Nghiên cứu lý luận

VẬN DỤNG NGHỆ THUẬT VẼ TRANH MINH HỌA VÀ TRANH CON VẬT CỦA HỌA SĨ THÀNH CHƯƠNG VÀO DẠY HỌC MĨ THUẬT TẠI TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ THCS KIM SƠN- BẢO YÊN – LÀO CAI

16 Tháng Chín 2022

                                                                                             Tạ Văn Hợp

                                             Học viên Cao Học khóa 6- LL&PP dạy học bộ môn Mĩ thuật

Họa sĩ Thành Chương là một nghệ sĩ có phong cách sáng tác độc đáo, tiếp thu từ nghệ thuật thế giới để xây dựng cho các tác phẩm của mình có cấu trúc hình thể, màu sắc mang tính hiện đại. Ông cũng luôn quan tâm sáng tác nhằm phản ánh những diễn biến của cuộc sống xã hội Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Việc vận dụng ngôn ngữ tạo hình trong tranh của họa sĩ Thành Chương vào dạy học môn Mĩ thuật tại Trường phổ thông dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Kim Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai giúp cho học sinh nâng cao khả năng nhìn nhận, cảm thụ màu sắc, hình mảng, đường nét, giúp cho học sinh nơi đây hiểu biết và phát huy năng lực sáng tạo khi học môn Mĩ thuật. Mặt khác, tìm hiểu và trải nghiệm học tập mĩ thuật từ các họa sĩ cũng là một trong những định hướng và mục tiêu giáo dục mới được đề xuất. Bài viết mong muốn đóng góp phương pháp dạy học mĩ thuật cho thế hệ trẻ, đặc biệt trẻ em vùng núi ít có điều kiện tìm hiểu về tranh của các họa sĩ Việt Nam và thế giới. Hy vọng thông qua giáo dục môn Mĩ thuật giúp các em luôn tự tin học tốt các môn học khác, yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp và trở thành người công dân phát triển toàn diện.

Theo chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành năm 2018, đã chỉ ra với môn Mĩ thuật có các nội dung được xây dựng, biên soạn nhằm mục đích giúp học sinh phát triển tư suy sáng tạo và trình độ thẩm mĩ. Việc vận dụng đặc điểm tạo hình và giá trị nghệ thuật từ họa sĩ tiêu biểu vào môi trường giảng dạy ngay từ trình độ phổ thông là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Mĩ thuật, vận dụng, học hỏi tinh hoa trong sáng tác của họa sĩ góp phần thay đổi phong cách tạo hình, đổi mới phương pháp tư duy, sáng tạo ra những tác phẩm Hội họa chất lượng. Họa sĩ Thành Chương là một trong nhiều họa sĩ hiện đại Việt Nam sáng tác nhiều tác phẩm mĩ thuật đánh dấu sự riêng biệt.

1. Đặc điểm nghệ thuật vẽ tranh minh họa và tranh con vật của họa sĩ Thành Chương

Vốn từng là họa sĩ vẽ tranh minh họa cho các báo, tạp chí trong khoảng thời gian khá dài, khiến cho họa sĩ Thành Chương có nhiều kinh nghiệm và tương hỗ cho các khía cạnh sáng tác của ông. Những minh họa gắn bó với tên tuổi của họa sĩ Thành Chương, đó là những sáng tác minh họa trên bìa, trong các truyện ngắn, tác phẩm văn học như: “Người kép già, Ông Cản Ngũ, Anh chàng hiệp sĩ gỗ, Con chó xấu xí, Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu, Đôi chim thành, Cơm con, Chó săn, Cầu đánh vật, Con mã mái, Trạng Vật - Thượng tướng Trần Quang Khải, Trả lại đòn, Đuổi tà, Vợ nhặt, Làng, Nên vợ nên chồng

PL 2.30.  Người kép già (bìa 1)

