Nội san

GIẬT MÌNH VỚI NGÔN NGỮ "CHAT" TIẾNG VIỆT TRÊN INTERNET

24 Tháng Năm 2012

TS. Trịnh Hoài Thu

 

            Trong đời sống xã hội hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, của nền kinh tế thị trường, của quá trình hội nhập, diện mạo văn hóa Việt Nam cũng đã có những sự ảnh hưởng nhất định ở hầu khắp mọi lĩnh vực. Chỉ riêng với ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta cũng đã bắt gặp nhiều kiểu văn nói và viết mới lạ. Có cái mới thể hiện sự giao lưu ngôn ngữ tiếng Việt với ngôn ngữ nước ngoài như: thay cho lời nói “được rồi” hay “nhất trí” là “ok”, thay cho câu chào tạm biệt là “bye nhé”v.v; thì còn có những cái mới thể hiện sự biến đổi đến dễ sợ của ngôn ngữ tiếng Việt và làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt , thể hiện rõ nhất là trong ngôn ngữ “chat” trên mạng (Internet).

            Từ việc tình cờ vào đọc một trang diễn đàn trên mạng, tôi đã thật sự bị bất ngờ bởi không thể hiểu nổi những ngôn từ tiếng Việt được viết ra ở đó. Lần đầu tiên, tôi thấy mình lạc hậu và cổ hủ ngay giữa đời thường. Chẳng lẽ xã hội phát triển mà tư duy của mình lại chậm phát triển chăng? thứ ngôn ngữ đó là gì vậy và từ đâu ra? Tôi trăn trở và không cam tâm với sự tư duy chậm tiến của mình và rồi tôi bắt đầu hành trình khai phá để giải "ngố" cho chính bản thân. Qua những người bạn trẻ tuổi, tôi dần dần biết được một số từ ngữ thường dùng trong văn chat trên mạng để có thể vào đọc và hiểu được người chat muốn nói gì. Từ đó, tôi lang thang vào các diễn đàn trên mạng và bước đầu nắm được một số kiểu ngôn ngữ chat tiếng Việt. Có thể nói, các trang diễn đàn trên mạng rất nhiều, không thể kể hết được. Tuy nhiên, trong quá trình tìm đọc, tôi cũng có sự chắt lọc và chỉ chọn đọc những trang diễn đàn mang tính vui vẻ (fun là chính- như cách nói của các bạn chat) và tránh vào những trang chat mang tính khiêu dâm, bạo lực.

            Ngôn ngữ tiếng Việt chat trên mạng khá phong phú. Trước hết phải nói đến là về đại từ nhân xưng.

            Như ta đã biết, trong tiếng Việt có nhiều cách gọi và nhân xưng theo thứ bậc và tuổi tác. Chỉ lấy cách gọi và nhân xưng của riêng người Hà Nội đã có rất nhiều kiểu gọi khác nhau cho cùng một chủ thể như: gọi các bậc sinh thành ra mình là Bố, Mẹ hay là Cậu, Mợ hay Thầy, U... và xưng Con; gọi các bậc bề trên là Cụ, Ông, Bà, Bác, Cô, Dì, Chú, Thím, Cậu, Mợ (lưu ý Cậu ở đây chỉ em trai của Mẹ và Mợ ở đây là vợ của Cậu)... và xưng là Cháu (cũng có người vẫn xưng là Con để thể hiện tình cảm thân thiết yêu thương); gọi Thầy giáo, Cô giáo, Anh, Chị và xưng Em (hiện nay trong hầu hết các trường phổ thông ở Hà Nội đã thay đại từ nhân xưng "Em" bằng "Con" khi giao tiếp với thầy cô).

