Nội san

Không gian lễ hội trong tranh Sơn mài Việt Nam

23 Tháng Bảy 2015

ThS. Lê Huy Thục

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

 

Lễ hội là một trong những hoạt động phản ánh rõ nét nhất những sinh hoạt văn hoá của một cộng đồng cư dân trong một không gian cụ thể, là môi trường tốt để lưu giữ những giá trị truyền thống qua các thời đại. Lễ hội là đề tài khơi nguồn cảm hứng sáng tạo của biết bao nghệ sĩ. Màu sắc, không gian lễ hội thể hiện cái nhìn độc đáo của người họa sĩ trước cuộc sống. Những gam màu mạnh như đỏ, vàng, tím, xanh được thể hiện qua lọng, kiệu, cờ, trang phục mớ ba mớ bảy, yếm thắm thắt lưng xanh, lưng hồng đặc sắc trong lễ hội… tạo n nét đặc trưng của lễ hội. Chính những cảm xúc về màu sắc, nhịp điệu,… của lễ hội đã giúp cho các họa sĩ có ý tưởng để sáng tác. Đã có nhiều tác phẩm hội họa thể hiện không gian lễ hội Việt Nam bằng các chất liệu khác nhau, trong đó có chất liệu sơn mài.

 

Sơn mài là một chất liệu hội họa đặc biệt. Từ một chất liệu được sử dụng trong mỹ nghệ truyền thống, sơn mài đã được các nghệ nhân Việt Nam tìm tòi, nghiên cứu đưa vào hội họa. Nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam đã tiếp thu và sáng tạo không ngừng để tranh sơn mài Việt Nam trở thành những tác phẩm hội họa có chất liệu độc đáo. Bảng màu sơn mài ngày càng phong phú và tạo được sự hấp dẫn, tạo niềm đam mê với các họa sĩ. Nếu trước kia, bảng màu sơn mài chỉ gồm có: đỏ, đen, vàng, bạc, thiếc, trai hay màu trắng vỏ trứng thì sau này, sơn mài hiện đại đã phong phú hơn khi với những sắc xanh lục, xanh lam, cánh sen…  Là chất liệu hội họa hấp dẫn nhưng không phải là một chất liệu dễ vẽ. Để chất liệu này thực sự làm nên những điều kỳ diệu, phải cần đến bàn tay với kỹ thuật điêu luyện cùng sự sáng tạo của người họa sĩ. Bức tranh hoàn thiện cần rất nhiều thời gian, có thể là hàng tháng, hàng năm, thậm chí là nhiều năm trời. Sơn được vẽ nhiều lớp thì khi mài màu sắc hiện lên mới đẹp, huyền bí, lộng lẫy. Sơn then đen bóng, sâu thẫm đến vô cùng. Sơn cánh gián trong veo, óng ả. Phủ lên các màu vàng, màu bạc sẽ làm cho các màu sắc biến đổi tạo thành những sắc màu lung linh, huyền ảo. Qua thời gian, các tác phẩm trở nên mờ ảo, rực rỡ, hợp thành những mảng chìm nổi trên bức tranh.

Có thể nói, trong nghệ thuật tạo hình, sơn mài đóng vai trò hàng đầu về chất liệu truyền thống của nền hội họa Việt Nam. Đến với thế giới, tranh sơn mài Việt Nam cũng được đặc biệt chú ý vì nó có sắc thái riêng biệt và biểu hiện tính dân tộc đậm nét. Đặc biệt, không khí lễ hội là một chủ đề lớn được thể hiện qua nhiều tác phẩm thuộc chất liệu sơn mài của các họa sĩ như: Trần Trung, Trần Đốc, Trần Văn Bình, Trần Đức Bảo, Lê Ngọc Hân, Mai Văn Kế,… Các tác phẩm đã cho chúng ta thấy  được sự phong phú, đa dạng về cách nhìn, cách thể hiện, cách tiếp cận đề tài, kỹ thuật biểu hiện trên cùng một chất liệu của các họa sĩ Việt Nam.

            Trong các họa sĩ đi tìm vẻ đẹp của lễ hội có Trần Trung- người họa sĩ theo đuổi sơn mài và thành công qua một loạt tranh sáng tác về Kinh Bắc - quê hương của tác giả. Những mảng màu vàng, đỏ trong tranh của Trần Trung óng ả, lấp lánh tạo sự đan xen, hòa quyện vào nhau. Khi nét vẽ mảnh mai kết hợp nhiều đường thẳng, đường cong tạo dáng hình nghiêng ngả, chập chờn bay lượn khiến ta như thấy được nhịp động, độ chồng xốp và những mảng màu sâu hút rất tài tình. Gần gũi với cuộc sống và nặng chất thơ, tranh của Trần Trung luôn mang đến cho người xem những cảm giác vừa sôi nổi như chính không gian lễ hội vừa êm đm, nhẹ nhõm như cái tình của người quan họ. Bức tranh Lấp lánh Kinh Bắc là một tác phẩm như vậy.