Nguồn: Internet

PL 2.32.  Vợ nhặt

Nguồn: Internet

Những tác phẩm tranh minh họa được thể hiện qua cách tạo hình bằng nét khỏe khoắn, màu sắc nhã nhặn phù hợp với từng nội dung câu chuyện, họa sĩ Thành Chương đã rất khéo léo lựa chọn những nhân vật đặc thù bên ngoài bìa minh họa để làm nổi bật nội dung mà không bị nhàm chán. Đặc biệt, những hình tượng con vật, tranh sinh hoạt dân gian như: trâu, gà được họa sĩ Thành Chương thể hiện thống nhất về phong cách riêng đều mong muốn mang đến những khát vọng và hạnh phúc con người. Với bút pháp sử dụng một cách phóng túng làm cho đường nét trong tranh ông như tự do chuyển động và lắng đọng ở các vệt màu hoặc những mảng màu tương phản làm nổi bật chủ đề trong tranh. Với kỹ thuật vẽ tung, hứng trong bút pháp giúp cho họa sĩ Thành Chương vẽ như là chơi, vui đùa với màu với kỹ thuật sơn mài, sơn dầu vậy. Mỗi bức tranh được ông tùy hứng thay đổi bố cục, có thể vẽ ngược vẽ xuôi, tung hứng xoay xoay ở nhiều lối nhìn khác nhau, giúp học sinh thêm hứng thú và yêu thích môn học.

 

Minh họa truyện “Con mã mái”

Nguồn: Internet

Đối với đề tài tranh vẽ về các con vật trong tranh của họa sĩ Thành Chương được diễn đạt bằng lối vẽ dùng mảng, màu nét riêng và độc đáo. Ông quy những đặc điểm của con vật thành những hình kỷ hà ngộ nghĩnh tung hứng nét bút ngược xuôi để tạo nên sự ngộ nghĩnh, hài hước và tươi vui. Đặc biệt, những bức tranh vẽ về 12 con giáp, chúc mừng năm mới luôn là những tác phẩm hấp dẫn, thú vị. Mỗi khi Tết đến, xuân về họa sĩ Thành Chương đều vẽ những con giáp, hình tượng những con vật đó được thể hiện qua hòa sắc của họa sĩ Thành Chương đều có nét riêng, độc đáo, khó lẫn với các tranh con vật của các họa sĩ khác. Theo họa sĩ Thành Chương: “Thú vẽ tranh con giáp mỗi dịp chờ đón Tết đã có từ lâu đời, nhưng theo thời gian, hoạt động đó đã bị mai một, lãng quên. Nếu trước đây, cái lệ vẽ tranh con giáp chỉ mang ý nghĩa tặng bạn bè như một lời chúc xuân thì nay các họa sĩ vẽ tranh con giáp không chỉ tiếp nối, phát huy nét đẹp văn hóa tinh thần của cha ông xưa mà còn tạo nên một mảng đề tài, mảng tranh nghệ thuật phong phú”, họa sĩ Thành Chương nói. Trong những tác phẩm tranh con vật của họa sĩ Thành Chương là một mảng sáng tác gắn liền với tên tuổi của ông. Không chỉ vẽ tranh con giáp theo quan niệm xưa nhưng phong cách hiện đại, mà họa sĩ Thành Chương còn làm lên mảng đề tài sáng tác rất riêng biệt, làm phong phú hơn, gắn tên tuổi của mình với nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Trong những tác phẩm về đề tài con vật, họa sĩ Thành Chương thường đặt tên cho những bức tranh của mình với các tên tranh rất lãng mạn, nên thơ như tác phẩm: Nhảy múa cùng trâu, Giấc mơ buổi chiều, Đêm xanh, Vui đùa với trâu...

