Họ và tên: Ngô Ngọc Ánh
Lớp: K15. Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc.
SDT: 0335380194
Từ khóa: Giáo dục toàn diện, Dạy học âm nhạc, Phát triển phẩm chất và năng lực.
Âm nhạc không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn là một công cụ giáo dục mạnh mẽ giúp phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Trong giáo dục hiện đại, vai trò của âm nhạc ngày càng được đánh giá cao, không chỉ vì khả năng truyền tải văn hóa và nghệ thuật mà còn vì những tác động tích cực mà nó mang lại cho sự phát triển toàn diện của con người. Do đó, việc khám phá những phương pháp và lợi ích của việc dạy học âm nhạc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
1. Các phẩm chất và năng lực chung
Trước hết, dạy học phát triển phẩm chất năng lực trên cơ sở lấy học sinh (HS) làm trung tâm, coi trọng việc cảm thụ, thực hành các kỹ năng và giải quyết các nhiệm vụ của bài học gắn với cuộc sống, theo quan điểm” khám phá- kiến tạo”. Các hoạt động dạy học thường bắt đầu bằng các động từ để chỉ rõ các thao tác về tư duy hoặc các vận động để cảm nhận âm nhạc. Giáo viên (GV) sẽ sử dụng các phương pháp dạy học như dùng lời để thuyết trình, đàm thoại, đặt câu hỏi hay dạy học đa phương tiện để HS suy nghĩ đưa ra các ý kiến trả lời. Vì thế, các em sẽ tự nói nên những kiến thức, những điều đã biết, từ đó, GV dẫn dắt kết nối với tri thức của bài học để hình thành tri thức và kĩ năng mới. Với cách tổ chức dạy học như trên, GV không phải là người chủ động áp đặt và trình bày nội dung kiến thức, mà HS chính là người chủ động, tích cực khám phá nội dung mới của bài học. Mặt khác, đề chuẩn bị cho bài học mới, GV có thể đưa ra yêu cầu, hệ thống câu hỏi để HS tìm hiểu bài qua sách giáo khoa giấy và sách điện tử.
HS thông qua các nội dung học tập, cách thức tổ chức các hoạt động học tập, trải nghiệm, khám phá âm nhạc trong và ngoài nhà trường. Khi HS hào hứng, tích cực tham gia vào các hoạt động cảm thụ, luyện tập thực hành và thể hiện các bài hát, các tác phẩm âm nhạc ca ngợi lòng yêu nước, giàu tính nhân văn, có nội dung giáo dục sâu sắc và hình thức hấp dẫn chính là việc góp phần tích cực giáo dục HS tình yêu quê hương, đất nước. Hay sự trung thực, tinh thần trách nhiệm trong các hoạt động tương tác và thể hiện âm nhạc cùng các bạn và thầy cô cũng chính là những biểu hiện chân thực của các phẩm chất được hình thành ở mỗi HS.
Với đối tượng là HS cấp Trung học cơ sở (THCS), GV đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cụ thể giúp HS phát huy được ưu điểm, sở trường của bản thân. Một trong những cách mà GV thực hiện đó là hướng dẫn và tạo điều kiện cho HS tham gia các hoạt động âm nhạc trong nhà trường và xã hội, giúp HS có cơ hội mở rộng sự hiểu biết, giao lưu, từ đó tạo nên sự tự tin trong học tập. GV thường xuyên tổ chức những hoạt động sáng tạo âm nhạc từ dễ đến khó, giúp HS biết đề xuất ý tưởng, tạo ra sản phẩm mới, không suy nghĩ theo lối mòn, hiểu và sử dụng âm nhạc trong các mối quan hệ với lịch sử, văn hóa và các loại hình nghệ thuật khác. Nhờ đó, HS biết vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học để tiếp thu kiến thức mới, hình thành kỹ năng mới, phát huy tiềm năng để tích cực tham gia hoạt động âm nhạc, phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong học tập và đời sống. Như ở trang đầu của mỗi chủ đề bài học ở sách giáo khoa âm nhạc lớp 6, sách đã trình bày các những yêu cầu cụ thể về phẩm chất và năng lực ở từng mạch nội dung.
