Tin tức – Sự kiện

Vẫn còn rào cản trong việc kéo dài thời gian làm việc của giảng viên đại học

08 Tháng Sáu 2013
Giảng viên Trường đại học Nông lâm (Ðại học Thái Nguyên) hướng dẫn sinh viên kỹ thuật ươm giống cây trồng.

Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học đang được Bộ Giáo dục và Ðào tạo soạn thảo và chuẩn bị trình Chính phủ ban hành. Một trong những điểm mới của dự thảo là quy định về việc kéo dài thời gian làm việc của giảng viên đại học công lập.

 

Ðiều 12 của Dự thảo trên quy Ðịnh việc cho phép các cơ sở đào tạo kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đại học là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư trong các cơ sở đào tạo đại học công lập. Ðây là một trong những chính sách mới phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, thủ tục xét kéo dài thời gian làm việc cho các đối tượng trên đang là một vấn đề cần xem xét.

Vẫn mang nặng tính "xin-cho"

Theo Ðiểm a, Khoản 4, Ðiều 12 của Dự thảo thì giảng viên có nhu cầu kéo dài thời gian làm việc phải đăng ký bằng văn bản gửi đến thủ trưởng cơ sở đào tạo. Như vậy, nếu một giảng viên có năng lực, đang còn sức cống hiến và muốn tiếp tục cống hiến thì phải chủ động làm thủ tục đăng ký trong khi việc sử dụng họ lại là nhu cầu của chính cơ sở đào tạo. Nếu không đăng ký để "xin" thì coi như chính sách kéo dài thời gian làm việc không áp dụng đối với họ. Ðiều đó thể hiện lối tư duy "có xin mới cho" của các nhà làm chính sách từ trước đến nay, sẽ là rào cản lớn đối với việc khuyến khích và khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Thiết nghĩ, quy định theo lối "xin-cho" này cần phải được thay thế bởi một cơ chế khác phù hợp hơn. Cụ thể, khi một giảng viên có trình độ, kinh nghiệm và thời gian cống hiến tại một cơ sở đào tạo đại học công lập chuẩn bị về hưu thì cơ sở đào tạo phải chủ động xem xét nhu cầu tiếp tục sử dụng giảng viên và đề nghị với giảng viên nếu xét thấy cần thiết. Trong trường hợp giảng viên chấp nhận việc kéo dài thời gian làm việc thì hai bên chỉ cần cam kết bằng văn bản (hợp đồng) và trên cơ sở đó, cơ sở đào tạo ra quyết định kéo dài thời gian làm việc cho giảng viên. Cơ chế này vừa đặt ra trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong việc chủ động xác định nhu cầu về nguồn nhân lực của mình vừa thể hiện nét đẹp văn hóa trong việc trọng dụng, khuyến khích nhân tài, nhất là những người đã cống hiến cho chính cơ sở đào tạo đó, đồng thời sẽ tránh được sự lạm dụng "thủ tục hành chính" hay hành chính hóa các quan hệ, giao dịch mang bản chất dân sự như chúng ta vẫn thường thấy.

Thiếu sự rõ ràng, minh bạch

Như đã đề cập ở trên, Dự thảo yêu cầu giảng viên phải làm văn bản đăng ký, nếu có nhu cầu kéo dài thời gian làm việc, nhưng việc đăng ký này cần thực hiện khi nào, với thời hạn cụ thể ra sao (trước hay sau khi có quyết định về hưu); nội dung đăng ký cần có những thông tin gì... đều không được quy định cụ thể. Bên cạnh đó, quy trình xem xét và ra quyết định kéo dài thời gian làm việc cho giảng viên của các cấp có thẩm quyền cũng thiếu sự minh bạch (Ðiểm b, Khoản 4, Ðiều 12). Cụ thể thời hạn thực hiện việc xem xét kể từ khi nhận được đăng ký của đối tượng; thời hạn ban hành quyết định hoặc thông báo cho đối tượng (trường hợp cơ sở đào tạo không có nhu cầu tiếp tục kéo dài thời gian làm việc của đối tượng) không hề được Dự thảo đề cập.

Với việc quy định như trên đã làm cho thủ tục xét kéo dài thời gian làm việc của giảng viên, một quy trình tưởng chừng như rất rõ ràng và không mấy khó khăn ở các cơ sở đào tạo đại học công lập trở nên mơ hồ, thiếu minh bạch và khó khả thi. Ngoài ra, với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo đại học như hiện nay, việc quy định trách nhiệm báo cáo của cơ sở đào tạo với cơ quan quản lý trước khi ra quyết định kéo dài thời gian làm việc của giảng viên (Ðiểm c, Khoản 4, Ðiều 12) là không hợp lý, đồng thời cũng làm phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo trong việc tự chủ về con người, tổ chức bộ máy và chất lượng đào tạo.

Về nguyên lý, đối với hầu hết các chính sách kinh tế - xã hội, thủ tục hành chính là công cụ để vận hành chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống. Tuy nhiên, nếu không có một tư duy đổi mới, cải cách và đặt mục tiêu phục vụ xã hội lên trên hết thì việc quy định thủ tục hành chính nhiều khi lại tạo ra rào cản, là điểm nghẽn của chính sách. "Câu chuyện" về khuyến khích việc sử dụng nhân tài thông qua việc cho phép kéo dài thời gian làm việc của các giảng viên là tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư trong các cơ sở đào tạo đại học công lập nói trên là một thí dụ. Liên hệ với các cơ sở đào tạo ngoài công lập, việc kéo dài thời gian làm việc này đơn thuần chỉ là một giao dịch dân sự. Với cơ sở đào tạo đại học công lập, cho dù có những đặc thù nhưng các cơ quan chức năng cần có cách tiếp cận mang tính đổi mới, hạn chế cơ chế "xin-cho", đặc biệt đối với chính sách sử dụng nhân tài ở Việt Nam hiện nay.

Với những phân tích trên, theo quan điểm của chúng tôi, việc quy định thủ tục hành chính xét kéo dài thời gian làm việc của giảng viên đại học công lập như theo Dự thảo Nghị định hiện nay vừa không cần thiết, vừa thiếu sự minh bạch, rõ ràng. "Cơn khát" nhân tài của nền giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục, nếu trong thực tế vẫn tồn tại những cách nghĩ, cơ chế "xin-cho" như trong Dự thảo trên và sẽ tạo nên những rào cản pháp lý cho sự nghiệp phát triển giáo dục nói riêng và sự phát triển xã hội nói chung.

TS LÊ VỆ QUỐC

(Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp)

Theo nhandan.org.vn