Nghiên cứu lý luận

Đào tạo sư phạm nghệ thuật - Một lĩnh vực đặc thù của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW

23 Tháng Bảy 2015

PGS.TS. Hà Thị Hoa

 

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ĐHSP Nghệ thuật TW) là trường đại học sư phạm nghệ thuật đầu tiên, có bề dày truyền thống đào tạo giáo viên cho ngành giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam và một số nước thuộc Đông Nam Á. Hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, từ một trường Trung học, ngày 26 tháng 5 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 117/206/QĐ - TTg thành lập Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Việc chuyển đổi đó thể hiện sự quan tâm, đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với vai trò của giáo dục nghệ thuật trong sự nghiệp giáo dục nước nhà. Điều đó cũng có nghĩa: Vai trò, trách nhiệm của tập thể cán bộ, giảng viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW vô cùng lớn lao. Thầy và trò của Nhà trường luôn ý thức được nhiệm vụ giảng dạy và đào tạo các thế hệ thầy cô giáo nghệ thuật cho tương lai là cả quá trình vinh quang nhưng không kém phần khó khăn.

Trong những năm qua, Nhà trường đã đào tạo có chất lượng, cung cấp hàng ngàn giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật nói riêng, Văn hóa nghệ thuật (VHNT) nói chung cho các trường từ Tiểu học, Trung học cơ sở, đến Trung cấp và Cao đẳng VHNT… trong cả nước. Đội ngũ giáo viên này đã và đang phát huy rất tốt những kiến thức căn bản mà họ được đào tạo vào thực tiễn, góp phần không nhỏ việc nâng cao chất lượng giáo dục của nước nhà. Chính vì vậy, năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tin tưởng giao nhiệm vụ cho Trường được phép đào tạo ở trình độ sau đại học. Đặc biệt, ngày 30/01/2015 vừa qua, Bộ GD&ĐT ký quyết định cho phép Nhà trường đào tạo ở bậc Tiến sĩ. Đây là niềm tự hào, vinh dự rất lớn lao của trường ĐHSP Nghệ thuật TW, đồng thời thể hiện niềm tin tưởng của xã hội cũng như các cấp quản lý lãnh đạo Bộ GD&ĐT đối với Nhà trường.

 

Là một cơ sở thuộc khối trường đào tạo sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT, trường ĐHSP Nghệ thuật TW mang tính chất đặc thù rất cao: đào tạo chuyên ngành Sư phạm nghệ thuật. Sự khác biệt đó đã đem lại những thuận lợi cũng như không ít khó khăn cho Nhà trường: từ công tác quản lý, kế hoạch đào tạo, cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, khảo thí đến kiểm định chất lượng, đặc biệt là đội ngũ giảng viên.

Nói đến chất lượng đào tạo của một cơ sở giáo dục đại học, không thể không nói tới vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ giảng viên. Luật Giáo dục (Điều 15 chương I) nêu rõ: "Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện, nêu gương tốt cho người học. Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, có chính sách bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện nhiệm vụ của mình…". Đội ngũ giảng viên có tầm quan trọng vào bậc nhất, có tính quyết định sống còn, tồn tại và phát triển bền vững của một trường. Bởi vì, giảng viên là những nhà tri thức được đào tạo chuyên môn bài bản, có điều kiện thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn sâu, người trực tiếp định hướng, khai trí, luyện rèn, trao truyền, trao đổi, điều chỉnh, thích ứng, kiểm tra, đánh giá, định lượng… trí tuệ, tài năng, kiến thức của học trò một cách chính xác nhất. Đồng thời người thầy lại trực tiếp tổ chức triển khai suốt quá trình dạy học nên họ có điều kiện tiếp xúc, quan sát, điều chỉnh từ nội dung và hình thức, thời gian, không gian cho đến việc lượng hóa kiến thức của từng bài học, tiết học,… họ cũng là người tham gia trực tiếp xây dựng chương trình, giáo trình, thiết kế giáo án, bài giảng, đề cương...

Sự tâm huyết của người thầy cùng với những kiến thức uyên bác, chuyên sâu và định hướng đúng đắn của mục tiêu chương trình, lượng hóa kiến thức phù hợp đối với người học, đặc biệt có phương pháp khơi gợi, truyền tải kiến thức sâu sắc từ thầy đến với trò thì chắc chắn người thầy đó sẽ có nhiều học trò giỏi. Và ngược lại, nếu người thầy có kiến thức chuyên môn sâu sắc, nhưng không có phương pháp giảng dạy tốt thì những kiến thức đó sẽ bị đóng băng, mai một dần.