 

“ Lấp lánh kinh Bắc” ( Sơn mài) - Trần Trung

 

Với chất liệu sơn mài khổ lớn (2,4m x 4,8m), bức tranh Lấp lánh Kinh Bắc tái hiện sinh động không gian văn hóa Kinh Bắc qua các hoạt cảnh từ các hoạt động lễ hội như: đánh đu, đấu vật, hát quan họ, kéo co… trên phông nền các công trình kiến trúc nổi tiếng như: chùa Dâu, chùa Bút Tháp…. Những liền anh liền chị trên thuyền rồng, những trò chơi dân gian như kéo co được tác giả vẽ ở phần trung tâm của bức tranh. Trần Trung đã rất tài tình khi đưa hình ảnh Vua Lý Công Uẩn và hình ảnh những họa tiết cổ như chim Hạc vào để khai thác cho không gian mở ra rộng lớn hơn. Những cảnh đánh đu không được mô tả thực mà đã được làm cho huyền ảo hơn, đất trời như rộng mở hơn và cú đánh đu dường như đưa 2 người bay lên chín tầng mây xanh. Tình tứ, kín đáo, e ấp và hấp dẫn là những gì mà chúng ra thấy khi tác giả vẽ những đôi nam nữ. Khi khai thác về đề tài quan họ, họa sĩ rất chú trọng miêu tả tình yêu đôi lứa của người quan họ. Với Trần Trung, đây là điều cốt lõi để anh khai thác một cách khéo léo các góc cạnh tâm lý. Những chân dung được biểu cảm tinh tế trong từng ánh mắt, trong sự e ấp, nhớ nhung da diết của tình yêu. Với cách khai thác hình tượng nhân vật là chủ yếu nhưng tác giả đã giúp người xem thấy được một không gian lễ hội hay những đặc trưng của vùng Kinh Bắc. Đây chính là điểm khác biệt của Trần Trung với các lớp họa sĩ trước (thường là thiên về hình tượng nghệ thuật và vẽ tranh theo lối thấu thị tẩu mã).

       Với bảng màu tự nhiên đa sắc, với những kỹ thuật phủ màu, chồng màu, đắp màu, dát vàng, phủ bạc và kẹt trứng, với kỹ thuật mài, Trần Trung đã tạo được những kỹ thuật đặc thù độc đáo, đặc sắc của tranh sơn mài Việt Nam. Với hai màu chủ đạo của lễ hội vùng đồng bằng sông Hồng đã được tác giả khai thác triệt để: đỏ, vàng. Trong Lấp lánh Kinh Bắc, màu đỏ, vàng được phân bố hợp lý, được hòa lẫn vào không gian trời, núi, đình chùa, đền tháp và con người. Hai màu chủ đạo này hầu như luôn xuất hiện, thắm thiết, hòa quyện lấy nhau, khi cái này, khi cái kia, làm nền tôn cho nhau nổi bật.Với cách tạo hình mảng miếng, khai thác trang phục, tác giả đã khéo léo sắp xếp để chúng ta thấy được cái đẹp, cái duyên trữ tình của những cô gái quan họ. Những màu đen, đỏ là điểm mạnh của sơn mài cũng được tác giả khai thác tạo nền và những mảng đậm cho tranh. Ngôn ngữ của màu sắc được tự do hội tụ, tỏa sáng và đọng lại qua ngôn ngữ tạo hình để lột tả hết tâm cảm của người quan họ.

 

