Nội san

Vận dụng phương pháp kể chuyện kết hợp sân khấu hóa trong giảng dạy Âm nhạc tại Trường Tiểu học Nguyễn Siêu

27 Tháng Bảy 2014

Nguyễn Thị Hồng Nhung

 

Đổi mới phương pháp dạy học âm nhạc song hành với đổi mới hình thức tổ chức dạy học. Việc lấy người học làm trung tâm nghĩa là tập trung phát huy tính tích cực của người học chứ không phải là tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy. Tuy nhiên, để dạy học theo phương pháp này thì giáo viên phải định hướng cho học sinh và tổ chức các hoạt động để rút ra được kiến thức học sinh cần nắm vững, giúp buổi học thêm sôi động và thoải mái.

Trong những năm gần đây, với sự đổi mới và phát triển vượt bậc của nền kinh tế nước ta, cùng với đó là sự cố gắng cải cách không ngừng của ngành giáo dục, nhiều phương pháp dạy học hiện đại đã được áp dụng vào trong từng tiết học mang lại hiệu quả cao và truyền đạt được nhiều kiến thức tích hợp cho học sinh, đồng thời tạo thêm nhiều hứng thú cho các em khi được học tập và lĩnh hội những tri thức mới theo những phương pháp dạy học mới. Trong đó Phương pháp kể chuyện kết hợp sân khấu hóa được xếp vào một trong những phương pháp dạy học tích cực với bộ môn âm nhạc.

Kể chuyện là phương pháp giáo viên dùng lời của mình để thuật lại một câu chuyện có nội dung gắn liền với nội dung bài hát. Phương pháp này gắn bó chặt chẽ với không gian sân khấu và phương pháp biểu diễn. Theo GS Đặng Vũ Hoạt, “Học sinh tiểu học rất ham thích nghe kể chuyện, với hứng thú rất cao. Những câu chuyện hấp dẫn có thế tác động mạnh mẽ đến nhận thức, gây ra ở học sinh những ấn tượng khó quên, những xúc cảm sâu sắc, làm cho các em có khi ghi nhớ suốt đời” [18, tr. 111]. Trong câu chuyện, giáo viên nêu ra những hình ảnh, tình huống và các nhân vật gắn với lời ca của bài hát. Để thực hiện phương pháp này, giáo viên thường đưa vào những tiết ôn tập giờ học hát, các giờ học không chỉ cố định trong lớp, mà có thể diễn ra ở những địa điểm khác nhau như trên sân khấu của Nhà trường theo yêu cầu của từng bài học. Nhờ có kết cấu nội dung và những nhân vật gắn liền với cuộc sống xung quanh các em, nên sau mỗi giờ học đã mang lại hiệu quả bất ngờ khi dựng tình huống sân khấu phát triển đúng quy luật theo chiều diễn biến tâm lí của trẻ em và đặc biệt phù hợp với nội dung của bài học.

Phương pháp này đã mang đến giờ học âm nhạc đấy lí thú, hấp dẫn học sinh qua nhiều lối diễn khác nhau. Các em nắm vững quá trình vận động, sự phát triển của giai điệu, phối hợp chuẩn xác trong di chuyển trên nền nhịp đầy tính nghệ thuật. Âm nhạc không còn trong khuôn khổ tại lớp (tĩnh) mà kích thích sáng tạo chủ động của học sinh, mỗi giờ học đem lại sự hưng phấn trong mối quan hệ học mà chơi, chơi mà học, giờ học âm nhạc diễn ra nhiều bối cảnh không gian khác nhau mang đến cho các em niềm vui, ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Với những hiệu quả của phương pháp dạy học này nêu ra, chúng tôi tiến hành thực nghiệm sư phạm nhằm  mục đích đánh  giá chất lượng học tập, tiếp thu bài học của học sinh, đồng thời đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng những phương pháp dạy học mới, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học âm nhạc tại Trường Tiểu học Nguyễn Siêu.

