Nghiên cứu lý luận

MỘT SỐ GIẢI PHÁP DẠY HỌC SONATINE CỦA NHẠC SĨ MUZIO CLEMENTI CHO HỌC SINH TRUNG CẤP ORGAN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẠ LONG

22 Tháng Năm 2024

Vũ Thu Trang

Học viên k17 – Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc

 

Nhiều năm gần đây, đầu tư mạnh vào giáo dục âm nhạc và nghệ thuật hàn lâm là xu hướng rõ rệt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo giáo dục là quốc sách, nền tảng giúp xây dựng con người mới Việt Nam. Là bộ phận không tách rời khỏi sự nghiệp giáo dục, đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, đào tạo trung cấp nhạc cụ Organ tại khoa Nghệ thuật, trường Đại học Hạ Long được duy trì phát triển, đáp ứng được một phần nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, công cuộc dạy học đang đứng trước nhiều thách thức do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số giải pháp dạy học Sonatine của nhạc sĩ Muzio Clementi nhằm khắc phục những nhược điểm và phát huy những ưu điểm của học sinh, góp phần nâng cao chất dạy học đàn Organ tại Khoa Nghệ thuật trường Đại học Hạ Long.

1. Quy trình, yêu cầu dạy học Sonatine

Yêu cầu dạy học: cơ sở vật chất đầy đủ; giảng viên lên lớp đều, dạy đủ thời lượng, tận tâm, tận sức; học sinh đi học đều đặn, học tập chủ động tích cực, luyện tập ít nhất 2 tiếng/ngày.

Quy trình dạy học: học sinh chọn, nhận bài, vỡ bài trôi chảy, hoàn thành mục tiêu kỹ thuật và sắc thái, hiểu biết về tác phẩm, rèn luyện tư duy âm nhạc, tư duy biểu diễn. Trong cả quá trình dạy học, giảng viên luôn đồng hành, hướng dẫn, kiểm tra tiến độ, chất lượng để kịp thời uốn nắn, sửa bài cho học sinh.

2. Phương pháp dạy học Sonatine

2.1. Phương pháp dạy của giảng viên

2.1.1. Quan điểm giáo dục nghệ thuật

 Giảng viên nhận thức giáo dục nghệ thuật là một lĩnh vực thuộc giáo dục thẩm mĩ, có chức năng đào tạo, phát triển thẩm mĩ,  mục đích dạy học đàn Organ giúp các em cảm nhận cái đẹp, nhận thức văn minh, từ đó điều chỉnh hành vi, ứng xử, kết nối xã hội tốt hơn…

Giảng viên thay đổi cách đánh giá sức học: chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức kỹ năng sang đánh giá năng lực của học sinh, đề cao năng lực tư duy sáng tạo của người học.

Giảng viên giáo dục ý chí, tinh thần say mê, yêu nghề, tự hào dân tộc qua giáo dục hoài bão trở thành người nghệ sĩ có ích cho xã hội.

2.1.2.  Phương pháp dạy đa dạng, hiệu quả, cụ thể

Giảng viên kết hợp nhiều phương pháp dạy học truyền thống, hiện đại, tăng cường thị phạm, kịp thời động viên, hướng dẫn người học khắc phục khó khăn khi tập luyện.

Giáo viên dạy học cần tích hợp các kiến thức nhạc lý, ký xướng âm, hòa âm, lịch sử âm nhạc, phân tích tác phẩm.

Giáo viên hướng dẫn học sinh biết tự học, thị tấu, nhằm tăng khả năng tự học, chủ động giải quyết vấn đề.

Giảng viên trao đổi biện pháp luyện tập: cần luyện tập hàng ngày; tối thiểu 2 giờ/ngày, phân nhỏ thời gian mỗi buổi tập; giáo dục ý chí khắc phục mọi khó khăn.

2.1.3.  Bổ sung học liệu đàn Organ

Bổ sung học liệu phải miêu tả rõ kỹ thuật đàn, cách luyện tập đạt đúng tốc độ, sự linh hoạt ngón bấm. Tránh nói chung chung, hoặc ít liên quan nhiệm vụ học tập của các em.

Sưu tầm, xây dựng tủ sách riêng của Khoa, bộ môn đàn Organ, bổ sung định kỳ các đầu sách, tài liệu tham khảo.

