Tin tức – Sự kiện

Đưa một số làn điệu dân ca Nam bộ vào chương trình đào tạo ngành Sư phạm âm nhạc tại Trường Đại học An Giang

07 Tháng Giêng 2014

         Huỳnh Công Luận

 

Có thể nói, giáo dục nghệ thuật nói chung và giáo dục nghệ thuật dân tộc cổ truyền nói riêng là một trong những hướng đi hoàn toàn đúng đắn mà các Bộ, ngành liên quan đang hết sức chú trọng trong thời gian gần đây. Do vậy, việc nghiên cứu tìm hiểu, bảo tồn và lưu truyền dân ca cho thế hệ trẻ, trước hết là đối với thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên là điều rất cấp thiết.

Trường Đại học An Giang là trường đại học đa ngành, trong đó có khoa Văn hóa Nghệ thuật, đào tạo cử nhân Sư phạm Âm nhạc trình độ đại học. Chuyên ngành này đòi hỏi phải trang bị cho các em có những kiến thức và trình độ âm nhạc phổ thông nhất định. Trong thực tế, chương trình đào tạo của bộ môn âm nhạc cho sinh viên Trường Đại học An Giang còn nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu việc giáo dục âm nhạc truyền thống, trong đó có những làn điệu dân ca Nam Bộ như: Hò, Lý, Hát ru và Đồng dao… Vì vậy, đã dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên không hiểu biết được nguồn gốc của một số làn điệu dân ca Nam Bộ. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn và phát huy dân ca Nam Bộ vốn đã có từ xa xưa mà ông cha ta đã để lại.

 

 

Như chúng ta đã biết, Âm nhạc xuất hiện từ rất sớm và gắn liền với mọi sinh hoạt của con người. Âm nhạc không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, nhưng tác động mạnh đến tâm hồn nên gián tiếp tạo ra của cải vật chất và hình thành bản sắc văn hóa của dân tộc. Do vậy, hoạt động âm nhạc là một nhu cầu rất cần thiết của cuộc sống và quan trọng của xã hội. Được thưởng thức, tham gia hoạt động âm nhạc là một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống. Nhu cầu ấy xuất hiện trong mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, nhất là lứa tuổi học đường - lứa tuổi cần trang bị những điều thiết yếu nhất để vào đời, trở thành một thành viên hoàn thiện của xã hội. Từ đó, trong nhà trường, giáo dục âm nhạc chiếm một vị trí quan trọng, nó là mũi nhọn của giáo dục thẫm mỹ (một trong 4 mặt của mục tiêu giáo dục: đức – trí - thể - mỹ). Bên cạnh những loại hình âm nhạc mang tính hiện đại, chương trình cũng có một số bài hát dân ca của các vùng miền mang tính truyền thống dân tộc, nhưng chỉ có vài bài hát về dân ca Nam Bộ. Do đó, muốn góp phần hình thành hoặc duy trì những nét văn hóa riêng của người dân Nam Bộ, nhất thiết trong những bài giảng phải có nhiều nội dung liên quan đến bản sắc văn hóa của vùng đất phương Nam này, mà trong các hình thức giáo dục để hình thành các năng lực mới thì con đường nghệ thuật là con đường có hiệu quả đặc biệt bởi giáo dục thông qua các hình thức nghệ thuật, tuy chậm nhưng khi đã thẩm thấu vào được nhận thức, nhân cách thì các giá trị này rất bền vững, khó suy biến và được duy trì rất lâu dài thậm chí đến suốt cuộc đời.

          Với tất cả những sự cần thiết nêu trên, nên giáo dục âm nhạc chính thức chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông với tư cách là một môn học. Tuy nhiên, số lượng các bài dân ca Nam Bộ trong môn âm nhạc còn quá ít nên có nhiều hạn chế trong việc góp phần hình thành duy trì bản sắc văn hóa dân tộc.

