Nội san

Nghệ thuật âm nhạc và con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa (tiếp theo và hết)

23 Tháng Ba 2011

 Nghệ thuật âm nhạc và con người... (phần 1)

                                                                         TSKH. Phạm Lê Hòa

9. Thực trạng về hoạt động giáo dục âm nhạc trong thời kỳ đổi mới ở nước ta.

9.1. Những thành tựu về hoạt động giáo dục âm nhạc trong thời gian qua.

Trong thời gian vừa qua ở Việt Nam công tác giáo dục âm nhạc đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Các cơ sở đào tạo âm nhạc được tổ chức một cách tương đối hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Huế đều đã có Học viện âm nhạc/Nhạc viện. Các Học viện/Nhạc viện này thật sự là những cơ sở đào tạo có hiệu quả nhân tài âm nhạc cho đất nước. Bên cạnh đó, các trường Cao đẳng và Trung học văn hóa nghệ thuật ở các tỉnh, thành phố cũng đã không chỉ đào tạo, cung cấp nguồn sinh viên cho các Nhạc viện ở trung ương, mà còn phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ngay tại địa phương. Trong sự tương quan với các quốc gia trong khối Asean, hệ thống giáo dục âm nhạc nước ta phát triển tương đối đồng bộ và đã có những thành tựu đáng tự hào qua các kỳ thi âm nhạc quốc tế.

Ngoài ra, công tác giáo dục âm nhạc ở Việt Nam cũng còn được tiến hành trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng là một khu vực thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân Việt Nam. Và cùng với hệ thống giáo dục âm nhạc là sự có mặt của các Dàn nhạc giao hưởng trong đời sống văn hóa âm nhạc Việt Nam như: Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Học viện âm nhạc quốc gia Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trong đó toàn bộ nhạc công đều là người Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những giá trị âm nhạc Việt Nam được sản sinh ra trong chế độ mới. Ngay tại những quốc gia trong khu vực không phải trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt và có thu nhập bình quân tính trên đầu người cao hơn nước ta rất nhiều cũng không có dù chỉ một dàn nhạc giao hưởng gồm toàn người bản xứ. Các dàn nhạc giao hưởng ở Việt Nam là những dàn nhạc có trình độ diễn tấu cao. Chính vì vậy, nhiều lần các dàn nhạc đã được mời đi công diễn ở nhiều nước trên thế giới (như ở Nhật Bản, CHLB Đức, Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Lào …).

Khi viết đến những dòng này chúng tôi cũng nhớ lại thời gian năm 1975, ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sự xuất hiện của Nhà hát giao hưởng – Hợp xướng – Nhạc vũ kịch Việt Nam trên sân khấu thành phố Hồ Chí Minh là một sự kiện đáng nhớ. Lần đầu tiên trong lịch sử, trên thành phố mang tên Bác vang lên những âm thanh của Dàn nhạc giao hưởng do toàn các nhạc công người Việt Nam biểu diễn. Phải nhìn nhận đây không chỉ là một sự kiện văn hóa đơn thuần. Đó chính là một sự kiện chính trị đáng ghi nhớ trong lịch sử Việt Nam: đội quân của những người chiến thắng cũng chính là những người có một trình độ văn hóa nghệ thuật cao. Chúng ta không chỉ chứng minh sức mạnh của ý chí giải phóng miền Nam, của lòng quả cảm trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, mà hơn thế nữa, là truyền thống văn hóa Việt Nam, là sức mạnh của văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

 

 

Nói đến công tác giáo dục âm nhạc trong thời gian qua cũng phải kể đến vai trò tích cực của giới những người làm công tác âm nhạc ở các cơ quan thông tấn, báo chí, các đài truyền hình, đài phát thanh trên phạm vi toàn quốc. Trên cương vị công tác của mình, họ đã không chỉ tuyên truyền cho những tác phẩm âm nhạc lành mạnh góp phần xây dựng thị hiếu thẩm mỹ tốt đẹp cho con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mà còn mang đến cho người xem những tri thức cơ bản nhất để có thể hiểu một tác phẩm âm nhạc.

