Nội san

Một số biện pháp làm phong phú chất lượng giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây

19 Tháng Tư 2011

Đào Khánh Chi

Khoa TNNC

 

Phương pháp dạy học có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình giảng dạy, có thể được xem là cách thức phối hợp hoạt động thống nhất giữa thầy và trò, là con đường hoạt động của người thầy làm cho trò nắm vững kiến thức, kỹ năng kỹ xảo, phát huy năng lực nhận thức, hình thành thế giới quan và nhân cách phát triển toàn diện.

Ngày nay, phương pháp dạy học với thầy đóng vai trò chính trên lớp, nặng về thuyết trình, trò thụ động trong việc tiếp thu kiến thức ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, một vấn đề đặt ra hiện nay chính là đổi mới phương pháp trong hoạt động giảng dạy, trong đó người thầy đóng vai trò chủ đạo, còn người học đóng vài trò chủ động, tích cực, sáng tạo. 

Cũng như các môn học khác, ở Lịch sử âm nhạc (LSÂN) phương Tây, đổi mới phương pháp dạy học là điều vô cùng quan trọng và cần thiết, nhằm hướng tới việc sinh viên (SV) có thể được nghe, phân tích và hiểu tác phẩm một cách sâu sắc. Và thiết nghĩ, để tiết học trở nên sinh động và hiệu quả hơn, nên chăng việc cải tiến cách dạy và tổ chức hội thảo sau mỗi phần học là một trong những giải pháp?

I. Cải tiến cách dạy.

Thông thường, với bài giảng giới thiệu về một nhà soạn nhạc, giảng viên thường chia nội dung bài dạy thành ba phần:                                 

1. Tiểu sử;

2. Đặc điểm âm nhạc;

3. Giới thiệu tác phẩm tiêu biểu.

Ở phương pháp cũ, người dạy thường thực hiện những phần này chủ yếu bằng phương pháp thuyết trình. Điều này vô hình chung đã gây sự nhàm chán, đơn điệu cho bài giảng, không tạo được hứng thú cần thiết cho người học. SV cho dù đã tìm hiểu trước, đọc trước nhưng cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức: sẽ không thể nhớ về tác giả nếu thiếu những hình ảnh sinh động, thực tế; khó có thể hiểu những đặc điểm âm nhạc cũng như hình thức, cấu trúc tác phẩm nếu không được nghe và cảm thụ tác phẩm ấy; và sẽ khó để lại ấn tượng trong các em về từng tác giả nếu không được nghe những câu chuyện lý thú, hấp dẫn bên lề. Chính vì vậy, trong phần này giảng viên cần đưa ra một số phương pháp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho môn học. Chúng ta có thể lấy một bài giảng giới thiệu về nhà soạn nhạc Mozart (3 tiết) làm minh chứng. Bài giảng sẽ chia làm 3 phần, mỗi phần sẽ sử dụng một phương pháp thích hợp để có một giờ học hiệu quả.                                   

a, Tiểu sử (1 tiết): sử dụng kết hợp diễn giải kiến thức với kể chuyện âm nhạc và giới thiệu hình ảnh.                           

Để thu hút sự chú ý của người học, trước khi vào bài giảng viên kể cho các em nghe một trích đoạn trong câu chuyện “Thời thơ ấu của Mozart” (trích trong tập “Những mẩu chuyện âm nhạc” của Hoàng Lân, NXB Giáo dục), nhằm tạo hứng thú, lôi cuốn sự chú ý của SV, tạo cho các em những ấn tượng ban đầu về nhân vật.

Vào bài giảng, người dạy giới thiệu tiểu sử Mozart không chỉ bằng lời, bằng những con số, những sự kiện một cách khô khan mà còn bằng những hình ảnh cụ thể. Giảng viên cho các em xem ảnh chân dung Mozart để các em bước đầu hình thành tình cảm về nhạc sĩ và có hứng thú muốn khám phá nhân vật thần đồng này.

