Nghiên cứu lý luận

Vận dụng hội họa của Wassily Kandinsky vào dạy học Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Bà Triệu, Hà Nội.

06 Tháng Giêng 2023

Nguyễn Phi Nga

Học viên K10 – LL&PPDH Mỹ thuật

Chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI, khi mà việc để trẻ thơ tự do thực hiện ước mơ, phát triển những thế mạnh của bản thân đang được chú trọng đầu tư hơn bao giờ hết. Bắt đầu đặt nền tảng nghệ thuật, xây dựng những khái niệm cơ bản nhất về hội họa và âm nhạc từ khi trẻ mới bắt đầu làm quen cùng nghệ thuật sẽ giúp trẻ sau này có được một tâm hồn cảm thụ tinh tế, tỉ mỉ mà không kém phần đa dạng, phong phú. Trong chương trình dạy học Mĩ thuật tại các trường tiểu học, đã có nhiều sự thay đổi về mặt bài học, thay đổi kết cấu, sự kết hợp kiến thức bài học. Trước kia, môn Mĩ thuật được chia thành những bài cụ thể như vẽ tranh đề tài, vẽ theo mẫu, thường thức mĩ thuật,… nhưng những năm gần đây, đã có sự thay đổi dần, kết hợp nhiều bài liên quan tới nhau vào thành một chủ đề, phối hợp với các hoạt động ngoại khóa hay kết hợp cùng với âm nhạc để học sinh có thể phát triển được sự sáng tạo, không bị gò bó trong một khuôn khổ cố định. Nhận thấy được màu sắc và âm nhạc có mối liên kết ảnh hưởng lẫn nhau, nên nhiều trường tiểu học đã đưa vào trong giáo án dạy âm nhạc và sắc màu cùng với nhau với mục tiêu phát triển trí tưởng tượng về hình ảnh, kết hợp với chữ viết, đường nét, màu sắc để tạo thành sản phẩm mĩ thuật mới.

Họa sĩ Wassily Kandinksy được coi là người tiên phong của phong trào nghệ thuật trừu tượng. Các tác phẩm nghệ thuật của Kandinsky nổi tiếng khắp thế giới, và những đóng góp của ông cho phong trào trừu tượng đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác, các tác phẩm của ông lưu trữ bảo quản và trưng bày trong các bảo tàng nghệ thuật trên khắp thế giới, đã và vẫn đang tiếp tục truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trong tương lai. Bài viết này đề cập đến việc vận dụng hội họa trừu tượng của họa sĩ Wassily Kandinsky vào dạy học môn Mĩ thuật dành cho học sinh lớp 5 tại Trường Tiểu học Bà Triệu, Hà Nội.

1. Thực trạng dạy học Mĩ thuật cho học sinh lớp 5 tại Trường Tiểu học Bà Triệu

Kế hoạch dạy học môn Mĩ thuật trong năm học 2021-2022 tại Trường Tiểu học Bà Triệu theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối 1, 2 và chương trình dạy học theo Bộ sách học Mĩ thuật theo định hướng phát triển năng lực đối với khối 3, 4, 5.

Đối với học sinh lớp 5, khả năng nhận thức và sáng tạo đã được phát triển và phong phú hơn, các em đã có thể tự tìm tòi những cái mới lạ, quan sát tìm hiểu phân tích được các đối tượng mới. Bằng việc đưa những tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ nổi tiếng và giới thiệu cho các em tới những trường phái nghệ thuật mới lạ khác nhau đều giúp khơi gợi khả năng tư duy tưởng tượng, thu hút sự chú ý và tăng sự hứng thú trong học tập của các em.

