Nội san

CÁC CHUYÊN GIA NGHĨ GÌ VỀ "KỶ LỤC HỘI LIM"

03 Tháng Bảy 2012

Sự kiện lùm xùm liên quan đến kỷ lục Hội Lim mà Dân Việt liên tiếp phản ánh vừa qua đang gây sự chú ý của dư luận.

Liên quan đến vấn đề này, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và những người yêu quan họ.

GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam:Không đúng với tiêu chí bảo tồn

Mấy ngày hôm nay, tôi có theo dõi câu chuyện Hội Những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh làm đơn kiến nghị với Bộ VHTTDL đòi xử lý PGS - TS Nguyễn Văn Huy về những cái gọi là "phát ngôn sai trái".

Tôi thấy đây là một điều đáng buồn vì đáng lẽ đó chỉ là những trao đổi về mặt chuyên môn, nghiệp vụ thì lại mở ra theo hướng đòi kiện, đòi đưa ra pháp luật.

 

Các nghệ nhân đồng thanh hát quan họ tại Hội Lim 2012

 

Nếu ông Nguyễn Hữu Trọng có điều gì cần trao đổi lại với ông Nguyễn Văn Huy thì nên viết một bài báo, trao đi đổi lại để hiểu nhau thêm. Đừng biến cách trao đổi văn hóa thành một chuyện nghiêm trọng, phi văn hóa.

Việc UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý cho tổ chức một cuộc trình diễn để lập kỷ lục như thế cũng mất rất nhiều tiền của, công sức, có thể tạo được một ấn tượng tốt để những nghệ nhân quan họ và cộng đồng ý thức được giá trị của di sản này.

Thế nhưng về góc độ bảo tồn di sản, đó là một việc làm không đúng với tiêu chí bảo tồn của UNESCO, và ông Huy cũng chỉ phát biểu rất chừng mực với tư cách là thành viên của Hội đồng Di sản quốc gia. Không chỉ mình ông Huy, mà còn rất nhiều nhà khoa học khác, trong đó có tôi cũng lên tiếng về kỷ lục này. Bởi vậy, tôi rất mong các bên sẽ có ứng xử văn hóa trong một câu chuyện liên quan đến văn hóa như thế này.

Ông Nguyễn Hùng Vỹ - giảng viên khoa Văn Trường ĐHKHXHNV Hà Nội: Cẩn thận với các lá đơn khiếu kiện

Theo tôi cần phải tách bạch riêng chuyện trình diễn trang phục quan họ với chuyện bảo tồn quan họ. Nếu xét ở khía cạnh trình diễn trang phục thì đây là một sáng kiến có thể chấp nhận và đáng ghi nhận bởi để có được bộ trang phục quan họ ngày hôm nay, từ năm 1970, rất nhiều người đã góp công góp sức, còn nếu nói rằng đó là biểu hiện của một sự phát triển của quan họ thì tôi không đồng tình.

Ở cuộc trình diễn trong ngày hội đó, có nhiều sự xộc xệch trong trang phục, đội ngũ và hơn nữa, có nhiều dư luận, nhiều băn khoăn từ chính bản thân những người tham gia trình diễn mà tôi đã hỏi chuyện. Tổ chức vội vàng, tập luyện cẩu thả, giữa lời hứa của người đứng ra tổ chức với những người tham gia chưa chắc đã tròn chữ tín của người chơi quan họ.

Về lá đơn kiện này của Hội Những người yêu quan họ Bắc Ninh, chúng ta cũng nên cảnh giác và cẩn thận tìm hiểu bởi đã có tình trạng nhiều khi có người cứ thích nhân danh nọ kia để kiện tụng.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Đừng lấy tình yêu ra làm bình phong

Trước sự việc Hội Những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh kiện PGS-TS Nguyễn Văn Huy về việc ông phản đối kỷ lục 3.700 người trình diễn tại Hội Lim, tôi một lần nữa khẳng định lại quan điểm của mình, việc lập kỷ lục này đã đi ngược lại với tiêu chí bảo tồn di sản của UNESCO.

Nên nhớ, quan họ không chỉ là tài sản chung của dân tộc, mà còn của cả thế giới nữa. Có nghĩa mọi hành động với di sản đều phải tuân thủ quy định chung của chương trình hành động bảo tồn, chứ không phải là tài sản riêng của Bắc Ninh để ai muốn làm gì cũng được.

Ở đây, đừng lấy tình yêu quan họ ra làm bình phong để kiện tụng các nhà chuyên môn. Tôi cho rằng, nếu người đứng đơn kiện có đủ kiến thức để tranh luận lại thì hãy tranh luận sòng phẳng với các nhà khoa học, chứ đừng quy kết ông Huy vào những tội danh kiểu coi thường toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước... Tôi thấy việc dọa đưa ông Huy ra tòa là một việc làm phản văn hóa.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: Không tôn vinh được quan họ

Theo quan điểm của tôi, việc đưa 3.700 người ra để cùng đồng thanh hát quan họ trong Hội Lim vừa qua không những không tôn vinh được vẻ đẹp của quan họ, mà còn khiến công chúng nhầm lẫn về không gian sinh hoạt văn hóa của quan họ. Bảo tồn di sản là phải bảo tồn nó trong không gian sống, quan họ là những canh hát giao duyên tình tứ với tục kết chạ, kết bọn mà đặc biệt là âm nhạc là một trong những thành tố rất quan trọng.

Đừng mang tư duy hiện đại ra để áp vào nghệ thuật cổ truyền, việc đó cũng giống như là thay đổi trang phục quần áo cho Đức Phật vậy. Nếu đó là một cuộc trình diễn trang phục không thôi, không có hát xướng gì cả, rồi đưa thêm cả khẩu hiệu băng rôn "Quan họ sống mãi trong lòng người dân Bắc Ninh" thì tôi không có ý kiến gì.

 

                                                                                                           Nguồn: danviet.vn