 

Chân dung W.A.Mozart (1756 - 1791)

 

SV được yêu cầu nghiên cứu trước giáo trình. Tới lớp, các em sẽ trình bày một cách tóm tắt những ý chính trong bài, sau đó, giảng viên sẽ tổng kết, nhấn mạnh những ý quan trọng, cần chú ý nhất. Điều này làm cho giờ học trở nên sống động hơn, người học không bị thụ động mà còn thực sự tham gia xây dựng bài, tạo không khí hứng khởi cho giờ học.                    Chẳng hạn: Với ý “Âm nhạc là môn học chính. Tuy nhiên, cậu bé Mozart vẫn được học toán, môn học cậu rất yêu thích và các môn khác như tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Anh. Ngoài ra cậu cũng đọc rất nhiều văn học kịch nghệ”.  

* Giảng viên nhấn mạnh: Việc được học nhiều ngôn ngữ (tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Anh) từ khi còn nhỏ là một điều đặc biệt ở cậu bé Mozart. Bởi lẽ, cậu đã được học những thứ mà những đứa trẻ bình thường khác không được học. Điều này cùng với việc đọc nhiều tác phẩm văn học đã giúp ích rất nhiều cho việc viết Opera sau này của Mozart.                    

                                                      

Hay với ý: “7 tuổi Mozart được đi biểu diễn ở nhiều nước Châu Âu, gây được tiếng vang lớn”.

* Giảng viên giải thích thêm: việc được đi biểu diễn ở nhiều nước Châu Âu đã bổ sung rất nhiều cho học vấn của Mozart. Quan trọng hơn, Mozart đã có cơ hội để nghe thấy âm nhạc thịnh hành trong các thành phố này. Mozart đã gặp khá nhiều nhạc sĩ, từ đó bắt đầu hình thành quan điểm về sự nghiệp của họ. Việc đi biểu diễn ở nhiều nước Châu Âu còn giúp ích rất nhiều cho việc sáng tác của ông sau này, khi ông có thể kết hợp tinh hoa âm nhạc khác nhau của nhiều quốc gia với nhau trong tác phẩm của mình. Việc giảng viên nhấn mạnh những vấn đề trên sẽ giúp cho SV hiểu hơn về những đặc điểm sáng tác sau này của Mozart.

Giảng viên kể một câu chuyện về tài sáng tác của Mozart. Câu chuyện “Mozart- Thần đồng âm nhạc”(trích trong tập “những mẩu chuyện âm nhạc”- Hoàng Lân- NXB giáo dục).

* Mục đích kể câu chuyện trên là tạo không khí thoải mái trong lớp học, vừa cho các em giải trí đồng thời qua câu chuyện các em cũng hiểu được rõ hơn về tài năng của nhân vật, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tác. Có thể, bằng phương pháp thuyết trình, các em sẽ quên những điều này rất nhanh. Nhưng với phương pháp vừa nêu trên, thiết nghĩ những kiến thức này sẽ “đọng” sâu trong tâm trí các em, giúp các em nhớ rất lâu những đặc điểm nổi bật của nhân vật so với những nhân vật đã được học trước đó.

Giảng viên cho SV xem những hình ảnh khác xoay quanh quá trình trưởng thành và bộc lộ tài năng của nhân vật. Cách này sẽ giúp kích thích tính tư duy sáng tạo của người học, khi các em có thể quan sát tranh và đưa ra nhận xét của mình sau những gì đã được học.

 

Mozart (ngồi bên Piano) và Linley (thầy dạy violon) (năm 1770)

 

 

Chẳng hạn: nhìn tranh, chúng ta phần nào có thể liên tưởng và hình dung cuộc sống và sự phát triển của âm nhạc thời kỳ nhân vật sống. Điều này được thể hiện qua cách ăn mặc, kiểu tóc của những người trong tranh. Chú bé Mozart ngồi bên chiếc đàn piano với một cuốn sách dày những bản nhạc. Điều này càng làm chúng ta hiểu và thêm khâm phục tài năng bẩm sinh của cậu bé mặc dù lúc đó cậu còn rất nhỏ tuổi. Những người trong tranh đều là những người yêu nhạc và học âm nhạc một cách nghiêm túc…

Giảng viên tiếp tục giảng bài và nhấn mạnh vào những năm cuối đời của Mozart, bởi điều này sẽ gây xúc động và ấn tượng mạnh mẽ với các em bởi cuộc đời bi đát của người nhạc sĩ đầy tài năng.   