Cho đến hôm nay, là người Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về đội ngũ những người làm công tác âm nhạc Việt Nam. Phần lớn trong số họ đều được đào tạo một cách chính qui tại các nhạc viện danh tiếng trong và ngoài nước. Đây chính là cơ sở vững chắc cho sự phát triển của nghệ thuật âm nhạc nước nhà trong tương lai. Trong những chuyến đi nghiên cứu - khảo sát văn hóa ở các nước trong khu vực, chúng tôi thấy đây là một thế mạnh hơn hẳn của Việt Nam trong sự so sánh với các nước khác.

Trong hơn nửa thế kỷ đã qua của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, một trong những đặc điểm nổi bật là sự kế thừa một cách sáng tạo di sản văn hóa âm nhạc dân tộc. Đây là một trong những thế mạnh của nền âm nhạc mới Việt Nam. Không phải nước nào trên thế giới cũng có một di sản văn hóa âm nhạc phong phú của 54 thành phần dân tộc như ở nước ta. Song có lẽ điều quan trọng hơn là một cách nhìn đúng đắn về di sản văn hóa âm nhạc đồ sộ này mà nền âm nhạc nước ta đã tiến hành trong hơn nửa thế kỷ qua. Nhìn lại kho tàng sáng tác phẩm độ sộ của hơn nửa thế kỷ qua, chúng tôi thấy nổi bật sự kế thừa di sản văn hóa truyền thống Việt Nam. Những tác phẩm xuất sắc nhất chính là những tác phẩm mang đậm tính dân gian trong từng ý nhạc.

Âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam được khai thác ở mọi cấp độ khác nhau. Khi thì sử dụng nguyên gốc một bài dân ca, một giai điệu dân vũ; khi lại sử dụng một câu dân ca là chủ đề để phát triển âm nhạc; khi chỉ là khai thác một nét dân ca; và cũng có khi chỉ khai thác tinh thần của giai điệu dân ca để phát triển thành tác phẩm âm nhạc.

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến mảng âm nhạc diễn tấu bởi các nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Âm nhạc cổ truyền Việt Nam được đào tạo một cách hệ thống từ sơ cấp, trung cấp cho đến đại học tại các Nhạc viện lớn trong cả nước. Đây là nguồn cán bộ chủ yếu tham gia các hoạt động âm nhạc trên phạm vi cả nước và nước ngoài. Nếu như trước đây thế giới chỉ biết đến Việt Nam như đất nước của những chiến công lẫy lừng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, thì hôm nay, thế giới lại biết đến Việt Nam như một đất nước có truyền thống lâu đời về văn hóa âm nhạc. Những âm điệu dân ca Việt Nam trữ tình đã vượt qua biên giới, đã vang vọng nhiều lần trên các sân khấu hòa nhạc của các nước châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã khẳng định một sức sống mãnh liệt của văn hoá Việt Nam nhiều thế kỷ qua trước mọi biến động mang tầm lịch sử. Và cũng thật chính xác khi khẳng định: trong thời gian qua, âm nhạc dân gian, những âm điệu dân gian đã góp phần tích cực trong việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở khía cạnh giáo dục tình yêu quê hương đất nước.

Nghệ thuật âm nhạc trong thời gian qua còn góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có lẽ cho đến hôm nay không ai còn hoài nghi khi khẳng định vai trò của âm nhạc nói chung, của các ca khúc cách mạng nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Nhiều thế hệ các nhạc sỹ Việt Nam bằng tài năng của mình đã sáng tạo ra những ca khúc cách mạng nhằm cổ vũ, động viên toàn dân ta trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Trong cuộc đấu tranh gian khổ ấy, nhiều nhạc sỹ Việt Nam đã anh dũng hy sinh thân mình cho tháng lợi của dân tộc hôm nay. Có thể kể ra đây những ca khúc cách mạng: Lên đàng (sáng tác của Lưu Hữu Phước), Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu), Tiến quân ca (Văn Cao), Đoàn vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu) .v.v... của thời kỳ chống thực dân Pháp. Và Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), Giải phóng miền Nam (Lưu Hữu Phước), Cùng anh tiến quân trên đường dài (Huy Du) .v.v... của thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược. Những ca khúc cách mạng của những năm tháng hào hùng này còn sống mãi với non sông, đất nước.

