Tin tức – Sự kiện

Thực hiện đổi mới giáo dục đại học phải trí tuệ, bình tĩnh, không nóng vội

30 Tháng Mười Hai 2013

Sáng 28/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI và tổng kết năm học 2012-2013 các trường đại học, cao đẳng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo tổng kết năm học 2012-2013 các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2013 là 489.732, tăng 5,4% so với năm 2012 (năm 2012 là 464.784 thí sinh), trong đó các trường đại học tuyển được 324.059 thí sinh (năm 2012 là 264.784); các trường cao đẳng tuyển được 165.673 thí sinh (năm 2012 là 198.897).

 

 

Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 các trường ĐH, CĐ. Ảnh: VA

 

Trong năm qua, Bộ GD&ĐT đã đưa ra cảnh báo về nhu cầu nhân lực các ngành kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh đã vượt so với quy hoạch nguồn nhân lực và nhu cầu xã hội khiến sinh viên tốt nghiệp các ngành này khó tìm được việc làm. Năm 2013, số thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành này đã giảm 10% so với năm trước. Trong khi đó một số ngành đào tạo có số hồ sơ đăng ký dự thi tăng so với năm trước như: nhóm ngành khoa học giáo dục tăng 3,1%, khoa học sức khỏe tăng 1,7%, công nghệ kỹ thuật tăng 0,5%, kỹ thuật môi trường và bảo vệ môi trường tăng 1,4%.

Bộ GD&ĐT chủ trương giảm dần số lượng sinh viên hệ vừa làm vừa học để đảm bảo chất lượng đào tạo. Số lượng sinh viên hệ vừa làm vừa học năm 2013 chỉ chiếm 45% so với số lượng sinh viên chính quy.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn nhìn nhận v
iệc điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo còn chậm, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu của quá trình đổi mới, chưa gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực của từng ngành, địa phương và xã hội; còn thiếu quy hoạch chung về ngành và trình độ đào tạo.

Từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã hạn chế tối đa việc mở các ngành quản lý đối với các trường không chuyên về đào tạo lĩnh vực này. Những đề án thành lập trường đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đều được điều chỉnh theo hướng đào tạo các ngành nghề mà xã hội đang cần.

Bộ GD&ĐT đã giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng. Nhiều trường đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phân bổ chỉ tiêu hài hòa giữa các ngành đào tạo. Tuy nhiên, cá biệt có một số trường dồn chỉ tiêu cho các ngành dễ thu hút thí sinh, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Để điều chỉnh việc này, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu yêu cầu của các trường xác định chỉ tiêu riêng cho một số ngành nhiều người học; những trường nhiều năm liền mất cân đối chỉ tiêu giữa ngành, Bộ sẽ giao trực tiếp chỉ tiêu trên cơ sở năng lực đào tạo của từng ngành.

Năm 2013, Bộ GD&ĐT đã tiến hành thanh tra hành chính 5 cơ sở giáo dục đại học theo kế hoạch và 2 cuộc thanh tra đột xuất (Trường ĐH Ngoại thương và Trường CĐ ASEAN). Qua thanh tra, đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, thiếu sót của 2 đơn vị nêu trên và công khai kết luận thanh tra để rút kinh nghiệm chung.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo phức tạp trong đó nổi lên là khiếu nại, tố cáo liên quan đến kinh phí, xây dựng cơ bản, bằng cấp, luận văn, luận án. Bộ đã kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm được dư luận đồng tình, ủng hộ; đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị, xem xét, giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cao trong lĩnh vực giáo dục theo thẩm quyền.