* Trong phần giới thiệu tiểu sử, sự kết hợp diễn giải kiến thức với kể chuyện âm nhạc và xem tranh ảnh sẽ làm cho tiết học chủ yếu là những kiến thức về lý thuyết sẽ không còn khô khan, đơn điệu. Với việc vừa được xem tranh ảnh, vừa được nghe kể chuyện, phương pháp này làm người học có cảm giác như đang được thưởng thức nghệ thuật. Điều này sẽ gây ấn tượng, và giúp các em hiểu, nhớ lâu hơn những thông tin về nhà soạn nhạc vĩ đại này.

b, Đặc điểm âm nhạc (1 tiết).         

Kết hợp diễn giải kiến thức với thị phạm tác phẩm và nghe băng đĩa.

Thông thường ở phần này, giảng viên vẫn chỉ đọc cho SV chép lần lượt từng đặc điểm âm nhạc mà không chứng minh những đặc điểm đó bằng thực tế. Do đó, SV không thể hiểu sâu những đặc điểm sáng tác của tác giả, khi đó thì  khó có thể phân tích và hiểu hình thức, cấu trúc tác phẩm một cách sâu sắc. Chính vì vậy, trong phần này giảng viên có thể chọn lọc sử dụng một số phương pháp sau:              

Ở mỗi đặc điểm âm nhạc sẽ lấy một ví dụ để chứng minh cho đặc điểm đó. Cụ thể như sau:

Đặc điểm âm nhạc của Mozart:

+ Âm nhạc tươi vui, giai điệu đơn giản, phản ánh niềm lạc quan.

+ Giai điệu được xác định trưởng-thứ rõ ràng.

Giảng viên sẽ thị phạm trên đàn piano hoặc organ một phần chủ đề của bản sonate “Ah! Vous Dirai-je, Mamam”.

 

 

Giảng viên chứng minh: Âm nhạc tươi vui ở chỗ sử dụng hoàn toàn điệu trưởng, giai điệu đi lên và đi xuống liền bậc vang lên rất trong sáng và nhẹ nhàng. Giai điệu đơn giản ở chỗ sử dụng nhiều các bậc I, III, V của giọng C dur cùng với tiết tấu các nốt đen liên tiếp nhưng không hề tẻ nhạt. Giai điệu được xác định điệu tính trưởng rõ ràng.

 

Thêm vào đó, giảng viên sẽ đệm đàn để các em hát và nhớ được giai điệu và tạo sự sôi nổi cho lớp học.

+ Về hình thức, âm nhạc Mozart đặc trưng cho phong cách trường phái cổ điển Viên: cân đối, hài hoà, khúc chiết.

Giảng viên hát cho các em nghe bài “Khát vọng mùa xuân” và phân tích sự cân đối, hài hoà trong bản nhạc: bản nhạc viết ở hình thức 2 đoạn đơn có tái hiện, mỗi đoạn gồm 8 ô nhịp và chia làm 2 câu, mỗi câu 4 ô nhịp. Đây là một minh chứng rất điển hình về sự cân đối, hài hoà trong sáng tác của Mozart.

 

+ Hoà thanh cổ điển, vận dụng các công năng T,S,D.

Giảng viên thị phạm chủ đề bản sonate N011 A-dur và chỉ vòng công năng trên bản nhạc.

 

 

Vòng công năng: T - T6 – D6 – TSVI – D6 – T – SII6 – K64 – D

                                T – T6 – D6 – TSVI – T – SII6 – K64 – D7 – T

Mozart sử dụng chủ yếu các công năng T, S, D, vòng kết rất hoàn chỉnh, rất điển hình cho trường phái cổ điển Viên.

 

+ Sáng tác của Mozart mang đậm màu sắc âm nhạc dân gian.

Giảng viên cho nghe đĩa tác phẩm “Valse Favorite” để SV cảm nhận tác phẩm, hiểu rõ hơn đặc điểm này.

Bản nhạc được viết ở điệu Valse, Một điệu nhảy rất phổ biến và vui nhộn của nước Áo mà Mozart đã vận dụng vào tác phẩm của mình. Mozart đã cảm hoá người nghe ở giai điệu du dương êm dịu với tính nhảy múa vui nhộn mang lại cảm giác thoải mái.

