Tin tức

Sách chán, học sinh càng ngán sử

03 Tháng Sáu 2013

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) vui mừng xé giấy thả trắng sân trường khi nghe tin không phải thi tốt nghiệp môn sử. Ảnh: T.LGS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - khẳng định việc môn sử chưa được đặt đúng vị thế trong nền giáo dục phổ thông và chế độ thi cử nặng nề đã tác động đến động cơ học tập của học sinh (HS) theo chiều hướng tiêu cực. Nếu có sách giáo khoa (SGK) tốt, phương pháp dạy tốt, chắc chắn môn sử đủ khả năng tạo nên hứng thú trong HS và trở nên vô cùng hữu ích trong nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ.

Bị coi thường nhất

Tại VN, tỉ lệ giới trẻ ham học sử rất ít ỏi. Theo khảo sát mới nhất tại TPHCM, có đến 58,3% trong số 150 HS nam và 150 HS nữ đang học tại 6 trường THPT cho biết không thích học sử và 9% HS rất không thích. Có đến 60% dành rất ít thời gian cho việc học sử. "Đau lòng" hơn khi ngày 30.3.2013, các HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) vui mừng xé giấy thả trắng sân trường khi nghe tin lịch sử không được chọn là môn thi tốt nghiệp năm nay. Trước tình trạng này, GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chua xót thốt lên: "Lịch sử là môn bị coi thường nhất trong nền giáo dục phổ thông hiện nay". 

Giáo sư Đỗ Thanh Bình - nguyên Trưởng khoa Sử ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, từ lâu nay các nhà trường rất khó tìm HS học giỏi sử. “Nhiều em phải thuyết phục mãi mới sang học sử, bố mẹ các em cũng tỏ ra không thích, bởi họ lo con em mình học sử thì ra trường biết kiếm việc ở đâu?”. 

Theo số liệu do GS Bình cung cấp, có gần 50% sinh viên tốt nghiệp năm 2012 không xin được việc làm. Cụ thể, trong số 115 SV tốt nghiệp chỉ có 26% xin được việc làm giáo viên lịch sử, 18% xin việc các nghề khác và 46% SV không có việc làm. Có đến 49,2% HS thi vào đại học cho rằng SV ngành sử có ít cơ hội nghề nghiệp và 17,5% cho rằng không có cơ hội. Vì vậy, có đến 60% trong số 300 HS được hỏi cho biết dành rất ít thời gian cho việc học sử, chủ yếu là đọc trong SGK. Và số HS chọn ban C (văn, sử, địa) để theo học luôn thấp hơn các ban khác.

“Thủ phạm” hàng đầu


Tại hội thảo chuyên gia về SGK sử ở trường phổ thông vừa diễn ra tại HN vào trung tuần tháng 5.2013, các chuyên gia đều chung nhận định rằng SGK là “thủ phạm” hàng đầu dẫn tới tình trạng môn sử bị "coi thường". Hiện nay, SGK sử được giảng dạy trong 52 tiết/năm học, chỉ được in 2 màu đen và xanh lá cây, bản đồ và ảnh quá xấu và ít, chìm nghỉm trong các trang chữ dày đặc. Các câu hỏi bài tập trong sách chỉ chú trọng đến việc bắt HS thuộc bài, thay vì phát huy tư duy, sáng tạo để vận dụng vào trong thực tiễn. 

GS Phan Huy Lê nhận định cách trình bày của SGK sử hiện nay rất dàn trải, la liệt các sự kiện nên gây cảm giác rất nặng nề và nhàm chán. Còn TS Nguyễn Anh Dũng cho hay: "SGK sử phổ thông gần như tóm tắt sách sử của người lớn để bắt HS học. Vì vậy, HS học chỉ để biết, thay vì dựa vào hiểu biết đó mà vận dụng giải quyết những vấn đề trong học tập và cuộc sống". 