 Thời thơ ấu- 45x60 cm sơn dầu

Nguồn: Việt Phủ Thành Chương cung cấp

Ngày xanh III tranh sơn mài 70x70 cm

Nguồn: Việt Phủ Thành Chương cung cấp

PL 2.13.  Giấc mơ đỏ - tranh sơn mài 100x100cm

Nguồn: Việt Phủ Thành Chương cung cấp

Hạnh phúc  2007  sơn mài  120x240cm

Nguồn: Việt Phủ Thành Chương cung cấp

2. Vận dụng nghệ thuật vẽ tranh minh họa của họa sĩ Thành Chương vào dạy học Mĩ thuật.

Giáo viên chia lớp ra thành 4-6 nhóm nhỏ, cùng quan sát, bàn luận và phân tích về cách tạo hình trong tranh minh họa của họa sĩ, sau đó Giáo viên hướng dẫn Học sinh của mình các bước tạo hình, phối màu, làm đậm nhat... Hướng dẫn học sinh vận dụng về kiến thức và kỹ năng, thao tác vận dụng từ những minh họa giúp học sinh đã bước đầu đạt được mục tiêu đề ra của bài học, từ kiến thức, kỹ năng phân môn vẽ tranh mà các em cảm nhận và tư duy được. Điều đáng ghi nhận chính là không khí học tập trong lớp rất sôi nổi, ý thức của học sinh tham gia môn học trở nên tích cực, thời gian trống trong tiết được giảm đáng kể học sinh trở nên hào hứng tham gia hoạt động thảo luận và cùng nhau làm bài nhiều hơn. Bên cạnh đó, vì giao nhiệm vụ cho nhóm trưởng và nhóm trưởng giao nhiệm vụ cho từng thành viên được cụ thể hóa nên mỗi thành viên một công việc cụ thể, mỗi học sinh được từng bước lên lớp tự mình trải nghiệm nên học sinh làm việc riêng, mất trật tự cũng giảm đáng kể. Học sinh làm theo sự chỉ huy và hướng dẫn từng bước cụ thể của giáo viên việc học sinh tích cực tham gia tiết thực nghiệm một phần do có yếu tố mới hấp dẫn hơn.

Khi đưa tranh minh họa của họa sĩ Thành Chương vào dạy học mĩ thuật cho học sinh đã góp phần tăng cường tạo hứng thú học tập cho học sinh, các em tích cực chủ động sáng tạo và phát triển được năng lực của mình, so với trước kia học sinh học theo phương pháp dạy học truyền thống đọc và chép, khi sử dụng phương pháp mới, kỹ thuật dạy học giúp các em chiếm lĩnh được kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết của phân môn Vẽ tranh, đồng thời phát triển được thái độ tích cực cho học sinh, qua đó góp phần nâng cao kết quả học tập của học sinh nói riêng và nâng cao chất lượng dạy trong học mĩ thuật với phân môn Vẽ tranh trong nhà trường. Từ kết quả thực nghiệm việc sử dụng phương pháp dạy học tiếp cận năng lực, phương pháp dạy học theo nhóm đã cho ta thấy hiệu quả nhất định của học sinh về cơ bản tiết dạy đã thành công cả trên phương diện tổ chức phương pháp, tạo hứng thú học tập cho học sinh phát triển đặc thù môn học và phát huy năng lực quan sát, năng lực chủ động hợp tác nhóm và làm việc theo nhóm. Với cách vận dụng này cho thấy các em đã rất tích cực chủ động sáng tạo và phát triển được năng lực của mình, so với trước kia học sinh học theo phương pháp dạy học truyền thống đọc và chép. Khi sử dụng phương pháp mới và các kỹ thuật dạy học giúp các em chiếm lĩnh được các kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết của phân môn Vẽ tranh cũng như nhận thức, tham gia học tập của học sinh. Những hình tượng trong tranh của họa sĩ Thành Chương đã giúp học sinh biết xử lý hình, màu vào bài học một cách chủ động hơn. Có lẽ cũng bởi lối vẽ ngây thơ gần gũi với trẻ em, các khối hình được tinh giản dễ cảm nhận.

Một số sản phẩm của học sinh:

PL 3.21. Tranh của học sinh: Phạm Hoàng Long 7A

Nguồn: Học viên Tạ Văn Hợp

Tranh của học sinh: Nguyễn Minh Anh lớp 7A

Nguồn: Học viên Tạ Văn Hợp

 

