Nội san

Một số phương pháp đưa hát Dô vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc Trường THCS Liệp Tuyết - Quốc Oai - Hà Nội

22 Tháng Bảy 2014

                                                                    Nguyễn Trường Trung

                                                                           

                                                                    Bạn nàng ta

                                                              Thuyền ra đánh cá

                                                               Hỡi bạn nàng hỡi

                                                                .............................

                                                               Huậy dô huậy dô

                                                                  Bái hồ là huậy

                                                                   Là hới lên dô

                                                                Bái hồ là huậy

         Hát Dô là dân ca nghi lễ, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân Liệp Tuyết. Với ý nghĩa thờ thánh Tản Viên - vị thần đứng đầu trong tứ bất tử, thông qua sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng Hát Dô, người dân Liệp Tuyết thể hiện lòng biết ơn thành kính của mình với các vị thần và cầu mong sự che chở của Ngài. Các làn điệu Hát Dô thể hiện ước muốn của người dân nơi đây về một cuộc sống an lành, ấm no hạnh phúc. Nghệ thuật diễn xướng Hát Dô là một đặc sắc trong kho tàng diễn xướng dân gian phong phú của Xứ Đoài. Hát Dô được tồn tại trên văn bản được lưu giữ trong đền Khánh Xuân và qua trí nhớ của những người tham gia hội Dô với những tục hèm hà khắc. Hiện nay, thế hệ trẻ chưa quan tâm đến Hát Dô, vì vậy loại hình nghệ thuật này đang có nguy cơ bị mai một và thất truyền.

 

Diễn xướng Hát Dô ngoài Đền Khánh Xuân - 10/01/ 2013 (âm lịch) - Ảnh: Trường Trung

 

         Ngày 22/7/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT và Kế hoạch số 307/KH-BGDĐT về việc phát động và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", trong đó có nội dung đưa dân ca vào trường học. Bộ Giáo dục đã có hướng dẫn chỉ đạo cụ thể như: Đưa các nội dung giáo dục văn hoá truyền thống vào nhà trường thông qua trò chơi dân gian, dân ca. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí tích cực, các hoạt động văn hoá, thể thao, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khoá phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và địa phương. Tuy nhiên hiện nay, việc đưa dân ca vào trường học không phải trường nào cũng thực hiện có hiệu quả tốt. Vì vậy, để việc đưa dân ca vào trường học để đạt được hiệu quả cao nhất, chúng tôi xác định rõ các nội dung sau:

1.  Mục tiêu giáo dục âm nhạc trong nhà trường THCS

Mục tiêu giáo dục âm nhạc trong nhà trường THCS là hình thành và phát triển năng lực cảm thụ âm nhạc của học sinh, tạo cho các em có một trình độ văn hóa âm nhạc nhất định, góp phần giáo dục toàn diện và hài hòa nhân cách. Bên cạnh đó, rèn luyện cho các em một số kỹ năng đơn giản về ca hát và tập đọc nhạc, bước đầu biết hát diễn cảm; khích lệ học sinh hăng hái tham gia hoạt động âm nhạc, làm cho đời sống tinh thần phong phú lành mạnh, tạo điều kiện để các em bộc lộ rõ và phát triển năng khiếu.

Chúng ta biết rằng, trí nhớ âm nhạc của học sinh bậc học này rất tốt nên việc tiếp thu các khái niệm âm nhạc, những vấn đề liên quan đến âm nhạc dễ dàng và thuận lợi. Học sinh có thể tiếp thu âm nhạc không chỉ trong nhà trường mà còn ở nhiều kênh khác nhau với tư duy độc lập sáng tạo. Do vậy, khi phân tích một bài hát, học sinh dễ tiếp thu và có cảm xúc riêng của mình với bài hát đó. Âm sắc của học sinh ở đầu cấp học chưa có sự phân biệt, nhưng những lớp cuối cấp đã có sự phân biệt giới tính rõ ràng, có sự thay đổi về giọng nói. Tầm cữ giọng của học sinh THCS có thể lên đến quãng 9. Tai nghe ở lứa tuổi này rất tốt, nhạy cảm, dễ dàng nhận định chính xác được cao độ, trường độ. Đặc biệt ở lứa tuổi này các em rất ham thích các hoạt động tập thể, do vậy các hoạt động âm nhạc thường cuốn hút được số đông các em học sinh tham gia.

Hoạt động ngoại khóa (HĐNK) âm nhạc có vị trí rất quan trọng trong công tác giáo dục Âm nhạc trong nhà trường. Các HĐNK âm nhạc kết hợp cùng với các hoạt động dạy học tạo thành một cấu trúc giáo dục âm nhạc trường học hoàn chỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục. HĐNK âm nhạc cùng với giảng dạy âm nhạc chính khoá là một thể thống nhất của giáo dục âm nhạc, song song cùng tồn tại, hỗ trợ và bổ sung cho nhau.

