Tin tức – Sự kiện

Vấn đề tên nước vẫn được tranh luận sôi nổi tại Quốc hội

04 Tháng Sáu 2013

Khác với kết quả tổng hợp các ý kiến góp ý sửa Hiến pháp của người dân, phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm nay ghi nhận chủ yếu các ý kiến “can gián”. Không nhiều ý kiến cho rằng tốn kém vẫn phải đổi tên nước vì cần thiết.
 >>  “Đổi tên nước chưa phải việc bức xúc hiện nay”

Sáng 3/6, Quốc hội bắt đầu 2 ngày thảo luận về nội dung của dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Dù vấn đề đề xuất đổi tên nước đã được rút khỏi bản dự thảo mới nhất để trình Quốc hội, nội dung này vẫn nhận rất nhiều ý kiến phát biểu. Hầu hết các ý kiến đều tán thành quan điểm giữ nguyên tên nước hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) đồng ý với lý do tên nước hiện tại đã sử dụng ổn định suốt mấy chục năm qua, đã được ghi trong Hiến pháp. Thay đổi trong bối cảnh hiện nay sẽ gây ra những hệ lụy cũng như tốn kém không cần thiết.

Đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai) thông tin: “Đổi tên nước hay không còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ở Đồng Nai, hơn 700.000 ý kiến nhân dân thì chỉ có 1 ý kiến đề nghị đổi tên nước là Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.

Ông Tư cho biết, khi phỏng vấn người có ý kiến này, họ cũng chỉ đơn giản muốn trở về tên nước ngày đầu độc lập, không có kiến giải, ý nguyện nào khác.
Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ phát biểu tại hội trường.

Theo đại biểu, tên nước hiện nay là sự lựa chọn của thời khắc lịch sử sau khi kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hơn 37 năm qua, tên nước vẫn bảo đảm theo đường hướng của Đảng, bảo đảm chế độ dân chủ của nhân dân. Đó là chưa kể, nếu đổi tên nước trong bối cảnh hiện nay thì cái không được nhiều hơn cái được, gây xáo trộn không cần thiết.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cũng chung nhận định này. Ông Châu cho rằng, khi chế độ chính trị vẫn ổn định, khi bản chất, mục tiêu Nhà nước và định hướng phát triển đất nước không thay đổi thì không có lý do gì để thay đổi tên nước.

“Cho nên, tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo về tên nước vẫn là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” - ông Châu phát biểu.

Trước đó, Đoàn thư ký kỳ họp đưa ra kết quả tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với các con số: có 81 ý kiến tại 19 tổ tán thành với tên nước như dự thảo. Chỉ có 3 ý kiến ở 3 tổ đề nghị đổi tên nước thành “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. 3 ý kiến này cũng đề nghị đưa 2 phương án về tên nước như trong bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các đại biểu Quốc hội quyết định. Ngoài ra, có 1 ý kiến đề nghị nghiên cứu để có một tên nước đi vào lòng bạn bè trên thế giới.

Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) nhấn mạnh, tên nước là vấn đề thiêng liêng, liên quan tới nhiều vấn đề, từ chế độ chính trị, kinh tế - xã hội cho tới định hướng cách mạng, phương hướng phát triển của đất nước, dân tộc. Nó còn liên quan tới bản chất, phương thức hoạt động của nhà nước, tư tưởng, tâm lý của người dân và nhìn nhận, đánh giá của cộng đồng quốc tế.

Ông Kỳ lập luận, ý kiến đặt vấn đề đổi tên nước là không phù hợp. Bởi lẽ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là tên gọi đã được Quốc hội khóa 6 quyết định vào ngày 2/7/1976 sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và được được sử dụng ổn định cho tới nay. Tên gọi này gắn với giai đoạn hòa bình, độc lập dân tộc của đất nước đồng thời khẳng định rõ con đường, mục tiêu mà Việt Nam đang đi và hướng đến là phấn đấu thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Còn tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phù hợp với giai đoạn cách mạng trước 1976, thời kỳ đất nước thực hiện cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ, cách mạng xã hội chủ nghĩa xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Vị Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận phân tích, tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đưa ra trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến kiến quốc, tạo dựng những nền tảng ban đầu để đi lên CNXH. Thể chế dân chủ cộng hòa đã được lịch sử kiểm nghiệm làm tròn nhiệm vụ lịch sử của nó và phát triển theo logic bởi thể chế mới là chủ nghĩa xã hội.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và câu chuyện bên lề mang về từ Đối thoại Shangri La (ảnh: Việt Hưng).
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và câu chuyện bên lề mang về từ Đối thoại Shangri La (ảnh: Việt Hưng).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và câu chuyện bên lề mang về từ Đối thoại Shangri La (ảnh: Việt Hưng).

