Nội san

DẠY HỌC TIẾNG ANH THÔNG QUA MẠNG XÃ HỘI HỌC TẬP EDMODO

01 Tháng Chín 2021

                                                                          Ngô Thị Hòa

Giảng viên Trung tâm Tin học & Ngoại ngữ- Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương

            Edmodo được giới thiệu trong bài viết là một nền tảng công nghệ giáo dục thích hợp để sử dụng kết hợp trong giảng dạy môn học tiếng Anh. Đây được xem là một kênh thông tin giúp người dạy đánh giá được toàn bộ quá trình học tập liên tục của người học, giúp người học phát triển khả năng tự học có hướng dẫn. Bài viết nhằm mục đích lan tỏa việc sử dụng edmodo trong giảng dạy môn tiếng Anh nói riêng và các môn học khác nói chung trong nhà trường.

  1. Đặt vấn đề

Hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ đòi hỏi người học có khả năng tự học, tự nghiên cứu ngoài thời gian lên lớp. Tuy nhiên, việc tự học thiếu tính kỷ luật và không có sự quản lý hay hướng dẫn của người dạy khiến sinh viên tự học không có hiệu quả. Kết nối sinh viên thành một cộng đồng học tập là điều rất cần thiết để khơi gợi và thúc đẩy sinh viên cùng nhau học và trở thành những người học có trách nhiệm. Khi mô hình đào tạo thay đổi kéo theo phương pháp dạy và học cũng cần thay đổi để theo kịp với thời đại. Ngày nay, việc dạy và học không còn bị hạn chế trong không gian lớp học. Cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin của cả người dạy và người học ngày càng dễ dàng hơn bao giờ hết. Edmodo- mạng xã hội học tập miễn phí là một cầu nối tuyệt vời giữa người dạy và người học trong bối cảnh hiện nay.

  1. Cơ sở lý luận

Sự phát triển khoa học công nghệ làm tăng cơ hội cho giảng viên và sinh viên có những trải nghiệm dạy và học mới lạ. Không thể phủ nhận rằng công nghệ đóng vai trò quan trọng trong giáo dục học đường như sự xuất hiện của máy tính, máy chiếu đã giúp bài giảng của giảng viên trên lớp sinh động và hiệu quả hơn. Khi các thiết bị di động thông minh ngày càng phổ biến, các ứng dụng giáo dục được sáng tạo ngày càng đa dạng về số lượng và chất lượng thì hoạt động học tập trên giảng đường dường như là không đủ. Theo Oblinger (2005), sinh viên thích thú với các hoạt động giao tiếp qua thế giới ảo và coi nó như cuộc sống của chính mình. Trong khi đó, các giảng viên vẫn còn trăn trở ngày đêm với những khó khăn chưa có lời giải như số lượng sinh viên trong một lớp lớn, áp lực hạn chế về thời gian, sự không tập trung trong học tập của sinh viên và lớp học nhiều trình độ.

Ngôn ngữ và công nghệ là hai khái niệm không còn mấy xa lạ đối với các nhà giáo dục ở Việt Nam. Các bài giảng điện tử, các video dạy học thường xuyên được đưa lên các kênh truyền thông như youtube, facebook, website…hoặc các ứng dụng học tiếng Anh được nhiều người học yêu thích. Với ưu điểm là sức lan tỏa nhanh, cách thức sử dụng đơn giản, thuận tiện và miễn phí, những phương tiện truyền thông trên đã trở thành công cụ đắc lực cho người dạy truyền tải kiến thức và hỗ trợ cho người học dễ dàng tiếp cận được các nguồn tri thức đa dạng. Tuy nhiên, hầu hết các cách thức học được đề cập ở trên đều đòi hỏi sự tự giác cao ở người học và mang tính chất một chiều. Ứng dụng mạng xã hội facebook vào giảng dạy mặc dù có tính chất tương tác cao trong học tập ngoài lớp học nhưng nó lại bộc lộ nhược điểm là người học dễ sao lãng vào các hoạt động xã hội khác, tính bảo mật thông tin kém, việc quản lý sinh viên tốn nhiều thời gian và không có tính năng kiểm tra đánh giá. 

Để khắc phục những nhược điểm của các ứng dụng công nghệ trên và giải quyết những nỗi trăn trở của các nhà giáo dục nhiều năm qua, Edmodo – một mô hình mạng xã hội học tập đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và ứng dụng vào giảng dạy đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dạy và người học.