         HĐNK âm nhạc bổ sung kiến thức thực hành, lý thuyết cho giờ chính khoá, nhưng nó cũng có những điểm riêng mà giáo dục âm nhạc chính khoá không có được, hoạt động này cùng với giáo dục âm nhạc chính khoá, hình thành nên một thể thống nhất của môn học âm nhạc trong trường học. Vì vậy, trong quá trình tổ chức, hướng dẫn HĐNK âm nhạc, giáo viên cần nắm rõ được đặc điểm phát triển tâm sinh lý học sinh (lứa tuổi, giới tính, sức khoẻ, nhu cầu, sở thích âm nhạc…) các điều kiện cần thiết để thực hiện công tác này hiệu quả. Một số nguyên tắc cơ bản của HĐNK đó là: HĐNK âm nhạc mang tính giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu, sở thích của học sinh, manh tính chất tự nguyện, tự giác, có chương trình, kế hoạch cụ thể, xã hội hoá HĐNK âm nhạc, đảm bảo tính phổ thông, đại chúng và đảm bảo theo đúng theo định hướng và mục tiêu trong giáo dục.

2. Hát Dô với một số yêu cầu khi hoạt động ngoại khá

            Mục đích của HĐNK âm nhạc nhằm thoả mãn nhu cầu được tham gia các hoạt động của học sinh.. Qua HĐNK âm nhạc, giáo viên lồng ghép một số nội dung giáo dục âm nhạc nhằm củng cố các kiến thức đã học trên lớp và tạo môi trường vận động, vui chơi, giải trí lành mạnh, hướng học sinh vào các hoạt động tích cực, tránh xa các tệ nạn xã hội, nâng cao hiểu biết về các giá trị truyền thống của âm nhạc dân tộc, biết tiếp thu những giá trị tốt đẹp của nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc từ đó định hướng nhu cầu và thị hiếu âm nhạc đúng đắn cho học sinh.

         Việc đưa các làn điệu Hát Dô vào HĐNK âm nhạc ở trường THCS Liệp Tuyết có tác dụng to lớn đối với việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị tinh thần mà ông cha để lại, mang lại cho học sinh sự hứng thú khi được tìm hiểu về đời sống tinh thần, những nét văn hóa đặc sắc của quê hương. Nhưng bên cạnh đó, việc đưa diễn xướng Hát Dô vào hoạt động ngoại khóa ở trường THCS Liệp Tuyết đòi hỏi phải chọn lựa một số làn điệu có nội dung gần gũi và phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đặc điểm sinh lý học sinh bậc THCS, lựa chọn những làn điệu Hát Dô có nội dung phù hợp và mang tính giáo dục truyền thống để đưa vào các HĐNK âm nhạc nhưng vẫn giữ được nét tôn nghiêm của thể loại dân ca tín ngưỡng.

         Để tổ chức đưa Hát Dô vào HĐNK âm nhạc tại trường THCS Liệp Tuyết đạt hiệu quả cao, chúng tôi tiến hành tuần tự theo các bước sau đây:

Thứ nhất là nâng cao nhận thức, giáo dục tuyên truyền

         Thành lập đội phát thanh trong Nhà trường, thành viên là 05 em học sinh có giọng đọc truyền cảm, lưu loát và có khả năng viết các bài phát thanh hoàn chỉnh về bố cục, có chiều sâu về nội dung, cô tổng phụ trách liên đội là người trực tiếp quản lý và điều hành đội phát thanh, tham gia viết và duyệt nội dung trước khi phát thanh (nội dung các bài phát thanh phải được cô tổng phụ trách duyệt trước).

         Thực hiện phát thanh một số làn điệu Hát Dô, do các bạn trong câu lạc bộ Hát Dô xã Liệp Tuyết hát trong các giờ ra chơi, đan xen các buổi sinh hoạt tập thể, phát thanh các làn điệu Hát Dô do các nghệ nhân hát nhằm giới thiệu tới toàn thể các em về nguồn gốc, giá trị tinh thần của Hát Dô. Các buổi phát thanh cần linh hoạt trong việc xây dựng nội dung và thay đổi theo từng tuần, từng quý, thu âm những lời giới thiệu, các truyền thuyết do nghệ nhân kể về Hát Dô.