           Điểm lại hai yếu tố quan trọng để tổ chức giảng dạy của giáo dục học, ta thấy hạn chế trước hết là số lượng quá ít về các bài dân ca Nam Bộ trong chương trình âm nhạc phổ thông; tiếp đến là hạn chế về kiến thức và năng lực giảng dạy của giáo viên âm nhạc trong dân ca Nam Bộ. Muốn tổ chức giảng dạy có hiệu quả, đòi hỏi người giáo viên phải có trình độ tri thức chung, kiến thức chuyên môn chuẩn mực nhất định, đồng thời nắm vững và vận dụng linh hoạt các phương pháp vào quá trình giảng dạy. Vấn đề này liên quan trực tiếp đến việc đào tạo giáo viên âm nhạc ở trường sư phạm. Hạn chế về giáo viên có nguồn gốc rất rõ là bắt nguồn từ chương trình đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc. Tương tự như chương trình giáo dục âm nhạc ở phổ thông, chương trình đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc chỉ có rất ít bài hát về dân ca Nam Bộ. Với thời lượng và số bài hát rất khiêm tốn như thế, do vậy sinh viên gần như không được đào tạo gì về kiến thức và kỹ năng giảng dạy loại hình này.

         Từ những thực tế nêu trên, vấn đề nhất thiết phải đặt ra là cần điều chỉnh, bổ sung nội dung dân ca Nam Bộ trong chương trình đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc. 

Theo các nhà nghiên cứu về dân ca Nam Bộ như: Ngô Huỳnh (1977), Dân ca Nam Bộ, một kho tàng âm điệu dân gian phong phú, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật; Trần Kiết Tường (1974), Dân ca Nam Bộ, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; Lư Nhất Vũ – Lê Giang (1983), Tìm hiểu dân ca Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh,… đã nhận xét âm nhạc truyền thống của dân ca Nam Bộ sử dụng chủ yếu các dạng thang âm điệu thức: Điệu Bắc, Điệu Nam Ai, Điệu Nam Xuân và Điệu Oán.

Điệu Bắc: (Đô – Rê – Pha – Sol – La) với sắc thái khỏe khoắn, sáng sủa vui tươi… cấu tạo bởi hai phần giống nhau (quãng 2 trưởng, quãng 3 thứ) gọi là hệ thống ba âm, nối liền nhau bằng quãng 2 trưởng.

 

 

Điệu Nam Ai: (Đô – Mi giáng – Pha – Sol – Si giáng) thể hiện tình cảm dịu dàng, mang nỗi buồn man mác xa xăm, lại đượm nét lạc quan thầm kín. Về cơ cấu gồm hai hệ thống ba âm giống nhau (3 thứ, 2 trưởng) nối liền bằng quãng 2 trưởng, thứ tự quãng trong hai hệ thống âm được bố trí ngược chiều so với điệu Bắc.

 

 

Điệu Nam Xuân: (Đô – Rê – Pha – Sol – Si giáng) biểu lộ trạng thái tươi mát, ngọt ngào như mùa xuân, cũng gồm hai hệ thống ba âm nhưng thứ tự các quãng lại cấu tạo đối xứng như vế liền (2 trưởng – 3 thứ và 3 thứ – 2 trưởng).

 

 

Điệu Oán: là hệ quả của mối giao lưu văn hóa giữa nhạc Việt và Chàm trong tiến trình lịch sử lâu dài, trở thành sắc thái điệu thức đặc thù của âm nhạc tài tử và cải lương sau này. Cơ cấu hình thái điệu thức Oán nảy sinh từ nhóm ba âm dưới của điệu thức Nam Ai cộng với nhóm ba âm trên của điệu thức Bắc.

 


           
Bên cạnh đó, trong dân ca Nam Bộ có nhiều làn điệu đặc trưng, chúng ta có thể kể ra một số như sau:

Hò: Là loại hình nghệ thuật ca hát dân gian rất được mọi người yêu thích. Hò ở Nam Bộ có thể chia làm hai hệ thống: hò trên sông nước và hò trên cạn.

Lý: Ngoài hò, lý là những khúc hát bình dân chiếm vị trí quan trọng trong sinh hoạt đời sống tinh thần của nhân dân Nam Bộ. Tuy nhiên, Lý được sinh sôi, nảy nở nhiều nhất vẫn trên địa bàn từ Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, vô Nam Trung Bộ rồi đến khu vực Nam Bộ.

Hát ru: Là một thể loại đặc biệt trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam, vì hầu như 54 thành phần dân tộc trên đất nước ta thì dân tộc nào cũng có điệu hát ru của dân tộc mình.

