Tin tức – Sự kiện

Hàng trăm sinh viên “ngồi nhầm chỗ” ở các trường đại học

13 Tháng Sáu 2013

Thời gian gần đây, nhiều trường đại học bị phát hiện tuyển sinh hệ liên thông và liên kết với nước ngoài không tuân theo các quy định của Bộ, dẫn tới tình trạng hàng trăm sinh viên “ngồi nhầm chỗ” bị đình chỉ học tập.

 

Theo kết quả thanh tra các trường đại học tháng 5 của Bộ GD&ĐT vừa qua, trường ĐH Tài chính Ngân hàng có 141 sinh viên “ngồi nhầm chỗ” trên tổng số 571 hồ sơ liên thông từ cao đẳng lên đại học năm 2012. Những người này tại thời điểm dự thi chưa có bằng cao đẳng hoặc đủ một năm kinh nghiệm dù chỉ tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá. Ngoài ra, trường còn “tự ý” tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu 42,7% so với năm ngoái.
 
Trường ĐH Tài chính Ngân hàng bị yêu cầu hủy kết quả trúng tuyển đối với những sinh viên “ngồi nhầm chỗ”, đồng thời hoàn lại số tiền đã thu và chịu mọi chi phí hoàn trả cho các thí sinh trên.  Bên cạnh đó, tổng số tiền trường phải nộp phạt là 140 triệu đồng cho những sai phạm trong quá trình tuyển sinh.
 
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn quyết định xử phạt nhiều trường đại học khác có những vi phạm trong đào tạo liên kết với nước ngoài. Cụ thể, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bị phạt 60 triệu đồng cùng yêu cầu cho thôi học và hoàn trả khoản tiền đã nộp của những đối tượng “nhập học” sai quy định. Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội bị phạt 7,5 triệu đồng cho 3 trường hợp “ngồi nhầm chỗ” trong chương trình liên kết đào tạo với ĐH Cộng đồng Pháp ngữ Bỉ. Trường ĐH Dược Hà Nội cũng nằm trong danh sách bị “xử phạt” với số tiền 5 triệu đồng cho 2 đối tượng nhập học sai quy định của chương trình liên kết với trường ĐH Paris Descartes, trường ĐH Paul Sabatier - Toulouse III, trường ĐH Aix - Marseille (Cộng hòa Pháp).
 
Tình trạng thương mại hóa liên thông và các hệ liên kết nước ngoài hiện nay có diễn biến phức tạp. Các trường vì chạy theo lợi nhuận sẵn sàng “lách luật”, vi phạm những quy định để tuyển sinh ồ ạt, đặt số lượng lên trên chất lượng. Chưa kể đến có trường hợp lợi dụng sự buông lỏng quản lý để tuyển sinh “chui”, lừa gạt sinh viên như sự việc xảy ra tại trường CĐ Asean (Hưng Yên). Đến khi bị phát hiện, người chịu thiệt nhất bao giờ cũng là sinh viên bởi việc học bỗng dưng bị đứt gánh giữa đường.
 
Trong khi đó, nếu bị phát hiện, các trường cùng lắm chỉ bị xử phạt hoặc “tạm” đóng cửa hệ đào tạo, chờ sự việc lắng xuống. Chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe đang vô tình tiếp tay khiến cho việc dạy và học tại hệ liên thông, liên kết vẫn còn nhiều kẽ hở cho các trường “lách luật”.

 

Theo Sống mới