã có thể biểu diễn không chỉ với tư cách nghệ sĩ đàn organ, nghệ sĩ đàn violon, mà cả nghệ sĩ đàn violoncello.
Năm 1735, C.W. Gluck đến Vienna tham gia biểu diễn trong dàn nhạc của công tước nổi tiếng vì lòng yêu nghệ thuật âm nhạc Lobkovich. Vài năm sau đó, theo lời mời của công tước người Italia A.M. Melsi, Gluck đã đến Milan (Italia) tham gia biểu diễn trong đội hợp xướng của công tước. Ngoài ra, ông cũng tiếp tục học sáng tác dưới sự hướng dẫn của Dz.B. Sammartini (1704-1774) - tác giả nổi tiếng của hàng loạt các Giao hưởng Italia thời tiền cổ điển. Giai đoạn này ông cũng sáng tác một số tác phẩm khí nhạc, nhưng việc sáng tác khí nhạc thật sự không quyến rũ chàng nhạc sĩ trẻ tuổi. Tuy nhiên, những bài học sáng tác của Sammartini đã giúp Gluck rất nhiều trong lĩnh vực sáng tác opera sau này.
Vở opera đầu tiên của Gluck trên phần lời của nhà thơ nổi tiếng người Italia Metastasio (1698-1782) đã được biểu diễn tại Milan năm 1741. Từ đó cho đến năm 1745, Gluck còn sáng tác thêm 7 opera theo phong cách nghiêm khắc (seria) truyền thống của opera Italia. Những opera này đã được biểu diễn rất thành công ở nhiều trung tâm âm nhạc lớn của nước Italia thời bấy giờ như Milan, Venise, Kremon và Turino. C.W. Gluck, chiếm được sự cảm tình của đông đảo khán giả và họ coi ông là một bậc thầyy của nghệ thuật sáng tạo opera ở Italia.
Năm 1745 C.W. Gluck nhận được lời mời sang London (Anh) với tư cách là tác giả của hàng loạt các vở opera Italia nổi tiếng. Cũng trong chuyến đi này, tại London ông đã có vinh dự lớn lao là được gặp George Frederic Handel (1685-1759) vĩ đại. Các buổi biểu diễn tác phẩm của Gluck thành công rực rỡ, giới âm nhạc và người yêu thích âm nhạc Anh nói nhiều về tài năng của ông.
Những năm từ 1746 đến 1752 ông không ở nơi nào lâu mà luôn dịch chuyển trong công việc của một nhạc trưởng ở các gánh hát khác nhau. Khi ông ở Hamburg, Dresden, Copenhaghen lúc ông ở Praha .v.v... Trong khoảng thời gian này ông đã sáng tác 6 vở Opera Italia, mà trong đó 5 vở được viết trên kịch bản của Metastasio.
Cho đến năm 1752 ông mới trở lại Vienna trên cương vị người chỉ huy dàn nhạc của công tước Iodep Saksen-Khildburkhausenxky. Còn từ năm 1754 ông trở thành người chỉ huy và nhạc sĩ sáng tác của Nhà hát opera cung đình. Trong giai đoạn này ông sáng tác 2 vở opera seria đều theo kịch bản của Metastasio là "Antigon" và "Vua chăn bò".
Năm 1761 vở vũ kịch (ballet) "Don Juan" trên kịch bản của G. Andgiolini theo vở kịch của Molier đã được biểu diễn thành công lớn tại Vienna. Đây cũng là một từ những kinh nghiệm quan trọng cho phép ông đi vào những cải cách lớn trong nghệ thuật opera ở giai đoạn tiếp theo.