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW luôn xác định đội ngũ giảng viên là then chốt, quyết định đến chất lượng đào tạo của Nhà trường. Hiện nay Nhà trường có 100% giảng viên cơ hữu ở trình độ cao học, trong đó có 01 GS.TSKH, 06 PGS.TS, trên 20 TS, 15 NCS, 157 ThS; 100% số giảng viên trên đều tham gia nghiên cứu khoa học. Đây là đội ngũ tri thức đã và đang cống hiến xây dựng sự phát triển chất lượng, thương hiệu của Nhà trường. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên có trình độ cao đã trực tiếp tham gia giảng dạy ở trình độ Sau đại học. Đó là những giảng viên có trình độ chuyên sâu, có kinh nghiệm, có phương pháp giảng dạy tốt, tâm huyết, trách nhiệm với nghề…Điều này được minh chứng ở các khâu như: Xây dựng chương trình, thảo luận, thẩm định, duyệt đề cương, thảo luận bộ môn cho đến giảng dạy trên lớp của từng môn học.

Những năm gần đây, Trường luôn chú trọng tới công tác đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên. Bởi ở một trường sư phạm, cần phải xem xét đây là một trường dạy nghề đặc biệt - nghề dạy học. Đào tạo giáo viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tinh thông nghề dạy học nghệ thuật ở bậc học phổ thông, ngoài ra sinh viên, học viên của Nhà trường sau khi tốt nghiệp có thể nghiên cứu học tiếp ở trình độ sau đại học để trở thành những nhà nghiên cứu, quản lý về giáo dục và đào tạo văn hóa nghệ thuật tại các trung tâm, viện, đoàn, nhà hát... Nhà trường tổ chức thi nghiệp vụ sư phạm cho các giáo sinh Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật; Tham gia tích cực các cuộc thi về Nghiệp vụ Sư phạm do Bộ GD&ĐT tổ chức và đạt kết quả cao; Cung cấp nguồn các giảng viên dạy giỏi để Bộ GD&ĐT tuyển chọn tham gia làm ban giám khảo chấm thi giáo viên dạy giỏi hệ Trung học chuyên nghiệp toàn quốc; Mở các lớp tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nghệ thuật cho giảng viên, sinh viên trong và ngoài trường tham gia học tập …

 

Xác định rõ đối tượng giảng viên của Nhà trường là giảng dạy ở lĩnh vực đặc thù, đào tạo ra những người thày làm công tác giáo dục nghệ thuật, đó là những khác biệt về mục tiêu đào tạo của Nhà trường với các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật khác như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội, Cao đẳng Múa Việt Nam… Các cơ sở này đào tạo nghề ở cấp độ cao, cung cấp cho xã hội những nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật. Trường ĐHSP Nghệ thuật TW mục tiêu đào tạo người học biết cảm thụ nghệ thuật, biết phân tích và lan tỏa cái đẹp của cuộc sống với cộng đồng xung quanh.  Giá trị của nghệ thuật được minh chứng thông qua các tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu...truyền thống và hiện đại của nhân loại nói chung, của dân tộc Việt Nam nói riêng được Nhà trường tổng hợp, lựa chọn đưa vào chương trình giảng dạy một cách căn bản. Đồng thời, những phương pháp khai thác giá trị nghệ thuật, lối truyền thụ kiến thức cốt yếu của nghệ thuật, cách cảm thụ cái đẹp trong nghệ thuật… được đúc kết có sáng tạo thành hệ thống thành lý luận và ứng dụng vào thực tiễn trong quá trình đào tạo. Từ những kiến thức cơ bản về phương pháp, cách thức cảm nhận giá trị nghệ thuật đó, học viên, sinh viên của Nhà trường sau khi ra trường sẽ làm nghề giáo dục nghệ thuật cho các cộng đồng cư dân làng bản, nhà máy, công ty, đặc biệt học sinh các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp, sinh viên các trường cao đẳng, đại học… trên cả nước. Nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của các cộng đồng, giúp họ biết đánh giá, nhận thức đúng đắn về giá trị nghệ thuật của nhân loại, đặc biệt những giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Từ đó, góp phần xây dựng, bồi dưỡng cho các cộng đồng cư dân và các em học sinh lòng tự hào dân tộc, tình yêu giá trị nghệ thuật dân tộc và tình yêu quê hương đất nước.  

            Với mục tiêu đào tạo của trường ĐHSP Nghệ thuật TW như đã nói ở trên thì việc phân tích thấu đáo tính chất đặc thù nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên dạy nghệ thuật là vô cùng cần thiết, đòi hỏi sự nhìn nhận về những gian khổ, khó khăn chuyên biệt của nó mà các cấp ngành, nhà quản lý có chính sách, định hướng, khai thác, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sao cho phù hợp thì mới có hiệu quả.