Kandappan (2014) đã thực hiện một nghiên cứu về mức độ yêu thích của sinh viên khi sử dụng nền tảng trực tuyến Edmodo như một mạng xã hội học tập để tạo ra môi trường học tập có trách nhiệm. Tác giả cũng đánh giá Edmodo là một ứng dụng giáo dục mang tính xác thực nên được áp dụng rộng rãi. Edvenddy (2016) đánh giá Edmodo là một phương tiện mà giảng viên có thể sử dụng được khi dạy học bởi nó dễ dàng cài đặt trên máy tính, điện thoại, dễ dàng sử dụng các tính năng như nộp bài trực tuyến, truy cập các tài liệu tham khảo và đặc biệt là tăng cường động lực học cho sinh viên với nhiều hoạt động đa dạng. Tác giả Trần Thị Cúc (2016) ở Đại học Nha Trang thực hiện nghiên cứu về hiệu quả của việc sử dụng mạng xã hội Edmodo để dạy viết tiếng Anh cho sinh viên đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía sinh viên. Kết quả nghiên cứu của tác giả cho thấy hầu hết sinh viên đều hài lòng với Edmodo, sinh viên có ý thức hơn trong việc nộp bài đúng hạn, hứng thú khi nhận được điểm và nhận xét của giảng viên liên tục, theo dõi được quá trình học của bản thân để điều chỉnh kịp thời, được tương tác hỏi và bình luận bài với các sinh viên khác. Tìm hiểu kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Phương Bảo Trân (2016) về việc sử dụng Edmodo để phát triển năng lực ngữ pháp của người học, tác giả cho thấy việc sử dụng Edmodo với đối tượng sinh viên không chuyên ngữ ở trình độ thấp không gặp nhiều khó khăn mà có tác động tích cực nâng cao trình độ ngữ pháp của người học và đạt được nhiều sự chú ý của người học. Tác giả Phùng Văn Huy (2014) thực hiện nghiên cứu giảng dạy và thực hành ngoại ngữ với mạng xã hội học tập Edmodo thì không đi sâu vào từng kỹ năng ngôn ngữ mà tập trung vào khía cạnh tăng cường nhận thức của người dạy về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ngoại ngữ theo hướng tiếp cận thuyết văn hóa-xã hội để xây dựng cộng đồng thực hành tiếng Anh.

             Từ các nghiên cứu trên cho thấy, mạng xã hội Edmodo có thể được áp dụng cho việc dạy và học tiếng Anh và phù hợp với các sinh viên ở nhiều trình độ. Từ thực tế nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh tại Trường ĐHSP Nghệ thuật Tw, tác giả nhận thấy hiện tại nhà trường chưa có một môi trường học tập online mang tính cộng đồng toàn trường và đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid đang diễn ra, việc có một nền tảng mạng xã hội học tập Edmodo là điều hoàn toàn cần thiết để giúp người dạy quản lý và đánh giá quá trình học tập trực tuyến của người học được đồng bộ hóa. Ngoài ra các giảng viên cùng bộ môn có thể cùng nhau hỗ trợ được nhiều đối tượng sinh viên trong nhiều lớp (ngoài lớp mình phụ trách), các môn học được tích hợp trên cùng một nền tảng công nghệ giúp người học không phải cài nhiều ứng dụng và tạo thói quen tương tác nhiều hơn trên Edmodo.

  1. Các tính năng chính của mạng xã hội học tập Edmodo
  • Tính năng tạo các lớp học (Create classes): Trong các lớp học có thể tạo các nhóm nhỏ để người học làm việc theo nhóm, trong mỗi lớp học ngoài giảng viên chính có thể mời thêm các giảng viên khác tham gia cộng tác.
  • Tính năng đăng bài (Post): Người dạy dùng để gửi các thông tin thông báo về nhiệm vụ học tâp, giảng dạy kiến thức, hoặc giới thiệu các đường link để kết nối các kiến thức mở rộng.
  • Tính năng kiểm tra đánh giá: Có dạng bài tự luận (Assignment) và trắc nghiệm (Quiz) với nhiều dạng câu như câu hỏi nhiều lựa chọn (multiple choices), nối (matching), đúng/sai (true/false), trả lời ngắn (short answers), sắp xếp được kết quả học tập theo thứ tự điểm cao thấp, theo dõi được phổ điểm chung của lớp, biết được người học sai nhiều ở các câu hỏi nào để người dạy kịp thời bổ sung kiến thức.
  • Tính năng quản lý quá trình học tập của người học (Progress): Điểm số của các bài tập trong suốt quá trình học được tự động tổng hợp trong sổ điểm và có thể xuất ra file excel.Tính năng trao thưởng huy hiệu cho sinh viên (Badges) giúp tạo động lực tham gia học tập cho sinh viên.
  • Tính năng quản lý nguồn học liệu (Library): Có thể giúp người dạy tạo nguồn tài liệu dồi dào và tái sử dụng giúp giảm tải lượng thời gian biên soạn tài liệu học tập.
  • Tính năng trao đổi trực tuyến (Chat): Người học có thể trực tiếp nhắn tin hỏi bài giảng viên, và giảng viên có thể gửi thông báo nhắc nhở làm bài đến toàn bộ những người học chưa làm bài tập một cách nhanh chóng.
  1. Kết quả