1.Đối tượng thực nghiệm

Chúng tôi tiến hành thực nghiệm sư phạm tại hai khối: khối 1 và khối 4. Đối với mỗi khối, chúng tôi chọn ra 2 lớp, trong đó một lớp thực nghiệm và một lớp đối chứng.

 Lớp học thực nghiệm :(1A7, 4A6): ứng dụng những phương pháp dạy học kể chuyện kết hợp sân khấu hóa.

 Lớp học đối chứng : (1A6, 4A5): tổ chức hoạt động bình thường để so sánh hiệu quả học tập với lớp thực nghiệm.

      2. Thời gia, địa điểm thực nghiệm

             Thời gian thực hiện trong học kì I năm học 2013 – 2014.

             Địa điểm tại phòng chức năng, sân trường, sân khấu và trong lớp học.

             Nội dung và chương trình thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT gồm phân môn hát nhạc, ôn tập bài hát, tập đọc nhạc, kể chuyện âm nhạc.

    3. Tiến hành thực nghiệm sư phạm

      Bước 1: Chuẩn bị nội dung kịch bản, đạo cụ sân khấu, không gian địa điểm sân khấu và  những hình ảnh đáp ứng theo yêu cầu của nội dung bài học.

Bước 2: Cho học sinh  nghe lại giai điệu của bài hát, và những hình ảnh có liên quan.

Bước 3: Giáo viên đưa ra nội dung kịch bản và những yêu cầu thể hiện sắc thái có trong bài.

Bước 4: giáo viên làm mẫu.

        Bước 5: Thời gian học sinh chuẩn bị ( thường 5phút)

        Bước 6: Biểu diễn

4. Một số tiết dạy minh họa

 Phân môn Hát nhạc

             Địa điểm: Phòng Âm nhạc

             Đối tượng: 22 học sinh lớp 1A7

             Nội dung: Lớp 1 - Tiết 30: Ôn tập bài hát “Đi tới trường

Các bước tiến hành:

Bước 1: Giáo viên chuẩn bị cặp sách, tranh ảnh liên quan đến hình ảnh trong bài hát, trang phục: nhà sàn, mái trường, suối, nương, tiếng chim hót

Bước 2: Giáo viên cho học sinh hát ôn lại giai điệu, lời ca kết hợp vận động phụ họa đã hướng dẫn học sinh từ tiết trước, yêu cầu học sinh nhớ bài và hình dung được tiến trình diễn.

Bước 3: Các học sinh đóng vai những bạn nhỏ dân tộc miền núi từ ngôi nhà, chào bố mẹ cắp sách đến trường. Trên con đường đi học, các học sinh sẽ lội qua suối, bên cạnh là đồi nương cao, có tiếng chim hót ríu rít, tạo cảm giác vui vẻ, hứng khởi đến trường.  Cùng với bài hát Đi tới trường, học sinh hát và diễn lại theo hình ảnh có trong bài trên nền nhạc. Khi vào vai diễn, học sinh cần tươi cười, thể hiện được niềm vui khi đến trường của các bạn thiếu nhi miền núi.

Bước 4: Giáo viên làm mẫu trước để học sinh quan sát, sau đó, cho học sinh hát ôn lại bài hát 2 - 3 lần, kết hợp với động tác múa và gõ đệm theo phách đã được học ở tiết trước. Nhắc lại nội dung bài học: bài hát nói về niềm vui của các bạn nhở miền núi khi đến trường.

Bước 5: Giáo viên  đưa ra khoảng thời gian 5 phút để các nhóm tự tập ôn lại.

Bước 6: Biểu diễn: Học sinh xung phong thể hiện.

Ảnh: Học sinh hóa thân thành các bạn dân tộc miền núi trong bài hát Đi tới trường (Nguồn: tác giả )

 

Phân môn Kể chuyện âm nhạc

             Địa điểm: Phòng học âm nhạc

             Đối tượng: Lớp 4A6

             Nội dung: Lớp 4 - Tiết 4: Kể chuyện âm nhạc: Tiếng hát Đào Thị Huệ

Các bước tiến hành:

            Bước 1: Giáo viên chuẩn bị đạo cụ và trang phục, bức tranh đã chuẩn bị theo nội dung trong truyện.

