Tin tức

Kết quả khảo sát PISA là cơ sở đổi mới giáo dục

07 Tháng Mười Hai 2013

"Học sinh Việt Nam hơn các nước Anh, Mỹ trong khảo sát PISA, nhưng ở những phương diện khác không cần so sánh cũng biết ta yếu hơn. Đây sẽ là căn cứ để Bộ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục", Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trao đổi với báo chí chiều 4/12.

- Theo kết quả khảo sát PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì học sinh Việt Nam có thứ hạng cao hơn Anh, Mỹ, ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Theo quan niệm của OECD thì kinh tế thấp kết quả khảo sát sẽ không cao. Tuy nhiên, khi chấm bài của học sinh Việt Nam, họ bất ngờ nên đã chất vấn chúng ta suốt 2 tháng. Cuối cùng, khi kiểm định tất cả mọi khâu không thấy sai sót, họ đã công bố kết quả với thứ hạng của học sinh Việt Nam cao hơn học sinh các nước phát triển như Anh, Mỹ.... Đó là điều tự hào.

Tuy nhiên, PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực cần thiết phải đánh giá của người học. PISA chỉ đánh giá về Toán, Khoa học và Đọc hiểu. Những lĩnh vực khác, dù không cần so sánh chúng ta cũng nhận thấy đang yếu hơn so với nước bạn như về giao tiếp, kỹ năng sống…Sắp tới, khi thực hiện đổi mới căn bản giáo dục, học sinh phổ thông sẽ được quan tâm đến vấn đề này, những gì yếu kém sẽ được đào tạo bổ sung.

TT-hien-4659-1386208694.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tự hào với kết quả khảo sát PISA của Việt Nam nhưng ông cũng thẳng thắn thừa nhận nhiều phương diện khác học sinh Việt Nam còn yếu so với các nước. Ảnh: Hoàng Thùy.

- Kết quả khảo sát này có thể đại diện cho toàn bộ học sinh Việt Nam, thưa ông?

- Mỗi nước tham gia khảo sát có nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu mẫu bao gồm tất cả học sinh trong khoảng độ tuổi 15, sau đó gửi sang OECD. Họ sẽ xây dựng hệ thống biến phân tầng, sau đó lựa chọn ngẫu nhiên những học sinh tham gia khảo sát ở tất cả các hệ từ THCS, THPT, GDTX, trường nghề... và gửi danh sách quay lại.

OECD tập huấn cho chúng ta các kỹ thuật và quy trình khảo sát, cách lắp ghép các câu hỏi thành đề thi. Ở Việt Nam, có 13 bộ đề thi hoàn toàn khác nhau, mỗi trường chỉ có 35 em được lựa chọn ngẫu nhiên khảo sát. Khi thi, các em ngồi ở những vị trí theo OECD quy định. Việc chấm bài thi cũng nghiêm ngặt chưa từng có. Mỗi câu hỏi có 5 người chấm, nhập phiếu chấm song song vào máy tính, xong sẽ gửi đi và đóng máy nên không ai biết được kết quả.

Tất cả các công đoạn đều được OECD quản lý chặt. Khi nộp dữ liệu mẫu, họ sẽ lựa chọn các bài ngẫu nhiên, mời chuyên gia phân tích, nếu trong một phòng có 2 em bài thi gần giống nhau thì sẽ không được chấp nhận. 

Như vậy, việc chọn mẫu học sinh khảo sát là do OECD thực hiện, mỗi em đại diện cho một trọng số. Chúng ta chỉ đảm nhiệm kỹ thuật, còn tất cả do OECD phụ trách nên có thể coi đây là kết quả đại diện cho học sinh Việt Nam. 

- Đề khảo sát mà OECD đưa ra có cấu trúc như thế nào thưa ông?

- Đề thi được thực hiện thống nhất ở tất cả các quốc gia tham dự khảo sát PISA. Đề được thiết kế theo khung năng lực, có ma trận, mỗi lĩnh vực có 3 level. Cấp độ 1 là kiểm tra kiến thức đơn thuần, cấp độ 2 kiểm tra kiến thức phức hợp và cấp độ 3 là yêu cầu học sinh phải vận dụng toàn bộ kiến thức để giải quyết vấn đề liên quan đến thực tiễn. Đề thi không hỏi theo kiểu 1+1=2 mà hỏi nếu có 5.000 đồng đi chợ thì phải tính toán mua những gì để đủ số tiền đó.