Trong chương trình dạy học Mĩ thuật lớp 5 tại Trường Tiểu học Bà Triệu thì vẫn chưa vận dụng nhiều về hội họa của các họa sĩ nước ngoài vào trong các bài học. Nhưng qua các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về những trường phái nghệ thuật mới, học sinh tỏ vẻ thích thú và chủ động tìm hiểu, trải nghiệm khám phá các chất liệu. Học viên cho rằng, việc vận dụng nghệ thuật tạo hình của các họa sĩ nổi tiếng thế giới vào trong dạy học Mĩ thuật là phù hợp. Các em học sinh cũng cần được tiếp xúc nhiều hơn với các hình thức, trường phái nghệ thuật hội họa nói chung và các danh họa bậc thầy thế giới nói riêng. Từ đó, có thể giúp các em có thêm hiểu biết và có cái nhìn đa chiều hơn về nghệ thuật.

Học viên cho rằng, đưa nghệ thuật hội họa trừu tượng của họa sĩ Wassily Kandinsky vào dạy khối 5 là phù hợp, cụ thể là vào bài số 3 Âm nhạc và sắc màu và bài số 9 Trang phục yêu thích trong chương trình Mĩ thuật lớp 5 của bộ sách dạy học theo định hướng phát triển năng lực Đan Mạch.

 

2. Các nguyên tắc dạy học

Dưới đây là một số nguyên tắc vận dụng hội họa trừu tượng của họa sĩ Wassily Kandinsky vào dạy học Mĩ thuật tại Trường Tiểu học Bà Triệu, Hà Nội. Ngoài việc dựa vào những kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn còn phải căn cứ vào các nguyên tắc cơ bản sau:

Đảm bảo tính thực tiễn: Với nguyên tắc này, giáo viên giúp học sinh vận dụng những kiến thức đã học vào tác phẩm theo như cảm nhận của học sinh.

Đảm bảo sự thống nhất giữa tính trực quan và tính khái quát: Giáo viên kết hợp trực quan/hình ảnh và thị phạm để học sinh được quan sát, dễ hiểu, dễ nhớ và áp dụng được.

          Đảm bảo sự thống nhất giữa các cá nhân với tập thể: Giáo viên tổ chức dạy học bằng các hoạt động phong phú để học sinh thực hành, thảo luận, trải nghiệm cùng nhau qua đó học sinh tác động lẫn nhau cho ra các ý tưởng phong phú.

          Đảm bảo tính khoa học: Để đạt được hiệu quả trong việc nghiên cứu và vận dụng, cần phải dựa trên những cơ sở và nghiên cứu khác nhau. Cần xác định cụ thể thời gian, đối tượng, mục tiêu cần đạt và các biện pháp vận dụng.

          Đảm bảo tính khả thi: Các biện pháp vận dụng hội họa trừu tượng của họa sĩ Wassily Kandinsky vào dạy học tại Trường Tiểu học Bà Triệu, Hà Nội cần bám sát với chương trình học, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, của nhà trường. Dựa trên năng lực của đội ngũ Giáo viên Mĩ thuật và trình độ nhận thức của học sinh trong nhà trường để đảm bảo các biện pháp mang tính khả thi.

          Đảm bảo tính đồng bộ hệ thống: Biện pháp vận dụng hội họa trừu tượng của họa sĩ Wassily Kandinsky vào dạy học Mĩ thuật tại Trường Tiểu học Bà Triệu, Hà Nội cần có sự nhất quán đồng bộ, tránh sự chồng chéo trong khi tổ chức thực hiện.

          Đảm bảo tính hiệu quả: Các biện pháp nghiên cứu trong đề tài cần phù hợp và triển khai thực hiện đồng bộ đem lại kết quả trong quá trình vận dụng hội họa trừu tượng của họa sĩ Wassily Kandinsky vào dạy học Mĩ thuật tại Trường Tiểu học Bà Triệu, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

3. Chọn lọc các tác phẩm của họa sĩ Wassily Kandinsky phù hợp với học sinh

          Theo như những tìm hiểu và nghiên cứu phân tích về khả năng tiếp thu, tâm lý lứa tuổi của học sinh và chương trình dạy học Mĩ thuật của khối lớp 5, học viên nhận thấy sử dụng các các tác phẩm số VIII, IX, X trong bộ gồm 10 tranh Composition vào trong bài giảng là phù hợp.