Christoph Willibald Gluck là người rất am hiểu những vấn đề của văn hoá âm nhạc đương thời. Những buổi biểu diễn Oratorio của George Frederic Handel ở London đã để lại trong ông những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Không chỉ vậy, ông là người rất chịu khó tìm hiểu/nghiên cứu thể loại opera comique và nghệ thuật nhạc kịch truyền thống của nước Pháp. Và nhiều nữa để có thể khẳng định rằng: trước khi bắt tay thực sự vào cải cách nhạc kịch, Gluck đã nghiên cứu rất kỹ các góc cạnh khác nhau của nghệ thuật opera châu Âu. Ông không chỉ là một người thông minh, năng động, mà còn là một người từng trải hiểu rõ thực tế của nghệ thuật sân khấu, thế giới các nghệ sĩ, khán giả v.v... Tại Vienna vào năm 1761, ông làm quen với nhà thơ Italia đã từng sống rất lâu ở Paris là Ranieri Calzabigi (Ranieri de' Calzabigi). Hai người rất tâm đầu ý hợp và có cùng quan điểm đánh giá về biểu diễn của nghệ thuật opera. Ranieri Calzabigi là một nhà soạn kịch đã từ lâu chú ý đến nghệ thuật opera. Ông đã có tham dự rất nhiều hoạt động có ý nghĩa đối với nghệ thuật opera ở Paris.
Hoạt động cải cách opera của Gluck được bắt đầu từ vở opera "Orpheus and Eurydice" (tiếng Pháp là Orphée et Eurydice) theo kịch bản bằng tiếng Italia của Ranieri Calzabigi (Ranieri de' Calzabigi). Vở dựa trên câu chuyện thần thoại về Orpheus được dựng tại Nhà hát Burgtheatre của Thủ đô Vienna vào ngày 5 tháng 10 năm 1762. Tác giả kịch bản luôn theo sát quá trình dàn dựng vở diễn, làm việc trực tiếp với các nghệ sĩ tham gia biểu diễn. Bè chính của opera được biểu diễn bởi ca sĩ - kastrat có giọng hát đẹp nổi tiếng thời bấy giờ và đồng thời cũng là người biểu diễn các Oratorio của George Frederic Handel là Gaentano Gvadani. Tuy vậy, vở diễn không tạo dựng được một ấn tượng mạnh trong công chúng của Thủ đô nước Áo.
Năm năm sau, vở opera tiếp theo của Gluck có tên gọi Alceste đã được biểu diễn lần đầu tiên ở Vienna ngày 26 tháng 12 năm 1767. Vở diễn đã tập hợp được một đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc nhất của Viênna thời bấy giờ. Bè Alceste được biểu diễn bởi ca sĩ A. Bernasconi, bè Admeta được biểu diễn bởi giọng tenor tuyệt vời Dz. Thibaldi. Tuy nhiên, vở opera "Alceste" không được công chúng Vienna yêu thích/đón nhận bằng vở "Orpheus and Eurydice". Kịch bản của nó bị chê là cứng nhắc, khô khan và không phù hợp với thị hiếu của công chúng âm nhạc thành Vienna thời bấy giờ.
Và tiếp theo là vở opera thể nghiệm cuối cùng của Christoph Willibald Gluck ở Vienna "Paride và Elena" (Paride ed Elena) trên lời ca của Ranieri Calzabigi vào năm 1770. Vở opera được công diễn lần đầu tiên tại The Burgtheater ở Vienna vào ngày 3 tháng 11 năm 1770. Cả 3 vở nhạc kịch trên được sáng tác trong khoảng từ 1762 đến 1770. Đó cũng chính là giai đoạn cải cách opera đầu tiên của Gluck, hay còn gọi là thời kỳ cải cách ở Vienna của ông.
Trong giai đoạn tiếp theo ông dồn sức vào sáng tác một vở opera trên phần lời bằng tiếng Pháp theo hình tượng bi kịch của Rasin "Iphigénie ë Aulide" (Iphigénie en Aulide). Đây là vở opera có kịch bản không phải của Ranero Kalsabidzi, mà của nhà văn và là nhà ngoại giao người Pháp Leblan Diu Rulle - người đã ở Vienna với cương vị tuỳ viên của Đại sứ quán Pháp. Thể loại opera được ông chọn lựa ở đây là bi kịch - trữ tình. Ngày 19 tháng 4 năm 1774, vở opera "Iphigenie ở Aulide" của Gluck đã được công diễn lần đầu tiên trên sân khấu Viện hàn lâm âm nhạc Hoàng gia ở Paris (Cộng hòa Pháp). Vở opera được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng trong một thời gian dài. Nhạc sĩ làm việc cẩn thận với từng buổi biểu diễn thử. Ông đòi hỏi rất cao nghệ thuật biểu diễn của từng nghệ sĩ, với dàn hợp xướng, dàn nhạc và các nghệ sĩ múa. Các nghệ sĩ hàng đầu của Nhà hát đều được huy động cho buổi công diễn đặc biệt trang trọng mang ý nghĩa lịch sử này. Uvertuya của vở diễn đã phải biểu diễn lại lần thứ hai theo yêu cầu của đông đảo khán giả. Vở diễn đã thành công rực rỡ.
