Nội san

Suy nghĩ về vấn đề thực tập của sinh viên hệ đại học tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

15 Tháng Mười Hai 2011

Ths. Nguyễn Thị Hải Phượng

Khoa Sư phạm Âm nhạc

 

Trong suốt thời gian đào tạo tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW, sinh viên phải thực hiện nhiều hoạt động khác nhau. Những hoạt động đó có một vị trí, vai trò nhất định trong quá trình đào tạo của nhà trường, trong đó hoạt động thực tập sư phạm là một hoạt động có vai trò hết sức quan trọng và bổ ích giúp cho sinh viên sư phạm có cơ hội thực hành giảng dạy, thể hiện những kiến thức đã tích lũy được trong quá trình đào tạo tại trường Sư phạm. Thực tập sư phạm còn là cơ hội để sinh viên tiếp cận thực tế giáo dục tại các trường học, cơ sở giáo dục để từ đó sinh viên gắn lý thuyết với thực hành, cọ xát với thực tiễn, rút ra những mặt mạnh và điểm hạn chế của bản thân để có sự nhìn nhận đúng đắn sau khi ra trường.

            Hiện nay, sinh viên sư phạm âm nhạc hệ Đại học trường ĐHSP Nghệ thuật TW thực tập 2 giai đoạn: giai đoạn I ở học kỳ II năm thứ 3 với thời gian 3 tuần, giai đoạn II ở học kỳ II năm thứ 4 với thời gian 6 tuần.

            Phương thức thực hiện: Sinh viên tự liên hệ địa điểm thực tập và quy trình các em dựa vào yêu cầu được viết trong tập hồ sơ thực tập sinh viên được phát trước đợt thực tập để thực hiện.

            Kết quả thực tập của sinh viên được thể hiện trong cuốn hồ sơ thực tập. Việc thực tập sư phạm theo phương thức trên theo quan điểm của chúng tôi sẽ có những mặt ưu điểm và hạn chế sau:

            Ưu điểm

- Sinh viên phải tự nỗ lực đi liên hệ địa điểm thực tập và trong quá trình thực tập các em hoàn toàn độc lập do vậy sẽ phát huy khả năng tự lập và sáng tạo của từng sinh viên. Sau mỗi đợt thực tập các em sẽ có những bước trưởng thành nhất định.

- Sinh viên có thể về quê thực tập điều đó sẽ giảm được chi phí.

- Nhà trường không phải đi liên hệ các điểm thực tập, không cần phân công giáo viên chỉ đạo thực tập, không phải tổ chức các đoàn thực tập... sẽ giảm được một lượng công việc và kinh phí đáng kể...

            Hạn chế

- Là sinh viên đi thực tập nên đa số các em còn rất non nớt, bỡ ngỡ hoặc thường các em chỉ mạnh một vài mặt. Do vậy việc đi thực tập theo cá nhân sẽ dẫn đến tình trạng thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau, thiếu không khí sôi nổi, động lực thi đua và học tập lẫn nhau.

-  Mặt khác, việc để cho sinh viên tự đi thực tập độc lập và không có sự kiểm tra giám sát sẽ dẫn đến phát sinh các tiêu cực trong quá trình thực tập như điểm “ma”, “chạy điểm”... hoặc rất có thể sinh viên không thực tập nhưng vẫn có kết quả thực tập. Vô hình chung thời gian 9 tuần của hai đợt thực tập rất lãng phí và hơn nữa sinh viên vẫn không lĩnh hội được kinh nghiệm thực tế. Từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của nhà trường.

            Chúng tôi muốn đề cập tới kết quả thực tập của sinh viên thông qua cuốn Hồ sơ thực tập.

            Bộ Hồ sơ thực tập đã đưa ra một “chuẩn” có sẵn để thống nhất giữa các giai đoạn thực tập, giữa các địa phương có sinh viên thực tập, thuận lợi cho các sinh viên không làm thất lạc các bảng đánh giá. Bộ hồ sơ gọn nhẹ, thống nhất về nội dung. Giúp cho sinh viên có điểm tựa để phấn đấu, rèn luyện. Hơn nữa, toàn bộ nội dung thực tập được thể hiện trong hồ sơ thực tập giúp cho sinh viên có cái nhìn tổng quát và xác định được những công việc phải làm trong quá trình thực tế. Từ đó sinh viên có sự chủ động trong kế hoạch của mình.

Mặt khác, trong những điểm thống nhất đó chúng ta vẫn cần có những nét riêng cho từng thời điểm thực tập giai đoạn I phải khác giai đoạn II, sinh viên mỗi khoa phải có nội dung thực tập và yêu cầu khác nhau mỗi hệ đào tạo phải có mục tiêu riêng ... không thể giống nhau như  bộ hồ sơ thực tập hiện nay.

            Theo chúng tôi, để phát huy những mặt mạnh và hạn chế mặt tiêu cực của phương thức thực tập trong giai đoạn hiện nay nên đưa ra các giải pháp như sau:

            - Nhà trường nên cho sinh viên thực tập theo nhóm (có thể có sự lựa chọn của sinh viên) và thành lập thành đoàn, có trưởng nhóm do sinh viên chỉ đạo không cần có giáo viên hướng dẫn đi theo.

            - Nhà trường phải có sự kiểm tra, đánh giá sát sao. Nhóm giáo viên chỉ đạo bao gồm: chuyên viên phòng đào tạo, giáo viên tổ bộ môn tâm lý giáo dục và giáo viên dạy phương pháp dạy học ở các khoa... Kết quả thực tập phải do nhóm giáo viên hướng dẫn này quyết định dựa trên sự đánh giá của giáo viên trường sở tại mà các em thực tập.

- Cần thông báo có giảng viên thanh tra đột xuất để sinh viên có ý thức thực tập nghiêm túc, hiệu quả.

            - Kết quả thực tập dựa trên cuốn hồ sơ thực tập cá nhân. Tuy nhiên cuốn hồ sơ đó cần soạn lại nội dung cho phù hợp với từng giai đoạn thực tập, có nội dung bám sát và phù  hợp với chuyên môn từng khoa và mục tiêu đào tạo của từng hệ đào tạo.

Thực tập sư phạm là cầu nối giữa lý luận đào tạo nghề làm thầy với thực tiễn giáo dục phổ thông. Hoạt động thực tập sư phạm mang tính chất thực hành sư phạm đòi hỏi sinh viên phải hành động bằng sự phối hợp của nhiều yếu tố để hình thành nên những kỹ năng, kỹ xảo dạy học, giáo dục và tổ chức các hoạt động nội khóa, ngoại khóa khác trong và ngoài nhà trường. Để mỗi đợt thực tập sư phạm là một hoạt động “học nghề” bổ ích, thiết nghĩ nhà trường cần bồi dưỡng cho sinh viên công tác tư tưởng và tinh thần nhiệt huyết của nghề sư phạm. Từ đó bồi đắp cho thế hệ giáo viên lòng yêu nghề, mến trẻ, nâng cao và trau dồi năng lực sư phạm cho các thế hệ sinh viên trong các giờ học rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, phương pháp giảng dạy. Mỗi thầy cô là một bông hoa đẹp, nhiều thầy cô là một rừng hoa đẹp, sự hình thành và phát triển nhân cách của các thế hệ học sinh có một phần không nhỏ do các nhà sư phạm quyết định, công cuộc xã hội hóa giáo dục phụ thuộc vào tất cả mọi thành phần trong xã hội, song những “kỹ sư tâm hồn” đóng vai trò quan trọng nhất của sự nghiệp trồng người.