Tin tức

Chất lượng giáo viên chỉ cải thiện về... bằng cấp

04 Tháng Giêng 2014

“Thẳng thắn mà nói, cải thiện chất lượng ở đây chủ yếu dựa vào sự thay đổi về bằng cấp mà các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục có được. Nhưng vấn đề bằng cấp cũng cần phải xem xét kỹ” - Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận nói.
 
Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết TW8 và tổng kết năm học 2012-2013 khối Giáo dục đại học vừa qua, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có một bài phân tích khá dài về những điểm theo ông là “hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến lĩnh vực giáo dục đại học”, được nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
 
Về thành tựu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, chất lượng giáo dục và đào tạo so với những giai đoạn trước đã có sự cải thiện rõ rệt: khả năng ngoại ngữ, khả năng tin học, khả năng ứng xử, khả năng thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau của học sinh, sinh viên đã tốt hơn. Kết quả của các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế, tay nghề quốc tế nhiều năm nay cũng liên tục đạt nhiều giải vàng. 100% đoàn, 100% học sinh đi thi đều đoạt giải và đoạt giải thứ hạng rất cao. 
 
“Gần đây nhất là OECD vừa công bố kết quả PISA 2012, theo đó Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước có kết quả cao nhất, tạo ra sự bứt phá giữa giáo dục so với trình độ phát triển kinh tế đất nước.” - Bộ trưởng dẫn chứng.

Ảnh minh họa

Đạt chuẩn bằng cấp nhưng chưa đạt chuẩn nghề nghiệp chuyên môn, và đây là vấn đề sẽ phải giải quyết trong thời gian tới


Về những hạn chế yếu kém, người đứng đầu ngành giáo dục đánh giá, chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. 
 
“Chất lượng giáo dục có tiến bộ so với bản thân nó trước đây, nhưng so với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, so với mong muốn của thầy và trò, của phụ huynh, của Đảng, nhà nước và xã hội  thì chưa đáp ứng. Giáo dục và đào tạo nước ta chưa đóng góp được vào việc đưa nguồn nhân lực (chất lượng cao) trở thành thế mạnh thực sự của đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.” - Bộ trưởng thừa nhận.
 
Ông cũng cho rằng, hệ thống giáo dục còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và các phương thức giáo dục. “Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay được ví như một nhà cao tầng (từ mầm non đến thạc sĩ, tiến sĩ), đáng lẽ phải có lối đi liên thông trong tất cả các tầng, nhưng hiện tại chúng ta muốn đi từ tầng 2, tầng 3 lên tầng 4, tầng 5 phải đi xuống tầng 1.” - Bộ trưởng ví von.
 
Đặc biệt, Bộ trưởng đi sâu phân tích về nhược điểm chính, đó là chương trình giáo dục còn coi nhẹ thực hành, coi nhẹ vận dụng kiến thức; Thiếu gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Giáo dục nặng về lý thuyết, hàn lâm, không gắn với thực tiễn, không gắn với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Theo ông, điều này xảy ra ở cả giáo dục bậc phổ thông và cả ở đại học. 

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, giáo dục của Việt nam chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, kiểm tra, thi và đánh giá lạc hậu, nhiều bất cập. “Chúng ta chưa chú ý đến việc giúp học sinh hình thành các kỹ năng mềm trong khi dạy quá nặng về lý thuyết.” - Bộ trưởng nói và thừa nhận, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp. 
 
Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được cải thiện về chất lượng, tuy nhiên chủ yếu dựa vào sự thay đổi về bằng cấp mà các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục có được. 
 
“Nhưng vấn đề bằng cấp cũng cần phải xem xét kỹ. Trên thực tế, báo cáo tổng kết của các địa phương đều nói tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và vượt chuẩn rất cao, nhưng trình độ thật của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, bao gồm trình độ nghiệp vụ, chuyên môn và phẩm chất đạo đức, vẫn chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục. Đạt chuẩn bằng cấp nhưng chưa đạt chuẩn nghề nghiệp chuyên môn, và đây là vấn đề chúng ta sẽ phải giải quyết trong thời gian tới.” - người đứng đầu ngành Giáo dục kiên quyết nói.

Theo vnmedia.vn