Còn trong thời kỳ hòa bình, những ca khúc cách mạng vẫn động viên toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Các ca khúc của ngày hôm nay vẫn là những giây phút tâm tình của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp người lao động. Âm nhạc góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức thẩm mỹ, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân.

Là một bộ môn nghệ thuật, âm nhạc tạo dựng những hình tượng nghệ thuật phản ánh cuộc sống. Thông qua hình tượng nghệ thuật, âm nhạc góp phần nâng cao nhận thức thẩm mỹ. Đây là một trong những thế mạnh của âm nhạc. Cũng có nhiều nhà lý luận âm nhạc coi bản chất của âm nhạc là sự ngợi ca. Và điều đó cũng có nghĩa là âm nhạc rất thuận tiện khi thể hiện những hình tượng nghệ thuật mang tính hướng thiện, mang tính giáo dục đạo đức cao cho con người.

Những vẻ đẹp thật sự của âm nhạc bao giờ cũng tiềm chứa trong nó sức cuốn hút mạnh mẽ người nghe, đưa người nghe đến với những vẻ đẹp thật sự của hình tượng nghệ thuật. Chính vì vậy, trong một chừng mực nhất định, hình tượng nghệ thuật tạo ra bởi âm nhạc sẽ là đối trọng để so sánh, để khẳng định sức sống mãnh liệt của cái đẹp.

Không thể phủ nhận được một chức năng quan trọng khác của âm nhạc là chức năng giải trí. Đây là một chức năng phổ quát của âm nhạc mà trước đây chưa được đánh giá đúng mức. Trong sinh hoạt xã hội, con người không chỉ lao động dù lao động là cần thiết để tồn tại, con người con có nhu cầu giải trí. Chính âm nhạc là một trong những nhân tố có thể mang đến cho con người những giây phút giải trí, thư dãn sau những giờ phút lao động căng thẳng, mệt nhọc, nhất là trong xã hội hiện đại, khi mà trong cuộc sống đầy những stress ở mọi lúc, mọi nơi. Sự nghỉ ngơi thoải mái và mang tính thẩm mỹ cao sẽ góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của những người lao động trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Sự nghỉ ngơi thoải mái mang tính trí tuệ cao thông qua âm nhạc cũng làm cho người ta tránh xa được những cám dỗ, những sinh hoạt không lành mạnh luôn tồn tại trong đời sống xã hội. Và như vậy cũng có nghĩa là nghệ thuật âm nhạc góp phần tích cực trong việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

9.2. Về những nhược điểm còn tồn tại trong hoạt động giáo dục âm nhạc hiện nay:

Trong sinh hoạt âm nhạc vẫn còn có những tác phẩm âm nhạc không phản ánh được những tình cảm trong sáng, lành mạnh mà đi sâu vào những vấn đề tiêu cực của đời sống xã hội. Có những tác phẩm kêu gào một lối sống không lành mạnh với những từ ngữ rẻ tiền, giai điệu âm nhạc trống rỗng. Chính những tác phẩm loại này sẽ làm xấu đi nhận thức thẩm mỹ trong người nghe, làm cho người nghe cảm thấy bi quan, chán nản trước những khó khăn, mất mát không tránh khỏi của cuộc đời. Tại Đại hội đại biểu Hội Nhạc sỹ Việt Nam lần thứ VI (tháng 5 năm 2000), nhiều tham luận của các nhạc sỹ đã nêu bật sự nguy hiểm của loại âm nhạc này trong đời sống xã hội cũng như sự cần thiết phải đấu tranh với loại âm nhạc này, góp phần làm trong sạch bầu không khí âm nhạc Việt Nam, góp phần mang lại cho quần chúng nhân dân sự hưởng thụ tốt lành từ những giá trị âm nhạc.