2.1.4. Hiểu biết về tâm sinh lý học sinh

Giảng viên tạo điều kiện cho học trò nghe, chọn bài, phát triển ý tưởng sáng tạo thông qua cảm nhận, tưởng tượng âm nhạc, từ đó học sinh lựa chọn cách thể hiện tác phẩm phù hợp với bản thân.

Khi tiếp xúc với học sinh, giảng viên cần thông cảm với quá trình diễn biến phát triển tâm sinh lý có tính chất thiếu ổn định của các em trong độ tuổi 11-17;  xây dựng mối quan hệ hợp tác trên cơ sở tôn trọng, thương yêu, tin cậy, bình đẳng, tế nhị; kết hợp nhà trường với gia đình, thông tin chính xác, phối hợp can thiệp kịp thời.

2.2. Phương pháp học tập của học sinh

2.2.1. Vỡ bài theo đặc điểm ngón tay người học

Khi tập đàn, học sinh cần xác định điểm mạnh, yếu bàn tay: ngón tay thon dài hay chắc tròn, yếu ớt vụng về hay khoẻ mạnh linh hoạt… Tuỳ mục đích, khả năng hoàn thiện bài, thầy cô cùng các em chủ động khắc phục.

Cần rèn luyện, kiểm soát, điều khiển ngón bấm để đạt mục đích cuối cùng là đa dạng âm sắc. Ví dụ: ngón 4 thường yếu nhất thì cần làm khoẻ mạnh, linh hoạt, ngón 1 mạnh nhất cần rèn để đánh to, nhỏ được.

Vỡ bài ở tốc độ chậm, bấm chính xác nốt và số ngón tay.

2.2.2. Biện pháp nhớ, thuộc nhuần nhuyễn tác phẩm

Thứ nhất, các em xây dựng thói quen tập đến đâu, nhớ đến đấy. Lưu ý: vỡ bài kỹ, không vội, ẩu mà kiên trì tập riêng từng tay, ghép hai tay chậm, lưu loát, tập từ đoạn nhỏ đến đoạn lớn, làm kỹ các chỉ dẫn ngắt nghỉ, phân câu, sắc thái trong bản nhạc; hiểu phân câu, phân đoạn, sắc thái, hoà thanh trong câu, đoạn nhạc; vận dụng tai nghe và năng khiếu.

Thứ hai, thuộc câu, đoạn nhạc nhuần nhuyễn, chắc chắn. Có thể lựa chọn đánh từ giữa đoạn, giữa bài, hoặc bất kỳ chỗ nào cảm thấy chưa thuộc kỹ, nhớ mang máng, hay vấp. Thử tạo áp lực đánh ở tốc độ chậm, nhanh hơn so với khả năng bản thân.

Thứ ba, học sinh cần dành nhiều thời gian tập riêng chỗ kỹ thuật khó để diễn tấu lưu loát. Ví dụ: học sinh vướng mắc các đoạn móc kép thì ngoài tập luyện với máy đập nhịp và tăng dần tốc độ, bố trí số ngón lại hoặc tập non legato bám sâu phím đàn.

2.2.3. Cải thiện kỹ thuật

Đối với việc dạy học đàn Organ hệ Trung cấp tại Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Hạ Long thì việc tập thêm các bài tập kỹ thuật Etude để luyện ngón, cải thiện tính chính xác, độ mềm dẻo, linh hoạt ngón bấm có ý nghĩa quan trọng bởi lứa tuổi bắt đầu học của các em còn tương đối nhỏ, dễ uốn nắn.

 Một số kỹ thuật Etude giúp ích nhiều khi tập Sonatine của nhạc sĩ Muzio Clementi: kỹ thuật chạy gam, rải, cách phát âm, kỹ thuật móc kép, đúp nốt quãng 3, vê nốt, chùm 3…

Một số Etude phù hợp với trình độ học sinh Trung cấp Organ tại trường ĐHHL: etude opus 599, opus 299, opus 740 của Karl Czerny, opus 100 của Friedrich Burgmuller.

Lưu ý: học sinh tập với Metrome để kiểm soát tốc độ, ngón bấm, giúp người học có nền tảng nhịp phách vững vàng, góp phần thể hiện tính cân phương, hài hoà trong Sonatine của Clementi.