Tác phẩm Lễ hội ngàn năm của tác giả Trần Đốc toát lên vẻ đẹp tôn nghiêm, cổ kính, mang đậm màu sắc dân tộc với những lễ hội dân gian: Võ, trống giàn, múa rồng, múa quạt, múa nón... Trung tâm của bức tranh là Khuê Văn Các nằm trong khu di tích lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nhịp chính là các tia sáng, mảng sáng đan xen với kết cấu các kiểu kiến trúc từ xưa tới nay, không theo không gian thật, mà dường như đã có sự sắp xếp theo chiều dài, chiều sâu của thời gian. Phía trái là gò Đống Đa lịch sử, tiếp đến Tháp Rùa cổ kính, Bút Tháp, Khuê Văn Các,  kiến trúc cổ khu nội thành, Cột Cờ, Nhà Hát Lớn và nhiều di tích lịch sử bi thương và hùng tráng như bia căm thù ở phố Khâm Thiên, nhà tù Hỏa Lò, xác máy bay B52. Dãy cờ nhiều nước trên thế giới biểu hiện quan hệ ngoại giao của Việt Nam ngày càng phát triển. Nổi bật trong tranh là những mảng sáng vàng rực chuyển từ góc trái sang góc phải tạo sự chuyển động, tiếp diễn. Đội múa rồng hướng lên bức ảnh Bác Hồ bồng cháu thiếu nhi biểu hiện lòng thành kính với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Hai bên bức tranh là bản trích “Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn năm 1010 trên nền đen sáng bóng càng tôn thêm vẻ đẹp uy nghi của hai mảng màu chủ đạo là đỏ và vàng.

 

Lễ hội ngàn năm” ( Sơn mài ) - Trần Đốc

 

Người xem tranh sơn mài của Trần Đốc có cảm giác như những hình ảnh sống động, có chiều sâu đằng sau những mảng màu ấm, nóng, nét vẽ bay, mềm mại. Với phong cách nghệ thuật tôn trọng tự nhiên, đồng thời khai thác theo lối cách điệu, vừa hiện thực vừa siêu thực, ông chỉ vẽ những gì mình cảm thấy. Sự cảm thấy ở đây chính là yếu tố phát hiện, tìm tòi trong sáng tác, tạo ra một không gian lễ hội mang bản sắc riêng của người họa sĩ.

Tác phẩm Ngày hội của Mạnh Quỳnh lại hấp dẫn người xem bởi hình tượng chủ đạo là hình ảnh ba cô gái trong trang phục truyền thống đi dự hội. Nhẹ nhàng, uyển chuyển và thướt tha trong tà áo dài, các cô gái càng hấp dẫn hơn khi tác giả dùng hai màu đỏ - vàng (màu của lễ hội) để miêu tả. Bức họa còn độc đáo trong việc gợi không gian chùa chiền. Không cần đến không gian rộng lớn hay đông đúc người dự hội, bức tranh Ngày hội vẫn cho chúng ta thấy được không khí vui tươi của ngày hội. Làm nên được điều đó là nhờ tài năng của người họa sĩ trong việc bố cục mảng khối, phát huy thế mạnh màu sắc của sơn mài,..

 

“Ngày hội” (Sơn mài) - Mạnh Quỳnh

 

Vẽ theo lối không gian đồng hiện, chúng ta biết đến tác phẩm Quê hương của nhóm họa sĩ Trần Văn Bình, Trần Đức Bảo, Lê Ngọc Hân, Mai Văn Kế. Với lối miêu tả đồng hiện, các tác giả đã miêu tả một không gian rộng lớn với những hình ảnh lễ hội và các trò chơi dân gian. Các họa sĩ thật khéo léo khi trên một nền vóc, đã khai thác được nhiều hình ảnh lễ hội khác nhau ở Bắc Bộ như: Ô quan chưởng Hà Nội, vùng Kinh Bắc, Đền Hùng… hay phong cảnh của miền sông nước Nam Bộ Không gian lễ hội được tái hiện đầy đủ và cụ thể trong cách bố cục, cách dùng màu đỏ, vàng được đan xen, hòa quyện vào không gian rộng lớn của thiên nhiên, trời đất. Con người như hòa quyện vào nhau và càng thơ mộng hơn khi hình ảnh những cánh cò được tác giả điểm xuyết trong tác phẩm. Sơn khắc hay sơn mài có điểm giống và khác nhau nhưng chung lại, các tác phẩm đều rất thích hợp để miêu tả không gian lễ hội sôi nổi, đầy màu sắc và trang trọng theo lối đồng hiện hay miêu tả nhóm nhân vật.

 

Quê hương” (sơn khắc) - nhóm bốn tác giả

Trần Văn Bình, Trần Đức Bảo, Lê Ngọc Hân, Mai Văn Kế

 

Lễ hội - một phần của đời sống, nhất là đời sống tâm linh và là đề tài khơi nguồn cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ từ bao đời. Đề tài lễ hội được thể hiện qua ngôn ngữ của hội họa, đặc biệt hấp dẫn ở chất liệu sơn mài. Những tác phẩm nghệ thuật ấy không chỉ là những đứa con tinh thần của người họa sĩ mà còn là cách để chúng ta lưu giữ lại những không gian văn hóa làng quê qua những tác phẩm đầy màu sắc và ý nghĩa.