Phải nói rằng ở đây cũng có phần trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục âm nhạc cũng như các nhà lý luận âm nhạc. Các nhà giáo dục âm nhạc chưa đủ mạnh để hướng dẫn nhận thức thẩm mỹ cho đông đảo người nghe nhạc. Còn các nhà lý luận âm nhạc chưa chú ý nhiều đến công tác phê bình âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng. ở đây cũng bộc lộ một khoảng trống trong công tác tuyên truyền các giá trị thực sự của nghệ thuật âm nhạc ở các cơ quan thông tin đại chúng. Nhiều nhà báo phụ trách các chuyên mục có liên quan đến âm nhạc chưa được trang bị những tri thức đầy đủ để có thể dánh giá đúng một tác phẩm âm nhạc. Và vì vậy, họ thường "nghe lỏm" những lời phán nhiều khi vô trách nhiệm của một số người, thường dùng nhiều từ sáo rỗng để thẩm định một cách vô tội vạ các tác phẩm âm nhạc, họ thường tâng bốc, phong “sao” cho nhiều ca sĩ mà thực tài không đúng là như vậy. Chính một số nhà báo kiểu này đã nhầm tưởng rằng: chỉ bằng sự cảm thụ tuỳ tiện là có thể hiểu và đánh giá đúng tác phẩm âm nhạc. Đó là một thiếu sót nghiêm trọng trong tư duy về loại hình nghệ thuật dùng âm thanh làm phương tiện biểu hiện ngôn ngữ này. Nghệ thuật âm nhạc bao giờ cũng đòi hỏi ở người nghe một sự chuẩn bị nhất định về phương diện tri thức âm nhạc. Nghệ thuật âm nhạc đã từ lâu không chỉ là tiếng nói của tâm hồn, mà còn là một khoa học thực thụ về sự hoà hợp giữa các âm thanh âm nhạc. Vì vậy, không học, không có kiến thức âm nhạc thì không thể hiểu thấu được một hình tượng nghệ thuật và càng không thể nhận xét đúng đắn về tác phẩm âm nhạc.

Giới những người làm công tác lý luận âm nhạc chuyên nghiệp bao giờ cũng cảm động và thường khuyến khích các hoạt động nhằm góp phần tuyên truyền cho các giá trị âm nhạc. Nhưng có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta không thể đồng tình với những nhận định tuỳ tiện về các hiện tượng âm nhạc, dù là những lời khen ngợi quá đi nữa.

Đã có không ít ca khúc trong những ngày qua đã không nêu lên được tinh thần cao thượng mà lại gợi lên lòng ích kỷ trong tình yêu cuộc sống, gây phản tác dụng trong việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để vạch rõ điều này không hề đơn giản. Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, hình tượng nghệ thuật tạo bởi âm thanh âm nhạc thường không mang tính cụ thể mà mang tính trừu tượng cao. Cùng một tác phẩm có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Song không phải như vậy thì một hình tượng nghệ thuật tạo bởi các âm thanh âm nhạc không thể hiểu nổi hoặc muốn hiểu sao cũng được. Ngôn ngữ âm nhạc mang tính ước lệ cao khi biểu đạt hình tượng nghệ thuật nhưng cũng mang trong mình những quy chuẩn riêng về tính trữ tình, tính hành khúc, tính kịch, tính bi thương .v.v... Một tác phẩm mang tính trữ tình khác với một tác phẩm có nội dung đấu tranh quyết liệt.

Một khu vực mà trong giai đoạn vừa qua chúng ta còn chưa kiểm soát chặt chẽ là những ca khúc của người Việt Nam chuyển về từ nước ngoài theo con đường bất hợp pháp. Bên cạnh những ca khúc về tình yêu quê hương đất nước còn những ca khúc không rõ ràng về hình tượng nghệ thuật, không thích hợp với truyền thống Việt Nam về phương diện phong cách biểu diễn. Vì vậy, trong nhiều trường hợp đã tạo ra những ấn tượng không tốt trong tâm cảm của những người thưởng thức loại hình âm nhạc này.

Các ca khúc nước ngoài ở Việt Nam phần lớn là mang ý nghĩa giáo dục cao với tiết tấu sôi động hợp với tâm sinh lý của tuổi trẻ. Tuy nhiên, công tác quản lý sao cho loại hình này phát triển hợp lý trong sự giao lưu văn hóa với thế giới, tôi cho là cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét thấu đáo. Chúng ta đã gặp những tiết mục sao chép một cách máy móc những động tác, cách ăn mặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam trên sân khấu ca nhạc thời gian vừa qua.