Một số kết quả khảo sát từ nghiên cứu thử nghiệm “Dạy học từ vựng tiếng Anh thông qua mạng xã hội học tập Edmodo cho sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW” của chính tác giả (2021) nhận được như sau: 84,2% số lượng sinh viên cho rằng Edmodo có giao diện thân thiện, dễ sử dụng; 86,8% số lượng sinh viên đồng ý rằng kết quả học tập khi sử dụng edmodo là công bằng, khách quan, đồng thời giúp sinh viên thấy hứng thú hơn trong học tập và hỗ trợ sinh viên học tập ngoài giờ lên lớp; 84,2% sinh viên thấy rằng việc sử dụng edmodo giúp sinh viên đạt kết quả học tập tốt hơn;

  1. Kết luận

             Công nghệ trong dạy học xuất hiện là cầu nối, là sợi dây liên kết giữa người dạy và người học ngoài môi trường lớp học. Mạng xã hội là một nền tảng công nghệ giúp tạo nên mạng lưới quan hệ rộng lớn giữa các cá nhân muốn trao đổi thường xuyên trong cộng đồng. Trên nền tảng trực tuyến, khi không phải đối mặt trực tiếp, người học trở nên mạnh dạn hơn khi đặt câu hỏi, giúp những người học có cùng câu hỏi nhưng ngại không dám hỏi cũng có thể biết được câu trả lời. Edmodo là một kênh trao đổi vừa hỗ trợ công tác giảng dạy cho người dạy trong việc quản lý, đánh giá thường xuyên người học, cung cấp bài giảng, đưa ra các thông báo, cung cấp nguồn tài liệu tham khảo, vừa hỗ trợ thúc đẩy người học tự học có hướng dẫn. Qua nghiên cứu thử nghiệm giảng dạy tiếng Anh thông qua Edmodo, tác giả đưa ra một số đề xuất như sau: nên khuyến khích giảng viên và sinh viên sử dụng ứng dụng Edmodo trong giảng dạy ngoại ngữ; nên mở rộng ứng dụng Edmodo vào các môn học khác; nên đưa Edmodo vào chương trình giảng dạy môn tin học để sinh viên sử dụng thành thạo các tính năng của Edmodo.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Phương Bảo Trân (2016). Sử dụng Edmodo để phát triển năng lực ngữ pháp ở người học. Kỷ yếu hội thảo Camtesol lần thứ 12:25.Campuchia.
  2. Phùng Văn Huy (2014), Giảng dạy và Thực hành ngoại ngữ với mạng xã hội
    Edmodo. Trích từ https://phunghuy.files.wordpress.com/2014/06/tufl-edmodo-report-training.pdf.
  3. Trần Thị Cúc (2016). Hiệu quả của sử dụng mạng xã hội Edmodo trong dạy viết Writing 2 cho sinh viên chuyên ngữ trường Đại học Nha Trang. Kỷ yếu hội thảo đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo: 36-39. Trường Đại học Nha Trang.
  4. Edvenddy, S.S. (2016). Edmodo as a media to teach vocabulary. The journal of English Language Studies Vol.01, no.01,March 2016, (26-34).
  5. Kandappan, B. (2014). Student Preference towards the Use of Edmodo as a Learning Platform to Create Responsible Learning Environment. Retrived from https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1877042814042396.
  6. Oblinger, D. G., & Oblinger, J. L. (2005). Is It Age or IT: First Steps Toward Understanding
    the Net Generation. In D. G. Oblinger, & J. L. Oblinger, Educating the Net Generation (pp.
    2.1-2.20). EDUCAUSE.