Cũng trong năm qua, Bộ GD&ĐT đã đình chỉ tuyển sinh đối với 04 trường ĐH, CĐ; đình chỉ tuyển sinh 17 ngành thuộc 08 trường ĐH, CĐ và không xét thi đua khen thưởng đối với những trường có vi phạm. Thanh tra Bộ cũng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với 17 trường ĐH, CĐ, cảnh báo các trường cần bổ sung đội ngũ cho ngành chưa đủ số lượng tối thiểu giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ đúng ngành. Qua đó, kỷ cương từng bước được nâng cao, nhiều đơn vị đã có chuyển biến rõ rệt sau thanh tra, kiểm tra. Tuy vậy, việc bỏ thanh tra giáo dục cấp huyện, làm cho thanh tra của Sở GD&ĐT phải tăng thêm nhiệm vụ và khối lượng công việc trong khi nhân lực còn hạn chế và thiếu kinh nghiệm nên việc thanh tra theo phân cấp làm chưa mạnh.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm học 2013-2014 toàn ngành bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết TW  8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đòa tạo. Để đạt được những mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra, lĩnh vực giáo dục đại học xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt sẽ thực hiện trong năm tới, đó là: chuyển mục tiêu giảng dạy từ cung cấp kiến thức là chủ yếu sang phát triển năng lực, phẩm chất của sinh viên; chuyển mô hình phát triển giáo dục đại học dựa trên quy mô, số lượng sang mô hình phát triển dựa trên chất lượng, hiệu quả.

“Để từng bước thực hiện các mục tiêu đổi mới nêu trên, trong năm học 2013-2014, giáo dục ĐH tập trung vào 03 hoạt động chính gồm: xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW 8 khóa XI; đổi mới mục tiêu giảng dạy, phương thức tuyển sinh; triển khai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

 

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VA

 


Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2012-2013 của khối giáo dục đại học. Phó Thủ tướng nêu rõ, đổi mới căn bản và toàn diện không phải là xóa hết đi làm lại, nhưng có những cái không còn phù hợp với yêu cầu phát triển mới cần được mạnh dạn thay đổi. Giáo dục liên quan đến tất cả mọi người, một đổi mới, thay đổi không phù hợp liên quan đến cả một đời người, đến tương lai của cả một dân tộc, nên những đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT cần làm hết sức trí tuệ, bình tĩnh.

Phó Thủ tướng phân tích, nhìn lại bản thân, đất nước ta vẫn còn thua kém một số quốc gia trong khu vực, đặc biệt trong giáo dục. Bởi vậy, không cách nào khác, giáo dục đại học cần quyết liệt, đi trước một bước. Làm sao để các trường ĐH, CĐ đào tạo cử nhân, thạc sỹ ra trường có việc làm ngay, được doanh nghiệp trong và ngoài nươc chấp nhận. Theo số liệu báo cáo hiện nay, khoảng 30% sinh viên ra trường chưa xin được việc làm. Như vậy, thẳng thắn nhìn nhận chất lượng, số lượng nguồn nhân lực đều đang có vấn đề.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình việc Bộ GD&ĐT xác định đổi mới thi cử là khâu đột phá là nhận thức đúng đắn, chính xác vì đây là khâu bức xúc trong xã hội, và có tác dụng lan tỏa đến toàn hệ thống, có tác động ngược lại đến cách dạy – học. Tuy nhiên, ngành Giáo dục cần phải làm đồng bộ tất cả các khâu.

Phó Thủ tướng gởi mở, trong hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học, cần phải đi vào chuẩn theo hướng quốc tế, phải thực hiện với tinh thần quyết liệt, nhưng phải bình tĩnh, không nóng vội và đạt hiệu quả nhanh nhất có thể. Theo Phó Thủ tướng, cái khó nhất hiện nay là cần xem xét hiện trạng giáo dục đại học đang ở đâu, điểm mạnh, điểm yếu chỗ nào? Đặc biệt, việc đổi mới phải kỷ cương, nghiêm khắc ngay từ đầu và từ những việc nhỏ, nếu không sửa đổi thì hậu quả sẽ rất lớn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, điều kiện để đổi mới hiện đang rất thuận lợi, nhiều tổ chức nước ngoài, trường học sẵn sàng liên kết, chia sẻ tri thức với chúng ta. Cho nên phải cùng nhau nhìn thẳng vào sự thật, mỗi người phải tự nhận trách nhiệm thiêng liêng của mình trong vấn đề đổi mới. Phó Thủ tướng tin tưởng và mong  rằng làm sao nhiều sinh viên khi vào trường đại học thực sự được trang bị đầy đủ hành trang cần thiết để sau này tốt nghiệp hội nhập ngay vào thị trường lao động, không chỉ của Việt Nam và cả thị trường lao động quốc tế./.

Theo dangcongsan.vn