Để xây dựng một nền văn hóa âm nhạc Việt Nam lành mạnh thì các khuyết, nhược điểm trên cần phải được khắc phục.

9.3. Một vài nhận xét:

-       Những ưu điểm và nhược nhược điểm ở trên, theo chúng tôi, đều có nguyên nhân chủ quan và khách quan của nó. Tại nhiều Đại hội Hội nhạc sỹ Việt Nam cũng như các cuộc hội thảo về âm nhạc, giới nhạc sỹ đã có những ý kiến cụ thể để phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết điểm trong tiến trình âm nhạc Việt Nam. Trong đó nhiều ý kiến đề cao vai trò của công tác giáo dục âm nhạc, coi giáo dục âm nhạc là chìa khoá để nâng cao hơn khả năng hưởng thụ những thành quả âm nhạc trong nhân dân.

-       Nghệ thuật âm nhạc có rất nhiều ưu thế, có thể góp phần tích cực trong việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian tới, để nghệ thuật âm nhạc có thể đóng góp phần tích cực trong việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực âm nhạc cần có những thay đổi phù hợp, có những chế độ, chính sách hợp lý.

10. Về một số biện pháp cơ bản của giáo dục âm nhạc trong thời gian tới. Trên đây đã phân tích và khẳng định vị trí, vai trò của nghệ thuật âm nhạc trong việc giáo dục con ngươì Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để tăng cường hơn nữa chức năng của âm nhạc trong việc giáo dục con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, theo chúng tôi, cần chú trọng những vấn đề chính như sau:

10.1. Tăng cường hơn nữa việc phát huy vai trò giáo dục của âm nhạc trong nhân dân, đặc biệt trong giới thanh niên. Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, muốn hiểu một tác phẩm âm nhạc, người nghe cần có một lượng tri thức nhất định về âm nhạc. Trong thời gian tới cần chú trọng hơn nữa việc giáo dục tri thức âm nhạc trong thế hệ tương lai của đất nước. Chỉ có bằng trí tuệ âm nhạc, người nghe mới có khả năng thẩm định chính xác giá trị nghệ thuật của một tác phẩm âm nhạc, mới có khả năng đánh giá và có quan điểm đúng đắn trước một hiện tượng âm nhạc.

Chúng ta đã có nhiều trung tâm giảng dạy âm nhạc, nhưng phần đông người Việt Nam vẫn chưa có một hành trang đầy đủ về tri thức âm nhạc để có thể thẩm định tác phẩm âm nhạc, mặc dù trong truyền thống, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền âm nhạc dân gian phong phú và độc đáo.

Việc giáo dục âm nhạc đã có chủ trương tiến hành một cách có hệ thống trong hệ thống các trường phổ thông. Rất nhiều trường phổ thông hiện nay đã có giáo viên âm nhạc được đào tạo chuyên sâu. Tuy nhiên, mức độ và hiệu quả thực tế còn chưa cao. Bằng kinh nghiệm của những năm tháng học tập, nghiên cứu tại Nhạc viện nước ngoài, chúng tôi nhận thấy: Mỗi buổi hoà nhạc ở nước bạn thực sự là một ngày hội. Người ta đến Nhà hát Ôpêra và Balê với những bộ quần áo đẹp nhất, với một tâm hồn thanh cao, để rồi chăm chú lắng nghe một cách say sưa như lạc vào thế giới của những giai điệu thần tiên. Đến với âm nhạc là đến với thế giới của sự thánh thiện, nơi làm cho tâm hồn con người trong sáng hơn. Đến với nghệ thuật âm nhạc là đến với những tư duy mang tầm thời đại về những khiá cạnh khác nhau của thể giới tâm cảm con người. Âm nhạc an ủi những nỗi đau khổ hiện hữu trong mỗi con người, tiếp thêm cho con người nghị lực và niềm tin yêu cuộc sống. Có được như vậy là do trong nhiều năm qua, nước bạn đã có một hệ thống giáo dục âm nhạc có hiệu quả cao, thật sự mang đến cho mỗi người dân những tri thức cần thiết cho việc thưởng thức một tác phẩm âm nhạc.