            Với ngôn ngữ chat trên một số diễn đàn gần đây cho thấy đã có phần chịu ảnh hưởng kiểu ngôn ngữ tiếng Anh không phân biệt tuổi tác, nhưng có khác hơn khi dùng cách gọi là "Cụ" cho nam giới, là "Mợ" cho nữ giới và xưng là "Em" hay "Cháu". Có lẽ đây chính là bước phá cách ngôn ngữ tiếng Việt đầu tiên trong văn chat. Bởi lẽ, theo thứ bậc của người Việt thì người sinh thành ra Ông, Bà ta hoặc bằng vai với người sinh thành ra Ông, Bà mới được gọi là Cụ. Còn Mợ chỉ đứng là hàng Cháu nên ở đây ta thấy không theo tôn ti trật tự hay theo thứ bậc thông thường của người Việt. Đồng thời cách gọi Cụ, Mợ và xưng Em hay Cháu nó cũng thể hiện một nét hóm hỉnh hài hước trên diễn đàn chat trên mạng.

            Tiếp đến là việc sử dụng tiếng lóng.

            Trong việc sử dụng tiếng Việt đời thường, tiếng lóng là một hình thức phương ngữ xã hội không chính thức của một loại ngôn ngữ, thường được dùng trong giao tiếp hàng ngày bởi một nhóm người nhằm mục đích che dấu diễn đạt theo qui ước và chỉ những người nhất định mới hiểu. Dựa vào yếu tố đó, ngôn ngữ chat trên mạng đã có cách gọi các thành viên trong một gia đình như sau: Chồng được gọi là Sói, Vợ được gọi là Gấu, Con được gọi là F1 còn hàng Cháu (thế hệ thứ ba trong gia đình) được gọi là F2. Ngoài ra, lên diễn đàn chat được gọi là lên OF; người tham gia diễn đàn chat được gọi là Ofer, trang chủ đề của diễn đàn được gọi là Thớt. Nghe thì có vẻ là ngôn ngữ Anh nhưng ý nghĩa thì không hẳn theo tiếng Anh. Do đó, ta cứ tạm hiểu và sử dụng các từ trên như một ký hiệu của ngôn ngữ chat.

            Bên cạch đó là cách sử dụng ký hiệu, chữ viết tắt.

            Việc sử dụng ký hiệu và chữ viết tắt là cần thiết cho ngôn ngữ mạng chat để có thể diễn đạt được cái mình muốn viết nhanh hơn, không phải đánh máy nhiều chữ. Cho nên, chúng ta sẽ gặp nhiều và rất nhiều chữ viết tắt ở trên mạng.

            Đơn giản nhất là viết bằng chữ cái hay chữ cái in hoa đầu tiên của từ như: cụm từ "như thế nào" viết tắt là "ntn"; từ "không" là "k"; từ "người" là "ng", từ "Cụ Mợ" là "CM"... cũng có khi là viết tắt chữ đầu và chữ cuối của từ như: từ "được" viết tắt là "đc"; từ "không" viết tắt là "kg"...

            Kiểu viết tắt nữa là dùng ký hiệu bằng con số, ví dụ như: từ "chào" với ngôn ngữ tiếng Anh thân mật có thể chào là "Hi" đọc phiên âm tiếng Việt là "hai" và thế là sang ngôn ngữ chat tiếng Việt là số 2; từ "night" là "đêm" trong tiếng Anh được đánh đồng với từ "nine" là số thứ tự 9 nên khi chat viết là số 9. Từ cách ký hiệu này đã dẫn đến ngôn ngữ chat trên mạng cụm từ "chúc ngủ ngon" là "Good night" bằng ký hiệu tắt là G9...

            Ngoài ra còn có kiểu viết tắt khác như: từ "giờ" viết tắt là "h", được lấy từ ký hiệu thường dùng để chỉ thời gian...

            Nếu dừng lại ở mấy kiểu viết này thì ngôn ngữ chat tiếng Việt trên mạng cũng vẫn có thể chấp nhận được xét dưới góc độ chỉ là một cách gọi mới và không đến nỗi làm biến đổi cách phát âm cũng như ý nghĩa tiếng Việt. Thế nhưng điều mà tôi cảm thấy thực sự lo lắng ở  đây chính là việc cố tình viết sai chính tả có hệ thống và làm méo mó sự phát âm trong ngôn ngữ tiếng Việt của ngôn ngữ chat tiếng Việt trên mạng.

