Tin tức – Sự kiện

Có một nền giáo dục thân dân

19 Tháng Năm 2013

Năm 1956, Bác Hồ dựa vào một ý của Sách Đại học, một bộ sách quý trong tứ thư, Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân. Bác thêm vào cụm từ Tân dân một chữ H và nói: “Hạt nhân của việc học được tóm tắt trong 11 chữ: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân”. Bác căn dặn thêm: “Minh minh đức là chính tâm; Thân dân là đem kết quả học tập để phục vụ nhân dân”. Cụm từ “thân dân” sau này trở thành một định ngữ gắn với sự nghiệp phát triển thiêng liêng cao quý như sự nghiệp giáo dục.

Chuyện kể về một đêm ở ATK Việt Bắc

“Đêm đó, Bác Hồ ngồi đánh máy lời kêu gọi “thi đua ái quốc”. Bỗng nhiên dưới xóm người dân tộc vẳng lên tiếng khóc trẻ con “oa, oa”! Tiếng đánh máy chữ lóc cóc giòn giã quen thuộc trong phòng làm việc của Bác tự nhiên rời rạc rồi im bặt.

Bác gọi đồng chí bảo vệ lên và nhờ: “Chú đi tìm dỗ cho con nhà ai đó nín đi. Ngày xưa ở Huế mẹ Bác chết, em bác đau khát sữa cũng khóc như thế đó”.

Đồng chí bảo vệ cảm động quá đốt đuốc xuống xóm dân thực hiện lời yêu cầu của Bác. Nhưng đến lúc cháu bé nín hẳn, Bác vẫn ngồi trầm ngâm hút thuốc một lúc rồi Bác mới làm việc lại được”. (Nguồn tư liệu: Nguyễn Đắc Xuân – Đi tìm dấu ấn thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế - NXB Văn học 2003).

Lời kêu gọi thi đua, đêm ấy Bác soạn thảo, có đoạn: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai.  Nay muốn tự cấp, tự túc đi kịp người ta thì chúng ta phải tiến mau. Vì vậy sỹ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì phải ra sức thực hiện cuộc thi đua yêu nước… (Toàn tập, tập 5, trang 419).

Hẳn là lúc ngồi đánh máy văn bản quan trọng này, nghe tiếng trẻ em khóc, nghĩ đến số phận dân tộc, hồi tưởng về gia cảnh lúc ấu thơ, trong Bác đã trào dâng điều mong ước thiết tha: “Phải làm cho dân tộc Việt Nam thành dân tộc thông thái” (Bác nói với đồng bào Hải Phòng khi đi công tác về ngày 20/10/1946)

Người coi cuộc thi đua yêu nước sẽ kích thích tinh thần dân tộc đưa đất nước đến các bước phát triển mới.

 

Bác Hồ chụp ảnh với các cháu thiếu nhi tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua, cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất năm 1948

Một nền giáo dục thân dân đã hình thành và phát triển

Ít ngày sau lời kêu gọi này, ở chiến khu Việt Bắc, ngành giáo dục đã tổ chức Hội nghị toàn quốc, họp từ ngày 10-15/7/1948). Bác có thư động viên Hội nghị với lời khích lệ: “… Với sự lãnh đạo của Bộ trưởng và sự cố gắng thi đua ái quốc của toàn thể nhân viên giáo dục, tôi chắc Hội nghị sẽ có một chương trình hoạt  động thiết thực để đi tới thành công” (Toàn tập, tập 5, trang 462. NXB Chính trị Quốc gia 2000).

Lời kêu gọi của Bác nhanh chóng thấm sâu vào đời sống nhà trường vùng tự do, trở thành sự chỉ đạo kiến tạo học phong đối với mọi thầy trò.

Ngày nay, có thế hệ nhà giáo lão thành vẫn tự hào nhớ về một thời sôi nổi, hào hùng làm theo lời thi đua yêu nước: “Có những mái trường xưa/ Vừa chống càn vừa học/ Giặc lui trong phút chốc/ Thầy trò lại ngâm thơ…”

Hòa bình được lập lại, các nhà trường trên miền Bắc giải phóng phấn khởi thực hiện lời Bác kêu gọi: “Ta cần nhiều cán bộ các cấp. Các thầy giáo cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học phải theo nhu cầu của dân, của đất nước. Thầy dạy tốt, trò học  tốt cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa.

Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”. (Toàn tập, tập 8, trang 138).

