Tin tức – Sự kiện

GS Hoàng Tụy: Chúng ta đã xác định được phương hướng giáo dục

06 Tháng Hai 2014

 

GS Hoàng Tụy: Chúng ta đã xác định được phương hướng giáo dục

GD&TĐ - "Tôi cho rằng đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là một đề án về giáo dục nghiêm túc nhất trong mấy thập kỷ nay.
Tôi rất tán thành nội dung của đề án. Trong đó chúng ta đã xác định được phương hướng mà giáo dục của chúng ta cần phải theo để trở về con đường phát triển chung của nhân loại” - GS Hoàng Tụy trả lời báo Lao động. 

GS Hoàng Tụy cho biết: Nếu nghiên cứu kỹ đề án có thể thấy hướng đổi mới của ta chính là để thoát ra khỏi tình trạng như lâu nay. Tức là đào tạo con người theo một khuôn mẫu được áp đặt trước, không chú ý gì tới những yêu cầu khách quan và không chú ý gì đến năng lực, những tư chất khác biệt của từng người. 

Chúng ta có xu hướng muốn giảm khác biệt đến mức tối thiểu. Còn yêu cầu của xã hội hiện đại là khuyến khích những khác biệt ấy. Bởi có như thế mới tìm ra được những cái mới, cái hay, mới có thể sáng tạo và cạnh tranh tốt với thế giới. 

Thời đại này là cạnh tranh trên cơ sở khác biệt. Mình cứ bắt chước y như người ta, thì mình có giỏi lắm cũng chỉ được như người ta, không bao giờ vượt được. Cái gì cũng cứ khuôn theo một kiểu tư duy như trước đây thì không khuyến khích sáng tạo được. 

Cho nên một xã hội không đề cao cái trung thực, không khuyến khích tư duy sáng tạo, mọi thứ đều cứ muốn khuôn theo giáo điều có sẵn thì không bao giờ có thể cạnh tranh với người ta được. Tư duy giáo điều cũ kỹ là cái chủ yếu nhất của xã hội ta hiện nay, và nó phản ánh vào giáo dục trong mấy thập kỷ trì trệ lạc hậu không thoát ra được.

- Vấn đề cơ bản đầu tiên là triết lý giáo dục đào tạo con người như thế nào – đó là vấn đề GS Hoàng Tụy đặc biệt đánh giá cao từ Đề án. Theo GS, từ trước đến nay, chúng ta đào tạo con người trở thành một công cụ, một phương tiện để xây dựng xã hội theo khuôn mẫu chúng ta đã định, tức là sẽ dùng con người ấy làm phương tiện tuyên truyền lý tưởng chính trị. 

Từ nay, ta chuyển sang đào tạo - hoàn thiện con người với tư cách họ là một chủ thể tự do. Con người được hoàn thiện ấy lựa chọn như thế nào, việc ấy không áp đặt trước. Vì sao vậy? Vì xã hội giờ thay đổi liên tục, không chỉ chúng ta mà các nước văn minh nhất họ cũng phải luôn luôn điều chỉnh.

Nếu đào tạo con người để làm một phương tiện, một công cụ thì không bao giờ phù hợp với thực tế luôn luôn biến động. Chỉ có cách đào tạo con người có năng lực tự nó, có đủ tự do, có khát khao tự do, đủ điều kiện tự do thì mới thích ứng với những thay đổi liên miên của hoàn cảnh và mới có thể thành công được.

Dĩ nhiên trong văn bản đề án người ta diễn đạt theo một cách dễ nghe hơn đối với một số người quá bảo thủ, kiểu như chuyển từ tiếp cận kiến thức sang tiếp cận phát triển năng lực của học sinh... 

Bản chất của vấn đề chính là phát triển năng lực của người học và quan điểm giáo dục đúng đắn chính là mỗi người có một năng lực, giáo dục nhằm phát huy tối đa tiềm năng của họ chứ không phải đào tạo theo những chuẩn mực mẫu.

Trả lời câu hỏi: Đột phá bằng cách nào? – GS Hoàng Tụy đồng ý với Đề án, đó chính là khâu kiểm tra – đánh giá - thi. 

Có những vấn đề quan trọng hơn, có tính quyết định sự sống còn của hệ thống giáo dục, chẳng hạn như về đội ngũ nhà giáo. Nhưng muốn thay đổi được chất lượng đội ngũ thì trước hết cũng phải tác động vào khâu kiểm tra – đánh giá – thi cử. 

Có xác định cách kiểm tra – đánh giá đúng thì mới có thể có cách học đúng, từ đó tác động tới các trường sư phạm – nơi đào tạo ra giáo viên tương lai, đồng thời là căn cứ để tạo điều kiện cho nhà giáo phấn đấu.

Trong kinh tế học và khoa học cơ bản có khái niệm “vận trù học”. Khi vận hành công việc có nhiều khâu, thì phải vận hành từng bước một. 

Khâu quan trọng nhất không phải là khâu ta thấy nó có ý nghĩa của toàn bộ công việc mà là khâu vào thời điểm căng thẳng nhất ta không giải quyết được. Nhiều khi vấn đề mắc kẹt ở những chỗ rất vớ vẩn nhưng ta vẫn buộc phải phân tích, mổ xẻ để tìm ra chỗ “vớ vẩn” đó.

Theo gdtd.vn