Tin tức

Tìm hiểu Âm nhạc dân tộc cổ truyền trong tổng thể Văn hóa cổ truyền

14 Tháng Mười 2013

PV

 

Đó là một trong những nội dung quan trọng mà GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã truyền đạt tới toàn thể cán bộ, giảng viên sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW qua chương trình nói chuyện Chuyên đề Âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam. Diễn ra từ ngày 11/10 đến 13/10/2013, Chương trình được nhà trường tổ chức với mục tiêu cung cấp những hiểu biết cơ bản, cần thiết về âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam nói riêng và văn hóa cổ truyền Việt Nam nói chung cho các giảng viên, học viên các khóa cao học chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc.

 

Chương trình nói chuyện chuyên đề Âm nhạc Dân tộc cổ truyền Việt Nam thu hút sự quan tâm của đông đảo giảng viên, học viên, sinh viên nhà trường

 

Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, muốn tìm hiểu về âm nhạc cổ truyền thì không thể không hiểu biết cuộc sống, bối cảnh xã hội nơi mà kho vốn âm nhạc cổ truyền được sáng tạo ra, được tồn tại và phát triển theo chiều dài lịch sử dân tộc. Hay nói cụ thể hơn, muốn có những hiểu biết toàn diện, khoa học về âm nhạc dân tộc cổ truyền, chúng ta phải đặt nó trong tổng thể của văn hóa dân tộc cổ truyền. Chính vì vậy, chương trình nói chuyện chuyên đề của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh được chia thành hai phần rõ rệt: phần văn hóa dân tộc cổ truyền và phần đặc trưng chuyên ngành âm nhạc dân tộc Việt Nam.

 

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh giảng Chuyên đề Âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam

 

Trong phần tìm hiểu về văn hóa dân tộc cổ truyền, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã cung cấp cho người nghe những khái niệm, quan niệm, nhận thức về văn hóa nói chung, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến văn hóa dân tộc cổ truyền Việt Nam.

Với phần đặc trưng chuyên ngành âm nhạc cổ truyền, GS.TSKH Tô  Ngọc Thanh đã cung cấp cho giảng viên, học viên các khóa cao học chuyên nghành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc của trường về âm nhạc dân gian – với tư cách là một thành tố của văn hóa dân gian. Đặc biệt, đây là một trong những thành tố biểu hiện thường xuyên nhất, có hiệu quả cao cho đặc trưng của văn hóa dân gian.

Chương trình nói chuyện chuyên đề Âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã thực sự cung cấp tới toàn thể giảng viên, học viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW những kiến thức khoa học bổ ích; cập nhật những vấn đề mới của tình hình nghiên cứu văn hóa nói chung và âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam nói riêng.

 

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh sinh ngày 24 tháng 6 năm 1934, quê quán: xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là một nhà khoa học uy tín có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật của đất nước; là “pho tự điển sống” về văn hóa, âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam.

Trong quá trình giảng dạy và họat động khoa học, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã sáng lập, soạn giáo trình, giảng dạy môn Dân tộc học âm nhạc (Ethnomusicology) ở Học viện âm nhạc Quốc gia; giảng cho các khóa cao học và nghiên cứu sinh môn Dân tộc học âm nhạc, thỉnh giảng tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và trường Đại học Sư phạm Hà Nội; giảng ở các lớp tập huấn của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam về công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa - văn nghệ dân gian các tộc người Việt Nam.

Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về văn hóa, âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam như:  Fôn - clo Bâhnar (chủ biên), Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai - Kon Tum xuất bản, 1988,  Giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam, Trung tâm Văn hóa dân tộc thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1995, Musical instrument of Việt Nams Minorities, Nxb. Thế giới 1997,  Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc, Nxb. Âm nhạc, Hà Nội, 1998.,  liệu âm nhạc dân tộc cổ truyền, viết chung với Hồng Thao, Nxb. Âm nhạc, 1982, Các vùng văn hóa Việt Nam, chủ biên: Đinh Gia Khánh và Cù Huy Cận, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1955, Tư liệu âm nhạc cung đình Việt Nam, chủ biên, Nxb. Âm nhạc, Viện Âm nhạc xuất bản, Hà Nội, 1999, song ngữ Việt - Anh….Ngoài ra, ông còn có trên 200 bài tạp chí, báo cáo khoa học đã được công bố trong nước và nước ngoài.

                                                                        (Theo nguồn website www.vicas.org.vn)