Mục tiêu của PISA là nhằm kiểm tra xem khi đến độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc, học sinh đã được chuẩn bị được những gì để đáp ứng các thách thức của cuộc sống. Ở tuổi 15, PISA đánh giá học sinh về năng lực Toán học, Khoa học, Đọc hiểu…Các tình huống đưa ra là có thật trong cuộc sống, đòi hỏi các em phải vận dụng. Học sinh muốn làm đúng có hai cách, hoặc là phải nắm kiến thức vững, hoặc là có vốn sống, kinh nghiệm sống để vận dụng.

Một số người cho rằng kết quả PISA chỉ đánh giá lý thuyết, tuy nhiên không thể hiểu thực hành chỉ là làm bằng tay chân. OECD ra đề thi yêu cầu học sinh phải vận dụng những kiến thức trong nhà trường để giải quyết những vấn đề liên quan đến thực tiễn. Vì vậy, rất nhiều học sinh ở trung tâm giáo dục thường xuyên được điểm số cao.

- Kinh phí thực hiện chương trình khảo sát được lấy từ nguồn nào?

Tổ chức OECD trước đây chỉ hỗ trợ các nước phát triển về kinh tế, sau đó để có căn cứ làm thước đo nền giáo dục nào là tốt, họ đã xây dựng chương trình đánh giá học sinh quốc tế, chu kỳ đầu tiên bắt đầu từ năm 2000.  Năm 2012 Việt Nam bắt đầu tham gia. Kinh phí mỗi nước phải đóng cho 1 chu kỳ là 160.000 Euro.

Ngoài ra, mỗi quốc gia phải tham dự tập huấn 2-3 lần trong năm, toàn bộ khâu thử nghiệm, sao in đề thi, chấm bài…đều phải tự túc kinh phí. Mỗi chu kỳ làm việc của Canada mất khoảng 8 triệu USD, còn Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ nhưng thấp hơn rất nhiều vì chúng ta làm việc theo nguyên tắc tiết kiệm. Chương trình phát triển giáo dục trung học là đơn vị tài trợ toàn bộ kinh phí.

- Mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi bỏ tiền tham dự khảo sát?

Khi mang quân đi đọ với thế giới, tôi rất lo. Nhiều người băn khoăn tại sao Việt Nam dám tham gia khảo sát PISA, nhưng lúc bấy giờ Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân quyết định tham gia để nhìn vào thực tế chất lượng giáo dục, không ru ngủ mình. Kết quả đạt được đã cho chúng tôi thêm niềm tin, nhưng chất lượng giáo dục trung học khá rồi, việc đổi mới sắp tới phải mạnh hơn ở những vấn đề khác. Như nội dung phải xoáy vào những phần quan trọng, làm sao để con người phát triển tốt hơn, đồng thời, tăng cường giáo dục đạo đức lý tưởng, khoa học xã hội nhân văn, kỹ năng sống...cho các em.

Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục có nêu giải pháp đột phá là đổi mới đánh giá trong đó có đổi mới các kỳ thi, kiểm tra. Chúng ta sẽ chuyển từ việc kiểm tra học sinh học được gì sang kiểm tra việc vận dụng kiến thức kỹ năng vào thực tiễn. Khảo sát PISA hỗ trợ điều này, từ thiết kế đề thi cho đến cách thức thực hiện.

Mặt khác, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, chúng ta nên và cần biết mình đang ở đâu, học sinh Việt Nam có thể hội nhập hay không? PISA cũng trả lời được câu hỏi này, cho chúng ta thấy các em yếu ở đâu, cần bổ sung kiến thức gì?

Lâu nay chúng ta thi, kiểm tra đánh giá từng người học chứ không đánh giá được từng đơn vị, địa phương, hay có những yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Tham gia PISA sẽ giải quyết được điều đó. Bộ sẽ phân tích kỹ báo cáo của PISA, để xem những nguyên nhân ảnh hưởng và quan tâm phát triển năng lực của người học.

Bà Lê Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm kiểm định (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT) khẳng định, những quy trình của OECD rất nghiêm ngặt và kết quả này là rất khách quan, chính xác. 

Hiện nay, Việt Nam đã có quyết định thành lập hai trung tâm kiểm định chất lượng độc lập. Chúng ta đang hướng tới thực hiện kiểm định đánh giá độc lập dựa trên chuẩn khu vực và quốc tế.

Theo vietnamnet.vn