Nước ta không chỉ là một nước có truyền thống văn hóa, mà còn là một nước có truyền thống về âm nhạc. Nhiều tác phẩm thanh nhạc và cả khí nhạc còn được lưu truyền cho đến ngày hôm nay là minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt của âm nhạc dân gian Việt Nam. Do đó, chúng tôi tin rằng: nếu tổ chức công tác giáo dục âm nhạc một cách hợp lý, thì có thể giúp cho quần chúng nâng cao khả năng thưởng thức các giá trị của nghệ thuật âm nhạc. Đây là điều mà chúng ta có thể làm được.

Vì vậy, cần tiến hành công tác giáo dục âm nhạc một cách rộng khắp ở nhiều nơi, nhiều lúc. Trong tình hình hiện nay, trước mắt cần đào tạo cấp tốc một đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ làm công tác âm nhạc có nhiệt tình cao và tri thức âm nhạc vững vàng. Đây sẽ là những hạt nhân đảm nhiệm việc tuyên truyền phát huy sức mạnh lớn lao của âm nhạc trong việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

10.2. Chú trọng giáo dục thẩm mỹ thông qua âm nhạc, hướng người nghe tới những giá trị thực sự của loại hình nghệ thuật âm nhạc. Đây là một việc làm phức tạp và đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ của những người làm công tác giáo dục âm nhạc cũng như những người làm công tác quản lý trong lĩnh vực âm nhạc. Giáo dục con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa thông qua âm nhạc là con đường giáo dục một cách tự nhiên, là khơi dậy, thức tỉnh những phẩm chất hướng thiện vốn tiềm ẩn trong mỗi con người.

Các phương tiện thông tin đại chúng là một kênh có ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng âm nhạc để giáo dục những phẩm chất cần thiết của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chú trọng tuyên truyền có trọng điểm theo những chương trình giáo dục thẩm mỹ âm nhạc lành mạnh, nhằm góp phần mang đến cho người nghe những hình tượng thẩm mỹ âm nhạc cao, góp phần giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật cho thế hệ tương lai của đất nước.

Giáo dục âm nhạc tại các trường học, các câu lạc bộ, nhà văn hóa .v.v... cũng là một hướng tốt để tăng cường tri thức âm nhạc trong thanh niên, học sinh.

10.3. Bảo tồn và phát huy giá trị vốn âm nhạc dân gian. Di sản văn hóa âm nhạc dân gian là một trong những vốn quý của nước ta. Vì vậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vô giá ấy trong tương lai là một trong những nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của đội ngũ những người làm công tác âm nhạc Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu, biểu diễn và tuyên truyền. Chỉ có như vậy âm nhạc Việt Nam mới chứng minh được sức mạnh tiềm ẩn của mình, mới góp phần tích cực trong việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đẩy mạnh  công tác tuyên truyền giáo dục thị hiếu âm nhạc lành mạnh, kiên quyết đấu tranh chống lại các thể loại âm nhạc đồi truỵ, có nội dung tư tưởng thiếu lành mạnh có hại cho việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là một công việc cần thiết cần được tuyên truyền rộng rãi trong đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân. Các phương tiện thông tin đại chúng hết sức có lợi thế trong công tác giáo dục trực tiếp tri thức âm nhạc cho quần chúng nhân dân, góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