         Qua các buổi phát thanh dành một thời lượng để tuyên truyền về truyền thống hiếu học, thu hút sự quan tâm của đông đảo các em học sinh. Ngoài công tác phát thanh tuyên truyền, Nhà trường tổ chức chương trình trò chuyện với nghệ nhân Hát Dô, thông qua chương trình, học sinh được trò chuyện, đặt câu hỏi với nghệ nhân. Nghệ nhân sẽ giới thiệu về nguồn gốc, giá trị của Hát Dô và tham gia biểu diễn một số làn điệu. Thông qua buổi giao lưu các em có cơ hội được tìm hiểu về nguồn gốc Hát Dô, các làn điệu Hát Dô, nội dung và ý nghĩa của lời thơ trong Hát Dô...

 Thứ hai là, dã ngoại tìm hiểu về nguồn gốc, giá trị của Hát Dô

            Trong các hoạt động ở phần trên, học sinh đã có nhận thức và hiểu biết nhất định về Hát Dô. Với những hiểu biết đó, chúng tôi tổ chức các buổi dã ngoại trong xã Liệp Tuyết để các em có thêm những hiểu biết về Hát Dô và các loại hình dân ca khác. Qua các buổi dã ngoại, giáo viên định hướng cho học sinh tìm hiểu về nguồn gốc, giá trị truyền thống, trang phục, đạo cụ biểu diễn của Hát Dô, tìm hiểu thông qua các người dân trong xã, các cụ cao niên trong làng. Trong buổi dã ngoại các em được tìm hiểu về các nghệ nhân Hát Dô xưa và các nghệ nhân hiện nay tại xã Liệp Tuyết. Với thuận lợi là trường THCS Liệp Tuyết nằm trong không gian văn hóa Hát Dô, nên học sinhcó những hiểu biết nhất định về các nghệ nhân, có những em là con cháu, họ hàng với nghệ nhân. Với những thuận lợi đó các em sẽ đi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, cuộc sống của các nghệ nhân, vai trò của nghệ nhân trong việc lưu truyền và phát triển Hát Dô, phương pháp truyền dạy Hát Dô của nghệ nhân. Ảnh hưởng của nghệ nhân đối với cộng đồng, các chế độ chính sách của nhà nước đối với nghệ nhân Hát Dô. Sau buổi dã ngoại, giáo viên cho các em viết thu hoạch về những gì đã được tìm hiểu được (có thể bằng phương pháp trắc nghiệm). Giáo viên tổng hợp lại tất cả các thông tin tìm hiểu về Hát Dô, sau đó sắp xếp lại và giảng cho chúng nghe theo hệ thống hoàn chỉnh nhất, đồng thời có lời khen, điểm thưởng, giấy chứng nhận động viên khích lệ...như vậy học sinh sẽ hiểu rõ hơn về Hát Dô, từ đó các em sẽ có ý thức giữ gìn, tự hào về quê hương mình với những giá trị của các làn điệu Hát Dô.

Thứ ba là, thành lập Câu lạc bộ hát Dân ca

         Việc thành lập câu lạc bộ Dân ca trong trường THCS Liệp Tuyết trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết để giáo dục các em về truyền thống cha ông thông qua các làn điệu Dân ca nói chung và Hát Dô nói riêng, các em là đối tượng trao truyền để gìn giữ và nuôi dưỡng một điệu hát độc đáo của quê hương Liệp Tuyết. CLB Dân ca trường THCS là nơi tạo nguồn cho CLB Hát Dô xã liệp tuyết.

         Dân ca là một trong những tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam đang được quan tâm và gìn giữ, đối với giáo dục các làn điệu Dân ca cũng đã được đưa vào trong chương trình học của các bậc học. Tuy nhiên, với chương trình môn âm nhạc ở bậc học này thì các bài hát dân ca đưa vào còn rất hạn chế về số lượng nên chưa phát huy được vai trò, do vậy sự hiểu biết của các em học sinh về dân ca còn nhiều hạn chế.

         Câu lạc bộ Dân ca được thành lập sẽ tập trung được các em có khả năng về âm nhạc, yêu thích Hát Dô và các thể loại dân ca khác, qua đó định hướng giáo dục về truyền thống để các em có thêm những hiểu biết về nguồn gốc, xuất xứ của Hát Dô xưa và các loại hình dân ca. Tổ chức này là nơi rèn luyện cho các em các kỹ năng ca hát, biểu diễn và tham gia hoạt động văn nghệ trong Nhà trường, góp phần hình thành tình cảm yêu thích đối với Hát Dô để từ đó các em tham gia nhiệt tình vào CLB Dân ca trong trường THCS và các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng. Để hoạt động đạt được hiệu quả thì Ban chủ nhiệm cần xây dựng nội dung phong phú tránh đơn điệu về nội dung và trong các hoạt động nên lồng ghép truyền dạy Hát Dô với các thể loại dân ca khác như: một số  bài dân ca Quan Họ Bắc Ninh, Hát Chèo Tầu, Ca Trù...