Thực tế đào tạo của trường ĐHSP Nghệ thuật TW có các chuyên ngành hết sức đa dạng, các lĩnh vực chuyên ngành như Thanh nhạc (Cổ điển, Dân gian, Nhạc nhẹ), Nhạc cụ (Piano, Ghita, Organ, Kèn, Trống, các nhạc cụ dân tộc…), Biểu diễn (sân khấu Kịch nói, sân khấu truyền thống…), Múa (dân gian, hiện đại), Mỹ thuật (Trang trí, Điêu khắc, Hội họa, Sơn mài, Giải phẫu…), Đồ họa (Thiết kế, Vẽ…), Thiết kế thời trang (Thiết kế trang phục, Thiết kế phụ kiện,…), Lý luận (Lịch sử, Phân tích, Mỹ học…),... đội ngũ giảng viên phải đáp ứng các yêu cầu đặc thù của từng chuyên ngành nghệ thuật. Đi theo là cơ sở vật chất phục vụ tính chuyên biệt như: phòng học cách âm (môn Nhạc cụ, Ký xướng âm) ánh sáng tự nhiên phải đủ và đẹp để vẽ (môn Hình họa), đồ dùng dạy học cũng hết sức đặc biệt như: không phải là máy chiếu hay bảng phấn thông thường… mà chính là hình thể của người thày (môn Múa và Hình thể, biểu diễn), cơ địa, sức khỏe, cổ họng, thanh đới của người thày (môn Thanh nhạc )… Hình thức tổ chức học các môn thực hành không đại trà như các môn lý luận từ 50 sinh viên trở lên, mà chỉ một thày - một trò, hoặc nhóm sinh viên từ 10 đến 15 người… chưa kể, các thiết bị phục vụ dạy học như trang phục, đạo cụ, sân khấu, phấn hóa trang, màu vẽ, giá vẽ, ánh sáng, âm thanh,… một loạt các yếu tố đòi hỏi tốn kém về tiền của, mất sức về dịch chuyển, đặc biệt kỹ năng, kỹ xảo xử lý các thiết bị, đồ dùng dạy học người thày phải thành thạo, thậm chí phải làm mẫu nhiều lần trong một tiết dạy.

Như trình bày ở trên, vai trò, phương pháp dạy học của người thầy trong dạy học nghệ thuật là vô cùng quan trọng. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa kiến thức nội dung với đồ dùng dạy học, các phương tiện dạy học của người thầy là cả một nghệ thuật. Đây cũng chính là phối hợp giảng dạy theo phương pháp tích hợp kiến thức (lý luận, thực hành, làm mẫu…) từ kiến thức của nhiều môn học, chuyên ngành khác để khai thác chuyên môn, những thế mạnh của các môn học đó làm phong phú, sâu sắc cho môn học của mình. Cho nên, việc thường xuyên nâng cao kiến thức năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên ở trường ĐHSP Nghệ thuật TW luôn được coi trọng là cần thiết và cấp bách.

Đáp ứng với nhu cầu đổi mới toàn diện về giáo dục nói chung, giáo dục nghệ thuật nói riêng, Nhà trường đã tiến hành một số hoạt động như: Rà soát trình độ sư phạm của các giảng viên để có kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo tiếp theo; Phát động phong trào xây dựng trường học thân thiện, đoàn kết, chất lượng và phát triển; Định hướng và khuyến khích các giảng viên giảng dạy theo hướng tích hợp môn học. Đồng thời, Nhà trường đã rà soát, điều chỉnh gộp một số môn học có nội dung gần với nhau, các chương trình đào tạo được khai thác và mở rộng theo hướng chuyên ngành; Tổ chức đào tạo theo hình thức tín chỉ; Tập trung nghiên cứu xây dựng tài liệu bộ môn để phục vụ ứng dụng ngay vào đào tạo. Trên cơ sở đó, Nhà trường cần có những lớp tập huấn nâng cao kiến thức liên quan chuyên ngành như về tâm lý học, văn hóa học, mỹ học, dân tộc học, nghệ thuật học… để trang bị tốt hơn những kiến thức về khoa học giáo dục đại học cho đội ngũ giảng viên nghệ thuật đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục nước nhà.

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW với sứ mệnh đào tạo các thế hệ giáo viên nghệ thuật cho học sinh phổ thông và các trường văn hóa nghệ thuật trên cả nước, để hoàn thành sứ mệnh đó thì đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường luôn cố gắng trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm để hoàn thiện kỹ năng giảng dạy nghệ thuật. Chúng tôi mong rằng, Bộ GD&ĐT quan tâm, có chính sách đầu tư đặc biệt cho trường ĐHSP Nghệ thuật TW, từng bước tạo điều kiện để Nhà trường phát triển cả về quy mô và chất lượng đào tạo cao hơn nữa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Chương trình Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học, cao đẳng (Ban hành theo Quyết định số 61/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, ngày 16 - 10 - 2007).

2.    Chủ tịch nước CHXHCNVN (1998), Luật giáo dục (Số 09L/CTL), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3.    Nguyễn Văn Huyên (2005), Nghiệp vụ sư phạm và sứ mệnh của chúng, Kỷ yếu Hội thảo đổi mới GDĐHVN, Hội nhập và thách thức, Hà Nội.

4.    Nguyễn Văn Khải (2005), Dạy học các môn nghiệp vụ sư phạm theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của sinh viên, Tạp chí Giáo dục, số 113.

5.    Trần Quốc Thành (2006), Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên để nâng cao tay nghề cho sinh viên các trường sư phạm, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 60 năm ngành sư phạm, Trường ĐHSP Hà Nội.