+ Mozart hay sử dụng những nét bán cung, giai điệu có tính kịch.

Giảng viên cho nghe bài “Ave Verum Corpus” và yêu cầu SV chỉ ra đặc điểm này trong bản nhạc, sau đó giảng viên phân tích lại. 

Việc trình bày tác phẩm ngay trong tiết học sẽ khiến SV tiếp thu một cách trọn vẹn hơn bởi các em có thể cảm nhận âm nhạc bằng âm thanh chứ không đơn thuần chỉ là đọc sách hay nhìn nốt nhạc. Với phương pháp này, bài giảng sẽ không còn khô khan, nhàm chán, tiết học sẽ diễn ra theo đúng nghĩa là một tiết học âm nhạc.

 

c. Các tác phẩm tiêu biểu (1 tiết). Diễn giải kiến thức kết hợp thị phạm tác phẩm, nghe băng đĩa cùng nhìn tổng phổ.

Đây là một phần quan trọng trong nội dung bài giảng giúp SV làm quen với những tác phẩm tiêu biểu của các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới. Chính vì vậy, nhất thiết trong phần này các em phải được nghe và cảm thụ tác phẩm.

* Giới thiệu tác phẩm giao hưởng tiêu biểu của Mozart.

- Mozart đã sáng tác hơn 41 bản giao hưởng, trong đó giảng viên sẽ giới thiệu cho SV bản giao hưởng nổi tiếng nhất: N040 g-moll. Đây là bản giao hưởng trữ tình, tính kịch.

Chương I: Sonate Allegro, không có phần mở đầu. Chủ đề chính rất đặc sắc, đượm vẻ trữ tình, xúc động với các quãng 2 thứ đi xuống.

Giảng viên thị phạm chủ đề chính cho các em nghe bằng đàn Piano:

 

 

Sau đó cho các em nghe lại bằng dàn nhạc giao hưởng đánh kết hợp nhìn tổng phổ. Điều này giúp các em được tiếp xúc với âm nhạc một cách từ từ nhưng lại có hiệu quả. Bởi lẽ, nếu chỉ nghe mà không nhìn thì các em sẽ rất chóng quên hoặc sau một vài phút thì không còn tập trung nghe nhạc nữa; ngược lại, nếu nhìn tổng phổ thì các em sẽ tập trung từ đầu đến cuối. Các chương khác chỉ giới thiệu tính chất và hình thức âm nhạc.

* Giới thiệu nhạc kịch tiêu biểu.

Giảng viên yêu cầu SV phải nhớ số lượng và các tác phẩm tiêu biểu, sau đó cho các em xem trích đoạn đĩa hình một phần của vở nhạc kịch “Đám cưới Figarô” để các em cảm nhận được không khí của tác phẩm.                      

* Giới thiệu tác phẩm khí nhạc thính phòng tiêu biểu.

Mozart viết rất nhiều các thể loại âm nhạc thính phòng với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều tác phẩm mang giá trị cao. Nổi bật là sonate N011 A-dur. Bản này gồm 3 chương. Ví dụ với chương I (Phong cách biến tấu), giảng viên thị phạm chủ đề chính để SV cảm nhận giai điệu của tác phẩm. Giảng viên cho nghe lại bằng dàn nhạc giao hưởng đánh kết hợp nhìn tổng phổ.

* Chú ý: cả 3 chương đều không viết theo hình thức sonate.

Kết thúc bài giảng, giảng viên yêu cầu một số em tóm tắt cuộc đời, sự nghiệp của Mozart. Sau đó giảng viên sẽ tổng kết lại một lần nữa những nét chính về nhà soạn nhạc vĩ đại này.

 

Với việc sử dụng phối hợp các phương pháp trong một bài giảng như trên, giảng viên sẽ tránh được lối truyền thụ kiến thức một chiều, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, vì thế trò sẽ cảm thấy hứng thú, lớp học không còn nặng nề mà trở nên sôi nổi, hấp dẫn và đem lại hiệu quả giáo dục cao.