            Bước 2: Giáo viên kể chuyện

            Bước 3: Giáo viên đặt một số câu hỏi để củng cố nội dung.

            Bước 4: Giáo viên mời học sinh lên thuật lại câu chuyện

            Bước 5: Giáo viên yêu cầu học sinh nhớ và hóa thân thành nhân vật trong truyện để diễn lại toàn bộ nội dung câu truyện.

            Bước 6: Thời gian Học sinh chuẩn bị, thảo luận.

            Bước 7: Học sinh trình bày.

            Bước 8: Học sinh nói lên cảm nhận và suy nghĩ của mình về câu chuyện và những nhận vật được hóa thân. Yêu cầu học sinh nói lên ý nghĩa và bài học rút ra từ câu chuyện vừa được học.

Kết quả thực nghiệm

            Quan quan sát những tiết học thử nghiệm, tác giả nhận thấy học sinh rất yêu thích, say mê môn âm nhạc. Mặc dù những tiết học đầu còn bỡ ngỡ, chưa quen, nhưng với nỗ lực, sự say mê học hỏi, phần lớn học sinh đều bày tỏ thái độ đồng tình, hợp tác với giáo viên.

            Phân tích từ góc độ quan sát thực tế thì các phương pháp mà tác giả thực nghiệm là phù hợp với năng lực của học sinh, cần thiết trong quá trình giảng dạy môn Âm nhạc, tạo sự hứng thú, tìm tỏi, kích thích khả năng sáng tạo, khơi dậy nguồn cảm hứng và cảm thụ Âm nhạc ở mỗi học sinh, giúp học sinh có cơ hội được trải nghiệm, được thực hành trong quá trình tiếp thu những kiến thức và kỹ năng mới.

Sau đây là kết quả học tập của các khối lớp (lớp thực nghiệm, lớp đối chứng):

Kết quả

Lớp

Hoàn thành tốt (A+)

Hoàn thành (A)

Không hoàn thành

Lớp thực nghiệm

75.7%

24.4%

00.0

Lớp đối chiếu

60.6%

39.4%

00.0

 

Từ những kết quả trên, chúng tôi nhận thấy sau một học kỳ thực nghiệm ứng dụng những phương pháp dạy học tích cực đã phát huy được hiệu quả trong công tác giảng dạy của giáo viên cũng như sự hưởng ứng, nhiệt tình tham gia của các học sinh. Những phương pháp dạy học mới thực sự mang lại niềm vui và say mê học tập ở học sinh, học sinh không còn nhàm chán khi được học những bài hát mới mà trái lại thông qua trải nghiệm những cách học mới, được tiếp xúc với những kỹ năng mới, học sinh trở nên yêu thích hơn, được vận động và được thể hiện bản thân với những hiểu biết của mình qua những bài học, những câu chuyện và những nhân vật các em được hóa thân thể hiện biểu diễn. Như vậy, giờ học âm nhạc không chỉ diễn ra tại lớp mà còn được thực hiện ở nhiều không gian khác nhau đã mang đến cho học sinh những điều thú vị và những cảm xúc âm nhạc thăng hoa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ giáo dục và đào tạo (2003), Nghệ thuật, Sách giáo viên 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Bộ giáo dục và đào tạo (2003), Nghệ thuật, Sách giáo viên 2, Nxb Giáo   dục, Hà Nội.

3. Bộ giáo dục và đào tạo ( 2004), Tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy các môn  học lớp 3 - Tập một, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Bộ giáo dục và đào tạo (2004), Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đổi mới quản lí giáo dục tiểu học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Bộ giáo dục và đào tạo (2007), Phương pháp dạy học các môn học ở lớp 5 tập một, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6.Bộ giáo dục và đào tạo (2009), Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học ở tiểu học, Nxb Giáo dục, Hà Nội

7.Đặng Vũ Hoạt (2008), Giáo dục tiểu học I, Nxb ĐH Sư Phạm, Hà Nội.