Tiếp đó ông sáng tác vở opera "Armida" (Armide) theo kịch bản của Philippe Quinault (Philippe Quinault) nổi tiếng. Buổi biểu diễn đầu tiên của tác phẩm vào ngày 23 tháng 9 năm 1777 tại Viện hàn lâm Hoàng gia (T he Académie Royale) ở Paris đã giành được sự thành công to lớn.
Philippe Quinault
(Sinh ngày 3 tháng 6 năm 1635 - mất ngày 26 tháng 11 năm 1688. Nhà viết kịch nổi tiếng người Pháp).
Năm 1779 Gluck sáng tác opera 4 màn có tên là Iphigeneia ë Tauris (Iphigeneia in Tauris) theo kịch bản bằng tiếng Pháp của Nicolas-François Guillard. Tác phẩm đã được trình diễn lần đầu tiên vào ngày 18 tháng 5 năm 1779 tại Paris.
Và vào ngày 24 tháng 9 năm 1779 ông đã công diễn vở opera cải cách thứ 4 viết ở nước Pháp là "Tiếng vọng và cây thuỷ tiên" (Echo et Narcisse, Echo and Narcissus) theo kịch bản của Louis Theodor von Tschudi. Tuy nhiên, vở opera trữ tình 3 màn cùng phần mở đầu này không giành được những thành công như tác giả mong đợi. Cũng chính giai đoạn này ông bị bệnh nặng và phải nhanh chóng trở về Vienna. Cả 4 vở opera sáng tác tại Paris trong khoảng từ 1774 đến 1779 là sự tiếp tục những cải cách của Gluck.
Bên cạnh những khán giả và trí thức ủng hộ nhiệt tình những cải cách trong nghệ thuật opera, cũng hình thành một phe những người chống đối lại những cải cách trong opera của Gluck. Và thực sự ở Paris đã hình thành hai phe đối lập nhau. Phe ủng hộ cải cách opera của Gluck có: Russo, Volter và nhiều người khác. Phe chống lại những cải cách có nhà văn - tác giả của nhiều kịch bản Gi.F. Marmontel và nhà văn Pháp nổi tiếng Gi.F. Lagarp.
Chuyến trở về Vienna từ Paris cũng là mốc thời gian kết thúc sự nghiệp sáng tạo opera của Gluck, ông không sáng tác thêm một tác phẩm opera nào nữa cho đến khi qua đời. Cũng thời gian này ông bị bệnh rất nặng sau một cơn đột quỵ xảy ra vào mùa hè năm 1779. Vào năm 1781 ông bị xuất huyết não lần thứ hai. Các sáng tác trong những năm tháng cuối cùng ở Vienna của ông là rất ít ỏi và chủ yếu thuộc lĩnh vực thanh nhạc.
Christoph Willibald Gluck mất tại Vienna ngày 15 tháng 11 năm 1787.
Phạm Lê Hòa
CÁC OPERA
CỦA CHRISTOPH WILLIBALD GLUCK
1. Le cinesi (1754)
2. La fausse esclave (1758)
3. Le diable à quatre (1759)
4. Le cadi dupé (1761)
5. Orfeo ed Euridice (1762)
6. La rencontre imprévue (1764)
7. Telemaco (1765)
8. Alceste (1767)
9. Paride ed Elena (1770)
10. Iphigénie en Aulide (1774)
11. Armide (1777)
12. Iphigénie en Tauride (1779)
13. Echo et Narcisse (1779)