10.4. Nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về âm nhạc. Đây là một vấn đề không kém phần quan trọng, nếu như không muốn nói là quan trọng nhất, trong việc phát huy vai trò của nghệ thuật âm nhạc trong việc giáo dục con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự chỉ đạo chính xác và kịp thời trước những hiện tượng âm nhạc trong cuộc sống là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của công tác giáo dục âm nhạc cho con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thời đại hiện nay, công tác giáo dục âm nhạc còn nhiều bất cập về nhiều phương diện như: công tác tổ chức, chế độ đãi ngộ với những người làm công tác văn hóa nghệ thuật nói chung, với những người làm công tác âm nhạc nói riêng.... Phải làm sao để có thể huy động được sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng xã hội trong việc làm cho âm nhạc có tác dụng tốt trong sự nghiệp cách mạng, góp phần tích cực trong việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong thực tế nhiều năm công tác trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc, điều rõ nhất mà chúng tôi nhận thấy là tình yêu nghề nghiệp của những người làm công tác âm nhạc Việt Nam trước những khó khăn vất vả của đời thường. Người nghệ sỹ nhiều khi phải bươn trải để tồn tại. Song trong họ lòng đam mê nghệ thuật vẫn luôn hiện hữu, vẫn thôi thúc họ vươn lên trong cuộc sống để sáng tạo cái đẹp góp phần làm đẹp cho đời. Khi nghĩ và nói về họ, bao giờ trong tôi cũng trào dâng niềm kính phục và hy vọng vào tương lai sẽ vươn tới của loại hình nghệ thuật dùng âm thanh là ngôn ngữ biểu hiện này . . .

Trong thời gian tới, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực âm nhạc còn phải chú trọng hơn nữa đến việc giao lưu văn hoá âm nhạc với các nước trên thế giới. Làm sao để nhân dân ta có cơ hội tiếp xúc với những tinh hoa văn hoá vốn là niềm tự hào, là tài sản văn hóa chung của toàn nhân loại. Làm sao để bạn bè thế giới thấy được truyền thống văn hóa âm nhạc Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Trong thời đại công nghệ thông tin, xu thế toàn cầu hóa là tất yếu lịch sử trong sự phát triển xã hội loài người, sự hội nhập văn hóa với thế giới không chỉ là một nhu cầu, mà còn là một thách thức đòi hỏi trí tuệ định hướng của những người làm công tác quản lý văn hóa nghệ thuật. Làm sao để văn hóa nước ta hội nhập mà không phải hòa nhập, không phải hòa tan trong đại dương văn hóa thế giới.

Tóm lại, trên đây chúng tôi đã nêu lên một số giải pháp chính cốt là nhằm phát huy vai trò của nghệ thuật âm nhạc, góp phần tích cực vào việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện cụ thể của công tác giáo dục âm nhạc cho quần chúng có thể có những biện pháp cụ thể hơn. Tuy vậy, ở đây chúng tôi chỉ xin trình bày những vấn đề phổ quát.

11. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) đã xác định: "Phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội". [1; 54-55]. Theo hướng đó Nghị quyết đã xác định nhiệm vụ cụ thể đầu tiên là "Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới". Điều đó cũng có nghĩa là Nghị  quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) đã đánh giá rất cao nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta.

Đã qua nhiều thế kỷ nghệ thuật âm nhạc khẳng định vai trò quan trọng cũng như sức mạnh lớn lao của nó trong đời sống văn hóa tinh thần của con người. Nhiều thiết chế chính trị, tôn giáo đã biết khai thác thế mạnh của âm nhạc phục vụ cho các hoạt động chuyên môn của họ. Chính vì vậy, theo chúng tôi, cần phải chú trọng hơn nữa việc sử dụng nghệ thuật âm nhạc trong việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong việc xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nghệ thuật âm nhạc với những chức năng chủ yếu của mình đã và đang đóng góp phần không nhỏ. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề tế nhị trong khi thực thi công tác này đối với đông đảo quần chúng nhân dân cũng như thế hệ trẻ - tương lai của đất nước.

Cần phải biết khai thác những thế mạnh của nghệ thuật âm nhạc trong việc nâng cao nhận thức cũng như giáo dục đạo đức cho con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với những chức năng cơ bản của mình, nghệ thuật âm nhạc có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục những đức tính cần thiết của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Đảng cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương khóa VIII. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội 1998. 112 trang.

2. GS.TS. Hoàng Vinh. Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta. NXB Văn hóa Thông tin và Viện văn hóa. Hà Nội 1999. 405 trang.

3. Nhiều tác giả. Từ điển triết học. NXB Tiến bộ. Matxcơva 1986. 720 trang.

4. A. Xôkhor. Vai trò giáo dục của âm nhạc. NXB Văn hóa. Hà Nội 1978. Vũ Tự Lân dịch từ nguyên bản tiếng Nga. 108 trang.