Composition VIII (1923).

Sơn dầu trên vải (140 x 201) cm.

Nguồn [5]

Composition IX (1936).

Sơn dầu trên vải (113,5 x 195) cm.

Nguồn [5]

Compostion IX (1939).

 Sơn dầu trên vải (130 x 195) cm.

Nguồn [5]

          Khác với 7 bức đầu tiên, 3 bức cuối của bộ tranh Composition có các yếu tố tạo hình rõ ràng hơn, sự kết hợp của các đường nét uốn lượn, hình khối hình học và hình khối hữu cơ kết hợp cùng màu sắc đan xen lồng ghép vào nhau tạo nên nhịp điệu uyển chuyển để đưa tầm mắt người xem trải rộng khắp tác phẩm. Từ việc quan sát các tác phẩm của họa sĩ Wassily Kandinsky, học sinh có thể hình dung được rõ ràng và cụ thể hơn về cách kết hợp các yếu tố tạo hình khác nhau, bổ sung thêm nguồn nguyên liệu cho thư viện hình ảnh của chính mình. Thông qua đó, giúp học sinh hình thành ý tưởng sáng tạo riêng, có thể tự tạo nên bố cục bức tranh nhằm nói lên cảm xúc của chính mình.

4. Vận dụng hội họa của Wassily Kandinsky vào dạy học một số bài học

Học viên nhận thấy vận dụng hội họa trừu tượng và yếu tố tạo hình trong tranh của họa sĩ Wassily Kandinsky vào bài 3 Âm nhạc và sắc màu và bài 9 Trang phục yêu thích trong chương trình học Mĩ thuật lớp 5 là phù hợp. Vì vậy, học viên đã đề xuất tiến hành thực nghiệm chủ đề này ở khối lớp 5 và chọn ra 2 lớp 5A và 5B để thực hành vẽ theo nhạc ở bài 3 và ứng dụng vào trang trí tạo hình trang phục ở bài 9. Lớp thực nghiệm là lớp 5A, lớp đối chứng là lớp 5B do thông qua khảo sát kết quả học tập năm học 2020 – 2021 cả hai lớp có năng lực và sĩ số tương đương nhau. Chủ đề vẽ tranh theo âm nhạc và tạo hình trang phục yêu thích vừa mới lạ nhưng lại rất gần gũi và tạo được hứng thú đối với học sinh. Trong chủ đề 3: “Sự thú vị trong nhịp điệu của màu sắc” - bài 3: “Âm nhạc và sắc màu”,  học viên sẽ tiến hành giảng dạy ở 2 lớp 5A và 5B trong 3 tiết học. Lớp đối chứng 5B học viên sẽ tiến hành giảng dạy theo chương trình dạy học chưa có sự vận dụng hội họa của họa sĩ Wassily Kandinsky. Lớp thực nghiệm 5A, học viên sẽ đưa hội họa trừu tượng và yếu tố tạo hình trong tranh của họa sĩ Wassily Kandinsky vào dạy học.

Tại lớp thực nghiệm, học sinh sẽ được khởi động bằng hoạt động nhóm để làm quen với các tác phẩm của họa sĩ Wassily Kandinsky (cụ thể là video hoạt họa tác phẩm của họa sĩ Kandinsky). Sử dụng phương pháp nghiên cứu và quan sát, trong hoạt động này, học sinh sẽ phải tự quan sát kết hợp với vẽ lại những gì mình đã quan sát để có thể thu được bảng tổng kết các hình khối và các loại đường nét khác nhau.

Bảng hoạt động nhóm tổng kết các hình khối và đường nét.