Hát ru thực thụ thường hay dạo đầu bằng những nét nhạc tương đối ổn định. Nét nhạc này có thể tái hiện ở giữa bài hoặc cuối bài và có thể bắt gặp ở đầu mỗi câu hát ru ứng với những cặp thơ sáu tám (hoặc song thất lục bát) thuộc dạng nguyên thể hay biến thể. Đây là những nét nhạc đặc trưng gồm một hoặc hai môtíp bằng những tiếng láy đưa hơi, những tiếng đệm lấy đà nhằm biểu hiện những tình cảm trìu mến thiết tha, những cử chỉ nựng nịu, vỗ về, những nhịp điệu đung đưa theo cánh võng, tao nôi… Nét nhạc cố định thường ứng với những tiếng: À ơ, à ơi, ù ơ, Ầu ơ, Hà ơi, Hời hơ, Hơ hơ, Ru hời ru hỡi, v.v… Hát ru ở Nam Bộ còn gọi là hát đưa em, hát ru con hoặc hát ầu ơ, vì đầu bài ru bao giờ cũng có tiếng đệm “ầu ơ” là một loại hát ru phổ biến rộng rãi từ thành thị đến nông thôn.

Đồng dao: Là loại ca hát của trẻ em trong lúc vui chơi, giải trí, đùa giỡn. Các bài đồng dao thường ngắn gọn, súc tích, câu cú mạch lạc, mang tính tiết tấu rõ ràng để các em nhỏ dễ hát và dễ nhớ. Hát đồng dao ở Nam Bộ gồm các điệu Cùm nụm cùm niệu, Bắc kim thang, Tập tầm vông, Con chim manh manh, v.v…

Cho đến nay, các công trình nghiên cứu về đồng dao chưa nhiều. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm hiểu được những công trình sưu tầm tập hợp các sáng tác, nghiên cứu về đồng dao đầy đủ nhất, đến cuối thế kỉ XX, đó là Đồng dao và trò chơi trẻ em người Việt của Nguyễn Thụy Loan, Đặng Diệu Trang, Nguyễn Huy Hồng, Trần Hoàng (1997)…

Thực tế việc triển khai chương trình giảng dạy dân ca Nam Bộ cho sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc ở Trường Đại học An Giang

Về cơ bản, thời lượng, nội dung của chương trình tương đối là tốt. Nhưng cần phải bổ sung, đổi mới để công tác dạy và học đạt được những đòi hỏi của thực tế như: đưa một số làn điệu dân ca Nam Bộ vào chương trình giảng dạy ở học phần hát dân ca. Cần phải dạy cho sinh viên hát đúng, hát hay những làn điệu dân ca Nam Bộ và muốn thực hiện được những mục tiêu trên, chúng ta cần phải tiến hành từng bước. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy cần phải đổi mới, kết hợp các phương pháp như: phương pháp thuyết trình, sử dụng đồ dùng trực quan, phương pháp thực hành, phương pháp phân tích tổng hợp…

Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giảng dạy hiện nay của trường đang trong quá trình hoàn thiện. Do đó, chưa đảm bảo điều kiện về yêu cầu chuyên môn, chẳng hạn như chưa có phòng chức năng dạy các môn: Thanh nhạc, Nhạc cụ, Múa, Đọc – Ghi nhạc… Các học phần kể trên cần phải có phòng chức năng đủ tiêu chuẩn như học Thanh nhạc phải có phòng học cách âm để tránh gây tiếng ồn ào với các lớp khác, học Múa phải có phòng tập múa riêng…

 

Thạc sĩ Trần Đình Lộc lên lớp với sinh viên

 

Thực tế cho thấy, qua một số khóa đào tạo sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc những năm gần đây, việc triển khai chương trình giảng dạy bộ môn âm nhạc về cơ bản đã trang bị cho các sinh viên khi ra trường một lượng kiến thức âm nhạc đủ để dạy cho các em học sinh trường phổ thông. Mặc dù vậy, số lượng những bài hát dân ca Nam Bộ chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn so với thời lượng của chương trình. Qua những yếu tố đã nêu trên, chúng ta nhận thấy, mỗi sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc cần được trang bị vốn kiến thức nhiều hơn, phong phú hơn cũng như sự hiểu biết một cách sâu sắc về âm nhạc dân gian nói chung và dân ca Nam Bộ nói riêng. Bởi một vấn đề rất dễ hiểu, đó là không có lý do gì mà chúng ta lại không dạy cho học sinh những bài hát ru, những điệu hò, điệu lý, những bài hát dân ca của dân tộc mình. Chính những bài hát ru, những điệu hò, điệu lý, những bài hát dân ca đó là sản phẩm văn hóa tinh thần, là tinh hoa của nghệ thuật âm nhạc mà đã biết bao thế hệ đã gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, đời sống của dân tộc mình được chắt lọc, gọt giũa và hun đúc vào đó. Do vậy, việc đưa một số làn điệu dân ca Nam Bộ vào chương trình đào tạo cử nhân hệ ĐHSP Âm nhạc tại Trường Đại học An Giang là việc làm cần được xúc tiến, thực hiện ngay trong thực tế đào tạo hiện nay cũng như trong tương lai.

