Tin tức

Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT

28 Tháng Mười Hai 2021

 ThS. Lương Thị Đào

                                                                 Khoa Văn hóa Nghệ thuật

           

            Sáng ngày 22.12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Ngô Thị Minh chủ trì “Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện thông tư 31/2017 BGDĐT và hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và thông tư 33/2018 TT-BGDĐT về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học”.  Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục và các Sở GDĐT trong cả nước.        

            Tham dự hội nghị trực tiếp có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Vụ Giáo dục - Bộ Giáo dục, Ban Thanh niên trường học, Ban Công tác thiếu nhi TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Cục Bảo trợ Xã hội, Cục Trẻ - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, Ban Giám Hiệu Trường THCS- THPT…Ngoài ra có sự tham dự của đại diện một số tổ chức phi Chính phủ GNT, World Vision, Plan…Chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu đào tạo về tâm lý học, công tác xã hội của các Viện, Trung tâm và Trường Đại học uy tín như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Giáo dục, Học viện Khoa học Xã hội, Trường Đại học Công Đoàn, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương…cùng các phóng viên nhà báo đài truyền hình cùng đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, chuyên viên phụ trách công tác xã hội và tư vấn tâm lý của Sở Giáo dục và Đào tạo 62 tỉnh thành tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến

Toàn cảnh hội nghị

 Tại hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện, các đại biểu đã được lắng nghe chỉ đạo của Tiến sĩ Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GDĐT và phát biểu của các ông bà là Lãnh đạo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên; đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam; Giám đốc Trung tâm Tâm lý học Giáo dục học – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Giáo sư Richard Hugman - Đại học New South Wales, Úc; Đại học Văn Lang,… Chia sẻ các kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác xã hội trong trường học và tư vấn tâm lý học sinh trong trường phổ thông.

              TS. Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GDĐT và phát biểu tại hội nghị

            Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), Thông tư 31 đã tạo hành lang pháp lý cho công tác tư vấn tâm lý, góp phần giúp hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông hoạt động hiệu quả hơn và hình thành một mạng lưới trợ giúp học sinh trước những nguy cơ gặp khó khăn tâm lý trong học tập và cuộc sống. Thông tư 33 cũng đã đã tạo hành lang pháp lý, góp phần giúp công tác xã hội (CTXH) trong trường học hoạt động hiệu quả hơn và hình thành một mạng lưới trợ giúp học sinh trước những nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật... từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

             Theo báo cáo của Bộ GDĐT, sau 03 năm triển khai, đến nay đã  có  40/53 Sở  GDĐT (tỉ lệ 75%)  đã xây dựng kế hoạch triển khai Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT;  hướng dẫn các cơ sở giáo dục thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường. Các sở GDĐT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện tư tấm tâm lý trong trường học và triển khai nhiều hoạt động có liên quan. Một số Sở GDĐT triển khai các  mô hình tư vấn tâm lý học đường, kịp thời hỗ trợ cho học sinh gặp khó khăn về tâm lý trong học tập, sinh hoạt;  tổ tư vấn tâm lí trở thành cầu nối gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong các hoạt động giáo dục. Nhiều nhà trường đã thực hiện lồng ghép tư vấn tâm lý thông qua các môn học, các hoạt động trải nghiệm giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động trải nghiệm.  Công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình học sinh, tổ chức, đoàn thể với các tổ chức xã hội ở địa phương ngày càng chặt chẽ. Tuy nhiên, trong 3 năm triển khai thực hiện, các đơn vị, trường học, địa phương cũng có một số khó khăn, vướng mắc như: Một số cán bộ quản lý các đơn vị trường học chưa nhận thức được vai trò quan trọng của tư vấn tâm lý nên vẫn còn tình trạng học sinh gặp khó khăn tâm lý chưa được kịp thời hỗ trợ. Hoạt động tuyên truyền tại nhiều địa phương chưa phong phú; một số trường học chưa bố trí được phòng tư vấn riêng cho hoạt động tư vấn tâm lý học sinh, hoặc được bố trí ở những khu vực chưa phù hợp. Đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý cơ bản còn làm kiêm nhiệm, kỹ năng tư vấn còn nhiều hạn chế, học sinh chưa thật sự mạnh dạn, chủ động trong việc tự nguyện đề xuất được tư vấn.

Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và đại biểu tham dự hội nghị

Thảo luận về mục tiêu, chiến lược, giải pháp thực hiện hiệu quả Thông tư 31 và Thông tư 33 của Bộ GDĐT, ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế đề nghị cần đẩy mạnh vai trò quản lý, đảm bảo chất lượng trong công tác bồi dưỡng giáo viên phụ trách công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục. Các giáo viên tham gia các khóa tập huấn cần được cấp chứng chỉ tương ứng do các cơ sở đào tạo có uy tín cung cấp dựa trên kiểm tra, đánh giá quá trình bồi dưỡng và kết quả đầu ra. Thúc đẩy hơn nữa các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ với cả hai lĩnh vực tham vấn học đường và công tác xã hội trong trường học, trong đó bảo gồm cả việc bồi dưỡng về công tác bảo vệ trẻ em.

            Kết luận hội nghị Thứ trưởng nhấn mạnh, việc triển khai Thông tư 31 và 33 cần có sự phối hợp của Bộ GDĐT, các Sở GDĐT và các chuyên gia về công tác xã hội, tư vấn tâm lý. Quá trình triển khai các hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học và triển khai Thông tư 31, Thông tư 33 cần có sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp hiệu quả của các tổ chức chính trị, xã hội, sự đồng thuận, ủng hộ và tích cực tham gia của các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các chuyên gia tâm lý, công tác xã hội; cũng như rất cần sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Triển khai 2 Thông tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên kết quả đạt được chưa như mong muốn. Trong thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư vấn học đường, công tác xã hội trong trường học; từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa các hoạt động này.