 

II. Tổ chức thảo luận.

Hiện nay, việc tổ chức cho SV thảo luận sau mỗi phần học đang dần trở nên phổ biến và cần thiết. Đối với bất kỳ môn học nào, việc tổ chức thảo luận giúp cho SV ôn lại và nhớ lâu kiến thức cũ một cách hệ thống. Đồng thời, giảng viên có thể thấy được những lỗ hổng trong kiến thức của SV để từ đó có biện pháp khắc phục và bổ sung cho những lỗ hổng đó. Đây cũng là một hình thức làm cho lớp sôi nổi, kích thích tư duy sáng tạo ở người học.

Việc tổ chức thảo luận sẽ được tiến hành ở cuối mỗi học trình nhằm giúp SV ôn lại kiến thức một cách hệ thống, nắm chắc nội dung bài học trước khi kiểm tra.

Chẳng hạn, với thời lượng kiến thức đã học cuối học trình 2, giảng viên có thể chọn thảo luận về hai thời kỳ: Tiền cổ điển và cổ điển.

Theo đó, giảng viên có thể đưa ra câu hỏi: Những nhạc sĩ nào thuộc thời kỳ tiền cổ điển? Hãy nêu những nét khái quát về Johann Sebastian Bach? Đặc điểm âm nhạc và những tác phẩm tiêu biểu của ông?...

Về hình thức tổ chức: giảng viên chia lớp thành 4 nhóm. Vị trí của 4 nhóm theo hình tròn. Ở giữa giảng viên đặt một mũi tên có trục xoay. Sơ đồ như sau:

 

 

Sau khi giảng viên đưa ra câu hỏi, các nhóm suy nghĩ trả lời. Giảng viên sẽ xoay mũi tên, mũi tên dừng ở nhóm nào thì nhóm đó được quyền trả lời trước, ba nhóm còn lại nhận xét và đóng góp ý kiến. Giảng viên sẽ là người tổng hợp ý kiến và đánh giá nhóm nào trả lời đầy đủ và chính xác nhất. Nhóm đó sẽ được quyền ra câu hỏi tiếp theo cho các nhóm còn lại. Cứ như vậy cho đến hết nội dung thảo luận. Hoặc cũng có thể, giảng viên chia lớp làm hai nhóm. Nhóm trưởng mỗi nhóm sẽ bốc thăm câu hỏi cho nhóm mình, sau đó cả nhóm sẽ cùng thảo luận và thống nhất đưa ra đáp án. Sau khi một nhóm đọc đáp án thì nhóm còn lại có thể đưa ra câu hỏi chất vấn, yêu cầu nhóm bạn trả lời.

 

Giảng viên sẽ đóng góp ý kiến với mỗi nhóm và tổng kết toàn bộ vấn đề

Cuối cùng giảng viên sẽ đưa cho mỗi tổ một bản gồm những câu hỏi trắc nghiệm, trong đó thâu tóm những vấn đề cơ bản nhất về các thời kỳ và các nhạc sĩ. Các SV sẽ khoanh tròn vào đáp án đúng. Sau thời gian quy định, giảng viên sẽ đọc câu hỏi và đáp án của từng nhóm trước cả lớp.

 

Với hình thức thảo luận như trên, chắc chắn lớp học sẽ hào hứng hơn, sôi nổi hơn, SV cảm thấy thoải mái khi đưa ra ý kiến của mình. Buổi thảo luận có cảm giác như một cuộc thi kiến thức giữa các đội nên các em sẽ tích cực và tư duy nhiều hơn. Qua đó, kiến thức của các em sẽ được củng cố hơn, các em sẽ cảm thấy yêu thích môn học hơn.

LSÂN phương Tây là môn học rất quan trọng trong các trường giảng dạy âm nhạc. Việc giảng dạy tốt môn học này ở các trường sư phạm đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến là phương pháp giảng dạy. Với đặc trưng của môn học là mang nặng những kiến thức lịch sử, giảng viên cần tìm tòi, suy nghĩ để tìm ra phương thức truyền tải hấp dẫn, thu hút, lôi cuốn sinh viên, để môn LSÂN không còn là môn học khô khan, đơn điệu mà thực sự sinh động, thu hút người học./.