2.2.4. Tư duy âm nhạc

Người học cần xử lý câu, đoạn nhạc một cách tinh tế, từ chi tiết đến tổng thể nhằm trình bày bài rõ ràng, mạch lạc, tạo ra âm thanh đẹp, sáng rõ.

Ngoài ra, học sinh cần chú ý cách “phát âm” câu nhạc như khi hát, biết cách “thở”, “lấy hơi” theo từng nét nhạc…, có nghĩa cần chú ý cách chạm phím đàn, ngắt nghỉ đúng câu, đoạn. Cần hiểu đôi tay đánh đàn là phương tiện thể hiện ý đồ chuẩn bị trước trong não bộ, tư duy, tiềm thức, nên âm thanh phát ra thì ngay khoảnh khắc đầu tiên xúc chạm phím đàn, người chơi cần có ý thức biểu đạt. Trong quá trình thể hiện tác phẩm, cần chú ý đến “hơi nhạc”, thường được ngăn cách bởi dấu lặng.

Học sinh có thể liên hệ hình tượng âm nhạc với vốn sống, trải nghiệm cá nhân, tạo rung động, tưởng tượng trở nên sâu sắc, chân thực.

3. Giải pháp đa dạng hoá trong dạy học Sonatine

3.1. Tổ chức lớp

 Cho đến nay, phương pháp dạy học một thầy một trò lớp chuyên ngành Organ giữ nguyên giá trị, khó thay đổi. Tuy nhiên, giảng viên có thể tổ chức giờ lên lớp đa dạng với hình thức học nhóm để trao đổi, so sánh, đánh giá kết quả cá nhân. Giải pháp này hữu ích khi giảng viên giới thiệu vấn đề mới, muốn tạo hứng thú học tập, sử dụng câu hỏi, thảo luận nhóm trong lớp để thúc đẩy tiến trình học, kiểm tra kiến thức học sinh, đánh giá năng lực chung của lớp nhanh chóng…

Ngoài ra, để những buổi học trở nên thú vị, giảng viên có thể thay đổi địa điểm học tạo không gian cuốn hút, kích thích đa giác quan và cảm nhận thực tế, khiến các em có động lực học tập tốt hơn.

3.3.2. Biểu diễn tác phẩm

Với nhiều học sinh, dù đã lên lớp cẩn thận, luyện tập chăm chỉ, nhưng khi biểu diễn nơi đông người, nhiều em xuất hiện tâm lý run rẩy, lo lắng, mất tập trung.

Một số biện pháp cụ thể:

Cần lựa chọn chương trình thi không quá sức, đúng trình độ học sinh, bởi nếu học sinh tập bài có độ kỹ thuật quá khó sẽ nảy sinh tâm lý ngại học, phát sinh cố tật kỹ thuật, thiếu tự tin biểu diễn hoàn chỉnh tác phẩm; nhưng kỹ thuật bài quá dễ cũng gây tâm lý chán nản, chủ quan, lười học.

 Chuẩn bị bài vở chu đáo: thuộc bài nhuần nhuyễn; tập trung tư tưởng cao độ;  rèn luyện tư duy, trí nhớ; ổn định tốc độ; kiểm soát tình cảm, tâm lý của bản thân…

Tập biểu diễn trong giờ trả bài và chỗ đông người. Ngoài ra, các em có thể ghi âm, ghi hình lại, tham gia biểu diễn trong sinh hoạt hàng ngày, các chương trình cộng đồng, thử sức tại cuộc thi…

Tác phong biểu diễn: rèn luyện thái độ tự tin vào bản thân, từ thả lỏng cơ thể, tâm trí đến chuyển động cơ thể biểu hiện nhạc cảm, kỹ thuật.

Trên đây là một số giải pháp về yêu cầu quy trình và phương pháp dạy học Sonatine trong đào tạo Trung cấp Organ, Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Hạ Long. Với những đề xuất này, chúng tôi hy vọng có thể tìm ra những giải pháp nhằm đa dạng hóa, mang giá trị thực tiễn cao để nâng cao chất lượng dạy học Sonatine tại Hệ Trung cấp Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Hạ Long, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn, trình độ, đáp ứng tốt yêu cầu bối cảnh, tình hình đất nước hiện nay.