Có một thời giáo dục miền Bắc rộn lên một không khí tưng bừng của phong trào xây dựng “Nhà trường lao động” theo nguyên lý giáo dục mà Bác xác định (31/12/1958): “Học đi với lao động; Lý luận đi với thực hành; Cần cù đi với tiết kiệm” (Toàn tập, tập 8, trang 222)

Nối tiếp phong trào này, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tiếng trống Bắc Lý ngân vang hòa với: Gió Đại Phong; Sóng Duyên Hải; Cờ Ba Nhất, tạo nên cao trào thi đua khó quên trong lịch sử giáo dục của đất nước.

Từ trường Bắc Lý ra đời khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” chứa đựng minh triết phát triển giáo dục của thời đại mới: “Thầy dạy tốt - Trò học tốt - Thầy quý trò - Trò kính thầy” quán triệt vào từng tiết học.

Giữa những năm 60, cả đất nước  bước vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù hung bạo nhất của thời đại, song các nhà trường đều vượt qua bom đạn ác liệt của kẻ thù, quyết tâm đưa việc học tập giảng dạy theo kỷ cương nền nếp.

Tháng 10/1968, ở lúc cao điểm nhất của cuộc  kháng chiến, Bác có thư động viên toàn ngành: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong thời gian không xa đạt những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật”. (Toàn tập, tập 12, trang 403 - 404).

Đây là bức thư cuối cùng của Bác gửi cho ngành giáo dục để rồi mãi mãi Bác đi xa.

Năm 1956, Bác Hồ dựa vào một ý của Sách Đại học, một bộ sách quý trong tứ thư, Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân. Bác thêm vào cụm từ Tân dân một chữ H và nói: “Hạt nhân của việc học được tóm tắt trong 11 chữ: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân”. Bác căn dặn thêm: “Minh minh đức là chính tâm; Thân dân là đem kết quả học tập để phục vụ nhân dân”.

Cụm từ thân dân sau này trở thành một định ngữ gắn với sự nghiệp phát triển thiêng liêng cao quý như sự nghiệp giáo dục.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960)
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960)

Thúc đẩy cuộc thi đua yêu nước tại các nhà trường trong hoàn cảnh mới

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, đất nước bước vào nền kinh tế chuyển đổi. Giáo dục phát triển theo động thái của kinh tế thị trường và kiên trì lý tưởng XHCN.

Thi đua trong giáo dục tiếp tục được thúc đẩy, vừa thừa hưởng mặt tích cực, vừa chịu tác động tiêu cực của quy luật thị trường. Nền kinh tế này mở ra sự rộng mở cho lao động sáng tạo của giáo viên nhưng liền đó nó cũng làm cho một số giá trị truyền thống bị khúc xạ.

Một số hoạt động của giáo dục nhuốm màu “thương mại hóa” khiến có người nghĩ rằng: Có lẽ nhà trường với giáo dục khó tổ chức thi đua đích thực.

Cần phải khẳng định rằng: Chính vì kiên trì lý tưởng XHCN mà vô luận trong hoàn cảnh nào, nhà trường cũng cần phải thi đua dạy tốt, học tốt. Phong trào thi đua là môi trường, là nhân tố, động lực góp phần chấn hưng giáo dục, giữ cho nhà trường hoạt động theo lý tưởng dân chủ nhân văn.

Những công dân đã chọn “nghề thầy” chắc chắn đề thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ, phấn đấu là “Sư Hinh” (người thầy cao quý).

“Thầy giáo ngày nay không phải như trước chỉ biết gõ đầu trẻ, miễn là có bài cho học trò học, cuối tháng bỏ lương vào túi. Bây giờ thầy giáo có trách nhiệm với nhân dân đào tạo cán bộ ra phục vụ nhân dân. Cách dạy, quan niệm dạy phải khác. Dạy sao cho học sinh mau hiểu, mau nhớ, lý luận đi với thực hành” (Toàn tập, tập 8, trang 225).

Sinh thời, Bác nói về sứ mệnh nghề giáo viên: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là nghề vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương – song những người thầy giáo chính là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng CNXH được. Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang” (Toàn tập, tập 11, trang 331).

Cuộc thi đua trong nhà trường trước hết là thi đua của người thầy giáo, phải lấy tinh thần vô vị lợi, tinh thần như trường Bắc Lý đã từng tuyên ngôn “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Nếu làm được như vậy thì mãi mãi thi đua trong nhà trường có ngọn đuốc soi đường.

Khi yêu cầu người thầy nêu cao tinh thần vô vị lợi trong thi đua thì lại còn đòi hỏi người quản lý giáo dục nói chung và người trực tiếp phụ trách thi đua phải hết sức tinh tế trong việc điều hành và tổ chức sự tôn vinh.n

PGS Đặng Quốc Bảo

Theo gdtd.vn