Nguồn: Tác giả (2021)

 Hoạt động diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, chính vì vậy sẽ giúp các em học sinh rèn luyện khả năng quan sát, khả năng ghi nhớ, tính nhanh nhạy đồng thời cũng luyện khả năng vẽ nét rất tốt. Kết thúc hoạt động nhóm, học sinh sẽ sử dụng các hình khối vừa quan sát được vào trong quá trình vẽ tranh theo nhạc để thể hiện cảm xúc của mình. Trong hoạt động vẽ tranh theo nhạc, vận dụng phương pháp kết hợp âm nhạc trong giờ học, mỗi học sinh tự lựa chọn các hình khối và đường nét vừa được quan sát và vẽ lại trong phần hoạt động nhóm sao cho phù hợp với cảm xúc trong khi nghe nhạc để tạo nên 3 bức tranh có bố cục khác nhau ứng với 3 bản nhạc mang hình thái cảm xúc khác nhau. Bản nhạc được sử dụng trong hoạt động là nhạc cổ điển, nhạc không lời để học sinh tập trung cảm nhận giai điệu nhạc mà không bị ảnh hưởng bởi biểu cảm trong lời bài hát, cũng giống như trong hầu hết các tác phẩm của họa sĩ Wassily Kandinsky, ông vẽ bằng cảm nhận của mình khi nghe qua các bản nhạc của Schonberg và Wagner. Bằng việc sử dụng phương pháp dạy học kết hợp âm nhạc cùng chơi trò chơi và hoạt động nhóm một cách hợp lý tạo bầu không khí vui tươi, sôi nổi trong lớp học, tạo hứng thú giúp học sinh làm quen với hội họa trừu tượng và thực hành một cách hiệu quả. Để cho các em làm quen với khái niệm bảng màu sắc, các em sẽ tự chọn ra 3 bảng màu, mỗi bảng 6 màu, để tô màu cho 3 bức tranh.

Thông qua phương pháp hỏi đáp, bằng những câu hỏi dẫn dắt bài học cùng gợi mở kiến thức nhằm giúp học sinh hiểu bài học và củng cố các kiến thức từ tiết học trước. Kết thúc tiết 1 của bài Âm nhạc và sắc màu các em sẽ được biết thêm về nhiều hình khối và biểu cảm đường nét khác nhau và từ các đường nét, màu sắc có thể gợi được tưởng tượng về hình ảnh. Học sinh có thể nghe và vận động theo giai điệu âm nhạc, chuyển được âm thanh và giai điệu thành những đường nét và màu sắc biểu cảm trên giấy. Từ đó, giúp phát triển cảm thụ về hình ảnh và đường nét trong nghệ thuật. Ngoài những tác phẩm của họa sĩ Wassily Kandinsky, học viên còn chuẩn bị các giáo cụ trực quan để đưa ra cho học sinh quan sát, nhận xét tìm hiểu về các hình khối và đường nét cùng những gam màu sắc được sử dụng trong tranh để học sinh có thể hiểu hơn về mục đích của hội họa trừu tượng - là gợi nên được nhiều liên tưởng, tưởng tượng cho người xem thay vì tập trung vào diễn tả một đối tượng cụ thể. Bằng việc quan sát trực quan, các em học sinh có thể cảm thụ được sự liên kết của việc sắp xếp các hình khối và màu sắc, kết hợp với nhau có thể tạo ra những tưởng tượng và cảm giác khác nhau - cùng một hình ảnh có mỗi học sinh có những liên tưởng tới những đồ vật khác nhau... từ đó giúp kích thích phát triển trí tưởng tượng cùng thói quen quan sát của các em học sinh. Việc quan sát kết hợp với ghi chép và vẽ lại theo trí nhớ giúp phát triển sự nhanh nhạy và làm giàu thêm cho thư viện hình ảnh trong đầu các em. Trong trò chơi đầu tiết 2 của bài học Âm nhạc và sắc màu, học viên cho học sinh quan sát và vẽ nối tiếp các họa tiết trong bảng hoạt động nhóm, điều này giúp các em luyện được óc quan sát và liên kết các hình ảnh để có thể nối tiếp các họa tiết và hoa văn. Đồng thời, thông qua hoạt động này các em cũng được học về hoa văn là sự lặp lại của tổ hợp các đường nét và hình khối hoặc màu sắc. Kết thúc hoạt động, học sinh có thể tạo được các họa tiết của riêng mình bằng việc vẽ lặp lại các đường nét hoặc màu sắc, từ đó sử dụng vào việc điểm thêm sự sáng tạo phong phú vào trong bức tranh vẽ theo nhạc của mình.