Việc đưa một số làn điệu dân ca Nam Bộ bổ sung vào chương trình đào tạo sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc có một ý nghĩa sâu sắc, thực tế, cấp thiết và vô cùng quan trọng, góp một phần không nhỏ trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Đó cũng chính là trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục nói chung cũng như ngành Giáo dục và Đào tạo của đất nước nói riêng, trong đó cũng có một phần trách nhiệm của các giảng viên âm nhạc khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường Đại học An Giang.

Việc lựa chọn một số làn điệu dân ca Nam Bộ vào giảng dạy tại khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường Đại học An Giang là nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc. Bên cạnh đó, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của văn hóa Việt Nam, phát huy sự đa dạng và phong phú của văn hóa dân tộc, văn hóa vùng miền của người dân Nam Bộ; đồng thời việc lựa chọn một số làn điệu dân ca Nam Bộ vào chương trình giảng dạy sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức hiểu biết cần thiết về nguồn gốc, giá trị nội dung và nghệ thuật của dân ca Nam Bộ, từ đó hình thành một số kỹ năng hát dân ca; đồng thời bồi dưỡng khả năng cảm thụ âm nhạc, biết quý trọng di sản văn hóa dân tộc, giúp cho sinh viên nhận thức được giá trị to lớn của việc truyền dạy hát dân ca Nam Bộ.

Những bài hát lựa chọn phải là những bài hát hay, đặc sắc và tiêu biểu của làn điệu dân ca Nam Bộ. Mặt khác, những bài hát này còn phản ánh được những nét cơ bản về con người, thiên nhiên, cảnh vật và đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ.

Nội dung lời ca của bài hát phải có giá trị giáo dục thẩm mỹ cao, chất lượng, tích cực về nhiều mặt, đáp ứng được nội dung giáo dục của học phần, cũng như giáo dục đạo đức, lối sống và thẩm mỹ cho sinh viên.

Những bài hát đưa vào chương trình phải có giá trị sử dụng cao, để sau này sinh viên có thể sử dụng cho hoạt động giảng dạy và hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ của trường cũng như địa phương nơi mình công tác. Đồng thời, những bài dân ca cũng phải chứa đựng được một số đặc điểm tiêu biểu của âm nhạc dân gian nói chung và dân ca Nam Bộ nói riêng.

 

Lãnh đạo nhà trường tặng hoa Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trong chương trình ngoại khóa

 

Là cơ sở đào tạo giáo viên dạy nhạc cho các trường phổ thông, Trường Đại học An Giang đang ngày càng tự hoàn thiện để nâng cao chất lượng trên diện rộng và theo chiều sâu nhằm đào tạo ra đội ngũ giáo viên dạy âm nhạc có năng lực và phẩm chất nghề nghiệp. Nắm vững mục đích, nhiệm vụ đào tạo, nhà trường còn hướng tới việc đào tạo bám sát thực tiễn và phát triển toàn diện cho sinh viên trong suốt quá trình học tại trường. Chính vì lẽ đó mà việc hướng tới giáo dục các giá trị truyền thống trong đó có một số làn điệu dân ca Nam Bộ cũng là một trong những hướng đi nhà trường đang ngày càng củng cố, phát triển./.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

            1. Ban chấp hành Trung ương Đảng (1996), Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

            2. Ngô Huỳnh (1977), Dân ca Nam Bộ, một kho tàng âm điệu dân gian phong phú. Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật.

            3. Tố Mai và các cộng sự (2008), Chương trình chi tiết đào tạo cử nhân Sư phạm Âm nhạc chính quy của khoa Sư phạm Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.

            4. Nhiều tác giả (2009), Bảo tồn và phát huy dân ca trong giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.

            5. Trần Kiết Tường (1974), Dân ca Nam Bộ, Tạp chí VHNT.

            6. Lư Nhất Vũ – Lê Giang (1983), Tìm hiểu dân ca Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

            7. Lư Nhất Vũ (1983), Đặc trưng nghệ thuật của dân ca Nam Bộ. Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật.

            8. Tô Vũ (1996),  Âm nhạc cổ truyền Nam Bộ, Tạp chí VHNT.