Tranh của học sinh: Nguyễn Thị Lan lớp 7A

Nguồn: Học viên Tạ Văn Hợp

3. Vận dụng nghệ thuật vẽ tranh con vật của họa sĩ Thành Chương vào dạy học Mĩ thuật.

Với những bức tranh vẽ về con vật thường được họa sĩ thể hiện lồng ghép cho tranh thêm sinh động như hình ảnh những đám trẻ vui đùa bên con trâu, tạo sự dí dỏm, vui nhộn. Để bắt đầu giáo viên giao nhiệm vụ trước một tuần cho HS tìm hiểu về chủ đề 3: Cuộc sống trong mắt em, bài 1 vẽ tranh cuộc sống quanh em và tìm hiểu cách tạo hình trong tranh họa sĩ Thành Chương. Giáo viên hướng dẫn liệt kê, chọn lọc ra những ý tưởng và chủ động sắp xếp các ý tưởng đã có thành 1 bức tranh về con vật có quan sát, đồng thời có thể học ngay lối tạo hình vô cùng tự nhiên, ngây thơ của họa sĩ Thành Chương gắn với nội dung học tập. Giáo viên sẽ không đưa ra nhận định riêng của mình mà chỉ khơi gợi nhằm tìm hiểu mong muốn của HS sau đó giúp HS hoàn thành bài trên cơ sở kiến thức đã có. Giáo viên cho HS được lựa chọn chất liệu thể hiện, có thể là màu sáp, màu nước, xé dán theo đúng năng lực và sở thích, tạo không gian, tinh thần tích cực nhất để HS hoàn thiện bài. Do đã có sự tìm hiểu từ trước về nội dung chủ đề nên hầu hết các bạn bắt tay vào rất nhanh, một số bạn còn lúng túng sẽ được giáo viên tới hướng dẫn, đưa ra thêm ý tưởng, hội ý trong nhóm để theo kịp cả lớp. Qua quan sát chung, với phương pháp này HS nắm bắt kiến thức được rất nhanh, tinh thần học tập nhóm, thảo luận nhóm nâng cao, HS hào hứng khi được thỏa sức sáng tạo theo ý thích và chất liệu mình thích. Qua đó giúp HS hiểu về nguyên lý của nghệ thuật tạo hình như màu tương phản trong tranh, màu nóng, màu lạnh, và cách sắp xếp các hình kỷ hà để tạo thành các con vật mang đặc điểm riêng.

Kết luận

      Việc vận dụng nghệ thuật vẽ tranh minh họa và tranh con vật của họa sĩ Thành Chương vào dạy học Mĩ thuật tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Kim sơn- Bảo yên – Lào cai nhằm giúp học sinh có cơ hội được tiếp cận với phong cách tạo hình của một họa sĩ cụ thể. Trong quá trình sáng tác nghệ thuật của mình họa sĩ Thành Chương đã thực hiện được số lượng tác phẩm khá lớn có giá trị nghệ thuật đóng góp cho kho tàng mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Phong cách sáng tác của họa sĩ Thành Chương có lối nhìn trẻ thơ rất gần gũi với đời sống con người nơi thôn quê nhưng lại toát lên vẻ hiện đại bởi các hình thức thể hiện. Đối với học sinh THCS nói chung, học sinh THCS học môn Mĩ thuật nói riêng sẽ yêu thích, tìm hiểu và cảm nhận được sự thú vị từ những sáng tác của họa sĩ Thành Chương. Đối với học sinh tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Kim Sơn, Bảo Yên, Lào Cai sẽ hứng thú với những sáng tác trên chất liệu sơn dầu, sơn mài và tranh minh họa của họa sĩ Thành Chương. Bởi vì những chủ đề về hình tượng con vật, hoạt cảnh sinh hoạt đời thường, tranh minh họa... cũng được thể hiện khá độc đáo qua chuỗi sáng tác của họa sĩ Thành Chương. Góp phần nâng cao sự hiểu biết của học sinh nơi vùng núi phía Bắc của Việt Nam có điều kiện được tìm hiểu về nghệ thuật tạo hình của một họa sĩ Việt Nam hiện đại.

 

                                                             TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Đông, Vương Trọng Đức, Nguyễn Minh Quang (2019), Tài liệu tìm hiểu chương trình môn mĩ thuật Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Trường đại học sư phạm, Hà Nội.
  2. Phạm Việt Hà, (2015), Hướng dẫn làm đồ chơi cho trẻ, Nxb Giáo dục, Hà Nội

3. Thái Duy Tuyên (2008), Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Đinh Gia Lê, Vương Trọng Đức, Phạm Minh Phong, Phạm Duy Anh (2017), Giáo dục mĩ thuật phổ thông giai đoạn giáo dục cơ bản, Nxb Giáo dục Việt Nam.

5. Quang Việt (2018), "Thành Chương sức mạnh tiềm ẩn", Tạp chí Mỹ thuật, Số 303 &304,

6. http://vietphuthanhchuong.com