Việc dạy và học âm nhạc không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt các kỹ thuật và lý thuyết cơ bản, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện của học sinh. Thông qua việc ứng dụng và sáng tạo âm nhạc, học sinh không chỉ củng cố kiến thức mà còn phát triển các kỹ năng quan trọng như tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và tự tin trong biểu diễn. Các hoạt động âm nhạc giúp các em không chỉ trở thành những người yêu thích âm nhạc mà còn là những cá nhân năng động và sáng tạo, sẵn sàng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Đầu tư vào giáo dục âm nhạc không chỉ mang lại lợi ích cho sự phát triển cá nhân của học sinh mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng giáo dục phong phú và đầy sáng tạo. Do đó, các nhà trường và các bậc phụ huynh nên tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích việc học âm nhạc, nhằm tận dụng tối đa những lợi ích mà âm nhạc mang lại cho sự phát triển của thế hệ trẻ.
2. Năng lực đặc thù
Với mục tiêu, nhiệm vụ học tập các mạch nội dung của môn học và thông qua các phương pháp giáo dục của thầy cô giáo sẽ giúp HS trau dồi các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, cùng các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo để trở thành những công dân phát triển toàn diện về nhân cách; hài hòa về thể chất và tinh thần. Ba thành phần trong năng lực đặc thù được quy định tại chương trình môn học gồm:
Thể hiện âm nhạc: Các kỹ năng thể hiện âm nhạc đều được hình thành thông qua việc học và thực hành thường xuyên, từ đó được phát triển dần và nâng cao theo từng lớp học và ngay trong các giai đoạn của chương trình lớp 6. Tái hiện và trình bày tác phẩm là bước đầu tiên trong việc thể hiện âm nhạc. HS cần học cách trình bày và biểu diễn âm nhạc thông qua hoạt động hát, đọc nhạc, chơi nhạc cụ. Khi HS thực hành biểu diễn thường xuyên, các em sẽ làm quen với việc biểu diễn trước tập thể, hình thành tâm lý tự tin hơn khi trình diễn tác phẩm. Thể hiện tính chất, sắc thái âm nhạc là khả năng diễn tả được sắc thái tình cảm của tác phẩm, tìm hiểu cách sử dụng giọng điệu, cách thể tác phẩm để có thể truyền đạt được ý nghĩa và tính chất âm nhạc của tác phẩm. Để đạt được điều này, HS cần được hướng dẫn về cách phân tích các yếu tố âm nhạc như nhịp điệu, giai điệu, hòa âm và khả năng đồng cảm với tác phẩm, giúp HS truyền tải được thông điệp và cảm xúc của nhạc sĩ tới người nghe. Thể hiện các nét giai điệu và hòa âm đơn giản. HS biết cách trình diễn tác phẩm một mình và biết cách kết hợp với giai điệu hoặc nhạc cụ khác để có thể tạo ra tiết tấu, giai điệu hòa âm đơn giản. Điều này đòi hỏi HS phải có khả năng lắng nghe và tương tác với các nhạc cụ để tạo ra giai điệu hài hòa cho tác phẩm.
Cảm thụ và hiểu biết âm nhạc: Biết thể hiện thái độ và cảm xúc khi nghe một tác phẩm âm nhạc. Biết điều chỉnh vận động cơ thể phù hợp với nhịp điệu và tính chất âm nhạc. Tham gia tìm hiểu tác giả, tác phẩm âm nhạc để hiểu biết được sự đa dạng của âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hóa, lịch sử, xã hội và các loại hình nghệ thuật khác. Hiểu biết và sử dụng âm nhạc trong bối cảnh phù hợp. Vận dụng kiến thức cơ bản về lý thuyết âm nhạc, cảm thụ âm nhạc để phân tích và đánh giá được tác phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, việc phân tích và đánh giá không chỉ dừng lại ở việc hiểu các kiến thức lý thuyết mà còn đòi hỏi khả năng cảm nhận và tư duy âm nhạc. Khi nghe, HS cần cảm nhận được tính chất của bản nhạc, cấu trúc chung về câu, đoạn cùng những cảm xúc mà âm thanh mang lại. Tiếp nối là đánh giá được sự tác động của bản nhạc đến người nghe. Khi GV dẫn dắt cho HS kết hợp được các kiến thức, kỹ năng, và cảm thụ âm nhạc, HS có thể hiểu và đánh giá được tác phẩm sâu sắc hơn. Các yêu cầu này được chi tiết hóa ở mỗi bài học và triển khai ở tất cả 6 mạch nội dung của sách.