Tiết 3 là tiết trưng bày tác phẩm của bài Âm nhạc và sắc màu. Học viên cho học sinh tự trưng bày kết quả bài học để học sinh quan sát và tự đánh giá, nhận xét sản phẩm của mình và của bạn thông qua một số câu hỏi gợi mở của giáo viên. Học sinh sẽ biết cách quan sát và sử dụng kiến thức về các yếu tố tạo hình (đường nét, hình khối và màu sắc) để nhận xét tác phẩm và nêu lên cảm nhận của mình về các bài vẽ của mình và so sánh giữa bài vẽ của mình với của bạn.

Thực nghiệm ứng dụng tác phẩm trong bài 3 vào trong bài 9: trong tiết học này, các em có thể sử dụng tranh vẽ hoàn chỉnh từ bài Âm nhạc và sắc màu để có thể trang trí thêm cho trang phục mà các em vẽ. Thông qua bài học, HS có thể nhận biết được một số trang phục quen thuộc, biết tạo hình trang phục bằng hình thức vẽ, xé hoặc cắt dán kết hợp với những chất liệu khác theo ý thích cho kết quả như bảng bên dưới.

So sánh các tác phẩm của học sinh lớp đối chứng 5B (bên trái) và của lớp thực nghiệm 5A (bên phải) của trường tiểu học Bà Triệu, Hà Nội:

Học sinh Nguyễn Hoàng Anh

Nguồn: Tác giả (2021)

Học sinh Phạm Khánh Ngọc

Nguồn: Tác giả (2021)

Học sinh Nguyễn Ngọc Khuê

Nguồn: Tác giả (2021)

Học sinh Đinh Bảo Dương

Nguồn: Tác giả (2021)

Học sinh Nguyễn Nam Hoàng

Nguồn: Tác giả (2021)

Học sinh Nguyễn Đức Minh

Nguồn: Tác giả (2021)

Học sinh Hoàng Ánh Ngọc

Nguồn: Tác giả (2021)

Học sinh Trần Ngọc Hân

Nguồn: Tác giả (2021)

5. Kết luận về sự chuyển biến về tác phẩm cuối bài học của học sinh

           Mỗi tác phẩm đều có sự chủ động của học sinh trong việc lựa chọn hình khối, đường nét và màu sắc để có thể thể hiện được tâm trạng của mình. Âm nhạc đóng vai trò dẫn dắt, giúp học sinh cảm nhận được những cảm xúc của bản thân và từ đó biến những giai điệu, âm thanh thành đường nét hình ảnh trên giấy.

           Với mỗi một cảm xúc của cụ thể, học sinh có thể thể hiện được bằng nhiều yếu tố tạo hình lẫn sự kết hợp màu sắc riêng, chủ động phụ thuộc vào ý đồ của bản thân và không bị ràng buộc bởi những định kiến rập khuôn hoặc vẽ một cách không chủ đích.

Tài liệu tham khảo:

Tài liệu tiếng Việt:

  1. Nguyễn Lăng Bình, Phạm Thị Chỉnh (2000), Mỹ thuật và phương pháp giảng dạy - tập III, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2. Nguyễn Lăng Bình (2007), Mỹ thuật và phương pháp dạy học mỹ thuật ở tiểu học, Tài liệu đào tạo GV, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Nguyễn Lăng Bình (2017), Dạy học tích cực một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  4. David Piper (1997), Thưởng ngoạn hội họa, Nxb Văn hóa và Thông tin, Hà Nội.

          Tài liệu tiếng nước ngoài:

  1. Hajo Duchting (2015), Kandinsky (Basic Art Series 2.0), Taschen, Slovakia.