            Hiện nay, cả nước đang học và phát âm theo tiếng Việt lấy giọng của người Hà Nội làm chuẩn. Thế nhưng trong ngôn ngữ chát trên mạng thì kiểu viết sai lỗi chính tả thứ nhất là thích dùng các cách phát âm của người ở nông thôn, ở các vùng - miền quê khác nhau. Vì vậy, trong văn viết chat trên mạng ta sẽ có vô số các từ biến dạng theo cách phát âm kiểu này mà nói nôm na ra là phát âm "kiểu giọng nhà quê", ví dụ: các từ  vần "em" thì sẽ viết thành "iem", các từ có vần "ó" thì viết thành "óa"  như từ "thịt chó" sẽ viết là "thịt chóa"; vần "ôi" thành "oai" như cụm từ "xong rồi" thì viết thành "xong roài"...

            Vẫn biết, trong cuộc sống đời thường đôi khi để trêu chọc nhau, để gây cười, ta cũng thích nói những từ kiểu nhà quê như vậy, tuy nhiên, khi vào văn viết thì nó sẽ gây tác hại lớn.

            Kiểu viết sai lỗi chính tả thứ hai là kiểu viết ngắn câu chữ. Cụ thể là các từ ngữ bị biến đổi, cắt bớt nguyên âm và phụ âm.

- Với nguyên âm.

            Nguyên âm "ô" được thay đổi bằng âm "u", nguyên âm "ê" thay bằng nguyên âm "i", nguyên âm "ă" thay bằng "é" ví dụ: "một" được viết là "mụt", "chết" viết là "chít", "thôi chết rồi" được viết là "thui chít rùi", "lắm" được viết là "lém".

            Với các từ có nhiều nguyên âm thì âm "ô" hay "ê" sẽ bị cắt bớt đi, ví dụ: từ "luôn" viết là "lun"; từ "suốt" viết là "sút", "biết" viết là "bít".

            Một số vần như vần "ây" chỉ viết là "i"; vần "yêu" viết là "iu", ví dụ: "bây giờ" được viết là "bi giờ" hay "bi h", "em yêu" được viết là "em iu".

- Với phụ âm.

            Các từ có 4 chữ cái trở lên thì việc bị cắt bớt phụ âm là rất thông dụng và thường là chữ "n" và chữ "h" sẽ bị cắt bớt, ví dụ: từ "xong" chỉ viết là "xog", từ "lủng củng" chỉ viết là "lủg củg" từ "mình" chỉ viết là "mìn", từ "rồi" viết là "òi"...

            Các phụ âm bị biến đổi hẳn cách viết như: chữ "c" được đổi thành chữ "k", chữ "b" thành chữ "p", chữ "qu" thành chữ "w", chữ "gi" thành chữ "d" hoặc chữ "r", chữ "gì" thành chữ "j", ví dụ: "con đường" viết là "kon đừn", "buồn quá" viết là "pùn wá", "gia đình" viết là "da đìn", "cái gì" viết là "cái rì"... Đồng thời với cách cố tình viết sai lỗi chính là "n" và "l" cũng rất phổ biến, ví dụ: cụm từ "như thế nào" viết thành "dư lào", "nồng nàn" thành "lồng làn"...

            Điểm sơ một số cách viết của ngôn ngữ chat trên mạng, chúng ta đã phần nào thấy được những lỗi sai chính tả thật đáng báo động. Có thể thấy, trong cuộc sống hiện đại với rất nhiều những bộn bề toan tính thì việc sử dụng công nghệ tin học để giao tiếp là rất cần thiết. Ta hiểu rằng có những người lên mạng chat là để "chém gió" với mục đích xả stress và vui cười là chính, bởi vì gần như ở đó không ai biết mình cả. Vì vậy, viết sai cũng là một cách để vui thôi. Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ chat như trên thì sẽ không còn gì là tiếng Việt nữa. Đổng thời, cách viết tiếng Việt chat như hiện nay rung lên một hồi chuông cảnh báo về sự tùy tiện trong sử dụng ngôn ngữ viết của người Việt Nam trên cộng đồng mạng chat. Mặc dù chat là viết lại những câu mình muốn nói nên xét về mặt ngôn ngữ thì nó vẫn thiên về ngôn ngữ nói. Nhưng tất cả những cái gì đã được ghi lại bằng chữ viết thì vẫn cần phải hết sức thận trọng, tránh để lại hậu quả cho thế hệ sau.