Ứng dụng và sáng tạo âm nhạc: HS biết vận dụng kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm âm nhạc vào thực tế ở trong và ngoài nhà trường; thông qua các hoạt động âm nhạc. Có thể sáng tạo và trang trí các nhạc cụ tự tạo đơn giản, kết hợp kiến thức và kỹ năng âm nhạc vào thực tế. Kết hợp các nhạc cụ để tạo ra các âm hình tiết tấu hay các nét nhạc đơn giản ở các loại nhịp 2/4; 3/4 hay 4/4 đã được học. Những hoạt động này không chỉ củng cố kiến thức âm nhạc mà còn khuyến khích sự sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và tự tin trong biểu diễn. Hơn nữa, việc tham gia vào các dự án âm nhạc cộng đồng và các buổi biểu diễn tại trường giúp học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp và thể hiện bản thân, đồng thời tạo ra một môi trường giáo dục phong phú và năng động.
Năng lực đặc thù trong giáo dục âm nhạc không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức cơ bản mà còn chú trọng vào việc phát triển phẩm chất và kỹ năng toàn diện của học sinh. Việc thể hiện âm nhạc qua các kỹ năng biểu diễn, từ trình bày và tái hiện tác phẩm đến diễn tả tính chất và sắc thái của âm nhạc, giúp học sinh tự tin hơn và phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc sâu sắc. Học sinh được khuyến khích không chỉ hiểu biết về âm nhạc mà còn ứng dụng và sáng tạo qua việc tạo ra và trang trí nhạc cụ, tạo âm hình tiết tấu, cũng như tham gia vào các dự án âm nhạc cộng đồng.
Việc dạy học âm nhạc không chỉ mang lại những giá trị nghệ thuật mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Âm nhạc không chỉ giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng biểu diễn, cảm thụ và ứng dụng mà còn phát triển các phẩm chất cá nhân quan trọng như sự tự tin, tinh thần hợp tác và khả năng sáng tạo. Các hoạt động âm nhạc, từ việc thể hiện tác phẩm đến sáng tạo nhạc cụ và tham gia vào các dự án âm nhạc cộng đồng, đều góp phần tạo ra một môi trường học tập phong phú và đầy cảm hứng. Hơn nữa, âm nhạc giúp học sinh hòa quyện giữa lý thuyết và thực tiễn, nâng cao khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Để phát huy tối đa những lợi ích của giáo dục âm nhạc, sự hỗ trợ từ giáo viên, phụ huynh và cộng đồng là vô cùng quan trọng. Chính sự kết hợp hài hòa giữa giáo dục âm nhạc và các phương pháp giáo dục khác sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, đồng thời chuẩn bị tốt cho những thử thách trong tương lai. Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc chú trọng và đầu tư vào dạy học âm nhạc không chỉ là một lựa chọn, mà là một nhu cầu thiết yếu để nuôi dưỡng và phát triển thế hệ trẻ một cách toàn diện và bền vững.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Phương pháp dạy học âm nhạc (Giáo trình đào tạo GV bậc THCS hệ Cao đẳng Sư phạm), Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông môn Âm nhạc.
- Vũ Mai Lan (2018), Tài liệu tập huấn giáo viên môn Âm nhạc 6 (kết nối tri thức với cuộc sống), Nxb Giáo dục Việt Nam.
- Hoàng Long- Đỗ Thị Minh Chính (đồng Tổng Chủ biên)- Vũ Mai Lan (Chủ biên) - Bùi Minh Hoa- Trần Bảo Lân- Trịnh Thị Oanh- Cao Sỹ Anh Tùng- Nguyễn Thị Thanh Vân, Sách giáo viên Âm nhạc lớp 6 (Kết nối tri thức với cuộc sống), Nxb Giáo dục Việt Nam.
- Ngô Thị Nam (2001), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Giáo dục.
- https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2018-tt-bgddt-ban-hanh-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-169745-d1.html (truy cập tháng 2/2024).