PGS-TS Ngô Minh Oanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử - nhận định: “Đặc thù của môn sử là sự kiện và hiện tượng lịch sử, gắn với không gian và thời gian nên phải chính xác và phải có những con số cụ thể. Nhưng SGK sử của ta lạm dụng nhiều con số, kiến thức và cách diễn đạt quá hàn lâm, quá sức với lứa tuổi HS”. GS.TSKH Vũ Minh Giang đánh giá rất đúng về thực trạng và hậu quả về SGK môn sử: "Ngồn ngộn sự kiện, đầy ắp nhận định. Nói thật, kiểu SGK sử này khó lòng gây được ham thích cho giới trẻ mà chỉ dừng ở mức giỏi lắm là khuyến khích thói học vẹt có điểm cao. Thi xong thì quên hết'". 

GS.TS Đỗ Thanh Bình thẳng thắn góp ý: "Theo tôi, những người biên soạn nội dung SGK sử hiện nay nên lược bỏ đi những chi tiết phức tạp hay nội dung lịch sử "khó" và "khô" như các kế hoạch 5 năm, nội dung các đại hội Đảng lớp 12 nặng về chính trị. Nói thật, chẳng có trò nào hứng thú nhớ được những chi tiết này, thành thử các em "sợ" học sử". Theo PGS-TS Ngô Minh Oanh, việc sử dụng nhiều hình ảnh, trình bày sự kiện ngắn gọn trong SGK sử có rất nhiều lợi ích. 

“Chỉ nhìn hình ảnh và xem chú thích vài phút là HS có thể nắm và nhớ bài ngay. Giáo viên không phải tốn nhiều thời gian chuyển tải nội dung. Chúng ta hoàn toàn có thể lược bớt dung lượng chữ nhưng vẫn đảm bảo được các sự kiện, thông tin lịch sử trong SGK. Có thể việc này sẽ tốn kém, nhưng nếu giải quyết được, tôi nghĩ sẽ mang lại hiệu quả cao” - PGS Oanh khẳng định. GS Đỗ Thanh Bình cho rằng việc mỗi năm lại xuất bản một cuốn SGK sử rồi bỏ đi như hiện nay là rất phí phạm. Ông đề xuất in những cuốn SGK quy mô, được trình bày trên giấy đẹp với nhiều tranh ảnh màu bắt mắt, các bản đồ, biểu đồ sinh động để HS dễ ghi nhớ rồi cho HS mượn sách này và đọc tại trường, thay vì mua mang về nhà.

Bên cạnh sự bất cập của SGK sử là điều ai cũng nhận ra, chương trình, phương pháp dạy và thời lượng dành cho môn sử cũng là vấn đề đáng bàn. Theo TS. Tưởng Phi Ngọ - Phó trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, quan niệm hiện nay về môn sử không đúng nên đã dành quỹ thời gian cho môn này rất ít so với các môn khác (1,5 tiết/tuần cho lớp 10 và 12, 1 tiết/tuần cho lớp 11 theo chương trình chuẩn). Còn GS-TS Trần Thị Vinh - khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận xét: "Chẳng ở đâu giống như VN, các nhà khoa học lịch sử phải tổ chức các hội thảo để bàn bạc về số phận của môn này trong trường học. Ở Mỹ, Canada, Singapore… người ta không bao giờ phải đặt vấn đề này ra để bàn luận, bởi lịch sử luôn luôn là môn bắt buộc". 

Về phương pháp giảng dạy sử, TS Tưởng Phi Ngọ nêu thực trạng hiện nay là hầu hết giáo viên ở phổ thông không được quán triệt về tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình, mà chỉ biết tài liệu phân phối chương trình do các Sở GDĐT gửi về. Có đến 55,7% trong số 300 HS tham gia khảo sát tại TPHCM cho biết các giáo viên sử thường "giảng bài sau đó đọc cho HS chép", còn 21% được giáo viên “yêu cầu gạch dưới các ý chính trong SGK để học". 

Giáo sư Đỗ Thanh Bình cho hay: “Có nhiều thầy giáo sử dạy tâm huyết lắm, nhưng không phát huy được sở trường. Khi tâm sự riêng, họ cho biết luôn bị bó buộc trong “cái áo chương trình quá chật” do chỉ đạo từ một số chuyên viên ở các sở. Sự chỉ đạo này khiến các thầy cô bị động và dần trở nên thụ động khi truyền thụ kiến thức cho HS”.

 

Theo laodong.com.vn