Vì vậy, theo đại biểu, quốc hiệu hiện nay phù hợp với nền chính trị hiện tại và mục tiêu định hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới. Việc giữ tên nước sẽ tiếp tục khẳng định mục tiêu định hướng xây dựng đất nước và đảm bảo ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị của đất nước.

Ông Kỳ nhấn mạnh: “Giữ tên nước là giữ vững niềm tin của cán bộ, công chức và nhân dân vào chế độ, vào Đảng, Nhà nước; tránh những tác động bất lợi và thậm chí xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và có thể gây phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự”.

Gần cuối buổi thảo luận sáng, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) bấm nút phát biểu với quan điểm ngược lại. Ông Hà quả quyết, nhiều cử tri đã đề nghị lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vì đây là quốc hiệu gắn với chính thể cộng hòa đầu tiên, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập.
 
Việc ghi nhận trong bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2/9/1945 và tiếp tục khẳng định trong các bản Hiến pháp 1946, 1959 thể hiện rõ thể chế chính trị của Việt Nam là cộng hòa, bản chất nhà nước dân chủ; là phù hợp điều kiện với đất nước trong giai đoạn hiện nay mà không ảnh hưởng tới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước.

Ông Hà khẳng định: “Cử tri nhận thấy, tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bền vững với thời gian và cho rằng nó rất thiêng liêng, là niềm tin của mọi công dân Việt Nam trong và ngoài nước. Chúng ta có cả một hệ thống truyền thông hùng mạnh cùng với bản lĩnh một dân tộc Việt Nam anh hùng thì không thể một thế lực nào có thể xuyên tạc, làm dân ta xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội”.

“Bác” lại lý do biện giải là đổi tên nước sẽ dẫn đến tốn kém, phức tạp, ông Chu Sơn Hà đặt câu hỏi lại, phải chăng lần đổi tên nước trước đó (năm 1976) không tốn kém? Đại biểu lập luận, nếu có tốn kém cho việc sửa đổi để cho ra đời một bản Hiến pháp phù hợp, cần thiết, đúng với lòng dân thì người dân vẫn đồng thuận cao.
 
Đại biểu Phạm Trọng Nhân tập trung vào nội dung Hội đồng Hiến pháp.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân tập trung vào nội dung Hội đồng Hiến pháp (ảnh: TTXVN).

Nội dung về Hội đồng Hiến pháp cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Một số đại biểu đề xuất không cần thiết thành lập hội đồng này mà giữ nguyên như cơ chế hiện nay, cùng với đó tăng cường thực quyền các cơ quan Quốc hội để bảo đảm vai trò giám sát.

Đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai) cho rằng, sửa đổi lần này đề cập đến Hội đồng Hiến pháp, nhưng nếu như dự thảo thì hội đồng này cũng như hoạt động của các ủy ban khác. Vì vậy, không tán thành thành lập hội đồng này.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng phát biểu, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án để lựa chọn với sự khác biệt lớn.

“Chọn gì đi nữa thì hội đồng này cũng phải bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, có sự phân công - phối hợp - kiểm soát giữa các quyền lực Nhà nước. Nếu không có Hội đồng Hiến pháp thì sẽ không bảo đảm được yêu cầu của cử tri cả nước, ai sẽ đứng ra để trả lời cho nhân dân những hành vi vi hiến. Từ trước đến nay không có tổ chức nào đứng ra mà chỉ có báo chí và dư luận lên tiếng. Cần thiết có một thiết chế đủ mạnh, có quyền lên tiếng về những hành vi vi hiến, những hành vi xâm phạm ngang ngược đối với Trường Sa, Hoàng Sa mà nhân dân cả nước đang phẫn nộ” - ông Nhân nói.

Nhưng nếu thành lập Hội đồng Hiến pháp mà như dự thảo đưa ra, ông Nhân cảnh báo là không đủ sức mạnh, chỉ dừng ở việc kiểm tra, kiến nghị. Đại biểu quả quyết: “Không thành lập Hội đồng Hiến pháp nếu vẫn giữ nguyên như dự thảo. Thay vào đó, phải tăng cường vai trò giám sát, hậu kiểm của các cơ quan như Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân”. Vì thế, theo đại biểu, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét về chức năng, quyền của hội đồng này. Cần xác định quyền của hội đồng này thì mới hoàn thành được nhiệm vụ của Quốc hội giao cho.

Theo dantri.com.vn