         Thành viên tham gia CLB là những học sinh trường THCS Liệp Tuyết yêu thích dân ca, Hát Dô, nhưng ngay từ ban đầu chúng tôi xác định rõ đối tượng tham gia là rất đa dạng như: Có những học sinh ở những lứa tuổi khác nhau, những em có khả năng về ca hát, một số em không có khả năng ca hát nhưng lại có năng lực nói trước đám đông, lãnh đạo đám đông. Ngoài các đối tượng học sinh trên còn có những em tham gia chỉ vì thích xem, muốn được tham gia hoạt động tập thể...Với việc xác định rõ đối tượng tham gia, chúng tôi sẽ phát huy những năng lực sở trường của các thành viên trong câu lạc bộ, để các em được tham gia hoạt động và khẳng định được vai trò của mình trong hoạt động này, từ đó các em sẽ có trách nhiệm với tập thể và cùng nhau xây dựng câu lạc bộ hoạt động hiệu quả.

Thứ tư là, tổ chức thi tìm hiểu những giá trị nghệ thuật Hát Dô

 Thi hát Dân ca

              Thi Dân ca cấp trường mang ý nghĩa giáo dục truyền thống với học sinh, tạo sân chơi bổ ích nhằm thu hút các em tham gia các hoạt động tập thể có ý nghĩa, tạo không khí vui vẻ, sôi nổi trong Nhà trường, giúp học sinhbiết được nhiều làn điệu dân ca thông qua biểu diễn và xem biểu diễn trong hội thi. Hội thi là sân chơi nhằm phát hiện các học sinh có năng khiếu về ca hát để có kế hoạch bồi dưỡng tập luyện và tham gia biểu diễn.

Thông qua hội thi sẽ tăng thêm tinh thần đoàn kết của tập thể, các em sẽ có trách nhiệm hơn với mọi người xung quanh. Hội thi hát Dân ca được tổ chức sẽ là sân chơi có tác dụng củng cố kiến thức về dân ca nói chung và Hát Dô nói riêng, giới thiệu tới học sinh trong toàn trường và qua đó thu hút sự yêu thích của các em với một điệu hát của quê hương. Thi hát Dân ca là động lực để các em nhiệt tình tham gia tập luyện, tìm hiểu, tổ chức thi theo các khối lớp và chọn ra các đội nhất, nhì, ba, khuyến khích của các khối lớp, Ban chủ nhiệm mời nghệ nhân Hát Dô cùng với với thầy cô chủ nhiệm tổ chức tập luyện cho các đội tham gia hội thi, để đảm bảo thể hiện được đúng những giá trị và mang tính nghệ thuật cao của một làn điệu quê hương.

 Thi tìm hiểu Hát Dô

Tổ chức thi tìm hiểu về Hát Dô với các nội dung như: Tìm hiểu về Trang phục, đạo cụ, Nghệ nhân Hát Dô, Các làn điệu Hát Dô, Nguồn gốc Hát Dô, Vai trò của Hát Dô đối với người dân Liệp Tuyết, Văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán Liệp Tuyết, Lễ hội truyền thống tại địa phương, Đặt lời mới. Trong nội dung thi đặt lời mới cho một số làn điệu, chúng tôi định hướng cho học sinh về nội dung và lựa chọn các làn điệu phù hợp.

Như vậy chúng ta có thể thấy, ngày nay Hát Dô đã và đang được người dân Liệp Tuyết quan tâm, đã có những lời ca mới được sáng tác để phù hợp với nhu cầu của cuộc sống hiện tại. Đó hầu hết đều là các làn điệu có nội dung ca ngợi sự phát triển của quê hương Liệp Tuyết, những nét đẹp văn hóa của làng quê, ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Chính điều này đã tạo cho Hát Dô gần gũi với nhân dân, tạo nên tính linh hoạt, sinh động và đến được với đông đảo quần chúng. /.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Câu lạc bộ Hán nôm Phủ Quốc (2012), Khánh Xuân Điện Hán Nôm Thư Tịch (Văn bản Hán Nôm đền Khánh Xuân).

2.      Tài liệu của Ban quản lý di tích tỉnh Hà Tây (cũ), Hồ sơ di tích đền Khánh Xuân.

3.      Nguyễn Đăng Hoè và Trần bảo Hưng (1978), Hát Dô hát Chèo Tàu, Ty văn hoá thông tin Hà Sơn Bình.

4.              Hoàng Kiều (2001), Thanh điệu tiếng Việt và Âm nhạc cổ truyền, Viện Âm nhạc.

5.      Ngô Thị Nam (1994), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc tập 1, tập 2, Nxb Hà Nội.

6.      Tú Ngọc (1994), Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc.

7.      Nhiều tác giả (2009), Tài liệu hướng dẫn đưa dân ca vào trường THCS, Nguồn thư viện Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.