Văn hóa là tất cả vật chất mà con người sáng tạo ra và mang lại hiệu quả hữu ích cho đời sống xã hội. Theo quan điểm riêng của mỗi người, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, một sự vật hiện tượng sẽ là có văn hóa đối với một số người này nhưng cũng là phản văn hóa với một số người khác. Điều đó là lẽ tất nhiên vì đó là qui luật phát triển của xã hội loài người. Tuy vậy, khi chúng ta xem xét lại một cách toàn diện về ngôn ngữ chat trên mạng sẽ thấy bên cạnh cái lợi thì cái hại thật quá sức tưởng tượng.

Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển của tin học và mạng internet, ở bất cứ thời điểm và không gian nào, chỉ cần một cái điện thoại rẻ tiền hay vào quán Nét bên đường, hoặc với máy tính ở nhà là con em chúng ta có thể vào chat được. Đó chính là hậu quả mà chúng ta được đọc trong các bài văn của các em. Chỉ cần xem lại các số liệu thống kê về tình trạng sai lỗi chính tả của học sinh hiện nay, chúng ta thấy ngay một thực trạng báo động khẩn cấp, đó là sự ảnh hưởng của ngôn ngữ chat trên mạng vào văn phong của học sinh. Trong bài "Tràn lan bài thi viết sai lỗi chính tả" đăng trên Tạp chí Giáo dục thủ đô số 10+11 tháng 10/2010 tác giả Lê Nhung đã viết: "Ví dụ, trong kỳ thi vào lớp 10 THPT, có bài làm văn của học sinh như sau: “Bài thơ “Nhớ rừng” của nhà thơ Thế Lữ đã diễn tả rất xâu xắc tâm trạng của tầng lớp thanh niên chí thức lúc bấy giờ”.

Chấm những bài tập làm văn các em làm trên lớp, tình trạng viết tắt và nói lái theo ngôn ngữ “mạng” của các em đã khiến nhiều giáo viên phải luận xem học sinh của mình viết gì… Trong bài nghị luận về vấn đề “Học phương pháp học”, một học sinh lớp 12 đã viết: “Em sẽ cố gắng thay đổi cách học bài, dù có pùn ngủ mún chit cũng phải giải quyết hết bài tập...”. Một học sinh khác gửi email cho cô giáo: “Cô ơi, dạo này em có nhìu chiện rắc rối xảy ra wa’ nên giờ em hết tự tin giải quyết như hồi trước rồi! đời hs có thật là lắm vui buồn ko cô? hồi trước cô có giống tụi em bi h ko? em thấy xh càng phát triển thì sự hỉu bik của con người cũng tăng lên. Tuổi còn nhỏ nhưng đã hỉu quá nhìu điều vượt ngoài lứa tuổi. h thì các bạn em và ngay cả em cũng đang gặp rắc rối với chính suy nghĩ của mình...”."

            Đồng thời tác giả Lê Nhung cũng khẳng định việc viết sai lỗi chính tả của học sinh là từ nhiều nguyên nhân trong đó có "Nguyên nhân thứ ba là do sự xâm nhập như vũ bão của ngôn ngữ “mạng”. “Chat” đúng chính tả... là không sành điệu, là thiếu phong cách (!). Giới trẻ tự quy ước những chuẩn mực mới để đánh giá đối tượng giao tiếp. Và điều này lan truyền rất nhanh, tạo sự cộng hưởng mạnh trên cộng đồng “mạng”."

            Cha ông ta đã nói:

                                    Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

                                    Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

            Chúng ta tự hào về đất Việt ngàn năm văn hiến, tự hào về tiếng Việt thân yêu . Để thế hệ trẻ Việt Nam biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta cần phải loại bỏ thứ ngôn ngữ chat tiếng Việt trên mạng với những lỗi sai chính tả hiện nay. Vì vậy, chúng ta cần chung tay bảo vệ và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt vốn có của các dân tộc Việt Nam.